Chia sẻ

Tre Làng

Tro than sau vị ngọt

Lâm Trực@

Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc bánh kẹo lấp lánh sắc màu, in hình mèo máy Doraemon hay chú gấu xinh xắn, lại có thể trở thành mối nguy hiểm rình rập trong từng gian bếp, từng lớp học, từng tiệm tạp hóa ven làng. Giấc mộng vị ngọt, tưởng chừng vô hại, đã rẽ lối thành cơn ác mộng tập thể khi con người nhắm mắt làm ngơ trước hai chữ “lương tâm”.

Lực lượng chức năng liên ngành tiêu huỷ hàng chục tấn thực phẩm bẩn ở La Phù. Ảnh: báo Tin tức và Dân tộc

La Phù – ngôi làng từng được biết đến với danh xưng mỹ miều “làng nghề bánh kẹo”, giờ đây mang một dáng vẻ khác: mỏi mệt, khét lẹt mùi rác thải và u uất như bị nhuộm bởi màu xám xịt của những thùng thực phẩm quá đát bị vứt chỏng chơ, nằm chết trôi giữa đồng hoang. Hai mươi lăm tấn bánh kẹo đủ loại: xúc xích, lương khô, táo đỏ, thạch đủ màu, thậm chí cả hàng có nguồn gốc nước ngoài đã bị chính quyền Hà Nội tiêu hủy. Nhưng thứ bị vùi chôn không chỉ là kẹo, mà là lòng tin của người tiêu dùng, là danh dự của một làng nghề từng kiêu hãnh đi qua biết bao mùa Tết Việt.

Người ta bảo, đó là “sai sót sản xuất”, là “hàng lỗi do quy trình”. Nhưng thực chất, đằng sau câu chữ nhẵn nhụi là cả một dây chuyền gian dối, trốn thuế, làm giả, làm nhái, nhập lậu, đánh tráo bao bì, tẩy xóa hạn dùng… Những hành vi tinh vi đến mức, nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của cơ quan chức năng, hẳn đã có hàng nghìn gói kẹo “giả ngọt” trôi nổi vào bụng con trẻ, vào bữa quà của người lao động, hay nằm trên mâm cỗ những dịp sum họp.

Một bé gái mẫu giáo có thể ăn viên kẹo thạch ngậm đầy vi khuẩn. Một cụ già có thể nhâm nhi chiếc bánh quy với lòng tin mòn mỏi rằng “mua hàng trong nước là an toàn”. Một người mẹ, có thể thở phào sau giờ tan ca khi mua vài gói xúc xích khuyến mãi mà đâu hay, thứ cô mua chỉ là hóa chất bị nhuộm màu, bị ngụy trang bằng niềm tin cạn kiệt.

Càng đau hơn, khi chính những người sản xuất, từng cúi đầu thắp hương ông tổ nghề bánh kẹo, lại là kẻ thản nhiên đổ rác thải thực phẩm ra bãi trống đầu làng. Vết nhơ này không rửa nổi chỉ bằng biên bản tiêu hủy. Nó cần một cuộc tỉnh thức sâu sắc hơn từ pháp luật, từ đạo đức, từ chính những người dân La Phù.

Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra: hành vi vi phạm tại La Phù không còn là cá biệt. Nhiều cơ sở đã tự nguyện giao nộp hàng, nhưng đừng nhầm, sự tự nguyện ấy không phải do lương tri bỗng dưng quay đầu, mà vì ánh sáng của pháp luật đã chiếu tới cửa từng nhà kho, từng xưởng sản xuất. Không ai muốn bị bắt quả tang, không ai muốn bị bêu tên.

Chúng ta đã nói quá nhiều về tinh thần khởi nghiệp, về việc “hồi sinh” các làng nghề truyền thống. Nhưng hồi sinh không thể song hành với dối trá. Không thể lấy chữ “nghề” để che đậy chữ “tội”. Hồi sinh, phải là hành trình bắt đầu từ sự trung thực, từ niềm kiêu hãnh lương thiện, và từ việc đặt sức khỏe cộng đồng cao hơn lợi nhuận tức thời.

Cái chết của một ngành nghề không nằm ở chỗ máy móc lỗi thời, thị trường bấp bênh. Mà ở chỗ, khi những người làm nghề đánh mất ý thức rằng họ đang làm ra thứ đưa vào miệng người khác, thì dù nhà xưởng có rộng đến đâu, thì danh tiếng cũng chỉ còn là tro than sau vị ngọt.

Và nếu hôm nay không là La Phù, thì có thể ngày mai là một làng khác, một xưởng khác, một thương hiệu khác tiếp tục bị lật mặt nạ, tiếp tục trôi dạt trong dòng xoáy khủng hoảng niềm tin của xã hội tiêu dùng.

Khi niềm tin đã gãy, thì một viên kẹo cũng có thể trở thành lời buộc tội.

10 nhận xét:

  1. Chờ đến khi người dân ‘tự giác giao nộp’ thì hàng bẩn đã tung ra thị trường cả năm trời rồi. Lỗi không chỉ ở cơ sở sản xuất mà còn là do công tác quản lý địa phương quá lỏng lẻo. Phải xử phạt nghiêm để răn đe chứ không chỉ tuyên truyền suông

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cơ quan công an sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, văn minh, đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng

      Xóa
  2. Không biết bao nhiêu người đã tiêu thụ phải hàng bẩn trước khi bị phát hiện. Từ giờ đi chợ, thấy hàng rẻ quá là mình phải nghi ngờ ngay. Mong cơ quan chức năng công bố rõ danh tính cơ sở vi phạm để người dân tránh xa và tăng mức xử phạt để tạo sự minh bạch.”

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính quyền xã La Phù (cũ) đã hợp đồng với Công ty URENCO 10 để xử lý rác thải công nghiệp và các loại rác thải thông thường để thu gom, vận chuyển, xử lý số rác thải nêu trên theo quy trình, quy định

      Xóa
    2. Trước đó, 20.6, Đoàn công tác liên ngành giữa Công an Hà Nội và Sở Công Thương đã tiến hành làm việc tại địa điểm người dân đổ trộm thực phẩm, bánh kẹo như báo chí phản ánh, đưa tin (bãi rác sát đường tàu đầu làng La Phù); tuyến phố buôn bán, kinh doanh bánh kẹo, thực phẩm… tại xã La Phù

      Xóa
  3. Dù muộn, nhưng việc người dân chủ động giao nộp hàng kém chất lượng là tín hiệu tốt. Điều này cho thấy nhận thức về trách nhiệm cộng đồng đang được nâng cao. Cần nhân rộng cách làm này ở các làng nghề khác. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra định kỳ, giám sát nguồn gốc hàng hóa ngay từ khi sản xuất, trao quyền người tiêu dùng truy xuất thông tin sản phẩm để không còn tái diễn tình trạng ‘rác thực phẩm’.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Thanh Tùng cho biết qua theo dõi hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã La Phù, vẫn còn xuất hiện tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc... gây bức xúc trong dư luận Nhân dân, những hành vi vi phạm này phải được giải quyết ngay, không được để tái diễn

      Xóa
    2. Lực lượng chức năng xác định: bãi rác ở đầu làng La Phù chủ yếu là rác thải sinh hoạt và các loại rác thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bánh kẹo của làng nghề xã La Phù do người dân đổ ra. Thực phẩm bị đổ bỏ là các loại bánh, kẹo, hạt, hoa quả sấy, thạch… đã hết hạn sử dụng từ năm 2024, có cả hàng hóa in sản xuất tại Việt Nam và tại nước ngoài

      Xóa
    3. Đoàn công tác liên ngành cũng đã làm việc với chính quyền địa phương và gặp gỡ, trao đổi với gần 500 đại diện các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tại La Phù. Đây là hoạt động khảo sát, nắm tình hình thực tế tại địa bàn và lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp; không phải là hoạt động kiểm tra, xử lý

      Xóa
  4. Bắt ngay những người làm, người bán các sản phẩm đó xem họ có dám ăn không, họ dám ăn tức là ít bẩn.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog