Chia sẻ

Tre Làng

Nữ thạc sĩ ở Anh: ‘Tây chưa chắc dạy về tình dục tốt hơn Việt Nam’

Không riêng ở Việt Nam mà cả các nước phát triển, giới tính và tình dục vẫn là chủ đề cấm kỵ giữa bố mẹ, con cái hoặc chưa có sự quan tâm, hướng dẫn đúng, đủ cho thanh thiếu niên.

Khoảng 10 năm trước, khi là sinh viên năm cuối đại học, chị Hà Phạm (hiện 31 tuổi), thạc sĩ về Entrepreneurship tại Vương quốc Anh, bắt đầu đặt ra những câu hỏi liên quan đến giới tính, tình dục và nhận ra mình không được học, không biết tìm thông tin tham khảo ở đâu.

Tại thư viện Hà Nội, chị Hà tìm được sách giáo dục giới tính (GDGT) cho thanh thiếu niên nhưng kiến thức trong đó rất giáo điều.

Ví dụ, khi nói về mang thai ngoài ý muốn, thay vì truyền đạt kiến thức làm thế nào để tránh thai, cuốn sách lại tập trung vào hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn là làm ảnh hưởng đến hình ảnh của gia đình và xã hội.

“Mình tự hỏi vì sao một cuốn sách trong thư viện thành phố, kiến thức thì không dạy mà lại nói điều sai lầm. Sau đó, mình tìm thông tin tiếng Anh để đọc nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc gõ keyword trên mạng để xem”, chị nhớ lại.

Năm 2019, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ theo học bổng toàn phần Chevening của chính phủ Anh, có chứng chỉ về GDGT và các mối quan hệ, chị Hà thành lập kênh She Talks nhằm thực hành những gì mình học được. Đây là nơi chị chia sẻ kiến thức, trải nghiệm, góc nhìn đa chiều văn hóa về GDGT toàn diện tới các bạn trẻ ở Việt Nam.

“Mình muốn mang đến góc nhìn rất khác về sex và khuyến khích mọi người, đặc biệt là nữ giới, nói về chủ đề này một cách tự tin, thoải mái, văn minh nhất”, nữ thạc sĩ nói với Zing.

Chị Hà Phạm là thành viên và đối tác của Diễn đàn giáo dục giới tính Anh quốc (Sex Education Forum UK) - diễn đàn lâu đời về GDGT và có đóng góp quan trọng trong vận động để đưa GDGT trở thành môn học chính thức trong hệ thống giáo dục ở Anh.

Lầm tưởng về sex

Theo chị Hà, khi nhắc tới sex, mọi người thường nghĩ đến cảm giác nóng bỏng, những điều mà chỉ nên tìm hiểu khi tối trời hay ở một mình.

Nhiều kiến thức mà các cá nhân tự nhận là sex educator (người dạy GDGT) ở Việt Nam chia sẻ như “Làm thế nào để nàng lên đỉnh?”, “Những tip để giữ lửa tình yêu”… cũng xuất phát từ nhu cầu của đám đông.

“Đây là điều lầm tưởng vì GDGT không phải chỉ về quan hệ tình dục, kỹ năng làm tình mà là kiến thức về cơ thể, yêu thương bản thân, nhận thức giá trị của bản thân, sự đồng thuận. Những thứ mọi người đang hỏi và chia sẻ với nhau trên mạng chỉ là bề nổi, không giải quyết được vấn đề gốc rễ”, chị nói.

Bên cạnh đó, mọi người vẫn ngại nói về chủ đề sex. Do đó, nhiều bạn trẻ hoang mang vì “nghe người ta nói” hoặc rơi vào bẫy thông tin không căn cứ.

Ví dụ, người lớn dạy con gái phải giữ lấy “cái ngàn vàng” nhưng chẳng ai nói màng trinh trông như thế nào. Hay như đám đông truyền nhau niềm tin rằng “tự sướng” (thủ dâm) là xấu xí và gây hại nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại mà không ai nói về sự thật đó.





Kiến thức về GDGT toàn diện được chị Hà Phạm truyền tải qua các video hoạt hình 1 phút.

Chị Hà cho hay mọi người đã quá quen với sự ngợi ca về tiêu chuẩn giáo dục của các quốc gia phương Tây, điển hình như Anh và Mỹ. Theo chị, điều này đúng trên nhiều phương diện và lĩnh vực nhưng với GDGT có lẽ là không.

Thực tế, GDGT ở đâu cũng là chủ đề gây tranh cãi. Nếu ở Việt Nam, mọi người tranh cãi có nên dạy GDGT sớm không thì tại Hà Lan, đất nước được coi là hình mẫu lý tưởng cho dạy GDGT, cũng có tranh cãi về việc nên đưa phim khiêu dâm vào dạy GDGT hay không.

Nhiều người Mỹ khá bảo thủ trong việc nói về GDGT cho thanh thiếu niên. Thậm chí ở đây từng có phong trào đấu tranh yêu cầu nhà trường không dạy về GDGT cho học sinh vì họ cho rằng điều đó sẽ khiến chúng quan hệ lung tung. Việc dạy GDGT tại các trường học ở xứ cờ hoa là tùy thuộc vào mỗi bang, thậm chí từng cơ sở giáo dục.

Còn ở Anh, quy định bắt buộc dạy về GDGT toàn diện cho học sinh mới được phổ cập khoảng từ năm 2017.

Chị Hà cho rằng hiện nay, Việt Nam cũng không quá tụt hậu so với Anh và Mỹ trong việc dạy về GDGT. Khoảng 2 năm gần đây, mọi người bắt đầu dấy lên việc tìm hiểu sâu và có nhiều thông tin hơn về GDGT. Tuy nhiên, sẽ vẫn cần nhiều nỗ lực và tiếng nói hơn để những kiến thức GDGT chính thống được lan tỏa.

"Tây chưa chắc dạy về tình dục tốt hơn Việt Nam", chị kết luận.

Học GDGT càng sớm càng tốt

Chương trình của chị Hà tập trung vào các bạn trẻ 14 tuổi nhưng cũng có nhiều phụ huynh theo dõi. Họ xem nội dung như cách để chia sẻ lại với con.

Điều chị Hà nhận thấy ở các bậc cha mẹ là bản thân họ ngày trước cũng không được học về GDGT. Vì thế, khi dạy cho con, họ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, lại bị ảnh hưởng bởi các định kiến sai lầm như sex chỉ liên quan đến làm tình chứ chưa nghĩ xa hơn. Do đó, đây vẫn là chủ đề khó để phụ huynh nói với con.

Trong khi đó, bản thân người trẻ cũng chưa có đủ nguồn để tiếp cận với GDGT toàn diện.

Đầu tiên, theo chị Hà, là sự thiếu vắng của các kênh chia sẻ những kiến thức: nói về cơ thể sinh học rồi từ đó mới dẫn sang câu chuyện liên quan đến tình dục, kỹ năng và các mối quan hệ.

Chị Hà Phạm cho rằng GDGT nên được dạy từ sớm cho trẻ.

Tiếp đó, ở trường, học sinh cấp 2, 3 được tham gia 1-2 buổi học GDGT nhưng vẫn chỉ cho có và thường diễn ra chỉ khi những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục sôi sục trong dư luận.

Cách “chữa cháy” như vậy chưa thể đem lại ảnh hưởng lâu dài, có ích.

Theo chị Hà, dạy GDGT cho trẻ em có thể bắt đầu từ bất cứ lúc nào, càng nhỏ càng tốt.

Đó là kỹ năng sống theo mỗi người nhiều năm và khiến họ trở nên tốt hơn, có tư duy xây dựng giá trị về bản thân.

Trước quan điểm cho rằng dạy GDGT sớm sẽ khiến trẻ quan hệ tình dục từ độ tuổi nhỏ, chị Hà khẳng định nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra đây là điều không đúng. Ngược lại, nó trì hoãn và giúp trẻ hình thành sự chín chắn hơn khi đưa ra quyết định.

Theo chị, GDGT bao gồm rất nhiều thứ. Nếu chỉ nói về bộ phận sinh dục, cách thức hoạt động của bộ máy sinh sản qua 1-2 tiết Sinh học năm cấp 2 là điều thiếu sót, đặc biệt trong thời đại Internet phát triển, với sự hiện diện của porn, sexting, cyber sex.

Điều quan trọng nhất là tạo ra môi trường cởi mở, thân thiện, không phán xét, khuyến khích người trẻ nói về sex và thắc mắc của mình nhiều hơn. Đây cũng là cách khiến người lớn dần thay đổi cách nhìn nhận về sex và đẩy lùi định kiến ăn sâu vào tư tưởng.

“Ban đầu, mình tập trung vào đối tượng nghe là các bạn nữ vì nữ giới vốn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chỉ nghĩ về sex thôi đã bị phán xét chứ chưa nói đến việc lên tiếng. Hiện tại, mình cố gắng đưa thêm thông tin về nam giới cũng như LGBT với mong muốn khuyến khích mọi người nói về sex cởi mở hơn, không phải chủ đề nhạy cảm, không sợ bị định kiến”, chị chia sẻ.

2 nhận xét:

  1. Người dân thường có cái nhìn đứng núi này trông núi nọ trong khi chưa thực tế trải nhieemh nên giáo dục hay cách sống ở nơi đó hoặc bất kỳ vấn đề gì. Giáo dục giới tính ở đâu cũng là chủ đề gây ra tranh cãi, mỗi nước mỗi khác, quy luật phát triển cũng khác nhau, sao có thể học đòi mà không nghĩ tới hậu quả chứ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở Việt Nam cho trẻ tiếp cận với việc giáo dục giới tính theo tôi cảm thấy là hơi muộn, nhiều phụ huynh còn né tránh khi nói tới những vấn đề đó, có khi chính bản than họ chưa hiểu rõ về khái niệm sex là gì. Điều quan trọng nhất là tạo ra môi trường cởi mở, cho trẻ biết, để trẻ tự nhận thức và tư duy, chúng sẽ có cái nhìn đa chiều và hiểu biết hơn về vấn đề này.

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog