Chia sẻ

Tre Làng

Vì sao Phó tổng thống Mỹ chọn Việt Nam và Singapore cho chuyến đi ĐNA?


Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ hồi tháng 3 đã trực tiếp đề cập đến Singapore và Việt Nam, xem hai nước là các đối tác ưu tiên.

Chuyến thăm chính thức của Phó tổng thống Kamala Harris đến Singapore và Việt Nam là chuyến công du nước ngoài thứ hai kể từ khi bà Harris nắm quyền, đồng thời đưa bà trở thành quan chức cao cấp nhất của chính quyền Biden thăm châu Á cho đến nay.

Các chuyên gia trao đổi với Zing chia sẻ quan điểm rằng sự kiện nhằm thúc đẩy hợp tác của Mỹ với ASEAN, tạo động lực thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) dưới thời Tổng thống Joe Biden.

"Chuyến thăm của bà Harris là sự kiện chưa có tiền lệ vì bà là Phó tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Đông Nam Á khi còn đương chức", trao đổi với Zing, giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, (Australia) cho biết.

Nhiều tờ báo Mỹ khẳng định vị Phó tổng thống Mỹ đã thể hiện một vai trò tích cực kể từ khi đảm đương chức vụ mới. Bà tham gia gặp gỡ cùng ông Biden với các lãnh đạo nước ngoài, đồng thời có nhiều cuộc trao đổi riêng với những nhân vật quan trọng trên thế giới.

Trước chuyến đi này, văn phòng Phó tổng thống Mỹ phát đi tuyên bố chuyến đi nhằm khẳng định thông điệp "Nước Mỹ đã trở lại" của chính quyền Biden - Harris.

"Bà Harris làm việc rất chặt chẽ với ông Biden, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực hiểu rằng tiếng nói của bà có trọng lượng”, giáo sư Thayer cho biết. "Khi ông Biden hay bà Harris tuyên bố 'Nước Mỹ đã trở lại', cả hai sẽ thực hiện điều đó".

Chuyến thăm Đông Nam Á của Phó tổng thống Harris khẳng định cam kết và ưu tiên của Mỹ đối với khu vực. Ảnh: Reuters.

"Nước Mỹ trở lại" ở Đông Nam Á

Dưới nhiệm kỳ của ông Biden, Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia công bố hồi tháng 3 thêm lần nữa khẳng định các trụ cột của chính sách Mỹ, trong đó ASEAN là đối tác quan trọng đối với lợi ích sống còn của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Giáo sư Thayer cho biết chính quyền Biden sẽ tái can dự vào Đông Nam Á và xem đây là một phần trong ưu tiên chiến lược ở khu vực.

"Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động tại Đông Nam Á thông qua hai trụ cột chính, đó là can dự toàn diện và xây dựng một mạng lưới các đồng minh và đối tác", ông Thayer nói.

Giáo sư Carl Thayer tại Đại học New South Wales, Australia. Ảnh: Học viện Quốc phòng Australia.

Theo ông Thayer, trong bài phát biểu tại Singapore hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã bổ sung khía cạnh "ngăn chặn tích hợp" như là trụ cột thứ ba trong chính sách của Mỹ tại khu vực.

Làm rõ hơn cho điều này, Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định đặc trưng về "ngăn chặn tích hợp" được ông Austin nêu lên nhằm kết nối tốt hơn Mỹ và các đối tác trên các lĩnh vực phi truyền thống như an ninh mạng hay công nghệ - thông tin.

Không chỉ vậy, theo giáo sư Thayer, Mỹ sẽ khuyến khích các quốc gia hợp tác vì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đồng thời thúc đẩy một khu vực thương mại tự do và mở cửa.

"Mỹ sẽ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN cũng như tuyên bố về 'Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương' của tổ chức. Bên cạnh đó, Mỹ cũng có thể cam kết hỗ trợ các quốc gia trong khu vực đối phó với những hành vi hung hăng và o ép trên Biển Đông", ông Thayer nói.

Trong khi đó, nhắc lại hoạt động của Mỹ tại Đông Nam Á vào thời điểm năm 1831, National Interest khẳng định rằng sau 190 năm, Mỹ đang củng cố mạnh mẽ sự can dự vào khu vực, trên cơ sở thúc đẩy an ninh hàng hải và kiến tạo trật tự chung.

Đông Nam Á là ưu tiên chiến lược của Mỹ trong cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Binh của chính quyền Biden - Harris. Ảnh: AP.

"Đối tác ưu tiên"

Trở lại thời điểm tháng 3, Hướng dẫn tạm thời về Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đã trực tiếp đề cập đến Singapore và Việt Nam, xem hai nước là các đối tác ưu tiên để khẳng định Mỹ sẽ "làm sâu sắc hơn mối quan hệ và thúc đẩy các mục tiêu chung".

“Không có gì ngạc nhiên khi các quan chức hàng đầu của chính quyền là bộ trưởng Quốc phòng và Phó tổng thống đến thăm hai quốc gia”, ông Thayer cho biết.

Chuyến thăm của bà Harris tiếp nối cuộc gặp trực tuyến giữa Ngoại trưởng Anthony Blinken với những đồng cấp ASEAN vào đầu tháng 8 và chuyến công du ba nước Singapore, Việt Nam cùng Philippines của Bộ trưởng Quốc phòng Austin hồi cuối tháng 7.

Từ khi ông Austin đến Singapore hôm 26/7 đến thời điểm chuyến bay của bà Harris đáp xuống sân bay Paya Lebar ngày 22/8, hai chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ đến Đông Nam Á ngay giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra trong chưa đầy 1 tháng.

Lý giải cho điều này, giáo sư Thayer cho rằng: “Các lợi ích địa chiến lược của Singapore và Việt Nam hội tụ khăng khít với Mỹ. Điều đó tạo cơ sở cho sự hợp tác nhằm giải quyết các thách thức an ninh khu vực đang nổi lên trong tương lai."

Đối với Singapore, Mỹ có quan hệ vững chắc trên cả khía cạnh kinh tế lẫn hoạt động quân sự, Foreign Policy cho biết. Washington là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Singapore, và cả hai đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) từ năm 2004. Trong thời gian qua, quân đội hai bên cũng đã hình thành cơ sở hợp tác song phương ổn định.

Trong khi đó, một nghiên cứu từ CSIS cho thấy hợp tác Việt - Mỹ đã có những bước tiến mạnh mẽ kể từ sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ vào năm 1995. Trên cơ sở liên kết về kinh tế và đầu tư, hai quốc gia đã có nỗ lực phối hợp để duy trì mối quan hệ tin cậy và hiệu quả.

Thương mại hai chiều đã tăng từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trị giá trên 10 tỷ USD và nhập khẩu của Mỹ năm 2020 đạt 79,6 tỷ USD, thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết.

Tuy nhiên, giáo sư Thayer không quên đề cập đến các khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ, nói rằng cần phải nhận ra hai nước có các giá trị riêng về thể chế chính trị và một số yếu tố liên quan.

Ông Thayer nói rằng “ở một chừng mực nhất định, cả hai đã tìm thấy điểm chung bằng cách công khai khẳng định sẽ tôn trọng thể chế chính trị của nhau”.

Chuyến thăm của bà Harris tiếp nối chuyến công du trước đó của Bộ trưởng Quốc phòng Austin đến Đông Nam Á hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

An ninh phi truyền thống là trọng tâm thảo luận

Tại Việt Nam, giáo sư Thayer nhận định rằng chuyến thăm của bà Harris sẽ xúc tiến hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống, nhấn mạnh việc Mỹ tăng cường hỗ trợ vaccine Covid-19, trang thiết bị y tế và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ về sản xuất dược phẩm.

"Nội dung này bổ sung cho các trao đổi trên khía cạnh an ninh quốc phòng giữa ông Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang hồi tháng 7", ông Thayer cho biết.

Trên khía cạnh môi trường, các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu, trong khi lĩnh vực kinh tế sẽ chú trọng đến thương mại kỹ thuật số, đầu tư và ổn định chuỗi cung ứng, ông Thayer nói.

Ngoài ra, hai bên sẽ mở rộng hợp tác về an ninh mạng, giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân, ông khẳng định.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Học viện Hải quân Mỹ vào tháng 5, bà Harris từng nhấn mạnh rằng chính đại dịch Covid-19, các cuộc tấn công mạng và biến đổi khí hậu đang khiến thế giới ngày càng liên kết, phụ thuộc lẫn nhau.

Ngoài ra, giáo sư Thayer dự đoán rằng bà Harris có thể sẽ đề xuất thảo luận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Đồng thời, Phó tổng thống nhiều khả năng sẽ chuyển lời mời thăm chính thức Mỹ của ông Biden tới các lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong thời gian tới, ông Thayer nhận định.

15 nhận xét:

  1. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền an ninh trật tự ổn định, có sự phát triển mạnh mẽ, ngày càng khẳng định được vị thế và vai trò của mình trên trường quóc tế. Đó có lẽ là một trong những nguyên do quan trọng để chọn Việt Nam là một trong các quốc gia Đông Nam á của phó Tổng thống Mỹ

    Trả lờiXóa
  2. Chính quyền Biden coi Việt Nam là đối tác tiềm năng trong việc đạt được các mục tiêu của Mỹ như tự do hàng hải và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Harris sẽ tái khẳng định Mỹ tiếp tục làm việc với Việt Nam trong một loạt vấn đề chung, đặc biệt là chống Covid-19 và khắc phục hậu quả sau đại dịch. quan hệ đối tác Việt - Mỹ tiếp tục đạt được tiến bộ ổn định và khá đáng chú ý. Việc tập trung giải quyết các hậu quả chiến tranh sẽ giúp củng cố tiến bộ đó. Hy vọng chuyến thăm và công du của bà Phó Tổng thống sẽ đạt được hiệu quả cao trong công việc sắp tới.

    Trả lờiXóa
  3. Thông qua chuyến đi này có thể thấy được vị thế của Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều. Với vai trò là cựu chủ tịch ASEAN. ủy viên không thường trực hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình và xứng đáng với vị thế đó

    Trả lờiXóa
  4. Từ sau thời kỳ đổi đổi mới nhất là sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 thì Việt Nam ngày càng chứng tỏ vai trò, vị trí của mình đối với khu vực cũng như quốc tế. Với vị trí địa chính trị cũng như sự ổn định về kinh tế, an ninh của Việt Nam thì không khó hiểu khi Mỹ coi trọng Việt Nam là đối tác ưu tiên trong khu vực. Hi vọng rằng, chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris sẽ thành công tốt đẹp và mối quan hệ đối tác giữa hai nước tiếp tục được chú trọng và nâng cao.

    Trả lờiXóa
  5. Chính quyền Hoa Kỳ cần phải thực tế hóa hơn nữa khẳng định này bằng hành động cụ thể ,ví như hạn chế hoạt động của các tổ chức chống phá chính quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ vì chính những tổ chức này đang làm phương hại đến quan hệ giữa hai nước,gián tiếp phương hại đến lợi ích của Hoa Kỳ ở châu Á_ Thái Bình Dương

    Trả lờiXóa
  6. Quan hệ giữa Mỹ - Việt trong suốt giai đoạn từ bình thường hóa quan hệ đến nay tiến triển rất tốt, đặc biệt về mặt kinh tế, chính trị và ngoại giao. Về ngoại giao, chúng ta chứng kiến rất nhiều chuyến thăm của lãnh đạo hai nước. Về quốc phòng, Mỹ đang cung cấp các khoản viện trợ quân sự cho Việt Nam thông qua chương trình giáo dục đào tạo quân sự, đồng thời Washington tiếp tục ủng hộ các năng lực hàng hải của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt, trong quan hệ thương mại, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, hàng hóa của nước ta xuất sang Mỹ rất lớn - đứng đầu Đông Nam Á, tương đương 70 tỷ USD, chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy có thể thấy việc bà Phó TT Harris xem Việt Nam và Singapor là hai đối tác ưu tiên trong khu vực để thực hiện chuyến thăm lần này cũng là điều dễ hiểu. Chúc cho chuyến thăm của Phó TT Mỹ thành công tốt đẹp.

    Trả lờiXóa
  7. Ngoài ra, giáo sư Thayer dự đoán rằng bà Harris có thể sẽ đề xuất thảo luận nâng cấp quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược. Đồng thời, Phó tổng thống nhiều khả năng sẽ chuyển lời mời thăm chính thức Mỹ của ông Biden tới các lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong thời gian tới, ông Thayer nhận định.

    Trả lờiXóa
  8. Có thể thấy Mỹ đánh giá rất cao Việt Nam, trái ngươc hẳn với những kịch bản mà các con rận gato vẫn viết rằng Mỹ ghét Việt Nam, Mỹ sẽ trừng trị Việt Nam. Khẳng định rằng 2 bên tuy có những điểm khác nhau về thể chế chính trị nhưng tuyệt đối sẽ đảm bảo tôn trọng lẫn nhau, đây xem như một lời khẳng định rất có giá trị

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta tự hào là chúng ta đã làm tốt để mà các đất nước cường quốc như Mỹ hay Nga đều đánh giá cao về đất nước mình. Chúng ta cũng có nhiều điều kiện tốt để mà phát triển các mặt kinh tế xã hội , là một nơi có tiềm lực phát triển, đặt vị trí sản xuất các mặt hàng...

      Xóa
  9. Chỉ cần 2 bên hợp tác bình đẳng đôi bên cùng có lợi thì Việt Nam luôn sẵn sàng làm đối tác tin cậy, làm người bạn của tất cả các nước. Chứ anh Mỹ đừng có lại lợi dụng bất cứ thể loại chính sách nào để mà gây sức ép hay là can thiệp vào công việc nội bộ bắt Việt Nam phải thế này thế nọ thế là ok rồi

    Trả lờiXóa
  10. Với những thành tựu mà Việt Nam đã làm được trong những năm gần đây thì không chỉ Mỹ mà quốc gia nào cũng đều có mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Việt Nam cả thôi. Chúng ta vẫn đang tập trung cơ bản sức lực vào việc kiềm chế đẩy lùi dịch bênh để mang lại một xã hội bình thường nhất có thể, có như vậy thì sắp tới chúng ta mới có thể tập trung toàn lực vào việc phát triển kinh tế xã hội

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước mắt là rất mong muốn dịch bệnh được đẩy lùi để mà nhân dân sẽ có thể bình thường hóa cuộc sống để mà luồng kinh tế được thúc đẩy trong nước trước đã. Phải thế thì mới có điều kiện để mà thu hút đón đầu các vốn đầu tư nước ngoài rót vào VN được

      Xóa
  11. Nhìn thấy mấy thông tin như thế này chắc các con rận cũng giật nảy cả mình lên ấy nhỉ. Chúng nó chỉ mong chờ là Mỹ sẽ ra tăng các lệch nhằm đàn áp hay gây sức ép với Việt Nam hay đơn giản là yêu cầu trả tự do cho mấy cái thằng tù nhân lương tâm mà, chúng nó lúc nào cũng muốn mối quen hệ giữa Mỹ và Việt Nam xấu đi hết cỡ còn gì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rận thì mãi mãi chỉ là rận thôi, cái tầm của chúng nó không thể quyết định và can thiệp được vào mấy cái mang tầm quốc gia như thế này. Đặc biệt là dẫu chúng nó có lên tiếng nữa lên tiếng mãi thì chắc chắn cũng chẳng ai thèm quan tâm xem chúng nó muốn cái gì đâu bác ạ

      Xóa
  12. Chuyến đio của Phó Tổng Thống Mỹ đến Việt Nam lần này có nhiều mục đích như phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam,nhưng cần phải lưu ý,chuyến đi lần này của bà phó tổng thống đến Việt Nam có thể là thúc ép Việt Nam ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc,nhiều người vẫn lầm tương tưởng Mỹ tốt với Việt Nam,nhưng ở đời chẳng ai cho không ai cái gì,huống hồ Mỹ là một cường quốc đầy tham vọng!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog