Chia sẻ

Tre Làng

Điện Biên Phủ cơn dư chấn trong lòng quân đội Sài Gòn

Ông Sáu Hoàng là người viết báo nổi tiếng ở miền Nam suốt thời giặc Mỹ chiếm đóng. Ông quen biết nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội Sài Gòn và cả cố vấn Mỹ. Khi viết về vấn đề gì thuộc về miền Nam trước giải phóng, tôi thường đến ông xin tư liệu. Là người hết sức lịch lãm, khiêm tốn, ông giúp đỡ tôi rất tận tình. Có những tư liệu đáng ra, với người viết cần cất giữ để dùng, ông vẫn chia sẻ với tôi. Trong một lần trò chuyện với ông xoay quanh những bài học lịch sử về Điện Biên Phủ, tôi hỏi:

– Thưa ông! Có người kể rằng nhiều viên tướng quân đội Sài Gòn thường lấy Điện Biên Phủ để làm bài học răn dạy binh sĩ?

Ông nói:

– Điện Biên Phủ là nỗi ám ảnh kinh hoàng, là cơn dư chấn hết sức dữ dội trong lòng tướng tá quân đội Sài Gòn. Không ít lần nói chuyện với binh sĩ và cấp dưới, ngay cả những nhân vật cỡ bự như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cao Kỳ… cũng đều nhắc tới Điện Biên Phủ…

Quân giải phóng đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tái hiện sức mạnh của trận Điện Biên Phủ 21 năm trước. Ảnh tư liệu

Rồi ông kể tiếp: một lần, sau khi giữ chức Thủ tướng bù nhìn, Nguyễn Khánh đến thăm Liên đoàn Thiết giáp. Đơn vị này vừa được Mỹ trang bị xe cơ giới, xe lội nước, vũ khí hạng nặng… hết sức hiện đại. Đây là đơn vị có nhiều sĩ quan được đào tạo từ Mỹ về. Buổi lễ đón Nguyễn Khánh tại đơn vị được tổ chức hết sức phô trương. Khán đài danh dự được trang trí sang trọng, có cả đội duyệt binh. Nguyễn Khánh với dáng lùn mập bước đến bục, mở đầu bài phát biểu: “Thưa các chiến hữu! Chúng ta đã được Hoa Kỳ viện trợ binh khí, kỹ thuật tối tân hiện đại. Tôi mong rằng chúng ta không bao giờ bị xảy ra một Điện Biên Phủ thứ hai ở miềnNam này”. Khí thế của đám binh lính lập tức ỉu xìu xuống như bóng xì hơi. Nhắc đến Điện Biên Phủ là bọn chúng run sợ. Câu nói ấy được các phóng viên bình luận là đòn phủ đầu vô cùng xui xẻo đối với đơn vị này nói riêng và cả quân đội Sài Gòn nói chung. Sau này, để bào chữa cho cái miệng dại dột của mình, Khánh ta đã biện minh rằng, đó chỉ là lời nhắc nhở để cấp dưới và binh sĩ cảnh giác.

Tướng Cao Văn Viên, Tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng vậy. Trong một chuyến đến thăm nhằm cổ vũ khí thế cho Sư đoàn 18 đang đối mặt với cuộc tổng tấn công của quân giải phóng, viên tướng được coi là văn võ song toàn này đã nói rằng “Chúng ta có nguy cơ sẽ như quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nếu các chiến hữu không xả thân”. Câu nói tưởng gàn dở ấy lại là điềm báo rất chính xác, vì chỉ mấy tuần sau, cái sư đoàn được coi là bức tường thép cửa ngõ Sài Gòn ấy đã bị đánh tơi tả, cả bộ tham mưu và binh sĩ chạy bán sống bán chết về Sài Gòn.

Năm 1990, Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt cuốn sách “Tuần lễ dài nhất của Sư đoàn Trừng Giới” của Lê Hiểu Ánh, từng là tùy viên báo chí của tướng Nguyễn Duy Hinh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, còn gọi là Sư đoàn “Trừng Giới”. Tướng Hinh được Nguyễn Văn Thiệu coi là một tướng tài, có bản lĩnh chỉ huy nhất của quân đội Sài Gòn. Hắn xuất thân là một giáo sư (thời đó giáo viên cấp một cũng được gọi là giáo sư). Hinh dạy tiểu học nhưng có bằng tú tài toàn phần. Vào lính, hắn được học khóa sĩ quan trù bị ở Thủ Đức, cùng khóa với Nguyễn Cao Kỳ. Hinh từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Trung đoàn trưởng Thiết giáp, Tư lệnh biệt khu Quảng Đà, Tư lệnh phó Quân đoàn 4, một trong những quân đoàn lớn nhất, được coi là mạnh nhất của quân đội Sài Gòn, và cuối cuộc chiến tranh, năm 1972, khi Nguyễn Văn Thiệu thành lập Sư đoàn 3, Hinh được giữ chức Tư lệnh Sư đoàn. Trong cuốn sách này, Lê Hiểu Ánh đã thuật lại lời tướng Hinh trong ngày ra quân thực hiện nhiệm vụ giữ vững phòng tuyến Quảng – Đà của sư đoàn: “Tôi không muốn trở thành một Đờ Cát. Chúng ta không thể chịu chung số phận như quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Hoặc là chúng ta giữ được, hoặc là chúng ta chết ở đây… Chúng ta đừng để diễn ra như Điện Biên Phủ. Nếu Cộng sản tấn công, hãy vượt qua xác tôi mới vào được Đà Nẵng”. Đâu dè, cuối tháng 3 năm 1975, Hinh cùng Sư đoàn 3 của hắn bị quân giải phóng đánh cho tan tác. Hắn và Bộ tham mưu sư đoàn chạy thoát thân ra cảng Tiên Sa rồi lên tàu tuần tiễu của Hải quân chạy ra hạm đội của Mỹ để di tản sang Hoa Kỳ. Sang đất Mỹ rồi mà hắn còn run rẩy nói với viên tướng Võ Văn Cẩm, từng giữ chức Tham mưu hành quân của Quân khu 1 chiến thuật: “Trời đất ơi! Chúng ta đã bị giáng một đòn hơn cả Điện Biên Phủ”…

P/s: bài của Nguyễn Quốc Trung
Nguồn: qdnd.vn

4 nhận xét:

  1. Giữa chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng, và chiến dịch Hồ Chí Minh có sự kế thừa từ chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy nhiên, chiến dịch Hồ Chí Minh có sự phát triển ở tầm cao mới. Đồng thời đó cũng là hai trận quyết chiến chiến lược.

    Trả lờiXóa
  2. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết, hai bộ phim "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên" đang trong quá trình sản xuất, hoàn thiện để chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Mong 2 bộ phim hoạt hình này sẽ được chiếu rộng rãi trong các trường học từ cấp 1 đến cấp 3 để thế hệ học sinh được xem và hiểu hơn về lịch sử dân tộc

    Trả lờiXóa
  3. Với tinh thần và nhiệt huyết của tuổi trẻ, những dân công và thanh niên xung phong tham gia mở đường, bảo đảm hàng hóa, khí tài cho mặt trận ngày ấy đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Giờ đây, họ đã ở tuổi xửa nay hiếm, nhưng những ký ức về một thời tuổi trẻ cống hiến hết mình vẫn còn mãi

    Trả lờiXóa
  4. khà khà, đọc bài này mới thấy thật sảng khoái, dẫu biết Điện Biên Phủ là chiến dịch lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu vậy rồi, nhưng không ngờ trận chiến này lại trở thành ví dụ điển hình của quân đội Ngụy như vậy, nhắc đến Điện Biên Phủ là ông nào ông đấy sợ xanh mặt

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog