Lâm Trực@
Hà Nội, thành phố của những giấc mơ vĩnh viễn, nơi người ta từng tin rằng bình minh sẽ đến cùng tiếng rao bánh mì và ánh mắt trong veo của trẻ thơ, thì nay bỗng bị ám ảnh bởi những lời khai rợn tóc gáy như những lưỡi dao cào vào lòng tin cũ kỹ: lợn chết, lợn bệnh, lợn thối rữa… đã được xẻ thịt giữa đêm, rải rác khắp các chợ đầu mối, các hàng cơm bình dân, các quán ăn đầy mùi gia vị nồng nặc – như những cỗ tiệc cho bầy quỷ đội lốt người mở ra mỗi sáng tinh mơ.
Lê Văn Tươi – một gã đàn ông có cái tên nghe qua đã gợi đến thứ ánh sáng bình dị, mát lành như giọt sương, nhưng lại là chủ lò mổ giết hơn 50 con lợn bệnh mỗi ngày, tại một “địa ngục tạm bợ” dựng ngay giữa lòng dân cư. Có người đàn bà tên Nguyễn Thị Thư – mang tên là “thư”, là thư thái, là an lành, vậy mà chính tay thị đã biến những xác lợn tím bầm vì bệnh thành từng dải thịt hồng phơn phớt, phơi ra như mời gọi những bà mẹ sáng sớm đi chợ vì bữa cơm cho con. Và còn những tên như Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm là những kẻ vác lợn chết, người phân phối nỗi sợ hãi, người trộn lẫn thịt thối với thịt tươi, như thể đang vẽ lại bản đồ dịch bệnh bằng máu và mỡ.
Cứ tưởng sau đại dịch Covid-19, con người sẽ học được cách biết sợ. Nhưng không. Lòng tham chưa bao giờ biết hối lỗi. Nó lộng hành, rút ruột niềm tin xã hội, và sống ký sinh trên sự cả tin của những kẻ vô can. Những con lợn bệnh được thu mua từ Ứng Hòa, Mỹ Đức, từ Phú Thọ không bằng giấy kiểm dịch, không bằng sự hợp pháp, mà bằng lòng tham và sự im lặng của những kẻ “đã quen rồi”. Từ 20 nghìn đồng mỗi ký xác chết, qua bàn tay phù thủy của “lò mổ” không phép, thành 60 nghìn đồng mỗi ký thịt “tươi” – một phép biến hóa đẫm máu và dối trá, chẳng thua gì những trò ma mị trong truyện dân gian, chỉ khác là bây giờ, kẻ ăn phải không còn biến thành cóc hay gấu, mà biến thành nạn nhân.
Có đứa trẻ nào ăn miếng thịt ấy và trở về với cơn sốt vô danh? Có ông bà già nào sau bát cháo thịt nạc đã lặng lẽ lên cơn tiêu chảy rồi quỵ xuống trong bóng chiều? Có ai đó ngồi giữa văn phòng cao tầng, gặm miếng sườn non “rẻ mà ngon”, mà không biết nó từng là phần thịt thối của một con vật chết vì bệnh dịch? Câu trả lời là có. Và nhiều. Nhưng tiếng kêu của họ bị chặn lại bằng tiếng dao xẻ thịt, bằng lời rao hối hả, và bằng sự lặng thinh độc ác của đồng tiền.
Những kẻ giết mổ không hề ẩn náu trong rừng sâu núi thẳm. Chúng ở giữa lòng Hà Nội. Giữa những con đường mang tên Trí, Đức, Nhân. Giữa những chợ Phùng Khoang, Minh Khai, Phía Nam – nơi người dân vẫn tin rằng sáng sớm ra mua thịt là mua về cả sự bảo đảm. Và chúng không hành động một mình. Chúng có đầu mối, có mạng lưới, có cảnh giới. Một đội quân của sự vô đạo, hành nghề trong bóng tối, chia phần lợi nhuận như những kẻ buôn thần bán thánh, chỉ khác là ở đây, thứ chúng rao không phải là phép màu mà là cái chết trong im lặng.
Nhưng giữa bức tranh nhuốm mùi tử khí ấy, lại có những con người không ồn ào mà thầm lặng như những chiến binh trong truyện cổ tích. Họ là công an kinh tế, là kiểm sát viên, là quản lý thị trường, là cán bộ thú y, đó là những con người không ngủ vào những giờ mà xã hội đã yên giấc. Họ lần từng manh mối qua lời khai, qua dấu xe tải lạ, qua những góc khuất trong chợ đêm. Họ thọc tay vào từng bao thịt, ngửi từng mùi hôi tanh không ai dám ngửi, chạm tay vào sự ghê tởm của lòng người để bảo vệ sự tử tế đang ngày càng mong manh như khói hương.
4.300kg thịt thối, 977kg thịt không giấy tờ, hàng chục kiot bị khám xét, hàng nghìn con lợn bệnh đã bị chặn lại trước khi kịp “lên mâm”. Hà Nội không thét lên, không đánh trống. Thành phố chỉ lặng lẽ hành động như một người mẹ già dọn dẹp mớ hỗn độn của đám con quậy phá – đau đớn nhưng không từ bỏ. Câu chuyện không dừng ở con số, mà ở chính sự cam kết lặng thầm: Không ai có quyền biến mạng sống con người thành món lợi nuôi mộng giàu sang.
Khi những chiếc xe tải chất đầy xác lợn bị chặn lại, khi các kiot chợ Phùng Khoang bị niêm phong, khi những kẻ “mặt người, dạ quỷ” phải cúi đầu trước pháp luật, thì đó không chỉ là một chiến thắng của ngành chức năng. Đó là lời nhắc nhở cho cả một xã hội đang mải mê với tiện nghi và tốc độ: Một miếng ăn rẻ cũng có thể đánh đổi bằng cả mạng sống. Một giấc mơ ăn ngon có thể trở thành ác mộng nếu không có những người đứng gác cho lằn ranh giữa người và thú.
Và trong cái thành phố đầy xô bồ ấy, vẫn có những con người chọn thức khi mọi người đã ngủ, chọn lặng lẽ giành lại những phần sống sót cho cộng đồng, chọn không để cái ác mặc áo trắng len vào từng bữa cơm. Họ không cần được tung hô, nhưng cũng đừng để họ cô độc.
Vì nếu một ngày họ gục ngã, thì cái bàn ăn chúng ta ngồi quanh mỗi ngày, có thể sẽ trở thành bàn thờ.
Hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải bị xử lý nghiêm khắc, với những chế tài đủ sức răn đe, để những kẻ tán tận lương tâm kiếm tiền trên sức khoẻ cộng đồng nhận được bài học thích đáng, và biết sợ hậu quả từ hành vi mà mình thực hiện hơn là chạy theo lòng tham mù quáng
Trả lờiXóaNội dung tố cáo lan truyền trên mạng xã hội viết: “Hằng ngày, có heo bệnh, gà bệnh bốc mùi hôi thối đưa về Fresh Shop Mỹ Xuyên bắt nhân viên bán ra thị trường. Đặc biệt, có những mảnh heo, gà bệnh nổi trái, hột, áp xe, có mủ…”
XóaThật không thể chấp nhận được khi có người kinh doanh lợn chết, lợn dịch bệnh – điều đó chẳng khác nào coi thường tính mạng và sức khỏe người tiêu dùng. Các đối tượng như Lê Văn Tươi, Dư Đình Hợi, Nguyễn Viết Chiếm… đã nhập lợn bệnh từ vùng dịch, giết mổ vào giữa đêm rồi bán đi tiêu thụ tại chợ Phùng Khoang hay các cửa hàng ăn mà không hề có giấy tờ kiểm dịch. Họ dùng thủ đoạn bẩn đủ chiêu, từ tẩm tiết lợn để che mùi hôi đến pha trộn với thịt tươi, khiến lợn "sống" trở lại – điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn làm băng hoại đạo đức kinh doanh.
Trả lờiXóaNgay sau khi vụ việc gây xôn xao dư luận, C05 đã chỉ đạo Công an các tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng phối hợp điều tra, kiểm tra, xác minh theo đúng quy trình, lãnh đạo Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng đã có báo cáo gửi Bộ trưởng, đồng thời Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký công văn đề nghị Bộ Công an điều tra, xử lý thông tin lan truyền
XóaSự việc này không chỉ là câu chuyện cá nhân của vài đối tượng buôn thịt lợn bệnh, mà còn phản ánh những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống kiểm soát thú y và quản lý thị trường. Từ việc giám sát chợ đầu mối đến kiểm tra kiot lẻ – đều bị bỏ ngỏ, tới mức các đối tượng dễ dàng nhập lợn bệnh với giá siêu rẻ (20.000 đ/kg) rồi bán lại gấp đôi (55–60.000 đ/kg) mà không sợ bị phát hiện trong suốt thời gian dài
Trả lờiXóaĐây là lời cảnh tỉnh: cần cơ chế giám sát xuyên suốt, công khai hóa thông tin về nguồn gốc thực phẩm và chế tài đủ mạnh với hành vi vi phạm vệ sinh ATTP. Đồng thời, cần kênh phản ánh nhanh từ người dân khi nghi ngờ thực phẩm bẩn, để xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm
XóaCăn cứ kết quả kiểm tra tại hiện trường và báo cáo của Công an tỉnh Sóc Trăng, cơ quan cảnh sát điều tra xác định không có căn cứ cho thấy Công ty C.P. Việt Nam vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Ngày 27/6/2025, Công an tỉnh Sóc Trăng ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự vì không có dấu hiệu tội phạm
XóaNgười tiêu dùng cần cảnh giác cao độ: mua thịt lợn ở những nơi có nguồn gốc rõ ràng, không ham rẻ hoặc nhẹ dạ tin vào thịt ‘siêu rẻ’. Cộng thêm sự giám sát chặt của các cơ quan chức năng, mới mong không bị “tiếp tay” cho những đường dây thực phẩm bẩn này
Trả lờiXóaThật là quá đáng sợ, rất mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc một cách quyết liệt để xử lý triệt để các hành vi sai phạm về an toàn thực phẩm để giúp người dân yên tâm, đồng thời cũng phải xử lý nghiêm các cá nhân tổ chức có hành vi tiếp tay cho các sai phạm trên mới được.
Trả lờiXóaThực phẩm bẩn vẫn là một trong những vấn đề cần được thường xuyên lên án. Tôi mong các cơ quan chức năng tích cực trong công tác kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất và xử lý thật nghiêm minh để các cơ sở đang và sẽ có ý định sản xuất, tiêu thụ thực phẩm bẩn phải dừng lại và làm ăn chân chính, vì lợi nhuận mà làm tổn thương đồng bào mình là không được
Trả lờiXóa