Chia sẻ

Tre Làng

Cỗ máy 25.000 tỷ và những người không chịu nghĩ

Lâm Trực@

Ở một đất nước nhiệt đới, nơi chuối mọc quanh vườn và gió Lào hun nóng đến tận nếp nghĩ của người ta, chính phủ vừa rót thêm 25.000 tỷ đồng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một con số không hề nhỏ. Nó có thể xây một trăm bệnh viện, năm trăm trường học, hoặc nuôi vài chục vạn đứa trẻ nghèo đủ sữa uống. Nhưng rồi Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, một người không quá ồn ào, nói trong một buổi họp giữa mùa hạ: “Buồn lắm. Gần 80% số tiền ấy được xin để xây nhà, mua máy. Chỉ 20% để nghiên cứu. Không có ai xin tiền để đổi quy trình hay đổi mô hình vận hành cả.”

Một câu nói bình thản. Nhưng cái buồn trong đó không phải nỗi buồn ủy mị. Đó là cái buồn của một người thấy cỗ máy đã được thay dầu nhưng bánh răng vẫn mài nhau bằng thói quen cũ.

Cái gọi là chuyển đổi số có vẻ vẫn đang mang dáng dấp của mấy phần mềm nội bộ cũ kỹ, đôi khi viết bởi các lập trình viên mệt mỏi, chạy trên máy chủ rền rĩ. Những quy trình – giấy tờ, con dấu, gật đầu, đưa phong bì, lặng lẽ như đám rêu trên đá – vẫn thế. Không ai động vào chúng. Người ta sợ xáo trộn. Hoặc đơn giản, người ta không biết phải bắt đầu từ đâu. Hoặc cay đắng hơn: chẳng ai muốn bắt đầu cả.

Người xưa bảo “việc khó nhất là nghĩ”. Nay có tiền, có công nghệ, có cả chủ trương lớn, nhưng người làm thì vẫn là những cán bộ mà tư duy chưa rời khỏi các bài học quản lý của thế kỷ trước. Họ đi học “chuyển đổi số” như đi xem bói: ngồi nghe, gật gù, về lại bàn làm việc, mở bảng Excel cũ kỹ. Cái gì hiện hình được như trụ sở, máy móc thì xin. Cái gì vô hình như tư duy, mô hình, cách làm... thì né.

Tôi từng gặp một phó giám đốc sở ở miền Trung. Ông nói thẳng: “Tụi tôi có biết nghiên cứu là cái gì đâu. Xin mua thiết bị còn dễ. Giải ngân được. Chứ ai ngồi viết đề xuất đổi mô hình?” Một câu thành thật, nghe xong chỉ muốn uống cạn ly rượu và lặng lẽ đi ngủ.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo bắt đầu viết tiểu thuyết, còn người thật thì vẫn loay hoay với biểu mẫu Word. Chúng ta bàn về đổi mới, nhưng vẫn đánh giá cán bộ bằng tiêu chí “đúng quy trình”. Nói là số hóa toàn diện, nhưng cái tư duy – thứ duy nhất cần số hóa trước tiên – thì còn nằm nguyên trong sổ tay học thuộc lòng từ thập kỷ 90.

Có phải vì họ dốt không? Không. Dốt không phải cái tội. Cái tội là không chịu học. Không dám học. Và nhất là không buồn học. Cái tâm lý “đưa gì dùng nấy”, “làm đúng chỉ đạo”, “đừng thay đổi để không bị sai” đã mọc rễ. Khi tiền đổ về, nó đi theo luồng rãnh quen. 25.000 tỷ như nước đổ vào hệ thống kênh tưới cũ kỹ, uốn lượn qua những đồng cỏ chết, rồi bốc hơi trong cái nắng quan liêu.

Bộ trưởng Hùng, người của ngành công nghệ, có lẽ hiểu điều đó hơn ai hết. Nên ông nói buồn. Buồn, vì một tương lai đáng lẽ nên đến, thì lại bị chặn bởi quá khứ chưa rút lui.

Người ta xây nhà. Nhưng không xây được tư duy. Người ta mua máy móc. Nhưng không mua nổi trí tuệ. Người ta làm chuyển đổi số như thể đi xây một nhà kho lớn hơn, rồi tiếp tục cất vào đó những hồ sơ dán keo và ký tên bằng bút đỏ.

Muốn thay đổi, không thể chỉ có tiền. Phải có lòng dũng cảm. Phải có những người dám phá vỡ quy trình cũ. Phải có những cán bộ biết thẹn khi mỗi lần ký phê duyệt mà không hiểu mình đang duyệt cái gì.

Nhưng làm sao có những con người ấy, khi cả hệ thống vẫn thích sự ổn định hơn xáo trộn, thích an toàn hơn thử nghiệm, thích “tròn vai” hơn “dám khác”? Khi văn hóa “sợ sai” đã trở thành một hệ điều hành mặc định trong mọi quyết định?

Chuyển đổi số là một thứ xa xỉ với những ai không dám nghĩ khác, nói khác, làm khác. Đổi mới sáng tạo không dành cho những người ngồi trong văn phòng máy lạnh chờ công văn đến và không bao giờ tự đặt câu hỏi. Và khoa học, cuối cùng, không phải là cái bảng hiệu treo trước trụ sở mới xây, mà là những điều người ta lặng lẽ làm trong bóng tối để ngày mai sáng hơn hôm nay.

Chính phủ đã mở ví. Nhưng để tiền đó không lạc lối, cần nhiều hơn cả một bộ trưởng buồn. Cần những người lãnh đạo dám chán chính mình hôm qua. Cần những viên chức rũ bỏ lớp bụi an toàn, dấn thân vào vùng mạo hiểm, nơi những câu hỏi không có đáp án sẵn, và nơi mà người làm công vụ phải học cách nghĩ như một nhà khoa học.

Nếu không, 25.000 tỷ ấy sẽ chỉ là một khoản đầu tư nữa cho những điều không thay đổi.

9 nhận xét:

  1. Chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ, mà cần xuất phát từ tư duy đổi mới và sáng tạo. Nếu vẫn giữ lối suy nghĩ cũ, máy móc sẽ chỉ làm thay việc cũ, không tạo ra giá trị mới. Do đó, nghiên cứu và xây dựng mô hình phù hợp với thực tiễn là điều bắt buộc.

    Trả lờiXóa
  2. Chuyển đổi số không thể sao chép nguyên mẫu từ nơi khác hay dựa vào tư duy lối mòn. Mỗi tổ chức, địa phương phải tự nghiên cứu, xác định lộ trình và mô hình riêng phù hợp. Chỉ khi thay đổi tư duy và hành động, chuyển đổi số mới thực sự hiệu quả và bền vững.

    Trả lờiXóa
  3. Muốn chuyển đổi số thành công, trước hết phải chuyển đổi tư duy lãnh đạo và quản lý.
    Không thể áp dụng rập khuôn mô hình cũ vào môi trường số vốn rất linh hoạt và thay đổi nhanh. Việc đầu tư cho nghiên cứu và thiết kế mô hình phù hợp là nền tảng cho bước đi vững chắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết nêu bật vấn đề đầu tư ngân sách lớn cho chuyển đổi số, khoa học và công nghệ – lên tới 25.000 tỷ đồng – nhưng vẫn tồn tại một bộ phận người dân, cán bộ “không chịu nghĩ”. Đây không chỉ là chuyện về tiền bạc, mà là về tư duy, ý chí đổi mới trong bối cảnh đất nước đang cần bước phát triển nhảy vọt. Tác giả thể hiện rõ sự thất vọng với những người thụ động, ngại đổi thay và không bắt kịp xu hướng công nghệ. Điều này khiến cỗ máy hiện đại trở nên ì ạch vì thiếu nhân tố con người tích cực. Câu hỏi đặt ra: liệu đầu tư lớn có hiệu quả nếu tư duy cũ vẫn thống trị? Bài báo như lời cảnh tỉnh với toàn xã hội – đổi mới cần bắt đầu từ chính con người.

      Xóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  5. Nó cho thấy rằng công nghệ, tiền bạc, hay chính sách đều không đủ nếu thiếu sự đồng hành của những con người chủ động, biết đổi mới. Tác giả muốn đánh thức tinh thần trách nhiệm, sự tỉnh táo và dám nghĩ dám làm trong đội ngũ cán bộ và nhân dân. 25.000 tỷ là một cơ hội, nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng nếu bị kéo lùi bởi tư duy cũ kỹ. Bài viết cũng là lời nhắc rằng chuyển đổi số không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ mà là của toàn xã hội. Mỗi cá nhân cần vượt qua tâm lý ỷ lại, lười biếng tư duy và sẵn sàng học hỏi, thích nghi. Cỗ máy chỉ chạy khi từng mắt xích vận hành đồng bộ, mà mắt xích quan trọng nhất chính là con người. Đây là bài học lớn nếu chúng ta thực sự muốn bước vào kỷ nguyên số một cách bền vững.

    Trả lờiXóa
  6. Thật đáng tiếc khi khoản đầu tư khổng lồ 25.000 tỷ đồng, lẽ ra phải là đòn bẩy cho khoa học công nghệ và chuyển đổi số, lại phần lớn chảy vào xây dựng và mua sắm, bỏ qua yếu tố cốt lõi là tư duy và con người. Điều này cho thấy một lỗ hổng nghiêm trọng trong cách phân bổ nguồn lực, khi chúng ta ưu tiên "cỗ máy" vật chất mà quên mất "bộ não" điều khiển. Nếu không thay đổi tư duy quản lý và dám đối mặt với cái mới, số tiền này sẽ mãi là một sự lãng phí.

    Trả lờiXóa
  7. Vấn đề không nằm ở việc thiếu tiền hay công nghệ, mà là thiếu những người "dám nghĩ, dám làm" trong bộ máy lãnh đạo và quản lý. Tư duy ngại thay đổi, sợ trách nhiệm đã biến một chính sách đầy tiềm năng thành vỏ bọc hình thức, kìm hãm sự đổi mới thực sự. Để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên số một cách bền vững, chúng ta cần những cán bộ không chỉ có tầm nhìn mà còn có ý chí dấn thân, chấp nhận rủi ro để tạo ra giá trị thật sự từ nguồn vốn quý giá này.

    Trả lờiXóa
  8. thay đổi đầu tiên cần ở nhận thức, dám nghĩ, dám làm, dấn thân và đổi mới. Tiền là một trong ba trụ cột của khoa học, công nghệ không thể phủ nhận. Nhưng có tiền vẫn chưa đủ để đổi mới, sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ. Rất cần kỹ năng sử dụng nguồn tiền sao cho hiệu quả, đúng mục đích, không được để lãng phí. Có lẽ điều đó cần tiếp tục phải suy ngẫm và có bước đi thận trọng, hiệu quả

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog