Lâm Trực@
Hai đứa trẻ quê Thanh Chương, Nghệ An. Một dòng chữ ngắn ngủi trên mạng xã hội: “Cần người phụ quán ăn ở Hà Nội.” Không địa chỉ rõ ràng, không hợp đồng lao động, không tên người chịu trách nhiệm. Chỉ có một thứ duy nhất tồn tại: sự ngây thơ.
Một đứa rủ một đứa. Hai chị em, một chiếc ba lô, một hành trình tưởng như khởi đầu của mơ ước, nhưng thực chất là chuyến xe mù lao thẳng vào bóng tối.
Chiếc xe đưa các em đến Hà Nội. Ở đầu bên kia, có người đón. Người đó không phải là chủ quán, cũng chẳng phải là cán bộ tuyển dụng hay nhân viên tiếp tân. Người đó là một phần của “kịch bản” được chuẩn bị sẵn, cho những đứa trẻ cả tin. Các em bị tước điện thoại, bị đưa về một nơi tập trung, rồi trong đêm, bị chở thẳng về Thái Bình (nay thuộc địa bàn Hưng Yên sau sáp nhập địa giới hành chính).
Chuyến xe ấy không dừng ở đâu cả, nó chỉ chở theo sự mất hút của hai sinh mệnh chưa thành hình, hai tương lai còn ngái ngủ, và hai gia đình bắt đầu tuyệt vọng.
Mạng xã hội rầm rộ. Những bài viết chia sẻ, những bình luận khẩn thiết, những người xa lạ bắt đầu gửi lời cầu nguyện. Và cũng chính mạng xã hội ấy, nơi từng nhấn chìm hai em vào mê lộ lại được dùng làm công cụ đánh lạc hướng. Những tin nhắn được gửi về từ điện thoại các em, nhưng không phải lời lẽ của các em. Gia đình bằng trực giác của tình thân đã nhận ra đây là sự mạo danh. Là một bàn tay nào đó đang cố giữ cho sự việc nằm trong bóng tối lâu hơn.
Và rồi, trong khi dư luận xôn xao, có một lực lượng không phát biểu dài dòng, không viết status cảm động, không cầu nguyện mà hành động. Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công an địa phương (Hưng Yên) nhanh chóng vào cuộc. Không camera, không livestream. Họ làm việc như những chiếc kim đồng hồ ,âm thầm, chính xác, và không bao giờ ngừng nghỉ.
Chỉ vài ngày sau, các em được tìm thấy. An toàn. Sống sót. Trở về.
Chuyện này dù có hậu, nhưng không phải là một câu chuyện cổ tích. Nó là một hiện thực nhức nhối. Một hồi chuông réo rắt đổ xuống từng căn bếp, từng bàn học, từng điện thoại thông minh trên tay con trẻ.
Không ai nói ra, nhưng có lẽ rất nhiều cha mẹ giật mình. Không phải vì các em bị bắt cóc, mà vì hóa ra, chỉ cần một tin tuyển dụng ảo trên mạng, con cái của họ có thể rời khỏi vòng tay gia đình chỉ trong vài giờ.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà công nghệ phát triển nhanh hơn đạo đức, nơi mà nút “chia sẻ” được bấm dễ dàng hơn việc dạy một đứa trẻ phân biệt đúng – sai – nguy hiểm. Không thể đổ lỗi cho mạng xã hội nếu con trẻ mất tích, nhưng cũng không thể phó mặc cho số phận.
Giáo dục giới tính, kỹ năng sống, và quan trọng nhất: kỹ năng tự bảo vệ trên không gian mạng lẽ ra phải được dạy từ cấp tiểu học, như cách chúng ta dạy các em đánh vần và cộng trừ.
Không có “quán ăn” nào giữa đêm chở người đi Thái Bình mà không để lại địa chỉ. Không có “công việc lương cao” nào chỉ cần cú click và một cái balô. Nhưng trẻ con thì không biết. Và nhiều cha mẹ cũng không để ý.
May mắn thay, trong cái thế giới lẫn lộn thật – giả, có những con người thật. Những chiến sĩ công an thật. Họ không làm truyền thông cho hành động của mình, họ không tranh thủ một cú máy để được tung hô, họ chỉ lặng lẽ ngồi với bản đồ, với dữ liệu điện thoại, với thông tin khô khốc... và đưa các em trở về.
Xin đừng xem sự trở về của hai em như một phép màu. Đó là kết quả của nghiệp vụ, của trí tuệ, của lòng kiên nhẫn, và của một hệ thống an ninh vận hành nghiêm túc. Trong thời đại mà người ta dễ dàng tung tin giả để mưu lợi, thì chính họ, những chiến sĩ công an lại là điểm tựa cho sự thật.
Hãy cảm ơn họ không cần hoa, không cần lễ khen mà bằng cách lắng nghe bài học mà vụ việc để lại:
Rằng cha mẹ không được buông tay.
Rằng các em cần được trang bị không chỉ mơ ước, mà cả kỹ năng sống.
Rằng những cú click đôi khi có thể đưa ta đến ánh sáng, nhưng cũng có thể hất ta xuống vực sâu.
Rằng, điều kỳ diệu không phải là hai em được cứu, mà là chúng ta – người lớn – có tỉnh ra sau cú sốc này hay không.
Khi không được trang bị kỹ năng phòng bị, trẻ em có thể là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại tình dục… Rất nhiều những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra, mà điều trớ trêu - là chỉ xuất phát thông qua một chiếc điện thoại kết nối Internet.
Trả lờiXóaTrước những nguy cơ đó, cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, nhà trường và gia đình để xây dựng một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ; bảo vệ trẻ khỏi các hành vi lừa đảo, dụ dỗ, xâm hại, bắt nạt và thông tin xấu độc.
XóaThời gian qua, công tác bảo vệ tốt hơn cho trẻ em trên Internet đã được, Đảng, Nhà nước quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Trả lờiXóaHệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được Việt Nam quan tâm xây dựng; tạo cơ sở pháp lý quan trọng như: Luật Trẻ em, Luật An ninh mạng, Luật an toàn thông tin mạng, Luật tiếp cận thông tin; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em; Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030…
Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước ASEAN đã thống nhất thông qua Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN (năm 2019) và Tuyên bố về xóa bỏ bắt nạt trẻ em trong ASEAN trong đó có bắt nạt trẻ em trên môi trường trực tuyến (năm 2021).
Trong bối cảnh mạng xã hội được ngày càng phổ biến, kể cả với giới trẻ như hiện nay, để bảo vệ con em của chúng ta khỏi các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, tôi nghĩ gia đình và nhà trường cần chủ động phối hợp và thường xuyên giáo dục con trẻ về tinh thần cảnh giác và các kiến thức để chúng không bị lợi dụng.
Trả lờiXóaTôi thấy thực tế hiện giờ là như thế này: bố mẹ bận đi làm, không có nhiều thời gian cho con cái - con trẻ dùng điện thoại sớm nên "sống" trên mạng cũng sớm - các đối tượng lừa đảo lợi dụng sự ngây thơ, tò mò của tụi trẻ nên tiến hành lừa đảo. Kịch bản quen thuộc đúng không?
Xóa