Chia sẻ

Tre Làng

Bác sỹ Võ Xuân Sơn và cuộc điện thoại từ Bí thư Nguyễn Văn Nên


Khuya hôm qua, một số bạn nhắn cho bác sỹ Võ Xuân Sơn, rằng Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã đọc đề xuất của ông ấy. Một bạn còn cho biết cụ thể, thư kí của Bí thư Nên có nói, những đề xuất của bác sỹ thuộc nhóm 1 (tập trung giảm tử vong), một số đã làm, một số đã chỉ đạo. Còn nhóm 2 (bảo đảm an sinh cho người dân) thì một số đã làm, một số chưa làm được vì còn vướng thủ tục.

Bí thư Nguyễn Văn Nên luôn mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để góp vào chiến lược chống dịch của TP.HCM.

Theo chia sẻ từ bác sỹ Võ Xuân Sơn, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã gọi điện cám ơn bác sỹ đã gởi đề xuất. Ông cho biết đã đọc các đề xuất, đã chuyển cho các bộ phận chức năng nghiên cứu, và khi có kết quả sẽ trả lời lại cho bác sỹ. Bí thư Nên cũng đề nghị bác sỹ, nếu có thêm đề nghị gì thì có thể nhắn tin qua điện thoại hoặc gởi email trực tiếp cho ông.

Bác sỹ Võ Xuân Sơn chia sẻ: “Thật tiếc là khi Bí thư Nên gọi điện, tôi đang lái xe qua đoạn đường hẹp nên vừa nói chuyện, vừa phải tìm chỗ để dừng lại, nên có lúc không tập trung hoàn toàn vào câu chuyện. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận ở ông sự chân thành và cầu thị. Theo tôi, đó là một trong các điều kiện cần để lãnh đạo có thể quan tâm xem xét áp dụng các đề xuất, giúp chúng ta vượt qua vụ dịch lần này với thiệt hại ít nhất có thể”.

Chân dung bác sỹ Võ Xuân Sơn.

Trước đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng đặt ra yêu cầu: “Cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch của TP.HCM”. Nói đi đôi với làm, Bí thư Nên đã chủ động gọi điện trao đổi trực tiếp với bác sỹ Sơn, đó là một hành động cầu thị xuất phát từ sự chân thành của người lãnh đạo thành phố, tinh thần mong muốn lắng nghe tiếng nói đóng góp của các chuyên gia.

Bản thân bác sỹ Võ Xuân Sơn cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh những vấn đề thực tế, đề xuất những giải pháp mà ông thấy là có thể giúp tất cả chúng ta trong thời điểm khó khăn này. Lúc này, tất cả chúng ta cần cùng chung sức để giảm bớt những tổn thất, giảm bớt những đau thương cho TP.HCM của chúng ta.

Tiến sỹ, bác sỹ Võ Xuân Sơn là người có chuyên môn cao, có thâm niên 35 năm trong nghề, từng công tác tại Khoa Ngoại Thần Kinh – Bệnh viện Chợ Rẫy. Là bác sĩ trưởng kíp trực, phẫu thuật viên chính, đảm trách những ca mổ khó nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực Phẫu thuật Cột sống – Tủy sống.

Cách đây không lâu, bác sỹ Võ Xuân Sơn đã đề nghị hai vấn đề, thứ nhất là thay đổi cách chống dịch, thứ hai là bảo đảm an sinh cho người dân. Thực ra, hai vấn đề này liên quan mật thiết với nhau. Có những nội dung sau mà thành phố cần thực hiện:

1. Tập trung giảm số lượng tử vong

– Chấm dứt ngay việc cách li F1, F2, chỉ khuyến cáo họ hạn chế tiếp xúc. Chỉ tiến hành cách li người đã có bằng chứng nhiễm (F0), và người có triệu chứng nhưng xét nghiệm âm tính và được bên y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao.

– Tiến hành cách li F0 và những người được y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao. Trong đó, F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ (theo phân độ 1 và 2 của Bộ Y tế theo quyết định 3416 /QĐ-BYT) chỉ cần cách li tại nhà. Riêng mức độ vừa (mức độ 3) thì có thể để chăm sóc tại nhà nếu có điều kiện theo dõi và điều trị tại nhà.

– Giải tán các khu cách li, chỉ giữ lại 2 hoặc 3 khu cách li, dành cho những người cần cách li nói trên nhưng không có nhà, hoặc nhà không có điều kiện tối thiểu để cách li (đây là việc khó vì nó liên quan đến lợi ích của một số người). Tập trung bảo đảm điều kiện sống và thuốc thiết yếu trong các khu cách li này. Đối với các khu cách li này chỉ cần có bác sĩ tư vấn từ xa.

– Chỉ cho nhập viện những người được y tế đánh giá mức độ 4 hoặc mức độ 5 (nặng và nguy kịch), hoặc mức độ 3 nhưng không có điều kiện chăm sóc tại nhà, cùng những người xét nghiệm âm tính nhưng có triệu chứng đủ nặng và được bên y tế đánh giá là nghi nhiễm mức độ cao.

– Kêu gọi nhân viên y tế về hưu tham gia, thành lập các đơn vị tư vấn từ xa cho những F0 cách li tại nhà, đề nghị các công ty truyền thông bảo đảm đường truyền để liên lạc thông suốt. Nhanh chóng ban hành hướng dẫn theo dõi F0 tại nhà chính thức, cho cả người nhiễm và bác sĩ tư vấn. Nếu Bộ Y tế chưa có thì Sở Y tế chịu trách nhiệm ban hành.

– Bảo đảm cung cấp đủ các phương tiện theo dõi như máy đo SpO2, kid thử kháng nguyên nhanh có thể cho tự thử tại nhà cho người F0 theo dõi và cách li tại nhà.

– Thành lập các đội phản ứng nhanh, bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vận chuyển, xe cấp cứu dành cho các F0 theo dõi và cách li tại nhà. Có thể thành lập theo thành phố (như một bộ phận của cấp cứu 115), hoặc theo từng quận huyện. Các đội này phải giữ liên lạc với các nhóm tư vấn, và có thể hỗ trợ nhau, bảo đảm có mặt kịp thời theo yêu cầu của bác sĩ tư vấn. Các đội này có trách nhiệm cấp cứu, vận chuyển các F0 mức độ 4 hoặc mức độ 5 (nặng và nguy kịch), hoặc mức độ 3 nhưng không có điều kiện chăm sóc tại nhà đến bệnh viện. Các đội này cũng có quyền quyết định F0 nào đang ở mức độ 3 có thể được phép tiếp tục theo dõi và điều trị tại nhà hay phải nhập viện.

– Tập trung nhân lực, vật lực, vật tư y tế cho các bệnh viện điều trị các bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán mức độ 4 và 5.

– Tập trung chích vaccine cho nhân viên y tế với loại vaccine nhanh tạo ra kháng thể. Song song đó ưu tiên chích vaccine cho người lớn tuổi, người có bệnh nền, giới lái xe tải, lái taxi, xe công nghệ, giao hàng, người lao động trong ngành dịch vụ phải tiếp xúc nhiều như bán hàng, thu ngân, buôn bán tự do…

– Hỗ trợ tối đa để bảo toan hệ thống y tế, cả công và tư.

2. Bảo đảm an sinh cho người dân.

Theo bác sỹ, các biện pháp phong tỏa như hiện nay đang áp dụng, kể cả giới nghiêm, đều không có hiệu quả. Nếu số nhiễm có giảm thì đó là may mắn, do đã qua đỉnh dịch, số nhiễm giảm tự nhiên. Trong khi đó, các biện pháp phong tỏa và ngăn sông cấm chợ đã làm cho người dân khốn đốn, đặc biệt là những công nhân, người lao động tự do, người buôn bán nhỏ… Ngay cả khá đông nhân viên văn phòng, và cả nhân viên y tế cấp thấp hiện nay cũng rất khó khăn. Từ đó bác sỹ đề nghị:

– Bỏ phong tỏa, giới nghiêm tràn lan. Chỉ phong tỏa khu vực trong 2 trường hợp: (1) có chứng cứ rõ ràng, rằng tốc độ lây nhiễm đang tăng rất nhanh và (2) tỉ lệ ca nhiễm đạt mức nguy hiểm.

– Siết chặt kiểm soát 5K, đặc biệt hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người, giữ khoảng cách vật lí tại các siêu thị, chợ… nhưng vẫn bảo đảm duy trì các hoạt động sản xuất, dịch vụ. Chỉ cấm hoặc hạn chế những dịch vụ không thiết yếu và không thể bảo đảm 5K.

– Xử lí nghjiêm và nhanh chóng các hành vi của những người thi hành công vụ lợi dụng công tác chống dịch nhằm gây khó, nhũng nhiễu hoạt động làm ăn, kiếm sống, và sinh hoạt của người dân.

– Nhà nước hỗ trợ, và tạo điều kiện để người dân, các tổ chức từ thiện hỗ trợ cho các trường hợp khó khăn. Tổ chức kiểm soát 5K trong công việc từ thiện, đồng thời xử lí các trường hợp cố tình gây khó cho công tác cứu trợ người dân khó khăn.

Hạ Trắng

* Bài viết trích dẫn từ tâm sự của Bác sỹ Võ Xuân Sơn

1 nhận xét:

  1. những đề nghị của bác sĩ là không khả thi nếu so với tình hình phức tạp hiện nay, cần đóng góp ý kiến thực tế và trọng tâm hơn và từ trái tim lương thiện chứ đừng tìm kiếm điều gì khác.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog