Chia sẻ

Tre Làng

Cái chết của lý tưởng dưới ngòi bút nhúng chàm

Lâm Trực@

Đà Nẵng, ngày 17/5/2025 - Chuyện về ông Đồng Xuân Thụ, cựu Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, không chỉ là một vụ án hình sự thuần túy. Đó là nỗi nhục của một lớp người từng đứng nơi cao nhất của một cơ quan ngôn luận nhưng lại chọn cách cúi đầu trước đồng tiền. Một tờ tạp chí mang danh môi trường đã trở thành vùng đất ô uế, nơi mà sự thật không được bảo vệ mà bị rao bán như phế liệu, còn đạo đức nghề báo bị lột sạch đến tận cùng.

Ông Thụ, người cầm đầu đường dây cưỡng đoạt tài sản với 82 vụ việc được cơ quan điều tra làm rõ, không phải hiện thân duy nhất của bóng tối. Ông là một lát cắt tiêu biểu - không phải cho toàn bộ báo chí nước nhà, mà cho một bộ phận nhỏ nhưng nguy hiểm - những kẻ đã đánh mất lý tưởng nghề nghiệp, biến tấm thẻ nhà báo thành giấy thông hành đi đòi tiền bảo kê. Ở họ, từ “phóng viên” không còn là danh xưng để đi tìm sự thật, mà là vỏ bọc của một dạng mafia mặc complet, biết gõ phím và thuộc lòng các thủ đoạn gạ gẫm doanh nghiệp.

Tạp chí mà ông Thụ điều hành - lẽ ra phải là nơi tôn vinh nếp sống văn minh, sạch đẹp - rốt cuộc chỉ là cái chợ trời ngôn từ, nơi từng dòng tin, từng con chữ đều có giá, có phí. “Cây chổi vàng” - cái tên mỹ miều được dùng để ca tụng những người quét rác - thực chất lại là tấm bình phong cho một trò bẩn thỉu: thanh lọc không phải rác phố phường, mà quét sạch nhân phẩm khỏi chính những kẻ cầm bút.

Và rồi người ta ngụy biện bằng những mỹ từ như “ủng hộ trẻ em nghèo”, “tài trợ truyền thông”, “đồng hành vì cộng đồng”… Những cụm từ vừa đạo đức giả vừa thô thiển đến đau lòng. Chưa bao giờ ngôn ngữ lại bị lợi dụng tàn bạo đến thế - ngay trong chính môi trường được cho là cao quý: báo chí.

Có người từng nói: Văn học thiếu đạo đức là văn học của loài vật biết viết chữ. Còn báo chí, khi đánh mất lương tri, sẽ là tiếng tru tréo của những con linh cẩu đang xâu xé xác chết của sự thật. Một nền báo chí nếu để mặc cho những kẻ như Thụ tồn tại và sinh sôi thì sớm muộn gì cũng biến thành sân khấu cho các vở hài kịch đạo đức giả - nơi khán giả bị xem như những kẻ khờ.

Tôi không cực đoan mà quy chụp. Vẫn có hàng vạn nhà báo chân chính ngày đêm bám thực tiễn, nguyện giữ trọn đạo làm nghề. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta không thể im lặng trước những con sâu như Thụ, kẻ đã khiến người dân hoang mang về phẩm chất người làm báo, làm tổn thương uy tín báo chí cách mạng.

Đằng sau ánh đèn của các buổi trao giải, sau những lời phát biểu hoa mỹ về “sứ mệnh người cầm bút”, vẫn có không ít tòa soạn mà người ta không sống bằng chữ nghĩa, mà sống bằng bảng giá gỡ bài. Những “ông Thụ khác” có thể đang ngồi chễm chệ, hưởng lộc, nhấm nháp đạo lý bằng miệng, nhưng tay thì ký hợp đồng để đổi trắng thay đen, trát phấn cho sai trái.

Nếu báo chí là thanh kiếm của sự thật, thì loại “nhà báo kiểu Thụ” là những tên lính đánh thuê, sẵn sàng tra tấn sự thật cho đến khi nó chịu câm miệng. Đó không chỉ là sự suy thoái cá nhân, mà là phản bội có hệ thống - phản bội niềm tin nhân dân, phản bội chính lý tưởng khai sáng của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Không thể đổ lỗi cho thời thế. Không thể tiếp tục vin vào “khó khăn nghề nghiệp” hay “áp lực cơm áo” để bào chữa cho những màn cấu kết, vòi vĩnh, gạ gẫm, thao túng thông tin. Khi đạo đức chỉ còn là phụ lục hợp đồng, thì mỗi tờ báo chẳng còn là trang giấy sự thật, mà là giấy lau mặt của những kẻ đội lốt người tử tế.

Thưa các anh chị đang cầm bút,

Xin đừng viết những dòng chữ mà sáng mai thức dậy, chính chúng ta phải cúi đầu vì xấu hổ. Xin đừng để lý tưởng của nghề bị chôn vùi trong phong bì. Xin đừng biến một nghề cao quý thành cái bang có văn phòng đại diện và bảng giá.

Vì khi một nhà báo sa ngã, anh ta không chỉ phản bội chính mình - anh ta phản bội cả xã hội. Và đó là điều tồi tệ nhất mà một ngòi bút có thể gây ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog