Chia sẻ

Tre Làng

Cháu nội Vua Mèo nói về vụ bé gái ở Hà Giang bị 'bắt vợ'

Theo ông Vương Duy Bảo, người H'Mông không có tục "bắt vợ". Dân tộc này chỉ có tục "kéo dâu" mang ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn.

Khi nam thanh niên "bắt vợ" ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang theo hủ tục xa xưa, chính quyền địa phương đã kịp thời giải cứu bé gái, đồng thời, đang xem xét xử lý hành vi của thanh niên này.

Sau vụ việc, trên mạng xã hội có những bàn tán, bình luận trái chiều về hành động này.

Phong tục truyền thống bị biến tướng

Trao đổi với Zing, bà Triệu Thị Tình, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang, cho biết qua xác minh bước đầu, vụ việc bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, hành động bộc phát của nam thanh niên.

"Người H'Mông có một tục rất độc đáo, ý nghĩa là 'kéo vợ'. Đây là một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc này. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rõ về phong tục, dẫn đến biến tướng và trở thành 'bắt vợ' với những hành động sai bản chất, vi phạm pháp luật", bà Tình chia sẻ.

Bé gái kháng cự trước hành động "bắt vợ" của nam thanh niên. Ảnh: Đức Hậu.

Theo vị lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương thời gian qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân "duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp nhưng cũng bài trừ hủ tục".

"Phong tục, truyền thống dân tộc ý nghĩa, tốt đẹp thì phải duy trì, lan tỏa nhưng hủ tục lạc hậu như tảo hôn, bắt vợ... thì phải bài trừ", bà Tình nói.

Bà phó giám đốc sở cho biết dù chính quyền thường xuyên tuyên truyền nhưng tại một vài địa bàn vẫn xảy ra tình trạng "bắt vợ" với tính chất tự phát.

Trong ngày, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hà Giang sẽ có văn bản, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc cưới, tang và luật Hôn nhân gia đình.

"Dân tộc H'Mông không có hủ tục bắt vợ"

Chia sẻ với Zing, ông Vương Duy Bảo (cháu nội Vua Mèo - Vương Chí Sình, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), cho biết ông rất buồn và có phần tức giận khi nhiều người hiểu sai về một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc H'Mông.

"Tôi khẳng định dân tộc H'Mông không có 'bắt vợ'. Chúng tôi chỉ có tục 'kéo dâu', mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp", ông Bảo nói.

Ông Bảo phân tích với dân tộc Kinh, khi một đôi nam nữ muốn trở thành vợ chồng sẽ cần các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, ra mắt, kết hôn... thì dân tộc H'Mông cũng có những thủ tục gần giống như vậy.

Ông Vương Duy Bảo, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Sình. Ảnh: Lao Động.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không thực hiện được đủ các bước trên nên người dân nghĩ ra tục "kéo dâu" để rút ngắn các thủ tục, tiết kiệm chi phí, và tục này được xã hội người H'Mông đồng tình, công nhận.

Giải thích về phong tục tập quán này, ông Bảo cho biết điều kiện tiên quyết là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng.

"Để 'kéo dâu', đôi nam nữ sẽ hẹn nhau ở một địa điểm. Người con trai sẽ rủ thêm một vài người bạn để cùng đưa cô gái về nhà làm vợ. Trong khi đưa về, cô gái sẽ được kéo nên dân tộc H'Mông gọi tục này là 'kéo dâu' ", ông Bảo cho biết.

Theo ông Bảo, trong khi người con trai kéo dâu về, bố mẹ chàng trai ở nhà sẽ chuẩn bị một con gà trống (được coi là gà thần canh cửa, trừ tà của người H'Mông) để đón con dâu. Trước khi chính thức nên duyên, nhà trai sẽ phải làm mâm cơm cúng, báo với tổ tiên về việc cô gái sẽ làm dâu của gia đình.

Khi xong những thủ tục này, nhà trai còn phải chuẩn bị sính lễ sang nhà cô gái để xin phép. Nếu được chấp thuận, hai nhà mới chính thức trở thành thông gia.

Tục "kéo dâu" của người H'Mông mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn. Ảnh minh họa: Hải An.

Nhắc đến vụ việc ở huyện Mèo Vạc, ông Bảo cho biết hành động của nam thanh niên là không thể chấp nhận. "Cậu ta có thể không hiểu về phong tục tập quán, có thể hiểu nhưng cố tình làm sai, biến tướng. Và điều này đã bôi nhọ, xúc phạm dân tộc H'Mông".

Ông Bảo cũng nhấn mạnh việc thời gian qua, nhiều người cố tình hiểu sai về tục "kéo dâu", lợi dụng phong tục tốt đẹp này để "làm bậy". Nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương tuyên truyền, đính chính về bản chất tốt đẹp của tục "kéo dâu".

"Trong phong tục, cái đẹp được gọi là phong tục tốt đẹp, còn cái xấu là 'hủ tục'. Khi người dân và chính quyền coi 'bắt vợ' (vốn bị hiểu sai từ tục 'kéo dâu') là hủ tục thì không khác gì thừa nhận phong tục của người H'Mông là xấu", ông Bảo nói.

Bên cạnh đó, cháu nội Vua Mèo cũng đề nghị cơ quan chức năng phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người lợi dụng phong tục tập quán, cố tình làm sai vì mục đích cá nhân.

Nguồn: Hải Nam

16 nhận xét:

  1. những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số cần được phát huy ngược lại những hủ tục lạc hậu, vi phạm pháp luật cần được bài trừ điển hình như tục tảo hôn, bắt vợ. Cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay những trường hợp vi phạm, đủ tính răng đe đến xã hội để không ai dám tái phạm.

    Trả lờiXóa
  2. Phong tục đúng là, 2 đứa yêu nhau, nguyện ý gả cho nhau, chọn ngày lành tháng tốt, chàng trai đến "bắt" cô gái về theo phong tục các cụ, bên trai có bạn bên gái cũng có người bắt kiểu giằng co vui vẻ. Còn bây giờ, nó biến tướng ra như vậy chứ, kiểu bố láo này thì chỉ có bắt đi tù

    Trả lờiXóa
  3. Này là vi phạm pháp luật chứ phong tục gì, cái bọn lợi dụng nét đẹp của phogn tục tập quán Việt Nam để làm xằng làm bậy còn xa lạ gì nwuax, bọn này nên bắt bỏ tù sớm hcuws khoogn chúng nó lại cứ tưởng pháp luật Việt Nam không nghiêm minh, tưởng mình là trời thích làm gì thì làm

    Trả lờiXóa
  4. Những năm gần đây, do ảnh hưởng những luồng văn hóa xấu từ bên ngoài vào nên tục "bắt vợ" đã bị biến tướng rất nhiều. Bởi thế, nó đang trở thành vấn nạn làm xấu đi tập tục ngàn đời lưu truyền lại.

    Trả lờiXóa
  5. "Bắt vợ" là nét đẹp văn hóa, truyền thống nhưng nay đã bị biến tướng, làm mất đi giá trị tốt đẹp. Tục "bắt vợ" đang thay vào đó là những cuộc tình "chớp nhoáng" và kết cục đau lòng vẫn là những cô gái đang "tuổi ăn tuổi lớn" phải "mang nặng đẻ đau", bị người đời hắt hủi là "chửa hoang".

    Trả lờiXóa
  6. Phía chính quyền địa phương cũng sẽ có hình thức xử lý với những ai lợi dụng tập tục này, đồng thời có những biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân.

    Trả lờiXóa
  7. Tục lệ này đã góp phần gia tăng nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Nhiều trẻ em đang độ tuổi đến trường, thì phải từ bỏ tương lai khi bị bắt làm vợ. Chính quyền rất khó xử lý hình sự bởi bắt vợ được coi là nét văn hóa của dân tộc, nên chính quyền các cấp chủ yếu tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tục lệ này

    Trả lờiXóa
  8. Tại một số nơi, một số thời điểm vẫn còn diễn ra những sự việc mang tính chất tự phát, biến tướng thành "bắt vợ" với những hành động không đúng, sai bản chất, vi phạm pháp luật. Nguyên nhân là do một số giới trẻ người dân tộc chưa có sự hiểu biết, nhận thức đầy đủ hoặc chưa được giáo dục, truyền dạy về phong tục ý nghĩa này.

    Trả lờiXóa
  9. Phong tục mang tính chất truyền thống dân tộc ý nghĩa, tốt đẹp phải duy trì, lan tỏa nhưng hủ tục lạc hậu như tảo hôn, bắt vợ với các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật... thì phải bài trừ, xóa bỏ.

    Trả lờiXóa
  10. Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang làm rất tốt việc bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới và Luật Hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, do đặc thù ở một số địa phương chủ yếu là dân tộc thiểu số nên không thể một chốc, một lát có thể xóa bỏ hết 'hủ tục' mà cần phải tăng cường việc tuyên truyền, vận động.

    Trả lờiXóa
  11. Chính cháu nội của vua mông ông Vương Duy Bảo( cháu nội Vua Mèo- Vương Chí Sình) cũng đã khẳng định dân tộc H’Mông không có “bắt vợ” mà chỉ có tục “kéo dâu”, và tục này cũng được ông giải thích rõ ràng là điều tiên quyết là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng, chứ không phải ngang nhiên bắt như thanh niên trong clip, do đó cần phải chẩn chỉnh lại ngay phong tục này theo đúng bản chất tốt đẹp, nhân văn của nó.

    Trả lờiXóa
  12. Xã hội tiến lên thì tối thượng vẫn là pháp luật. Những gì vi phạm pháp luật như tục bắt vợ biến tướng hiện nay phải sửa chữa dần dần và ngăn cấm. Các cơ quan chức năng cần tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm.

    Trả lờiXóa
  13. Trước đây, theo phong tục của người dân tộc khi chàng trai đi "kéo vợ hay bắt vợ" thì cả hai đã yêu nhau rồi. Cụ thể, chàng trai làm một động tác "bắt vợ" như diễn kịch, mang tính biểu trưng. Còn bây giờ, tập tục này đang bị biến tướng đi rất nhiều, với những hành vi không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật.

    Trả lờiXóa
  14. "bắt vợ" từ một nét truyền thống, văn hóa đẹp của người H'Mông đang có xu hướng bị biến tướng trở thành hành vi xâm phạm quyền tự do thân thể, tự do đi lại, cư trú của công dân.

    Trả lờiXóa
  15. Pháp luật Việt Nam tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc. Tuy nhiên với những phong tục tập quán không còn phù hợp với truyền thống văn hóa đạo đức, không phù hợp với pháp luật thì cần phải bị loại bỏ để phù hợp với đời sống văn hóa xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân.

    Trả lờiXóa
  16. Những tập tục không phù hợp với quy định của pháp luật cần phải loại bỏ để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lễ hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật. Khi phát hiện ra những trường hợp có dấu hiệu lợi dụng phong tục tập quán để xâm phạm đến quyền tự do, thân thể của công dân thì cần phải có biện pháp can thiệp, ngăn chặn kịp thời, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog