Lâm Trực@
Người đàn bà ấy tên là Hòa, dân Khánh Hòa, hai mươi tám tuổi, sống bằng một quán trà nhỏ có cái tên nghe cũng lạ tai: “Tiệm trà rẫy ngoại”. Chị có một đứa con trai, tên khai sinh là Minh Hải, tên ở nhà là Bắp. Trời không thương, thằng bé bị ung thư máu. Ở tuổi lẽ ra nên nhảy nhót giữa sân trường, nó nằm lặng, xanh xao như lá tre non mùa nắng. Người mẹ trẻ, như mọi người mẹ từng rơi vào tuyệt vọng, làm điều duy nhất có thể làm – lên mạng xin tiền.
Chị viết mấy dòng run rẩy trên Facebook. Kể bệnh của con. Kể về Singapore, về hy vọng mỏng như sợi tóc và chi phí điều trị lớn như một núi lửa. Những dòng chữ đó, kỳ lạ thay, lại làm người ta rơi nước mắt. Một người đàn ông sống ở Sài Gòn tên H., có vẻ tử tế, cũng quyên góp. Rồi một nhân vật nữa, nổi tiếng hơn, sặc sỡ hơn – TikToker Phạm Thoại – nhập cuộc. Cậu này từng mặc váy, nói chuyện dí dỏm, giờ lại xuất hiện trong vai một ông Bụt mang dáng dấp showbiz. Cậu kêu gọi, cộng đồng ném tiền như bão. Tổng cộng gần hai mươi lăm tỷ đồng được gom lại để cứu lấy một đứa bé. Có người gọi đó là phép màu của thời đại internet. Có người chỉ thở dài, vì họ biết mọi phép màu đều có cái giá phải trả.
Tiền thì nhiều, tin tưởng thì ít. Người đàn ông tên H. bắt đầu nghi ngờ. Anh ta đến nhà chị Hòa, nghe người xung quanh nói chị sống khá giả, có xe, có máy lạnh, có tivi màn hình lớn. Anh đâm đơn tố cáo. Anh bảo: người mẹ ấy lừa. Phạm Thoại cũng bị gọi tên. Họ bảo cậu ta kiếm fame, mượn danh từ thiện để đánh bóng bản thân, để bán thêm son phấn, bán cả niềm tin của người lương thiện.
Mạng xã hội là một cái chợ trời. Người ta bán rẻ mọi điều, kể cả nỗi đau của đứa trẻ bị ung thư. Có người lục tung Facebook của “Mẹ Bắp”, soi từng cái ảnh. Có người hét lên: “Đòi sao kê!” Có người nguyền rủa. Có người bảo: “Đã giúp thì đừng đòi hỏi!” Nhưng những câu chữ đó, dù ngọt ngào hay tàn nhẫn, đều không cứu được ai. Bởi mạng xã hội không có trái tim, chỉ có ngón tay và định kiến.
Công an tỉnh Khánh Hòa vào cuộc. Những con người trầm lặng, mặc sắc phục, ngồi sau bàn giấy, lần theo từng giao dịch. Không vội vàng. Không cảm tính. Họ xem sao kê, đối chiếu bệnh án, truy nguồn tiền. Họ không cần biết ai nổi tiếng, ai diễn tốt. Họ chỉ cần biết sự thật.
Sự thật được công bố vào một ngày tháng Bảy, trong một bản tin vắn, khô khốc như một phán quyết. Rằng bé Bắp có bệnh thật. Rằng tiền dùng đúng mục đích. Rằng “Mẹ Bắp” không gian dối. Rằng Phạm Thoại không ăn chặn. Rằng không có dấu hiệu tội phạm. Rằng pháp luật không khởi tố. Những dòng chữ lạnh lùng ấy, trớ trêu thay, lại làm người ta nhẹ nhõm hơn hàng triệu status cảm thông.
Dân mạng chia phe. Có người xin lỗi, có người câm nín, có người vẫn ngoan cố đòi kiểm toán lại. Họ không tin vào sự tử tế. Họ tin vào giận dữ của mình hơn là kết luận của công an. Nhưng cũng có người lặng lẽ xóa đi những bình luận cũ, có người gửi lại một lời chúc cho bé Bắp, dù muộn màng.
Câu chuyện này, nếu viết thành kịch, có thể đặt tên là “Những đồng tiền biết khóc”. Vì chúng đã đi qua tay hàng triệu người, đi qua niềm tin, sự giễu cợt, lòng trắc ẩn và cả nghi kỵ. Chúng đã làm dậy lên một cơn lốc, rồi lại lặng xuống như tro tàn sau cơn cháy. Và trong tro tàn ấy, chỉ còn lại hình ảnh một đứa bé nhỏ, nằm yên trong căn phòng bệnh, với hy vọng mỏng manh là được sống – không phải nhờ phép màu, mà nhờ vào sự chính danh được chứng thực.
Người đàn bà tên Hòa ấy, giờ có lẽ vẫn còn sợ tiếng chuông điện thoại lạ. Còn Phạm Thoại, có lẽ đã bớt nói đùa trên mạng. Còn người đời, như mọi lần, sẽ sớm quên đi. Nhưng trong một thời gian rất dài, câu chuyện này sẽ âm ỉ như vết sẹo trong ký ức, nhắc người ta rằng giữa một thế giới nhiễu loạn, có những sự thật chỉ hiện hình khi không còn ai vỗ tay hay chửi rủa. Và ánh sáng, nếu có, không đến từ người hùng. Nó đến từ công lý. Lặng lẽ. Kiên nhẫn. Không màu mè.
Chỉ vậy thôi.
Những kẻ như này cần phải xử lý thật nghiêm minh trước pháp luật, có lẽ đã có quá nhiều trường hợp lợi dụng lòng tốt của người dân để tiến hành lừa đảo kiếm lợi vào túi riêng. Các cơ quan nhà nước cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cũng như có các quy định chặt chẽ về việc ủng hộ, từ thiện để hạn chế các vụ việc tương tự
Trả lờiXóaCơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định việc cháu N.P.M.H. bị bệnh ung thư máu là thật, và cần tiền để đưa cháu sang Singapore chữa trị là sự thật. “Mẹ Bắp” đã đưa thông tin đúng lên mạng xã hội để kêu gọi mọi người ủng hộ tiền chữa trị cho cháu H..
Trả lờiXóaKhi được mọi người ủng hộ tiền, bà này đã sử dụng số tiền trên chi trả viện phí và các chi phí trong quá trình điều trị cho cháu H., không dùng tiền từ thiện vào việc khác do đó hành vi của bà Lê Thị Thu Hoà không cấu thành tội phạm.
XóaĐứng trên góc độ xã hội, vụ này cho thấy cả điểm mạnh (cộng đồng sẵn sàng hỗ trợ người khó khăn) và yếu (dễ nghi ngờ, lan truyền thông tin sai lệch). Bộ Công an cảnh báo đúng khi việc kêu gọi riêng lẻ thiếu kiểm soát có thể gây hiểu lầm, luật pháp cần sửa đổi để bảo vệ cả người cho lẫn người tiếp nhận.
Trả lờiXóaMẹ Bắp có lẽ đã phải đứng trước áp lực dư luận rất lớn, đặc biệt là lúc ở tại Singapore khi không thể sao kê ngay, nên bị dư luận nghi oan. Phải đến khi Bộ Công an kết luận minh oan thì dư luận mới dịu, nhưng quá trình đó đã khiến gia đình họ bị tổn thương.
Trả lờiXóaCQCN đã kịp thời vào cuộc xác minh, lấy lại lòng tin cho cộng đồng thiện nguyện, hành trình vất vả tìm lại sự sống cho con được cộng đồng chung tay giúp đỡ thật ý nghĩa và rất nhân văn, mong rằng người dân mình tiếp tục chung tay thiện nguyện giúp những hoàn cảnh mảnh đời khó khăn khác.
Trả lờiXóaMạng xã hội có thể là nơi kêu gọi sự giúp đỡ, nhưng cũng là nơi tạo ra áp lực khổng lồ khi có vấn đề xảy ra. Áp lực từ dư luận, những lời chỉ trích, thậm chí là công kích cá nhân có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người trong cuộc, dù họ có đúng hay sai. Những vụ việc lùm xùm như của mẹ bé Bắp có thể khiến nhiều người e ngại hơn trong việc tham gia các hoạt động từ thiện online.
Trả lờiXóa