Chia sẻ

Tre Làng

Hà Nội thực hiện công tác chăm sóc người nghèo: Nhân văn, chu đáo và hiệu quả


Thực hiện yêu cầu "không để ai bị bỏ lại phía sau", thời gian qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của thành phố Hà Nội đã có nhiều hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nghèo một cách nhân văn, chu đáo và hiệu quả. Nhờ đó, thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trước thời hạn 2 năm, cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Các nhà hảo tâm tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).

Hỗ trợ người nghèo thoát nghèo...

Tiếp xúc với gia đình em Phương Anh ở tổ dân phố số 10 phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), hộ vừa thoát cận nghèo tháng 6-2020, mới thấy sự nỗ lực vượt khó của em. Gia đình Phương Anh có 5 người thì có tới 3 người bị khuyết tật nặng. Mọi gánh nặng đều do Phương Anh và người mẹ ngoài 60 tuổi, bà Đào Thị Lý đảm trách. Mỗi khi rời giảng đường đại học, em lại đi làm thêm. Nhờ sự giúp đỡ của UBND phường, gia đình Phương Anh được nhận 1 sổ tiết kiệm 5 triệu đồng. Đặc biệt, em được hỗ trợ 1 xe máy trị giá 20 triệu đồng để có thêm phương tiện mưu sinh, kiếm tiền phụ giúp mẹ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhi ở tổ dân phố Văn Trì 3, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) rất phấn khởi khi được UBND phường hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa nhà. Bên cạnh đó, UBND phường Minh Khai còn giới thiệu việc làm cho con trai bà Nhi và vận động Công ty INOX Sơn Hà tặng 1 bồn nước 1m3, giảm 3 tháng (tổng cộng là 870.000 đồng) tiền thuê ki ốt ở chợ tạm Văn Trì để bà thuận lợi buôn bán, chăm sóc người chồng khuyết tật và quan trọng nhất là không tái nghèo.

Lấy chồng thuộc hộ nghèo của xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), chị Nguyễn Thị Hồng Bích (cụm 12 Hạnh Đàn, xã Tân Lập) vay vốn trồng trọt, chăn nuôi để thoát nghèo. Năm 2015 chồng qua đời, chị và 3 người con phải chuyển từ nhà chính trong làng ra căn nhà nhỏ ngoài xứ đồng gốc Găng. May mắn được tiếp cận chương trình hỗ trợ vay vốn xóa đói giảm nghèo của xã, lúc vay 20 triệu đồng, khi 40 triệu đồng, chị đầu tư nuôi cá và trồng bưởi. Ngoài ra, chị còn được tạo điều kiện hưởng các chế độ của hộ cận nghèo.

... và không để ai bị bỏ lại phía sau

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng các địa phương còn hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Lâm Văn Thảo, các hộ gặp khó khăn đa phần là những gia đình đông con, không có lao động; hộ gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật, mắc tệ nạn xã hội; hộ gia đình không có đất ở, đất lao động sản xuất.

Chia sẻ về hướng giải quyết vấn đề này, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy Nguyễn Quang Hồng cho biết, năm 2017, Cầu Giấy không còn hộ nghèo; đến tháng 6-2020 không còn hộ cận nghèo. Hiện, UBND quận tiếp tục thực hiện các biện pháp để duy trì kết quả đạt được như thường xuyên vận động các gia đình ổn định việc làm, hỗ trợ vay vốn để kinh doanh…, qua đó chống tái nghèo.

Trong khi đó, để giúp các hộ thoát nghèo và chống tái nghèo bền vững, Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Hoàng Thị Chiên cho biết, phường đã rà soát, phân loại, phân tích đặc điểm các hộ nghèo, cận nghèo, từ đó trực tiếp gặp gỡ, ghi nhận mong muốn của các hộ và có biện pháp hỗ trợ thiết thực nhất. Cách tiếp cận này đã giúp phường xóa được số hộ nghèo và 76 hộ cận nghèo trên địa bàn.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, nhờ thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ người nghèo như xây dựng cơ sở hạ tầng, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, giải quyết việc làm... nên trong 5 năm (2015-2020) số hộ nghèo trên toàn huyện đã giảm từ 1.549 hộ xuống còn 120 hộ (tỷ lệ còn 0,26%). Dự kiến, hết năm 2020, số hộ nghèo của huyện giảm còn 80 hộ, phấn đấu có thêm 5 xã không còn hộ nghèo.

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho biết, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, các chính sách được thực hiện có trọng tâm, đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch. Do vậy, đến nay, số hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm đáng kể. “Có được kết quả này là do các quận, huyện, thị xã nỗ lực thi đua thực hiện giảm nghèo bền vững với các giải pháp: Hỗ trợ xây dựng nhà ở xuống cấp đối với hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ bò giống; tặng xe máy, máy ép mía; hỗ trợ kinh doanh buôn bán nhỏ; vận động doanh nghiệp nhận đỡ đầu học sinh nghèo…”, bà Nhung cho biết.

Theo bà Dương Tuyết Nhung, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được ban hành kịp thời và triển khai nghiêm túc đã đáp ứng các yêu cầu cơ bản về hỗ trợ các hộ nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian tới, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chống tái nghèo bền vững sẽ tiếp tục được triển khai theo hướng tiếp cận đa chiều, ưu tiên giảm nghèo cho vùng khó khăn, phấn đấu toàn thành phố không còn quận, huyện, thị xã có hộ nghèo, cận nghèo.

8 nhận xét:

  1. Một việc làm ý nghĩa, nhân văn rất đáng được nhân rộng. từ trước đến nay truyền thống lá lành đùm lá rách, bầu ơi thương lấy bí cùng luôn được tổ chức, thực hiện một cách chu đáo không chỉ riêng ở Hà nội mà còn trên cả nước. hy vọng trong thời gian tới, công tác này được chuẩn bị tốt hơn nữa, chu đáo hơn nữa, để thể hiện được cái lý cái tình ấm áp, của dân tộc Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  2. với chính sách hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người dân thoát nghèo, Chính quyền các cấp ở Hà Nội đã có nhiều chủ trương, giải pháp được thực hiện hiệu quả và đem lại nhiều sự đổi thay trong đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân thủ đô. Mong rằng tinh thần "tương thân tương ái" sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ và có nhiều mạnh thường quân sẽ đồng hành cùng với chính quyền.

    Trả lờiXóa
  3. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm nhưng cũng là tình cảm mà chính quyền thủ đô dành cho người dân nơi đây nhằm "không bỏ ai ở lại phía sau". Việc làm hết sức ý nghĩa trên đã góp phần cải thiện đời sống của nhiều người dân, giúp đỡ bớt cơ cực phần nào. Tuy nhiên trong tương lai chính quyền cần nhiều chương trình, chính sách hơn nữa, đặc biệt giúp người dân tự cải thiện cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh của họ.

    Trả lờiXóa
  4. Chính quyền Hà Nội luôn chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ về an sinh xã hội, y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay. Đồng thời phối hợp với UBND các quận, huyện thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn ổn định cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  5. Việc làm ý nghĩa đó cho thấy sự điều hành linh hoạt, chủ động của chính quyền và ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Chắc chắn sự đồng lòng, chung sức, tận tâm, tận lực của chính quyền, tinh thần tự lực vươn lên của người dân thủ đô, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và tiếp tục phát triển hơn nữa để cùng hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    Trả lờiXóa
  6. Công tác chăm sóc, hỗ trợ người nghèo là một công tác xã hội thường xuyên, cần thiết của chính quyền địa phương. Bằng tấm lòng nhân đạo, lá lành đùm lá rách, xã hội không bỏ lại bất kì ai ở lại phía sau

    Trả lờiXóa
  7. Đây là việc làm cần phải nhân rộng trong cả nước. Hiện nay có rất nhiều khu vực khó khăn cần sự chung tay giúp sức của toàn xã hội, sự đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Sự chung tay của toàn xã hội, sự giúp đỡ của các mạnh thường quân và với tiêu chí "không để ai lại phía sau" thì tôi tin rằng sẽ rất nhanh thôi, Việt Nam ta sẽ xóa bỏ hộ nghèo, hộ cận nghèo, ai ai cũng có cuộc sống ổn định, đầy đủ trang trải cuộc sống.

    Trả lờiXóa
  8. Việt Nam luôn có truyền thống lá lành đùm lá rách, vậy nên cần chú trọng hơn nữa trong công tác chăm sóc, hỗ trợ người nghèo, xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi chúng ta có thể giúp nhưngx người nghèo có cuộc sống đỡ vất vả hơn

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog