Chia sẻ

Tre Làng

Từ vùng biên phủ tối đến vùng sáng tự chủ: Bài học từ khủng hoảng Thái Lan - Campuchia

Lâm Trực@

Những đêm không điện ở Phnom Penh nóng như một cơn sốt. Người ta vật vã giữa lằn ranh giữa hiện đại và nguyên thủy, khi màn hình điện thoại trở thành ngọn đèn dầu, và những đứa trẻ khát sữa phải chia nhau ngụm nước sạch cuối cùng như chia một ảo ảnh. Thủ đô của một đất nước từng được ca tụng là “điểm đến đầu tư mới nổi” nay ngập ngụa trong bóng tối. Không chỉ là bóng tối của đèn tắt, mà là bóng tối của sự lệ thuộc.

Có ai ngờ chỉ một cú trượt từ Thái Lan – đối tác thương mại chủ lực – lại đủ sức bóp nghẹt mạch sống Campuchia: điện mất, viễn thông tê liệt, thực phẩm khan hiếm, xăng dầu như vàng lỏng. Một quốc gia hiện đại mà thiếu điện cũng không khác gì một sinh linh bị rút mất nhịp tim.

Trong đám đông vật vờ giữa chợ đêm không hàng hóa, một người phụ nữ Campuchia gào lên: “Tại sao không có gì để bán? Chúng tôi không phải con tin!” Nhưng bà không biết, trong cơn điên dại của chính trị, con tin không phải lúc nào cũng bị trói bằng dây thừng. Có khi, chỉ cần trói bằng hợp đồng điện, một đường ống xăng, hay một cổng biên giới bị khóa.

Thái Lan đóng cửa biên giới, Campuchia loạng choạng như một con nhện mất chân. Người ta không thể không nghĩ đến nguyên nhân: sự lệ thuộc quá sâu vào người hàng xóm. Hơn 60% nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với Thái Lan, từ điện, xăng đến cả sóng viễn thông. Chỉ một trận gió chính trị lật mặt, cả một cơ thể quốc gia đã lộ ra gân guốc yếu mềm, phơi bày trong cơn bĩ cực của cái gọi là “chiến lược đối tác thân thiết”.

Và ở đó, chính quyền Campuchia loay hoay với những phát ngôn cứng rắn thay vì giải pháp cụ thể. Người dân thì vật vờ với gạo thiếu, nước đục, mạng chập chờn, còn chính quyền thì lại lo xoa dịu bằng khẩu hiệu.

Đây không chỉ là một khủng hoảng. Đây là cú phơi truồng của một bài học cay đắng: không quốc gia nào được phép đánh cược sinh mệnh mình cho tay người khác nắm giữ. Cái gọi là “đối tác chiến lược” khi không có tự chủ nội tại thì cũng chỉ như chiếc cầu tre trong mùa bão.

Ở góc nhìn khác, Việt Nam – quốc gia láng giềng gần gũi – như một cánh rừng xanh đứng vững giữa cơn giông của khu vực. Không ồn ào, không phô trương, nhưng từng bước đi của Việt Nam là kết quả của một chiến lược bền bỉ: ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa và không lệ thuộc.

Đó không phải là sự khôn khéo của ngoại giao tiểu xảo, mà là bản lĩnh của một dân tộc đã quá thấm thía cái giá của việc không có quyền tự quyết. Việt Nam không chọn đứng hẳn về ai, cũng không dứt khoát quay lưng với ai, thay vào đó là sự cân bằng như một nghệ sĩ xiếc bước trên dây: vừa giữ được an toàn, vừa giữ được phẩm giá.

Chúng ta đã ký hàng loạt FTA thế hệ mới, giữ quan hệ với tất cả các cường quốc mà không rơi vào thế “làm dâu trăm họ”. Chúng ta đầu tư mạnh vào nội lực, sản xuất công nghiệp, an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng, công nghệ, chuyển đổi số... để không bao giờ phải vật vã vì một cửa khẩu đóng, một trạm điện ngắt, hay một cú trượt giá từ bên ngoài.

Việt Nam hiểu rằng một nền độc lập không thể chỉ là ngôn từ trong văn kiện, mà phải là điện không mất khi biên giới đóng; là người dân không đói khi quốc tế biến động; là dữ liệu quốc gia không nằm trong tay nhà mạng ngoại quốc.

Khi nhìn sang Campuchia hôm nay, người Việt có thể thấy rõ một điều: tự hào không nằm ở những lời hoa mỹ mà nằm ở những điều rất cụ thể, như một ổ bánh mì vẫn còn giá cũ, một bữa cơm đủ chất, một đứa trẻ vẫn học trực tuyến dù bão chính trị ngoài kia gào rít.

Chúng ta không cần lên gân bằng tuyên ngôn. Sức mạnh của Việt Nam đến từ sự lặng lẽ kiên cường. Đó là thứ bản lĩnh được tôi luyện từ những mùa đói, những năm chiến tranh, và cả những lần đứng một mình giữa biển lớn.

Và bởi thế, mỗi công dân hôm nay, dù là người buôn rau ở chợ Đồng Xuân hay kỹ sư phần mềm ở khu công nghệ cao... đều đang góp phần cho nền tự chủ của quốc gia. Không phải bằng súng, mà bằng ý thức, bằng công việc, bằng lòng tin.

Thế giới này đang xoay theo những trục bất ổn. Nga - Ukraine chưa yên, Trung Đông vẫn đỏ lửa, ASEAN thì bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Trong cơn sóng ấy, chỉ có những con tàu có la bàn tự chủ mới không bị lật úp.

Campuchia đã để lộ ra chiếc đáy mỏng manh của một chính sách thiếu phương án dự phòng. Đó là bài học không chỉ cho họ, mà cho bất kỳ quốc gia nào tưởng rằng mình có thể “đi nhờ” mãi trên đôi chân người khác.

Việt Nam thì khác. Chúng ta chọn đi một mình nếu cần thiết. Nhưng khi bước cùng người khác, chúng ta vẫn giữ đôi giày của chính mình.

Và đó là bản lĩnh. Bản lĩnh của một quốc gia biết rằng tự chủ không phải là lựa chọn, mà là điều kiện tiên quyết để tồn tại.

1 nhận xét:

  1. Rõ là buồn cười. Độc lập tự chủ không có, đi dựa dẫm vào nước khác rồi vẫn cố làm ra cái vẻ oai oai tự đắc, đúng là mù quáng, không biết tự lượng sức mình. Thời bình gì mà dân không có nước để uống, không có thực phẩm để ăn, sống như thời loạn lạc thế hả các chính trị gia Campuchia?

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog