Chia sẻ

Tre Làng

CỰU CHIẾN BINH PHẠM VĂN NHÂN KỂ CHUYỆN NỔ SÚNG TRONG TRẬN GẠC MA VÀ CHUYẾN VƯỢT NGỤC KHỎI TRẠI GIAM TRUNG QUỐC

Cựu chiến binh Phạm Văn Nhân kể chuyện nổ súng trong trận Gạc Ma, và chuyến vượt ngục khỏi trại giam Trung Quốc

Khi trả lời phỏng vấn kênh Win Win Việt Nam hồi tháng 03/2017, ông Phạm Văn Nhân, cựu chiến binh Trung đoàn Công binh 83, đã kể chuyện ông tham gia trận hải chiến Gạc Ma, bị Trung Quốc bắt làm tù binh, rồi vượt ngục. Trong cuộc phỏng vấn này, ông Nhân cho biết những người lính Việt Nam đã kiên cường bắn trả Trung Quốc cho đến khi tàu bị đánh đắm. Như vậy, ông Nhân đã kể một câu truyện khác với quan điểm của cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” (bản chưa đính chính), rằng hải quân Việt Nam đã nhận lệnh “không được bắn” vào quân Trung Quốc trong trận Gạc Ma.

Trong bài này, mình sẽ tóm tắt câu truyện về cuộc hải chiến Gạc Ma qua cái nhìn của nhân chứng Phạm Văn Nhân. Mình cũng sẽ ghi rõ mỗi phần của câu truyện nằm trong đoạn clip nào, để mọi người tiện trích dẫn khi cần thiết.

1. Trước giờ nổ súng

Ông Phạm Văn Nhân sinh trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Nam Định [1][7]. Ông nhập ngũ ngày 14/03/1986, khi 21 tuổi [1]. Vào tháng 03/1988, ông là một người lính thuộc Trung đoàn Công binh 83, nhận nhiệm vụ xây nhà giàn bằng bê tông trên bãi đá Gạc Ma để giữ chủ quyền biển đảo. Ông nhận nhiệm vụ trong tâm trạng thoải mái [7].

Khi tàu HD-604 tiếp cận bãi đá Gạc Ma vào ngày 13/03/1988, tàu Trung Quốc bắc loa tuyên bố rằng đó là vùng biển của họ, và yêu cầu hải quân Việt Nam dời đi. Ông Nhân kể: “Họ nói gì kệ họ, mình làm việc của mình”, hải quân Việt Nam không đáp trả và tiếp tục làm nhiệm vụ [2].

2. Trận hải chiến Gạc Ma

Sáng 14/03/1988, hải quân Việt Nam mới chỉ khảo sát, cắm cờ và đổ một số công binh lên bãi đá Gạc Ma, chứ chưa chuyển được vật liệu xây dựng lên bãi đá. Lúc 8h sáng, khi ông Nhân đang chuyển vật liệu xây dựng từ tàu HQ-604 lên cano để chở lên đảo, thì giao tranh trên đảo nổ ra. Khi đó trên đảo có khoảng 30 công binh và thủy thủ Việt Nam, và “hàng trăm” lính Trung Quốc. Hầu hết công binh Việt Nam không mang vũ khí, vì chỉ làm nhiệm vụ xây dựng, trong khi lính Trung Quốc trang bị vũ khí cá nhân như AK-47 [3]. Bản thân ông Nhân cũng không mang súng, không mặc quân phục, vì chỉ làm nhiệm vụ xây dựng [8]. Lính Trung Quốc trên đảo nổ súng trước, sau đó tàu, xuồng Trung Quốc nổ súng bắn vào lính Việt Nam trên đảo và tàu, cano của Việt Nam [3].

Sau khi cano trúng đạn, ông Nhân trèo trở lại tàu. Ông băng bó cho những người bị thương, rồi cầm súng bắn trả, nhưng “không ăn thua” vì Trung Quốc dùng pháo 85 ly, trong khi ông chỉ có AK-47. Trong lúc giao tranh, ông Nhân bị mảnh đạn văng vào chân [9]. Sau 1 giờ giao tranh, tàu HQ-604 bị thủng và chìm nhanh do chở vật liệu xây dựng nặng [8]. Lính Trung Quốc tiếp cận bằng xuồng, dùng AK-47 bắn vào những người lính Việt Nam còn sống sót, khiến một số người hy sinh [3]. Ông Nhân kịp lặn xuống biển nên thoát được.

Ông Nhân bám vào một mảnh gỗ nổi trên biển. Đến 17h, lính Trung Quốc quay lại bằng xuồng, và bắt 9 người lính Việt Nam còn sống, trong đó có ông Nhân làm tù binh. Lính Trung Quốc kêu gọi đầu hàng, nhưng ông không giơ tay hàng, vì tay đã bị cứng do ngâm trong nước lạnh suốt 8 giờ. Thấy vậy, lính Trung Quốc nói “Lính Việt Nam không biết đầu hàng” (câu nói này được kênh Win Win Việt Nam dùng làm tiêu đề của video phỏng vấn) [3].

3. Bị Trung Quốc bắt làm tù binh, và được trị thương

Trưa 15/03, lính Trung Quốc đưa 9 tù binh lên đảo Hải Nam và cho ăn cơm, nhưng không ai ăn được vì mệt, do bị thương nặng. Thấy vậy, Trung Quốc chuyển họ đến bệnh viện ở bán đảo Lôi Châu để chữa trị. Sau đó, vì thấy ông Nhân vẫn không ăn, Trung Quốc cho ông đọc Công ước Geneve về Đối xử Nhân đạo với Tù binh Chiến tranh mà Việt Nam đã ký, và nói ông sẽ sống nếu chịu ăn. Họ cũng cử một “bác sĩ tâm lý đến”, để dò hỏi toàn bộ quá trình tham gia của ông trong trận Gạc Ma, và vì sao ông không chịu ăn cơm như những người khác. Ông Nhân đáp rằng khi lặn xuống biển sau trận đánh, ông uống phải nhiều nước mặn, khiến giờ không ăn được. Thấy vậy, phía Trung Quốc chữa trị cho ông bằng cách rửa ruột, truyền máu, cho chế độ ăn đặc biệt, và lập bệnh án để ông mang về Việt Nam [4]. Ông Nhân cũng dạy tiếng Việt cho y tá, y sĩ Trung Quốc trong thời gian này. Sau 3 tháng điều trị, 9 người lính Việt Nam được chuyển đến “trại thu dung” để giam giữ.

4. Cuộc vượt ngục dài 13 ngày

Phía Trung Quốc nói sẽ trả ông về Việt Nam sau 1 năm, nhưng không giữ lời [5]. Vì không chịu được cảnh sống tù túng và xa quê, nhóm 9 tù binh Việt Nam đã bàn chuyện vượt ngục [5][6]. Nhưng sau cùng, chỉ có ông Nhân đi, vì những người còn lại đều bị thương nặng. Mỗi người trong nhóm đều để dành số tiền phụ cấp hằng tháng mà “trại thu dung” phát cho họ, và góp lại làm tiền đi đường cho ông Nhân [6].

Vào thời điểm đó, nhóm 9 tù binh Việt Nam bị giam 3 người 1 buồng, ngày ăn 3 bữa, không phải lao động, không được ra ngoài. Tuy nhiên, mỗi tối, cả 9 người được đưa đến 1 hội trường để xem TV. Vì trại canh phòng sơ sài, ông Nhân lẻn ra ngoài trong giờ xem TV và trốn đi. Sau khi chạy qua ruộng, ông đặt hòn đá lớn giữa đường, khiến xe ô tô phải giảm tốc độ để tránh, nhân đó trèo lên thùng xe để di chuyển. Ông ngủ ban ngày, tối dậy mua đồ ăn và “bắt xe”. Tuy nhiên, vì không đoán được hướng xe đi, nên ông di chuyển rất chậm. Sau 13 ngày, ông bị dân quân bắt được. Ông chống trả dân quân, dân quân đáp lại bằng cách bắt ông và “đánh cho một trận” [6].

Sau 1 ngày tạm giam, ông bị đưa trở về trại, bị giam dưới chân cầu thang khoảng 1 tháng, rồi đưa về buồng giam cũ như trước. Ngoài ra, ông vẫn được hưởng chế độ ăn 3 bữa/ngày như bình thường, và không bị tra tấn, cũng không bị tuyên truyền trong suốt quá trình giam. Phía Trung Quốc có cử người đến để tra hỏi về các cấp bậc lãnh đạo trong quân đội, về việc ông Nhân đã nhận lệnh gì, từ ai… Mỗi lần như vậy, ông trả lời rằng “tôi cũng là tốt đỏ như lính của các anh, người ta cử ra đảo thì ra đảo”, chứ không biết gì hết. Thấy vậy, phía Trung Quốc cũng chỉ hỏi qua loa rồi thôi.

Sau thời điểm đó, nhóm 9 người lính Việt Nam tiếp tục bàn tính rằng “phải trốn ra Hải Nam”, rồi bắt tàu chở hàng về Việt Nam thì mới thoát được, nhưng cũng bất thành [5][6].

__________

Lời kể của nhân chứng Phạm Văn Nhân là một tài liệu tham khảo giá trị, giúp chúng ta có cái nhìn cận cảnh về những diễn biến trong trận Gạc Ma. Nó có thể dùng làm bằng chứng để bác bỏ quan điểm của cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” (bản chưa đính chính), rằng trong trận Gạc Ma, hải quân Việt Nam đã nhận lệnh “không được nổ súng” vào Trung Quốc.

Trong thời gian tới, mình sẽ tiếp tục tóm tắt tóm tắt và chú dẫn lời kể của các nhân chứng khác trong trận Gạc Ma, để giúp độc giả có cái nhìn đa chiều về sự kiện.


CHÚ THÍCH:

_ “666. (P1) Trận chiến đấu trên các đảo chìm “Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao”” – Win Win Việt Nam (kênh Youtube), 10/03/2017


Trong đó:

[1] 00:00 – 14:00 : Kênh Win Win Việt Nam tường thuật chi tiết diễn biến trận Gạc Ma năm 1988, việc vinh danh những người lính tham gia trận đánh, và quá trình mở rộng vùng kiểm soát của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa từ năm 1988 đến nay.

[2] 14:00 – 21:38 : Ông Phạm Văn Nhân kể diễn biến trước trận Gạc Ma, từ ngày 13/03 đến 8h sáng ngày 14/03/1988, khi ông chuẩn bị chở vật liệu xây dựng lên đảo.

_ “666. (P2) Bộ đội Việt Nam không biết đầu hàng à?” – Win Win Việt Nam (kênh Youtube), 10/03/2017


Trong đó:

[3] 00:00 – 13:00 : Diễn biến trận Gạc Ma, kéo dài từ 8h đến 17h ngày 14/03/1988, từ góc nhìn của nhân chứng Phạm Văn Nhân.

[4] 13:00 – 22:35 : Ông Nhân kể lại việc ông bị Trung Quốc bắt làm tù binh, và được trị thương.

[5] 22:35 – 25:51: Ông Nhân kể lại việc ông bị giam và vượt ngục.

_ “666. (P3) Cuộc Vượt ngục bất thành” – Win Win Việt Nam (kênh Youtube), 10/03/2017


Trong đó:

[6] 00:00 – 12:35 : Ông Nhân mô tả chi tiết cuộc vượt ngục dài 13 ngày.

[7] 12:35 – 15:15 : Ông Nhân mô tả tình hình gia đình và bản thân trong thời gian ông nhập ngũ, rồi được cử đến bãi đá Gạc Ma.

[8] 15:15 – 22:31 : Ông Nhân kể thêm một số diễn biến trong trận Gạc Ma.

[9] 18:30 : Ông Nhân kể rằng ông đã cầm súng bắn trả, nhưng “không ăn thua” trước pháo 85 ly của Trung Quốc.

1 nhận xét:

  1. Tất cả những thông tin không có kiểm chứng, xuyên tạc sự thật về cuộc chiến ở Gạc Ma đã bị cựu chiến binh Phạm Văn Nhân, nhân chứng sống đã từng tham gia trong trận Gạc ma vạch trần bộ mặt. Cảm ơn anh Phạm Văn Nhân nhiều.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog