Chia sẻ

Tre Làng

Tổng thống Nga: Khủng hoảng Kazakhstan bị sao chép từ ‘cách mạng Maidan’ Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định các vụ bạo loạn ở Kazakhstan là một hình thức gây hấn nhằm chống lại nhà nước này, tương tự chiến thuật từng được sử dụng ở Ukraine vào năm 2014.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự cuộc họp khẩn cấp của CSTO về tình hình Kazakhstan ngày 10/1. Ảnh: Sputnik

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 10/1, Tổng thống Putin cho biết các binh sĩ của hiệp ước phòng vệ lẫn nhau này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho Kazakhstan, sau khi các nhóm vũ trang chiếm được một số cơ sở trọng yếu cũng như kiểm soát thành phố Almaty.

"Các tay súng được tổ chức bài bản và kiểm soát tốt, có những người rõ ràng đã được huấn luyện trong các trại khủng bố ở nước ngoài”, nhà lãnh đạo Nga khẳng định. Ông Putin cho rằng những kẻ chủ mưu đã sử dụng chiến thuật hỗ trợ và chia sẻ thông tin cho khủng bố giống như cuộc “cách mạng Maidan” dẫn đến việc chính phủ bị lật đổ ở Ukraine năm 2014.

Ông Putin cũng nhấn mạnh mối đe dọa đối với sự ổn định của Kazakhstan không xuất phát từ các cuộc biểu tình tự phát trước đó do giá nhiên liệu tăng, mà từ những người kích động nó thành một cuộc xung đột vũ trang.

Tổng thống Putin cho biết lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO được triển khai tới Kazakhstan theo đề nghị của chính phủ nước này đang hành động một cách kịp thời và chính đáng, bất chấp những lo ngại ở phương Tây rằng động thái này có thể đe dọa chủ quyền của quốc gia Trung Á này.

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cáo buộc các tay súng có vũ trang đã tìm cách trà trộn vào nhóm biểu tình với mục đích làm suy yếu trật tự hiến pháp, phá hoại các cơ quan chính phủ và chiếm quyền. Theo nhà lãnh đạo Kazakhstan, đây là một âm mưu đảo chính.

Phát biểu trước các phóng viên cuối tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố: “Một trong những bài học của lịch sử cận đại là một khi người Nga ở trong nhà bạn, đôi khi rất khó để khiến họ rời đi”.

Người biểu tình xông vào tòa nhà chính phủ tại Almaty, ngày 5/1. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, Tổng thống Putin cho rằng binh lính từ Nga, Belarus và các quốc gia từng là thành viên của Liên bang Xô viết cũ chỉ đóng quân tại Kazakhstan trong thời hạn nhất định và sẽ rút đi khi đạt được mục đích chính. Theo ông Putin, tình hình Kazakhstan đang dần ổn định và các nhóm vũ trang đã bị quét sạch khỏi hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng.

Binh sĩ gìn giữ hòa bình của CSTO đang di chuyển đến Almaty trong vài ngày qua nhằm bảo vệ sân bay của thành phố này sau khi bị chiếm đóng bởi các phần tử chống chính phủ. Bất ổn nổ ra trên phần lớn lãnh thổ của Kazakhstan sau dịp Năm mới, người biểu tình tràn xuống đường phố để phản đối tinh trạng giá khí hóa lỏng (LPG) tăng mạnh. Đây là loại nhiên liệu được sử dụng cho các loại phương tiện giao thông và trước đó được trợ giá bởi chính phủ.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, các vụ bạo động tại Kazakhstan đã khiến khoảng 1.000 người bị thương. Trong khi đó, Bộ Nội vụ nước này thông báo lực lượng cảnh sát và sĩ quan quân đội đa có 18 người thiệt mạng cùng hơn 1.300 người bị thương.

Trong thông báo ngày 9/1, Phủ Tổng thống Kazakhstan cho biết tổng cộng khoảng 5.800 đối tượng tham gia bạo loạn, trong đó có số lượng lớn người nước ngoài, đã bị bắt giữ.

Hoàng Trang/Báo Tin tức

2 nhận xét:

  1. Ông Putin cũng nhấn mạnh mối đe dọa đối với sự ổn định của Kazakhstan không xuất phát từ các cuộc biểu tình tự phát trước đó do giá nhiên liệu tăng, mà từ những người kích động nó thành một cuộc xung đột vũ trang.

    Trả lờiXóa
  2. Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ngày 10/1, Tổng thống Putin cho biết các binh sĩ của hiệp ước phòng vệ lẫn nhau này đang nỗ lực đảm bảo an ninh cho Kazakhstan, sau khi các nhóm vũ trang chiếm được một số cơ sở trọng yếu cũng như kiểm soát thành phố Almaty.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog