Lâm Trực@
Tôi đã từng tin người mặc áo vàng là người đã chọn cho mình con đường thanh tịnh. Tôi đã từng tin, để được gọi là “Thượng tọa”, người ta phải vượt qua hàng trăm ngàn đêm sám hối, quỳ gối bên kinh luật, sống đời phạm hạnh trong giới đàn nghiêm mật. Nhưng rồi, tôi ngồi lặng người khi nghe Thượng tọa Bửu Khánh trả lời với vẻ mặt hớn hở rằng: “Tôi cho là Thầy Minh Tuệ đã chứng đắc rồi, Thầy đã thành Phật rồi”
Câu nói nhẹ như gió thoảng. Nhưng dưới ánh sáng Phật học, đó là tiếng chuông báo động cho một sự lệch chuẩn nghiêm trọng. Một cú trượt dài trong giới – định – tuệ. Một lời vọng ngữ phạm vào căn bản của Giới luật, xúc phạm đến cái nền linh thiêng của con đường giải thoát. Và cay đắng thay, người nói lại khoác áo Thượng tọa.
**
Buổi “trình biện” giữa Thượng tọa Bửu Khánh và tiến sĩ Đoàn Văn Báu – một cư sĩ trí thức không thuộc hàng tu sĩ – đã được phát trực tuyến như một show tranh luận, mà người xem có lẽ chẳng mấy ai hiểu rằng: chính cái buổi livestream đó là sự lăng nhục đối với giới pháp, là trò lố khoe mẽ cái tôi phàm phu chưa thuần phục. Một thầy tu không nên xuất hiện như một diễn giả đang muốn lấy lượt xem để củng cố cho chân lý mà mình chưa từng thực chứng.
**
Hãy nói về “chứng đắc”.
Chứng đắc trong Phật giáo không phải là phong hàm. Không ai có thể gán cho người khác cái danh “đắc đạo” như thể trao tặng huân chương. Chứng đắc là thành quả của quá trình đoạn trừ lậu hoặc, hoàn toàn thanh lọc thân tâm, vượt qua bốn quả vị thánh trong đạo Phật: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Mỗi quả vị đều cần đến trí tuệ như gươm bén và giới luật như thành đồng. Muốn đắc quả A-la-hán – quả vị cao nhất trong hàng Thanh Văn – người đó phải hoàn toàn đoạn tận tham – sân – si, không còn tái sinh trong luân hồi.
Vậy ai có thể xác chứng một người là đã chứng đắc? Không ai cả. Chỉ có chính người đó, với tâm thức đã rỗng lặng, không còn cái tôi, mới tự biết mình đã vượt thoát. Ngay cả đức Phật khi thuyết pháp cũng không tự phong cho ai là “người đã giác ngộ”. Ngài chỉ nêu ra con đường – còn ai đã đến, tự người đó biết.
Vậy mà Thượng tọa Bửu Khánh, người từng giữ chức giảng sư, từng học hành trong trường lớp Phật học lại phát biểu rằng Minh Tuệ đã “chứng đắc thành Phật”. Một câu nói mà ngay cả vị sư mới thọ giới, nếu học hành tử tế, cũng biết là sai. Nói không ngoa, đó là đại vọng ngữ, là một trong năm tội trọng (ngũ nghịch) mà kinh Tăng Chi Bộ cảnh báo sẽ đưa người phạm vào địa ngục A Tỳ.
**
Minh Tuệ – tên thật là Lê Anh Tú - là ai?
Không hề xuất thân từ một giáo đoàn chính quy. Không từng thọ giới trong một đàn giới hợp pháp nào. Không thuộc tăng chúng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam công nhận. Không có thầy truyền giới, không có hòa thượng giáo thọ, không có tam sư thất chứng. Cái mà ông ta có chỉ là một bộ y phấn tảo (trước đó là chiếc áo vàng) tự mặc, một cái đầu trọc tự cạo, một con đường tự đi. Và những lời biện hộ ngụy tạo rằng đang “tu theo 13 hạnh đầu đà”.
Trong khi đó, 13 hạnh đầu đà là pháp tu khổ hạnh dành riêng cho các vị A-la-hán, hoặc những hành giả lão thành, đủ giới luật, đủ trí tuệ, và được Tăng đoàn chuẩn y. Tu đầu đà mà không giữ giới là đang phỉ báng Tam Bảo. Tự nhận tu mọi pháp, không có thầy, không nương tựa vào Tăng đoàn là đang theo con đường của ngã mạn và tà kiến.
**
Tôi đã thấy thương cho những ai tin rằng Lê Anh Tú là Phật. Tôi thấy thương cho những Phật tử ngày đêm quỳ lạy, nghe những lời “chân thật” mà thực chất là trò diễn từ một cư sĩ ngoài đạo. Và tôi thấy đau cho những người như Thượng tọa Bửu Khánh đã không đủ trí để hiểu đúng Pháp, lại quá vội để nói ra những lời khiến cả Phật giáo bị tổn thương.
Nếu còn một chút liêm sỉ trong tâm người tu, lẽ ra ông nên im lặng, nên quay vào nội quán, nên để Giới và Định làm thước đo cho những điều ông phát biểu. Đằng này, ông lại lên mạng xã hội, tổ chức buổi “trình biện” như một kẻ lang bạt thích thuyết pháp để bán danh, khoe trí. Trong giới luật có câu: “Tỳ kheo không được phép tự ý thuyết pháp, biện luận với người ngoài nếu chưa được sự đồng thuận của Tăng đoàn.” Vậy ông Bửu Khánh, ông đang hành trì giới nào?
**
Anh Đoàn Văn Báu không nói nhiều. Anh trầm tĩnh, sắc sảo. Trong lời nói của anh là sự cẩn trọng, là hiểu biết, là nén lại của một người trí thức từng học Phật, từng đọc kinh, từng hiểu rằng Phật pháp không phải để biện minh cho một cái tôi đang sưng phồng. Tôi cảm phục anh – vì trong khi người khoác áo vàng kia lồng lộn để bảo vệ nhận định hoang đường của mình, anh chỉ nhẹ nhàng hỏi: “Vậy, ai xác chứng Minh Tuệ đã đắc đạo?”
Câu hỏi ấy như giọt nước nhỏ vào tâm thức của người tỉnh.
**
Tôi viết bài này trong niềm hoang mang. Hoang mang vì giữa thời đại đầy nhiễu nhương, người ta dễ tin vào lời lẽ bay bướm hơn là kinh điển Phật dạy. Hoang mang vì áo vàng đã không còn là biểu tượng của tỉnh thức mà có lúc biến thành lớp vỏ ngoài cho những cuộc trình diễn hơn thua, cay cú đầy vọng tưởng.
Thượng tọa Bửu Khánh, nếu ông thực sự còn giữ chút căn lành, tôi mong ông dừng lại. Không phải vì ông đã sai, mà vì ông đã dẫn quá nhiều người đi sai. Mỗi câu ông nói ra, nếu chưa rọi qua đèn của giới luật, chưa soi qua gương của tự tánh, thì chính là đang phá đạo.
**
Phật không ở trên mạng. Phật không ngồi trước micro livestream. Phật ở trong chánh niệm và giới hạnh. Người biết Pháp sẽ không bao giờ vội phán “ai đó đắc đạo” – vì biết mình chưa đoạn tận ngã chấp, chưa vào quả, chưa đến bờ.
Bửu Khánh, xin đừng nói nữa. Xin ngồi lại.
Đạo không cần người biện hộ, mà cần người hành trì. Pháp không cần được quảng bá bằng views, mà cần được giữ bằng giới.
Người biết đạo sẽ không bao giờ vội vã lên tiếng. Người chưa biết thì tốt nhất… nên học cách im lặng. Trong trường hợp này, có lẽ sự câm lặng của những người tu thật… mới là khúc tụng Pháp đáng tin.
Bửu Khánh đã phong Minh Tuệ thành Phật thì nên để Thượng Tọa này quá nửa cuộc đời tu học cửa chùa đi hầu Minh Tú. Minh Tú chẳng cần tu học vẫn là thầy Bảo Khánh. NHỤC
Trả lờiXóaThời buổi này đúng là loạn thật, nhiều giá trị chân - thiện - mỹ đã bị thay đổi, biến tướng thậm chí đã mất đi thay vào đó là những điều giả dối, tất cả bị chạy theo đồng tiền chạy theo sự ảo tưởng danh vọng mà quên đi các phẩm chất tốt đẹp của con người. Những kẻ lợi dụng lòng tin của những người dân để làm việc sai trái thì sẽ bị xử lý mà thôi
Trả lờiXóaNhững kẻ như thế thì không xứng đáng với cái danh hiệu được phong, và vì thế tổ chức nên tước bỏ danh hiệu đi mới phải. Để những thành phần như thế còn nắm giữ quyền lực, dễ gây ra cái ảo tưởng và toàn reo rắc những điều sai trái ra xã hội
Xóa