Chia sẻ

Tre Làng

Mười tám phó giám đốc và lời thì thầm của một cơ chế đang chuyển mình

Lâm Trực@

Người ta đếm. Người ta nhân. Người ta chia. Và rồi người ta phán xét. Trong một thế giới mà cái nhìn thường đi trước cái hiểu, việc Sở Tài chính TP.HCM có tới mười tám phó giám đốc bỗng trở thành thứ tin tức béo bở để nuôi sống cơn đói phẫn nộ của đám đông. Họ bĩu môi gọi đó là “kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hành chính”. Họ gõ bàn phím như chém gió vào rừng, như thể chỉ cần đếm đủ số ghế là có thể kết án cả một cơ chế. Nhưng đâu phải ai cũng nhìn được điều gì đang chuyển mình bên trong cỗ máy khổng lồ ấy.

Cái thành phố từng gánh một phần ba GDP cả nước, từng đứng mũi chịu sào giữa cơn bão kinh tế toàn cầu, giờ đây không còn chỉ là một đô thị một cấp. Nó đang mang trên vai hình hài của một vùng siêu đô thị sau khi hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Gọi đó là “sáp nhập” thì quá nhẹ. Thực chất, đó là một ca phẫu thuật lớn – cắt, nối, tái cấu trúc toàn diện cả về địa giới, dân số, ngân sách và hệ điều hành hành chính. Một thành phố hơn 18 triệu dân không thể điều hành bằng mô hình tổ chức của một tỉnh lẻ. Vậy mà người ta vẫn đòi hỏi cái áo cũ phải vừa thân hình mới, vẫn bắt nhịp tim cũ phải dẫn máu cho một cơ thể lớn gấp bội.

Mười tám phó giám đốc – nghe thì nhiều, nhưng nếu vẽ bản đồ các đơn vị hành chính, các vùng dân cư, các tuyến ngân sách đang vận hành song song trong lúc chờ đồng bộ, thì chừng ấy con người mới chỉ vừa đủ để giữ nhịp điều hành, tránh đứt đoạn khi ba hệ thống cũ đang cố hòa tan thành một. Họ không chỉ là những “ghế phụ”. Mỗi người có thể đang gánh cả một vùng, một lĩnh vực tài chính đặc thù với hàng chục ngàn đầu mối thu – chi, với cả núi di sản cồng kềnh của cơ chế cũ: đất đai chưa định giá, tài sản công chưa thống kê, quy trình đầu tư công còn dở dang, dữ liệu ngân sách chưa hợp nhất. Mỗi ngày, trong các văn phòng im lặng nhưng đặc quánh sức ép, họ đang làm công việc của những người vá tàu giữa biển. Cắt giảm họ trong lúc này, chẳng khác nào rút cọc khi căn nhà đang còn dang dở.

Người ta đòi cải cách, nhưng lại không chấp nhận quá trình. Người ta muốn một kết quả gọn ghẽ, sạch sẽ, đẹp đẽ trong lúc bản chất của cải cách là bề bộn, đau đớn và đầy rủi ro. Không ai phủ nhận rằng lạm phát cấp phó từng là căn bệnh kinh niên trong bộ máy công quyền. Nhưng lấy sự ngờ vực quá khứ để phủ định cả một mô hình đang vận hành cho tương lai thì lại là phản xạ của thói quen cũ: không tin vào điều gì ngoài hoài nghi.

Phần lớn trong số mười tám vị trí ấy là cán bộ từ ba sở cũ. Việc giữ nguyên họ không phải để xí phần mà là để duy trì sự ổn định tạm thời trước khi tinh giản theo kết quả công tác. Nghị định 107 năm 2020 đã quy định điều đó. Và đến Nghị định 154 năm 2025, Chính phủ đi thêm một bước dài hơn: tinh giản dựa trên thực chất, ai không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liền sẽ buộc phải rời khỏi vị trí, không có đặc cách, không có “ghế an toàn” theo nhiệm kỳ. Lần đầu tiên, cơ chế không bảo vệ chiếc ghế, mà bảo vệ hiệu quả thật.

Điều đáng nói là trong số mười tám người ấy, có tám người sinh từ 1979 đến 1987, tức họ đang ở lưng chừng tuổi bốn mươi. Đó là lớp cán bộ trưởng thành trong thời kỳ đổi mới, được đào tạo bài bản, dạn dày qua thực tiễn địa phương. Họ không còn quá trẻ để mơ mộng, cũng chưa đủ già để cằn cỗi. Họ là những cánh tay có thể nối dài ý chí cải cách nếu được đặt đúng vị trí. Nhưng họ cũng đang phải chịu chung cái nhìn khắt khe của dư luận, chỉ vì ngồi vào những chiếc ghế mang danh “phó”.

Chúng ta cần những phản biện, cần sự giám sát xã hội. Nhưng phản biện không thể dừng ở việc khoanh đỏ một con số rồi gọi đó là bất thường. Cũng như không thể chụp ảnh một căn phòng đang sửa chữa rồi kết luận căn nhà sắp sập. Chúng ta cần nhìn vào tiến trình,tức là cái đang diễn ra thầm lặng, phức tạp, đòi hỏi thời gian và sự đánh giá thực chất.

Bộ máy hành chính không phải là một sân khấu để trình diễn cải cách lấy lòng dư luận. Nó là cỗ máy cần sự trơn tru, bền bỉ, và đổi mới từ trong ruột. Không ai nói rằng mười tám phó giám đốc là mô hình lý tưởng. Nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức này, nó không phải là biểu hiện của trì trệ, mà là sự sắp đặt có tính toán, có giới hạn thời gian, có cơ chế sàng lọc phía sau.

Ai từng sống trong những ngày “cải tổ” của đất nước sẽ hiểu rằng điều đáng sợ nhất không phải là cái mới, mà là sự vội vàng phá cái cũ khi cái mới chưa đủ sức đứng vững. Giống như bệnh nhân vừa qua cơn mổ, không ai dại dột rút ống thở chỉ vì thấy máy móc lỉnh kỉnh.

Thành phố này dù mang trong mình sự phức tạp, áp lực và những khối đá mang tên “nghi ngờ”, vẫn đang gồng mình chuyển động. Và nếu có một thứ nên đếm lúc này, thì không phải là chiếc ghế, mà là từng bước chân lặng lẽ của một cuộc cải cách thực sự.

1 nhận xét:

  1. Sau sáp nhập mọi thứ vẫn còn ngổn ngang và rất nhiều việc cần phải làm, cần thời gian và sự tính toán một cách tỷ mỉ, khoa học, chính xác. Chính vì vậy, khi một đơn vị có 18 đồng chí lãnh đạo cấp Sở sau khi sáp nhập 2 tỉnh vào một thành phố trực thuộc trung ương thì cũng không có gì lạ. Thời gian tới, sẽ tinh gọn tiếp, ai đi, ai ở còn phụ thuộc vào công tác cán bộ. Hãy chờ xem chứ đừng vội phán xét, vì người ngoài cuộc làm sao hiểu được nội tình mà cứ ý kiến

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog