Chia sẻ

Tre Làng

Ukraine mất ưu thế trước Nga, Mỹ chấp nhận thực tế

Trước đây, Mỹ quyết tâm ủng hộ Ukraine chống Nga đến cùng. Nhưng khi gió xoay chiều trên chiến trường thì Mỹ bắt đầu chấp nhận thực tế và định hướng Ukraine nhượng bộ và cố gắng đạt một thỏa thuận ngừng bắn, tối thiểu hóa các thiệt hại.

Tình hình chiến sự Ukraine đang diễn biến theo hướng hai bên sẽ đạt một thỏa thuận đình chiến, với một đường ranh giới được thiết lập giữa miền Đông và miền Tây nước này mà không có một hòa ước chính thức.

Tổng thống Mỹ Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga sẽ đánh mất vị trí cường quốc thế giới sau cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay ông Biden và các phụ tá hàng đầu của mình đã chuyển sang tập trung vào kiểm soát các thiệt hại. Ông và đội ngũ của mình đã cảnh báo Ukraine rằng họ sẽ phải chấp nhận nhượng lãnh thổ để đạt một lệnh ngừng bắn.

Nga dùng trọng pháo ở Donbass, miền Đông Ukraine. Ảnh: Newsbeezer.

Bắt đầu gây sức ép lên Ukraine

Phát biểu tại một sự kiện của đảng Dân chủ (Mỹ), Tổng thống Biden đã đổ lỗi cho Tổng thống Ukraine Zelensky về việc không nghe theo cảnh báo của Mỹ về một chiến dịch quân sự của Nga nhằm vào Ukraine.

Tổng thống Biden nói: “Chưa từng có điều như thế này xảy ra từ sau Thế chiến II. Tôi biết nhiều người nghĩ tôi phóng đại vấn đề nhưng tôi đã biết, chúng tôi có đủ dữ liệu, ông ta (ý nói Putin – ND) sẽ làm vậy. Không nghi ngờ gì nữa. Nhưng Zelensky lại không muốn nghe điều này và nhiều người cũng vậy”.

Giới chức Ukraine đã phẫn nộ với dự báo của Tổng thống Biden nhưng về sau mọi sự đã diễn ra đúng như thế.

Vào ngày 25/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin tuyên bố ở Kiev rằng Mỹ muốn phá hủy năng lực tiến hành chiến tranh của Nga. Theo ông Austin, Nga sở hữu năng lực quân sự lớn và có nhiều binh lính

Một tháng sau đó, Tổng thống Biden đăng tải trên mạng xã hội Twitter: “Kinh tế Nga đang bị cắt giảm một nửa. Trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, Nga là nền kinh tế lớn thứ 11 trên thế giới. Hiện tại, Nga sẽ sớm không nằm trong top 20 nền kinh tế lớn nhất nữa”.

Mỹ chuyển hướng

Vào cuối tháng 5/2022, pháo binh Nga bắt đầu làm suy yếu lực lượng Ukraine ở Donbass, đe dọa nhốt quân Ukraine trong một khu vực hẹp quanh thành phố Severodonetsk.

Các nhà quan sát của Lầu Năm Góc nhận thấy người Nga đã học cách phối hợp pháo binh, bộ binh, lực lượng thiết giáp và lực lượng không quân. Ukraine bắt đầu có từ 100-200 binh sĩ tử trận mỗi ngày.

Dấu hiệu đầu tiên về sự điều chỉnh của Mỹ theo hướng kiểm soát thiệt hại xuất hiện vào ngày 8/6/2022, khi báo New York Times đăng tải bài viết của phóng viên Julian Barnes trích dẫn các quan chức tình báo Mỹ phàn nàn rằng “các cơ quan tình báo Mỹ giờ có ít thông tin hơn về các hoạt động của Ukraine nhưng lại sở hữu một bức tranh rõ nét hơn về quân đội Nga, các chiến dịch đã lên kế hoạch của họ, các thành công và thất bại của họ”.

Mỹ có các hình ảnh vệ tinh thể hiện chi tiết các hoạt động trên bộ. Ngoài ra họ còn có 150 cố vấn trên thực địa ở Ukraine tính đến tháng 1/2022. Do đó nếu không đánh giá được tình hình trên thực địa ở Ukraine thì đó là sự yếu kém đáng kể của cộng đồng tình báo Mỹ.

Beth Sanner, cựu quan chức cấp cao của CIA, nói với New York Times: “Chúng ta thực sự biết rõ đến đâu về cách thức làm việc của Ukraine? Liệu ta có tìm được người tự tin nói cho chúng ta biết Ukraine đã mất bao nhiêu binh sĩ, bao nhiêu vũ khí khí tài? Cái gì cũng là về mục tiêu của Nga và triển vọng của Nga đáp ứng được các mục tiêu đó. Chúng ta không nói về việc liệu Ukraine có khả năng đánh bại đối phương hay không. Tôi cảm thấy rằng chúng ta đang chuẩn bị cho một thất bại tình báo nữa khi không công khai nói về điều đó”.

Trước đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã nói với Diễn đàn Kinh tế Thế giới vào ngày 23/5 rằng “sự chuyển động hướng tới thương lượng và hòa đàm cần bắt đầu trong 2 tháng tiếp theo… Đường phân chia nên trở lại với nguyên trạng trước đây”.

Cụm từ “nguyên trạng trước đây” của ông Kissinger ám chỉ việc Ukraine cần cắt đất cho Nga.

Ngay đến Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg – vốn có quan điểm cứng rắn đối với Nga kể từ đầu cuộc chiến, cũng vạch ra điều kiện hòa bình vào ngày 12/6 tại một buổi họp báo với tổng thống Phần Lan: “Hòa bình là điều khả thi ở Ukraine. Vấn đề duy nhất là quý vị chấp nhận trả bao nhiêu cho hòa bình. Quý vị sẵn lòng chấp nhận hy sinh bao nhiêu đất, độc lập, chủ quyền, tự do… Và đây thực sự là thế tiến thoái lưỡng nan”.

Chính phủ Ukraine đã phản ứng lại tuyên bố của ông Stoltenberg bằng việc phủ nhận sẵn sàng nhượng bất cứ bộ phận lãnh thổ nào.

Giải pháp trung dung có thể được các bên chấp nhận

Hiện có một giải pháp khả dĩ đang được đề cập trên truyền thông Mỹ và được Moscow xem xét kỹ, đó là một thỏa thuận đình chiến kiểu Triều Tiên, theo đó hai miền Đông và Tây của Ukraine sẽ đạt được lệnh ngừng bắn nhưng không ký một thỏa thuận hòa bình.

Jong Eun Lee, thuộc trường American University viết vào ngày 12/5: “Gánh nặng đang ở phía Mỹ phải thuyết phục Ukraine rằng các mối đe dọa an ninh của họ sẽ không xấu đi trong tương lai và rằng các mất mát về lãnh thổ có thể được khôi phục trong tương lai”.

Một thỏa thuận ngừng bắn kiểu Triều Tiên sẽ cho phép Ukraine phủ nhận việc họ từ bỏ tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Trong khi đó, Nga ít có động lực trong việc chấp nhận đề xuất trên khi họ đang giành được lợi thế trên chiến trường.

Ngay tại Đức, đất nước đã đồng ý cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, có tới 57% số người Đức đươc hỏi cho rằng việc cung cấp vũ khí như thế sẽ làm chiến tranh lan rộng sang các nước khác ở châu Âu.

Có thể vài tuần chiến sự sắp tới sẽ khiến chính phủ Ukraine nghĩ lại.

Theo một ước tính của quân đội Mỹ, Ukraine hứng chịu 70.000 thương vong (gồm 10.000 người tử trận, 40.000-50.000 người bị thương, và khoảng 10.000 tù binh). Ukraine đang cạn kiệt dần số đạn dược từ thời Liên Xô cho hầu hết các vũ khí hạng nặng của mình, trong khi họ không kịp đưa vũ khí phương Tây ra mặt trận khi đối diện với trọng pháo và tên lửa của Nga, mặc dù phương Tây đã cung cấp các vũ khí này cho Ukraine.

Nếu công thức mà ông Kissinger và ông Stoltenberg đề xuất quay trở lại chương trình nghị sự của phương Tây, các bên tham chiến sẽ quay trở lại một khuôn khổ nào đó tương tự như thỏa thuận Minsk II mà Mỹ đã cản trở trước khi nổ ra cuộc chiến hiện tại.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch
Nguồn: Asia Times

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog