Chia sẻ

Tre Làng

Những kẻ gõ cửa bằng tên Phật

Lâm Trực@

Đà Nẵng, ngày 17/5/2025 - Tôi từng đứng trước một pho tượng Phật ở Huế. Pho tượng cụt đầu, thời gian và chiến tranh đã cướp mất gương mặt thiêng. Nhưng người ta vẫn thắp nhang, vẫn cúi đầu, vẫn khấn nguyện như thể cái đầu Phật vẫn tồn tại trong lòng họ. Giữa cõi nhân sinh đầy rẫy hoài nghi và bụi bặm, con người vẫn để dành một góc trái tim cho điều linh thiêng. Chính cái góc ấy - mong manh, thèm khát, và quá đỗi dễ tổn thương - lại là miếng mồi béo bở cho những kẻ khoác áo tu, mang danh “Phật sống” mà thực chất là con buôn niềm tin.

Ram Bahadur Bomjan trong bức ảnh đăng năm 2019. Ảnh: Fox News

Ram Bahadur Bomjon - gã trai trẻ ở Nepal từng được gọi là “Cậu bé Phật” - là một trong những trò ảo thuật như thế. Người ta đồn cậu ta thiền định hàng tháng dưới gốc bồ đề, không ăn không uống, không ngủ. Những tờ báo lớn, những hãng truyền hình quốc tế rạp mình tung hô, dựng cậu thành thánh tích giữa thời đại mà con người đã cạn kiệt đức tin như cánh đồng khô hạn. Không ai cần kiểm chứng. Không ai đòi hỏi lý trí. Chỉ cần một dáng ngồi gầy guộc và đôi mắt khép hờ, cậu bé ấy - dù chưa từng biết làm người - đã nghiễm nhiên đội chiếc vương miện giác ngộ.

Nhưng rồi sự thật lòi ra từ những vết nứt của hào quang. Dưới lớp áo cà sa là bóng tối tanh tưởi: xâm hại tình dục, đánh đập tín đồ, bóc lột lao động, cuối cùng bị kết án 10 năm tù vì tội xâm hại trẻ em. Một bản án đến muộn - quá muộn - sau gần hai thập kỷ của lừa dối, đủ để bao nhiêu cuộc đời tan nát không bao giờ hàn gắn nổi.

Chuyện ấy tưởng đâu chỉ thuộc về những ngọn núi mù sương của Nepal. Nhưng không. Nó đang lặp lại, lặp lại một cách vụng về và lố bịch, ngay trên đất Việt Nam. Ở đây, một người đàn ông tên Lê Anh Tú - không xuất thân chùa chiền, không thọ giới Tỳ kheo, không được Giáo hội thừa nhận - lại được tung hô là “Phật sống”. Ông ta tự xưng pháp danh “Thích Minh Tuệ”, tuyên bố đi bộ khất thực xuyên Việt, và kéo theo một đám đông hỗn độn, mê man, lẽo đẽo như đàn côn trùng bám vào một vầng sáng mập mờ. Không cần giảng pháp, không cần trí tuệ, chỉ cần chiếc đầu cạo trọc, đôi chân trần và vẻ mặt khắc khổ, ông ta bỗng trở thành biểu tượng của “chân tu” giữa thời đại mạng xã hội.

Nhưng khác với Nepal - nơi người ta cúi lạy rồi ra về - ở Việt Nam, hàng trăm người bỏ nhà, bỏ việc, bỏ học, kéo nhau theo sau như một cuộc hành hương trong mộng du. Một dòng người lầm lũi giữa quốc lộ, tay chắp, mắt nhắm, như thể im lặng là hiện thân của giác ngộ, và bụi đường là thiền viện đích thực. Không ai hỏi: Sao một hành giả đích thực lại gây rối loạn xã hội? Sao sự lặng câm được ngợi ca hơn hành động từ bi? Sao mê muội lại được xem là khôn ngoan?

Có thể, trong đoàn người ấy, có những tâm hồn thực sự khao khát cứu rỗi. Nhưng họ đã chọn nhầm. Giống như kẻ khát nước uống nhầm thủy ngân - thứ họ nhận không phải là giải thoát, mà là ảo giác mê mờ. Chính quyền buộc phải can thiệp, giải tán đám đông, đưa những con người ngơ ngác trở về thực tại. Còn ông “Phật sống” thì lặng lẽ rời khỏi Việt Nam, để lại phía sau một vết thương chảy máu âm thầm: Ai đã để một biểu tượng mơ hồ mọc lên giữa lòng xã hội như một loại nấm độc?

Từ Ram Bahadur đến Lê Anh Tú - hay “Thích Minh Tuệ”  điểm chung không nằm ở hình tướng, mà ở sự nhẹ dạ của đám đông. Những con người tưởng rằng đang đến gần giác ngộ, nhưng thực ra đang trôi xa khỏi lý trí, khỏi ánh sáng của trí tuệ đích thực.

Nhưng trách nhiệm không chỉ thuộc về họ. Mạng xã hội - cái chợ ảo nơi sự thật bị xé nát thành ngàn mảnh - đã tiếp tay biến những “Phật sống” tự phong thành thần tượng. Không ai thèm tra cứu. Không ai buồn đối chiếu với kinh điển Phật giáo, hay tối thiểu là pháp luật. Người ta không đi tìm chân lý, mà chỉ đi tìm cảm giác tin vào một điều gì đó giữa thế giới đầy rẫy hoang mang, thuốc giả, thực phẩm bẩn, và sự lạnh lẽo trong từng cái bắt tay.

Trong tín ngưỡng, luôn có một ranh giới mong manh giữa đức tin và mê tín. Khi ranh giới ấy bị xóa nhòa, tín đồ biến thành nạn nhân, còn tôn giáo bị biến dạng thành công cụ thao túng. Không có gì đáng sợ hơn một đám đông cuồng tín được nuôi lớn bằng nỗi sợ và sự ngu muội.

Việt Nam là quốc gia tôn trọng tự do tín ngưỡng. Nhưng tự do không đồng nghĩa với hỗn loạn. Không ai có quyền tự phong thánh, lập giáo, chiêu dụ tín đồ bằng chiêu trò tâm linh thời mạng xã hội. Những hiện tượng như “Phật sống online” không chỉ đe dọa đến an ninh trật tự, đến hạnh phúc của từng gia đình, mà còn xói mòn niềm tin vào Phật pháp đích thực - nơi trí tuệ và lòng từ bi làm gốc rễ.

Đừng để niềm tin thiêng liêng trở thành mảnh đất cho tà kiến mọc lên như cỏ dại. Đừng để những kẻ cơ hội gõ cửa từng mái nhà bằng danh nghĩa giác ngộ, nhưng mang theo bóng tối của ngộ nhận.

Và xin đừng quên: Phật không trú ngụ trong hình tướng nhếch nhác, hay chiếc gậy trúc, hay đôi chân trần. Phật chỉ hiện hình nơi lòng người còn trong sáng. Nơi tâm người còn tỉnh thức.

1 nhận xét:

  1. Lê Anh Tú là một hiện tượng mạng xã hội gần đây đã lợi dụng tín ngưỡng của nhân dân tín tâm vào Phật giáo để tạo một niềm tin ảo về bản thân y. Thực ra y như thế nào thì tự y biết, nhưng tự nhiên lấy họ của Phật mà lại gây nên mâu thuẫn trong tôn giáo và để một số người dân lợi dụng sự việc do ông bày ra đi xúc phạm các bậc tu hành thì ông đang phạm vào giới cơ hiềm

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog