Chia sẻ

Tre Làng

Ông Lê Vinh Danh: '407 triệu đồng/tháng không là gì so với công sức tôi bỏ ra'

Câu chuyện tiền lương của Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng lên đến vài trăm triệu một tháng là câu chuyện không bình thường. Chưa thấy có cơ chế nào cho phép Hiệu trưởng thuộc biên chế một tổ chức nhà nước lại được hưởng lương như thế. Kể cả khi trường đó có quyền tự chủ về tài chính thì mọi người cũng nên nhớ, toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, mọi điều kiện đảm bảo là do nhà nước đầu tư. Dưới đây là bài trên VTC News:

Theo cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, tiền lương của ông trước thuế là 407 triệu đồng/tháng, song số tiền này "không là gì" so với công sức ông bỏ ra.

Ngày 29/10, trả lời VTC News, ông Lê Vinh Danh - cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng (Quận 7, TP.HCM) bác thông tin tiền lương hàng tháng của ông lên tới 556 triệu đồng. Ông cho rằng thông tin này không đúng sự thật.

Theo cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, tổng thu nhập của ông trước tất cả mọi thuế phí là 407 triệu đồng/tháng, từ trước đến nay chưa có mức giá nào cao hơn mức đó.

Về lý do có con số 556 triệu đồng/tháng là do thời gian dịch COVID-19, tình hình tài chính của trường không ổn định nên nhà trường buộc hoãn chi trả một phần lương.

Ông Lê Vinh Danh - cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng trả lời PV VTC News ngày 29/10. (Ảnh: Thy Huệ)

Về việc hoãn chi trả, viên chức trong trường sẽ được tự đăng ký, có người đăng ký hoãn chi trả 100%, có người 50%. Riêng ông Danh đăng ký hoãn chi trả 60%. Như vậy, tháng 3 và tháng 4 ông Danh chỉ nhận 40% lương. Nhà trường còn nợ ông 60% lương tháng 3 và 60% lương tháng 4, tổng cộng là 120% lương.

Sau khi sinh viên đi học lại, làm việc bình thường thì nhà trường mới quyết định trả số lương nợ của viên chức vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8, vì trả luôn một lần quá nặng.

"Như vậy, 120% lương mà nhà trường đã nợ của tôi được chia ra để trả vào 3 tháng 6 - 7 - 8, nên 3 tháng đó tôi đều có thêm một khoản cộng vào. Khoản đó không phải là thu nhập của tháng đó.

Lương trước thuế của tôi là 407 triệu đồng/tháng, nhưng sau khi trừ mọi thuế phí thì thực lãnh là 286 triệu đồng. Mức lương này chỉ hơn một cô trưởng phòng người Phần Lan ở trường tôi có 6 triệu đồng thôi, cho nên mức lương của tôi không phải là cá biệt gì", ông Danh nói.

Cũng theo ông Danh, đối với mức lương của các viên chức tại Đại học Tôn Đức Thắng, nghiên cứu viên có người 200 triệu đồng/tháng, có người nhiều hơn, cũng có người ít hơn. Giáo viên có người lương 100 triệu đồng/tháng, có người chỉ 20 triệu đồng/tháng... Viên chức nếu đăng ký khối lượng công việc càng nhiều thì mức lương càng cao.

Có người đăng ký khối lượng công việc chỉ 1, nhưng cũng có người đăng ký đến 10. Nên nghiên cứu viên có người lương chỉ 30 - 40 triệu đồng/tháng, nhưng cũng có người hơn 200 triệu đồng/tháng là điều bình thường.

"Anh làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít thì hưởng ít, tất nhiên cũng không được dưới khung tối thiểu. Đó là sự công bằng, minh bạch của trường", ông Danh cho hay.

Cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, do mức lương của trường được trả theo khối lượng công việc, chất lượng công việc, năng suất lan toả và rất nhiều yếu tố khác, nên việc chỉ lấy con số ra để so sánh thì rất phiến diện và không công bằng.

Theo cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, tiền lương của ông trước thuế là 407 triệu đồng/tháng, song số tiền này "không là gì" so với công sức ông bỏ ra. (Ảnh: Thy Huệ)

"Rõ ràng, số tiền lương 407 triệu đồng/tháng không là gì so với công sức tôi bỏ ra. Mỗi ngày tôi làm việc 11-13 tiếng đồng hồ, 7 ngày/tuần, 360 ngày/năm, một năm tôi chỉ nghỉ 5 ngày. Đó là chỉ nói về giờ giấc, còn nói về đầu việc thì tôi làm hơn Phó Hiệu trưởng 10 lần, hơn trưởng khoa khoảng vài chục lần trở lên. Trong khi đó trưởng khoa đã 100 triệu rồi, nên tôi 285 triệu thì là không đáng gì.

Nói về khối lượng công việc thì số tiền lương đó không đáng để so với tôi, còn nói về trách nhiệm mà tôi phải chịu đối với ngôi trường về mọi hoạt động, mọi hành vi thì là vô giá, không có tiền nào đo được", cựu Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng phân bua.

Ông Lê Vinh Danh cũng khẳng định, nếu so với hiệu trưởng các trường đại học top 700 thế giới - các trường tương đương với Đại học Tôn Đức Thắng thì mức lương của ông chỉ bằng 1/30 của họ. Đối với ông, việc giảng dạy rất quan trọng, do đó phải có chế độ phù hợp, đúng năng lực thì viên chức mới có thể làm việc tận tâm được.

Trước đó, chiều 23/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về công tác cán bộ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tại hội nghị, đại diện Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố quyết định cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh.

Ngày 26/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có văn bản gửi Trường Đại học Tôn Đức Thắng về việc đề nghị cung cấp tiền lương một số vị trí lãnh đạo của Nhà trường. Động thái này được thực hiện sau thông tin tiền lương của ông Lê Vinh Danh tại Đại học Tôn Đức Thắng lên tới 556 triệu đồng/tháng khiến nhiều người hoang mang.

Đại học Tôn Đức Thắng tiền thân là Đại học Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập tháng 9/1997. Trường ban đầu do Liên đoàn Lao động TP.HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 1999, ông Lê Vinh Danh về giảng dạy tại Đại học Tôn Đức Thắng, đến năm 2007 ông làm hiệu trưởng trường này.

Mới đây, US News công bố danh sách các đại học hàng đầu thế giới năm 2020. Trong đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp hạng thứ 623 thế giới và số 1 Việt Nam. Riêng về Nhóm ngành kỹ thuật, trường này xếp thứ 260 thế giới - thứ hạng cao nhất về nhóm ngành từ trước đến nay của trường này.

THY HUỆ

4 nhận xét:

  1. Những vấn đề về làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu ở đây là rất cần thiết. theo thôi thấy rằng phải để nghề nhà giáo trở thành 1 nghề có mức thu nhập cao thì việc giáo dục mới thật sự chất lượng với đạo đức nghề nghiệp được

    Trả lờiXóa
  2. Chúng ta chắc chắn phải rà soát lại các bộ luật về quản lí công khai tài chính chứ thật sự đối vs 1 trường có uy tín như trường Tôn đức thắng thì mức lương người ta hưởng thì cũng rất là hợp lí. haizz thật sự không bt ai đúng ai sai ở đây nữa rồi

    Trả lờiXóa
  3. Việc trả lương cao mà xứng đáng với công sức một người bỏ ra, mà cụ thể ở đây là để điều hành cả một trường đại học lớn là một điều hợp lí. Điều này sẽ không ai nói gì nếu như ông ta không gây ra những sai phạm nghiêm trọng, vi phạm kỷ luật như vừa qua

    Trả lờiXóa
  4. Ừ thì cứ cho là sức ông bỏ ra xứng đáng với 407 triệu đồng/ tháng đi. Nhưng ông nhìn xem những gì ông đã gây ra đi, những sai phạm nghiêm trọng, vi phạm kỷ luật,... thì hỏi sao không bị lên án. Không những thế còn phải bị xử lí nghiêm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog