Chia sẻ

Tre Làng

'Chúng tôi đã sống, chiến đấu và làm báo ở chiến trường'

“Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/Bên nắng đốt, bên mưa quây… Vừa trải qua những ngày hành quân mệt nhoài dưới cái nắng như đổ lửa cuối mùa khô ở Đông Trường Sơn, chúng tôi lại dầm mình giữa những cơn mưa tầm tã của Tây Trường Sơn. Ghẻ lở, sốt rét, bệnh tật, thậm chí hứng chịu cả cơn đói lả người… cũng không thể khiến các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nao núng”, bà Cao Tân Hòa - nguyên nhà báo chiến trường của TTXVN nhớ lại những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của mình cùng đồng nghiệp.

Những nữ nhà báo ra trận

Trong ký ức của mình, cựu phóng viên TTXVN Cao Tân Hòa vẫn nhớ về những ngày mùa thu năm 1972, khi chiến tranh miền Nam diễn ra ác liệt. TTXVN được phép tuyển chọn những sinh viên tốt nghiệp hoặc chưa tốt nghiệp của các trường đại học danh tiếng miền Bắc, đào tạo thêm nghiệp vụ phóng viên để tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), rải đều khắp các chiến trường từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Lứa phóng viên này được gọi là lớp GP10 (Giải phóng - khoá phóng viên thứ 10 của TTXVN). Đây là lớp phóng viên chiến trường TTXVN có quy mô lớn nhất, chất lượng, nhằm chi viện cho cách mạng miền Nam đang trong giai đoạn quyết định.

Từ trái sang phải: Hoàng Thị Tuyết Trinh, Cao Tân Hòa, Lê Thị Kim Thoa, Triệu Thị Thùy. Ảnh do nhân vật cung cấp

“Tôi biết rằng, tầng hầm của TTXVN số 19 phố Lê Thánh Tông có chỗ làm ảnh, lưu trữ ảnh. Là sinh viên khoa Hóa của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, tôi biết sơ qua cách làm ảnh, pha chế thuốc rửa ảnh nên nghĩ mình có thể sẽ về đó. Tháng 8/1972, tôi được học lớp phóng viên đào tạo ngắn hạn GP10. Giáo viên là những nhà báo từng vào chiến trường hoặc đang theo dõi các ngành. Chúng tôi được học kinh nghiệm là chủ yếu, ít lý thuyết”, bà Cao Tân Hòa kể.

Những phóng viên nữ được tuyển chọn về TTXVN thời đó không hề bị bắt buộc ra mặt trận. Thế nhưng, khi cả dân tộc đang ‘căng mình’ chi viện cho miền Nam thì họ không thể ngồi yên.

Bà Hòa nhớ lại: Mùa xuân 1973, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, các học viên trở lại Hà Nội. Khi hệ thống loa phóng thanh ở Ga Hàng Cỏ phát liên tục nội dung về Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, những chàng trai, cô gái trẻ tuổi đôi mươi của GP 10 lại lên đường tới T.105 - ngôi trường của Ban Thống nhất Trung ương nằm bí mật ở tỉnh Hòa Bình, để hoàn tất những khâu cuối cùng cho một cán bộ "đi B". “Chỉ vẻn vẹn hơn 1 tháng, các học viên đều phải trải qua các bài tập luyện khắt khe như đi bộ, đeo balo chứa gạch, leo núi, lội sông… để sẵn sàng cho cuộc hành trình vì Tổ quốc”- bà Hòa kể.

Toàn bộ tiểu ban TTX Giải phóng khu 5. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày 16/3/1973, lớp phóng viên GP 10 rời miền Bắc với cây bút, quyển sổ và máy ảnh, lên đường ra mặt trận, đối mặt với sự hy sinh, gian khổ với lòng rất đỗi tự hào. Nữ nhà báo Cao Tân Hòa nằm trong số gần 150 phóng viên GP 10; ngoài ra còn có các điện báo viên, kỹ thuật viên ảnh cũng lên đường tham gia các mặt trận từ Quảng Trị đến mũi Cà Mau.

“Tôi cùng các đồng nghiệp hành quân vào chiến trường. Trong quá trình di chuyển tới thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, không may có một xe ô tô gặp tai nạn, một số bị thương phải ở lại, số còn lại vẫn quyết tâm lên đường. Hơn chục ngày sau, một xe chở các phóng viên tăng cường cho Thông tấn xã Khu V lại gặp tai nạn trên đường Hồ Chí Minh, tôi bị thương nặng, phải nằm lại Trạm xá của một binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh 559 gần một tháng. Còn đoàn xe chở gần 100 phóng viên vào tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng Nam Bộ đến đoạn đường gần Atôpơ của Lào cũng gặp tai nạn. Khi đó, chiếc xe chở nhà báo Phạm Thị Kim Oanh và Trần Viết Thuyên bị lật, hai người hy sinh tại chỗ”, nữ nhà báo Cao Tân Hòa bùi ngùi nhớ lại.

Tháng 3/1973, 150 phóng viên, điện báo viên, kỹ thuật viên Khóa GP10 của Việt Nam Thông tấn xã lên tàu vào chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng tại chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đến nay, lớp phóng viên GP10 đều day dứt, đau đáu khi vẫn chưa tìm được hài cốt của 2 liệt sỹ Trần Viết Thuyên và Phạm Thị Kim Oanh mặc dù có chụp được ảnh kỷ niệm lưu lai phần mộ tại tỉnh Attapeu của nước bạn Lào và cũng đã cử người cùng Đội K53 Kon Tum lần theo dấu vết cũ. Đó là những nhà báo trẻ hy sinh khi chưa vào tới miền Nam mà trong lá đơn của họ đều viết: "Tình nguyện đi B".

Thời gian đó, những người bị thương nhẹ được chữa khỏi tiếp tục hành quân theo giao liên về căn cứ của TTXGP nay gọi là TTXVN, còn nhà báo Cao Tân Hòa là người duy nhất trong đoàn phải ở lại để điều trị tại binh trạm thuộc Bộ Tư lệnh 559 mất gần một tháng. Sau chuỗi ngày dài bị hôn mê, khi tỉnh dậy, bà Cao Tan Hoa cầm trong tay giấy của bác sỹ quân y kết luận là bị chấn thương sọ não và tinh thần phải đợi chuẩn bị đưa vào tuyến sau (tức là quay trở về Hà Nội).

“Nghe xong, tôi thấy mọi thứ chao đảo trước mắt. Không lẽ, vào đến đây rồi, tôi lại phải quay về? Cuộc hành trình mới của tôi mới bắt đầu không lâu và tôi không muốn phải dừng lại. Khát vọng lên đường thôi thúc, tôi thuyết phục các bác sỹ cho phép tiếp tục điều trị tại binh trạm, để sau khi hồi phục, tôi có thể thuận tiện lên đường tiếp. Lúc ấy, tôi thiết nghĩ, nếu trí óc bị ảnh hưởng, không thể làm phóng viên lấy tin, viết bài, tôi vẫn có thể góp sức vào cuộc chiến chung bằng những công việc khác như phục vụ hậu cần, chăm sóc thương binh”, bà Hòa rưng rưng nhớ lại.

Trong buổi đón tiếp một lãnh đạo cấp cao về binh trạm, nhà báo Cao Tân Hòa đã tìm gặp và quyết liệt xin trình bày với lãnh đạo về nguyện vọng tiếp tục được ra chiến trường. May mắn, lời thỉnh cầu của bà Hòa đã được chấp thuận.

Bài học kỹ năng sinh tồn và ý chí gan dạ

Bà Hòa vẫn còn nhớ như in thời điểm năm 1973 và 1974, bà vào tới chiến trường, làm phóng viên của TTXGP tại Bình Định. Nữ phóng viên được bám theo các đơn vị bộ đội địa phương và du kích xã tham gia các chiến dịch để viết tin, chụp ảnh kịp thời gửi về cho TTXGP Khu V để gửi ra Hà Nội.

Liệt sĩ - nhà báo Lương Nghĩa Dũng, phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong buổi trao đổi với phóng viên báo Tin tức vào những ngày cuối tháng 8/2020, bà đọc lại một mạch lời thoại với một số người ở Phòng đấu tranh chính trị:

-“Trước tiên vào chiến trường, nhà báo phải làm gì?, một cô lớn tuổi làm ở Phòng đấu tranh chính trị hỏi.

+Tôi hăng hái đáp lại: Trước tiên, nhà báo phải có sản phẩm tin, bài gửi về tổng xã. Vì vậy tôi xin được bắt đầu nội dung câu hỏi phỏng vấn.

-Được rồi, tin rồi cũng sẽ có nhưng bài học đầu tiên vào chiến trường là phải bảo tồn sinh mệnh của mình. Bảo toàn tính mạng là làm sao tránh được súng bắn, đạn bay đạn lạc để không phải đối mặt với hiểm họa cái chết. Ở chiến khu này an toàn hơn nhưng khó nhất là phải đối mặt với cơn đói hành hạ, bệnh sốt rét hoặc lũ cuốn… Xin mời nhà báo xuống nấu cơm!”, bà Cao Tân Hòa nhớ như in mẩu đối thoại xưa kia.

Bà kể tiếp: “Tôi băn khoăn lắm bởi cả Ban có tới hơn 10 người mà chỉ được nhận có 2 lon gạo vơi và một chút mắm cá, xoay sở đủ ăn ra sao? còn rau nữa? đấy là kỹ năng sống mà tôi được học từ những ngày đầu tham gia chiến trường”.

Phòng thu - phát tin, ảnh của TTXGP tại chiến khu Dương Minh Châu. Ảnh: TTXGP

Để đủ lương thực, cơm phải độn thêm các chất khác là ngô, khoai, sắn, trong khi mùa mưa ở Bình Định kéo dài 6 tháng thì việc dỡ sắn, phơi sắn cũng cả là một vấn đề. “Thức ăn, chúng tôi cũng được dạy là tự sáng tạo. Lấy các loại rau ăn thì phải dùng hết các giác quan như mắt để nhìn, mũi để ngửi và phải nếm. Có loại rau rừng trông rất giống rau ngót nhưng ăn vào sẽ bị độc chết ngay. Còn quả thì sao? Phàm các loại quả là chim ăn được thì người cũng ăn được. Những quả ngọt thường lại rất độc, quả chua thì lành. Kỹ năng sống đầu tiên, tôi cũng được học từ đó”, nhà báo Cao Tân Hòa hồi tưởng.

Sinh tồn nơi chiến trường không phải việc dễ dàng. Nữ nhà báo Cao Tân Hòa không thể quên lần suýt hấp hối vì đói lả. Bà kể: Dòng sông Trà Nô chảy dài, trụ sở Ban Tuyên huấn bên kia sông (gồm lãnh đạo Ban, khu bếp); còn bên này sông toàn văn nghệ sỹ, báo văn nghệ, TTXVN, đài phát thanh... Lũ về, mưa xối xả nhiều ngày cuốn theo đất núi, đá, thậm chí làm bật cả gốc của cây đại thụ.

Ban đầu còn có một bữa ăn trong ngày, nhưng dần dần không còn gì để ăn. Hai nhà báo chiến trường Cao Tân Hòa và Triệu Thị Thùy đói lả. Bà Hòa đi lấy chuối rừng, dùng phần nõn chuối cho vào Ănggô để nấu. Thế nhưng ăn xong, bà Hòa và đồng nghiệp càng cồn cào gan ruột. Người lả đi, họ cảm giác chỉ đợi chờ cái chết.

Chặng dừng chân của đoàn phóng viên GP 10 của Việt Nam Thông tấn xã trên đường vào Chiến dịch Hồ Chí Minh để chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Rất may, nhà báo chiến trường Lâm Quý đã mang đến con chim chào mào vừa bẫy được, nướng lên cho bà Hòa và bà Thùy ăn. “Chúng tôi chỉ dám xé từng sợi, ngậm trong miệng để giảm bớt cơn đói hoành hành”, bà Hòa nhớ lại.

Đến khi mưa ngớt nhưng lòng sông vẫn rộng, phóng viên ảnh TTXVN là Văn Chi xung phong bơi qua sông để mang gạo về cứu đói cho anh em. “Tôi dân Bình Định, chưa vợ con, tôi bơi giỏi nên để tôi bơi qua sông mang gạo. Nếu tôi chết thì mọi người tế sống, nếu tôi thành công sẽ mang được gạo về cứu anh em”, ông Văn Chi nói.

Mọi người nối các dây võng vào với nhau, buộc vào cây đại thu và hồi hộp dõi theo. Lúc này theo bà Hòa, anh em yếu lắm, hơi sức chỉ còn có thể bò và nằm. Sau quãng thời gian tưởng như thót tim, ông Văn Chi đã bơi sang bên kia sông thành công để về kéo các bao gạo, nấu cháo loãng.

“Nếu tính cả lúc bữa thiếu, bữa ăn chút chút, tổng cộng, tôi và chị Thùy phải trải qua hơn 20 ngày ăn thiếu và đói hoàn toàn. Giờ nếu thả tôi vào rừng 1 tuần, tôi cũng sẽ sống được”, bà Cao Tân Hòa hài hước kể lại.

Các nữ phóng viên cũng học dần các bài học nghề nghiệp. Lần đầu tiên đi đưa tin tại chiến dịch ở tỉnh Bình Định, bà được nghe và nắm rất rõ các sơ đồ, bản đồ địa hình, các phương án đánh địch. “Thế nhưng ra thực tế, tiếng súng đạn nổ chói tai, tôi không thể phân biệt được đâu là tiếng súng của địch, đâu là của quân mình. Không thể viết được tin, bài, tôi bật khóc”, nữ nhà báo chiến trường kể lại.

Sau đó, bà Hòa được các chiến sỹ huấn luyện dần để phân biệt được tiếng súng của quân đội Việt Nam và kẻ địch.

Một kỷ niệm được bà Cao Tân Hòa chia sẻ với chúng tôi là quá trình thu thập thông tin viết về nhân vật ông Bốn “lửa”. Ông này luôn có những lý lẽ để đấu lại bọn lính ngụy đóng trên địa bàn. Địa bàn nơi bà Hòa đóng quân là thế “cài răng lược", ban ngày có thể dân theo địch nhưng ban đêm dân theo mình. Để tiếp cận ông Bốn “lửa”, bà Hòa được 4 du kích dẫn đi, bảo vệ. Bản thân nhà báo Cao Tân Hòa cải trang là cô gái vùng Bình Định, từ cách ăn mặc đến để mái tóc rẽ ra sao, đặc biệt tại chỗ không an toàn thì không được nói để lộ giọng ngoài Bắc.

“Khi tôi đến điểm hẹn bí mật, đèn tắt hẳn. Tôi chỉ được hỏi trong vòng 10 phút mà không nhìn thấy mặt ông Bốn ‘lửa’ dù ông ngồi ngay trước mặt. Sau khi hỏi chuyện đúng trong khoảng 10 phút, tôi được nữ du kích bấm vào tay để thông báo hết giờ, cũng là lúc quân lính đi tuần rất gay gắt”.

Về đến khu an toàn để viết, nữ nhà báo chiến trường phải nhớ lại toàn bộ câu chuyện vì đi lấy thông tin nhưng không được ghi chép, không được chụp hình cũng như nhìn mặt. Trong khi đó, tiếng địa phương rất khó nghe khiến phóng viên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bà Hòa đã hoàn thành bài viết với sự trợ giúp của 4 du kích địa phương đi cùng.

Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi. Ảnh: TTXVN

Trong khi trải lòng câu chuyện thời kháng chiến, nữ nhà báo Cao Tân Hòa không cầm được nước mắt khi nhớ lvề 2 ông bà ở xã Ân Phong thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Địn.

Đó là trong quá trình đi lấy thông tin để viết bài “Giữ chốt quê hương” với nội dung đề cập về trung đội toàn nữ, nữ nhà báo chiến trường của TTXVN đã tìm gặp Chủ tịch xã Ân Phong. Làm việc xong, ông Chủ tịch xã nhìn nhà báo Cao Tân Hòa với ánh mắt rưng rưng và mời nữ nhà báo về nhà ông bà ở. Ông cho biết cô con gái duy nhất của ông bà vừa mới bị mất trong một lần đi tải đạn.

“Khi gặp tôi, vợ ông Chủ tịch xã Ân Phong ôm tôi, khóc dữ lắm. Họ gọi tôi là ký giả và có nói tuổi tôi khi ấy bằng tuổi con gái của họ. "Ký giả ở đây nhé, chúng tôi sẽ bố trí chỗ ăn, ở hợp lý”, bà Cao Tân Hòa kể lại.

Sau đó, nữ nhà báo Cao Tân Hòa được vợ chồng ông Chủ tịch xã chăm sóc chu đáo như con gái của mình. Tuy nhiên sau một thời gian, bà Hòa phải tiếp tục đi chiến dịch, nằm vùng khác. Ông bà chủ tịch xã Ân Phong đã nhận bà Hòa là con gái nuôi. Đến giờ, dù đã trải qua hơn 40 năm, bà Cao Tân Hòa vẫn không bao giờ quên được ký ức đó cũng như bày tỏ sự biết ơn những người đã cưu mang và giúp đỡ mình cùng đồng đội, đồng nghiệp để hoàn thành nhiệm vụ đưa tin.

M.Phương – L.Phú

10 nhận xét:

  1. Những chia sẻ đầy cảm động và chân thực đến từ nữ nhà báo đã từng có những ngày tháng bám chiến trườg, quên đi lợi ích cá nhân, chịu khó chịu khổ để ghi lại những thông tin đắt giá có liên quan đến cuộc chiến tranh; góp phần công sức mình vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc thật để lại cho bạn đọc biết bao cảm xúc nghẹn ngào

    Trả lờiXóa
  2. Hồi đấy sinh viên trẻ đều có tinh thần xung phong với tình yêu nước nồng nàn; có những người sẵn sàng tạm ngưng việc học, tạm biệt giảng đường để ra trận; hay ở đây là những bà, những cô mà khi đó mới chỉ là những thiếu nữ vừa ra trường nhưng cũng xung phong đi ra chiến trận để ghi tin; một lời nói khâm phục không thể bày tỏ hết lòng kính trọng và cảm động dành cho các cô các bác!

    Trả lờiXóa
  3. Ở thời điểm đó các cô chính là một trong những người đã góp sức mình tạo nên thành quả cách mạng. Từ đó thể hiện không phải ai cũng cần phải trực tiếp ra trận, mỗi người có một nhiệm vụ riêng, nơi hậu phương nơi đầu chiến tuyến nhưng họ có trái tim có cùng khát vọng mong muốn , đó chính là độc lập dân tộc. Tất cả đã hội tụ tạo nên sức mạnh tổng hợp, mang lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc

    Trả lờiXóa
  4. Nghề làm báo không phải chỉ là việc đi lấy tin, ngồi văn phòng mà thực sự nghề này gặp rất nhiều nguy hiểm. Trong thời chiến, những nhà báo còn phải đối diện với sinh tử vì để có thể ghi được những thước phim trên chiến trường một cách khách quan. Chính nhờ có họ mà ngày nay chúng ta được cảm nhận rõ nét sự hào hùng và thiêng liêng của cha ông.

    Trả lờiXóa
  5. Những nhà báo thời chiến tranh cũng là những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Họ đại diện cho một thế hệ nhà báo nhiệt huyết, xông pha, không ngại khó khăn, gian khổ để có thể ghi hình một cách chân thật nhất những khoảnh khắc thời chiến. Và họ cũng là những nhà đưa thư...bất đắc dĩ với những câu chuyện cảm động ẩn phía sau.

    Trả lờiXóa
  6. Quả đúng là họ đã sống, chiến đấu và làm báo ở trên chiến trường. Họ không màng khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tình nguyện xông pha ra mặt trận để có thể ghi lại được những khoảnh khắc bất khuất, hào hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến tranh khóc liệt này. Chúng ta phải thực sự biết ơn đến những hi sinh thầm lặng của họ để cho thế hệ sau có được những tư liệu quý về chiến công của ông cha ta năm xưa.

    Trả lờiXóa
  7. mỗi bức ảnh, mỗi thước phim thời chiến đều đáng quý, vì đó không những là những giờ phút thử thách, khó khăn, sinh tử của những nhiếp ảnh gia, nhà báo mà còn là vật chứng ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng của một bên nào đó trong cuộc chiến. Những nhà báo thực sự là chiến binh trên mặt trận văn hóa.

    Trả lờiXóa
  8. Ngay từ buổi bình minh của báo chí cách mạng, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đội ngũ những người làm báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam tuy còn rất ít ỏi, hầu hết chưa qua trường lớp đào tạo báo chí, chỉ với lòng yêu nước, tinh thần nhiệt huyết cách mạng đã gánh trên vai và hoàn thành trọng trách to lớn mà lịch sử và dân tộc giao phó: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do, độc lập và mưu cầu hạnh phúc trong nhân dân

    Trả lờiXóa
  9. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, đất nước đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới cùng với bùng nổ truyền thông đặt ra cho báo chí Việt Nam không ít khó khăn, thử thách. Vì vậy, hơn lúc nào hết, báo chí phải phát huy hơn nữa vai trò trong tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân để thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

    Trả lờiXóa
  10. quả thực khâm phục tài năng, sự thông minh, gan dạ, bản lĩnh của nhà báo lúc bấy giờ. Mặc dù bom rơi đạn lạc nhưng họ vẫn băng băng trên những tuyến hành quân của bộ đội ta để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Đằng sau những bức ảnh quý giá là cả sự hi sinh cao cả.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog