Lâm Trực@
Có một thứ “hào quang” đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay: hào quang của sự côn đồ hóa được bình thường hóa. Nơi mà một tay giang hồ từng chửi cha mắng mẹ trên clip, ngậm điếu thuốc phả khói vào mặt người xem, lại được tung hô như “người anh xã hội”, “triết gia đường phố”. Nguyễn Thành Long, biệt danh Tiến “bịp”, là một mẫu vật tiêu biểu của thứ hiện tượng ấy – thứ mà nếu gọi bằng đúng tên, thì chẳng có gì khác ngoài cái gọi là văn hóa lưu manh được số hóa.
Ngày 8/7/2025, Công an TP Hải Phòng bắt giữ Nguyễn Thành Long cùng hai đồng phạm trong một vụ tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại xã Kiến Minh. Vụ việc, tưởng nhỏ, nhưng lại là một hồi chuông lớn. Nó vang lên không chỉ trong hành lang của cơ quan điều tra, mà vang lên trong từng lớp học, từng gia đình, từng góc khuất nơi giới trẻ đang bị đầu độc bởi thần tượng sai lệch.
Hãy hỏi đi: Nguyễn Thành Long là ai? Một trí thức chăng? Một nghệ sĩ chăng? Một người lao động làm việc tử tế chăng? Không! Hắn nổi lên nhờ những video chửi tục, khoe tiền, phát ngôn ngông cuồng, dạy dỗ đời bằng giọng điệu dở thầy không ra giang hồ. Nhưng ngạc nhiên thay, hắn có hàng trăm nghìn lượt xem, hàng vạn người tung hô, cười theo, học theo. Cái tên “Tiến bịp” từ một biệt danh chợ búa, đã trở thành nhãn hiệu “giải trí” trên mạng xã hội.
Nực cười! Đạo đức xã hội đã bị đảo lộn đến mức những kẻ trắng tay về tri thức, rỗng toác về nhân cách lại trở thành hiện tượng truyền thông. Cái vỏ bọc “giang hồ cải tà quy chính” được nhào nặn bởi những “clip” giàn dựng, những lời sám hối nước đôi, thực chất là chiêu trò câu view rẻ tiền. Nó không khác gì những vở chèo lố bịch – nơi thằng hề lên làm vua, nơi những đứa vô đạo được phong “idol”.
Nếu văn hóa là hồn cốt của một dân tộc, thì thứ “văn hóa mạng” đang tồn tại kia chính là mồ chôn của tư duy thẩm mỹ. Khi người ta thôi không phân biệt thật – giả, đúng – sai, mà chỉ chạy theo số lượt xem, số lượt like, thì xã hội đang bước vào cơn mộng du tập thể.
Không thể đổ hết tội lên đầu Nguyễn Thành Long. Hắn chỉ là kết quả, không phải nguyên nhân. Nguyên nhân nằm ở chỗ giáo dục đã yếu ớt, văn hóa đã bị thương, còn truyền thông thì buông lỏng. Một xã hội mà những “Tiến bịp”, “Huấn hoa hồng”, “Khá bảnh”, “Dương Minh Tuyền”... luân phiên nổi lên như nấm sau mưa, thì đó là một xã hội đang có vấn đề trong việc tạo ra hình mẫu cho thế hệ trẻ.
Hãy thử lắng nghe tiếng nói từ những đứa trẻ tuổi mới lớn – nhiều em gọi hắn là “anh Tiến”, là “người truyền cảm hứng”, học theo cách ăn nói, thậm chí học cả dáng điệu vênh váo đầy kịch cỡm của hắn. Đó là hệ quả của một nền thẩm mỹ đã đứt mạch, nơi những giá trị thật bị nhấn chìm bởi thứ ánh sáng phù phiếm từ mạng xã hội.
Bắt Tiến “bịp” là chuyện của pháp luật. Nhưng còn gột rửa thứ chất độc tinh thần mà hắn và những kẻ như hắn gieo rắc, đó là trách nhiệm của cả nền giáo dục, cả giới làm văn hóa, của từng người làm cha mẹ.
Không ai sinh ra là tội phạm. Nhưng khi xã hội cho phép cái xấu được chiếu sáng, được tung hô, thì nó mặc nhiên gieo mầm cái ác. Và khi cái ác ấy mang gương mặt của “giải trí”, của “hài hước”, của “phá cách”, thì nó càng nguy hiểm gấp bội. Chúng ta đang chứng kiến một thế hệ bị hút vào cái hố của chủ nghĩa giễu nhại, nơi người ta không còn biết tôn trọng điều gì là nghiêm túc.
Tiến “bịp” bị bắt. Một tên tuổi ảo lụi tàn. Nhưng bài học thì còn nguyên giá trị:
- Đừng bao giờ để sự câm lặng của người lớn trở thành tiếng cổ vũ cho cái sai.
- Đừng để mạng xã hội thay thế những tấm gương văn hóa.
- Và đừng để một xã hội giả vờ bình thường trước sự xuất hiện công khai của những “tội phạm thần tượng”.
Bởi khi những tiếng vỗ tay giả tạo kết thúc, cái còn lại chỉ là một bản cáo trạng và một xã hội mệt mỏi vì tự đầu độc chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét