Chia sẻ

Tre Làng

Vỉa hè: Không để nhờn thuốc

TP HCM đang rà soát toàn bộ vỉa hè trên địa bàn để từ đó tính toán phương án chọn những điểm phù hợp cho sử dụng làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu... có thu phí.

Một trong những tiêu chí quan trọng là các vỉa hè đó sau khi sử dụng cho việc trên, còn ít nhất 1,5 m cho người đi bộ.

Quá trình tính phương án đang diễn ra, song không vì thế mà việc bao quát những vỉa hè trong hiện tại chững lại vì lý do "chờ". Bằng chứng là từ giữa tháng 5-2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM gửi văn bản khẩn đến UBND 7 quận cùng nhiều cơ quan, đơn vị về việc tăng cường xử lý các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ xe sai quy định. Vào đầu tháng này, Sở GTVT TP HCM tiếp tục đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố khẩn trương hoàn trả phần vỉa hè đang làm nơi trông giữ xe 2 bánh...

Các động thái trên được nhìn nhận là dứt khoát; chuyển tải thông điệp về một đô thị hiện đại, văn minh, không chấp nhận cách làm kinh tế chụp giật, kiếm tiền bằng việc "xà xẻo" không gian công cộng.

Mục tiêu tốt đẹp của thành phố là vậy. Tuy nhiên, câu trả lời từ thực tế lại không như mong đợi. Nhiều khu vực vỉa hè vẫn là "lãnh địa" của ai đó, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.

Mới đây nhất, Sở GTVT TP HCM trình UBND thành phố dự thảo triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. Trong dự thảo có nội dung yêu cầu Sở Nội vụ TP HCM nghiên cứu, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó được giao quản lý tại các đơn vị, chính quyền để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng đường, vỉa hè không bảo đảm an toàn giao thông.

Nếu được đồng ý, đề xuất trong dự thảo trên có thể nói "rất đúng và trúng". Đúng ở chỗ chỉ ra được chính xác đơn vị có trách nhiệm trực tiếp trong quản lý vỉa hè. Và trúng, khi xác định rõ việc quản lý hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự quyết liệt cũng như cách làm của họ. Không hiệu quả thì chỉ có thể vì lý do nào đó hoặc kém tài. Mà kém tài thì cần thay thế!

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã diễn ra trong thời gian rất dài. Mong rằng việc truy trách nhiệm người đứng đầu là liều thuốc đủ mạnh trị dứt điểm căn bệnh lấn chiếm vỉa hè. 

Nguồn: Ngọc Kỳ
theo báo Người Lao động

15 nhận xét:

  1. 28/01/2021
    Hiện nay, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là tình trạng chung trên cả nước không chỉ riêng địa bàn tỉnh Tiền Giang. Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ.

    * Thực trạng và nguyên nhân

    Vỉa hè bị tận dụng thành nơi giữ xe, đặt biển hiệu quảng cáo, để bàn ghế hàng ăn, nước uống, bày bán các loại hàng hóa rau củ, hoa quả, tạp hóa...; lòng đường trở thành điểm kinh doanh của các xe đẩy, hàng rong và thành nơi đậu đỗ xe của người mua hàng. Chúng ta không thể không nhắc đến sự tiện lợi của việc mua bán trên vỉa hè, lòng đường khi chỉ cần dừng xe ở lề đường là có thể nhanh chóng lựa chọn và mua sắm ngay những nhu yếu phẩm cần thiết. Vì vậy việc buôn bán, kinh doanh ở vỉa hè, lòng đường, các chợ tự phát dường như trở thành hình ảnh quen thuộc và việc mua bán ở lòng, lề đường cũng dần trở thành một thói quen ăn sâu vào nếp sống sinh hoạt của người dân.

    Có thể thấy sự quá tải về cơ sở hạ tầng, thiếu quy hoạch, kết nối đồng bộ giữa đường giao thông, vỉa hè với các khu vực xung quanh; sự thiếu ý thức của cả người mua lẫn người bán; chế tài pháp luật vẫn chưa thực sự đủ để răn đe… nên tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra thường xuyên, gây đau đầu các cơ quan quản lý đô thị cũng như lực lượng chức năng. Dù hầu hết người dân đều nhận thức được hành vi lấn chiếm lòng, lề đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình xem thường pháp luật. Dù biết việc kinh doanh, buôn bán liên quan đến mưu sinh của người dân, nhưng vấn nạn này vẫn cần phải sớm khắc phục để trả lại bộ mặt cảnh quan cho đô thị.

    Trả lờiXóa
  2. Mối nguy hiểm tiềm tàng

    Việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường là một trong những nguyên nhân gây nên sự xuống cấp đường giao thông như gây ảnh hưởng hệ thống thoát nước do rác thải sinh hoạt; sụp, lún vỉa hè… Ngoài ra, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ còn gây nên ách tắc giao thông, đặc biệt là giờ cao điểm. Việc đậu, đỗ xe dưới lòng đường để mua bán kinh doanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn, nhất là trên các đoạn đường quốc lộ, gần các khu công nghiệp, các điểm chợ tự phát… Tuy nhiên, không chỉ việc lấn chiếm lòng đường có nguy cơ gây tai nạn giao thông mà việc chiếm dụng hè phố cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm không kém. Không thiếu trường hợp tai nạn xảy ra do tài xế không thể quan sát biển báo, đèn tín hiệu do bị biển hiệu quảng cáo che khuất, hoặc có trường hợp tai nạn xảy ra do phương tiện giao thông mất lái chạy lên hè phố và va chạm với người bán hàng lấn chiếm vỉa hè.

    Bên cạnh việc làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông, gây ô nhiễm từ rác thải… lấn chiếm vỉa hè, lòng đường còn ẩn chứa mối nguy hiểm tiềm tàng về an ninh trật tự. Nhiều vụ trộm cắp, cướp, cướp giật đã xảy ra đối với người bán hàng rong, xe đẩy, hoặc các trường hợp đậu, đỗ xe trên hè phố, lòng đường để mua, bán mà không có người trông giữ.

    Trả lờiXóa
  3. Quy định của pháp luật

    Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông (Khoản 1, Điều 36), nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội theo quy định tại Khoản 1, Điều 35. Luật Giao thông đường bộ 2008 còn quy định không được họp chợ, mua, bán hàng hóa; phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ; đặt biển quảng cáo, xây, đặt bục, bệ trái phép... trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể:

    Nghị định 100/2013/NĐ-CP ngày 03/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố, lòng đường không vào mục đích giao thông trong các trường hợp sau: Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; Điểm trông, giữ xe có thu phí (Điều 25a, 25b, 25c). Tuy nhiên, đối với tất cả các trường hợp trên, đều phải đảm bảo yêu cầu là không được gây mất trật tự, an toàn giao thông và đáp ứng một số điều kiện cụ thể khác về thời gian, diện tích hè phố, lòng đường sử dụng, kết cấu hạ tầng...

    Trả lờiXóa
  4. Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính Phủ quy định xử phạt Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định mức phạt đối với các hành vi liên quan đến lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như sau:

    1. Phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng đối với cá nhân và từ 200.000 đồng - 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

    Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng; phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.

    2. Phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng đối với cá nhân và từ 600.000 đồng - 800.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

    Sử dụng, khai thác tạm thời trên đất hành lang an toàn đường bộ vào mục đích canh tác nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ và an toàn giao thông; Trồng cây trong phạm vi đất dành cho đường bộ làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông; Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi: bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; Họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị; Đổ rác, xả nước ra đường bộ không đúng nơi quy định.

    3. Phạt tiền từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

    Sử dụng đường bộ trái quy định để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; Dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ; Đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo trên đất của đường bộ; Chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi để xe, trông, giữ xe; Sử dụng trái phép đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị làm nơi sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; Rửa xe, bơm nước mui xe gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

    Trả lờiXóa
  5. 4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 3.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

    Dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo, làm mái che gây cản trở giao thông; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05m2 làm nơi trông, giữ xe; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe.

    5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 8.000.000 đồng – 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau:

    Đổ, để trái phép vật liệu, chất phế thải trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Tự ý đào, đắp, san, lấp mặt bằng trong: Hành lang an toàn đường bộ, phần đất dọc hai bên đường bộ dùng để quản lý, bảo trì, bảo vệ công trình đường bộ; Tự ý gắn vào công trình báo hiệu đường bộ các nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của công trình đường bộ; Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác; Dựng rạp, lều quán, công trình tạm thời khác trái phép trong khu vực đô thị tại hầm đường bộ, cầu vượt, hầm cho người đi bộ, gầm cầu vượt; Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố; Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05m2 đến 10m2 làm nơi trông, giữ xe; Xả nước thải xây dựng từ các công trình ra đường phố; Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.

    Trả lờiXóa
  6. 6. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 12.000.000 đồng – 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10m2 đến dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe.

    7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng – 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

    Dựng các biển quảng cáo trên phần đất hành lang an toàn đường bộ khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền hoặc trên phần đất dọc theo hai bên đường bộ mà được dùng để bảo trì, quản lý, bảo vệ công trình đường bộ; Chiếm dụng diện tích từ 20m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe tại lòng đường đô thị hoặc hè phố.

    8. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng – 20.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 30.000.000 đồng – 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

    Mở các đường nhánh để đấu nối trái phép vào các đường chính; Chiếm dụng phần đất đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ với mục đích xây dựng nhà ở.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cứ quy định ở đây là phạt từng này từng này tiền, mà tôi chưa thấy được có một biểu hiện nào gọi là có xử lí vi phạm cả, lấn chiếm vỉa hè mà phạt đến tận gần chục triệu, ai chả sợ, nhưng đâu vẫn hoàn đấy, người đi bộ vẫn bị đẩy xuống lòng đường

      Xóa
  7. luật pháp và các văn bản quy định cũng đã ghi ghi rõ ràng như vậy rồi, thế mà ý thức của người dân thì vẫn cứ là không chấp hành, biết là đều ảnh hưởng đến làm ăn, nhưng đó cũng chỉ là lý do cá nhân, mấu chốt ở đây là họ đang lấn chiếm không gian công cộng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở để các hộ kinh doanh chấp hành nghiêm hoạt động kinh doanh và buôn bán đúng nơi quy định; xử lý nhiều trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần. Nhưng dường như chế tài xử phạt những đối tượng vi phạm chưa đủ mạnh. Vậy nên tình trạng họp chợ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn tiếp tục diễn ra.

      Xóa
  8. Tình trạng này kéo dài, người dân có ý kiến và biên bản phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị ngành chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, dứt điểm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoa Co May21:25 15/5/23

      Người dân rất bức xúc về việc không gian công cộng nhưng lại bị một vài cá nhân bày bán hàng, thậm chí trưng dụng luôn ghế đá, các bóng cây để làm chỗ kinh doanh, làm nguồ đi bộ nắng nóng không có chỗ trú

      Xóa
  9. Cần tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương về việc thực hiện các kiến nghị của đoàn giám sát trong việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, tiến tới chấm dứt tình trạng trên

    Trả lờiXóa
  10. Nhiều hộ kinh doanh chia sẻ rằng biết là vi phạm nhưng cuộc sống cả gia đình phụ thuộc nhiều vào nhiều những hoạt động kinh doanh này. Nếu nghỉ thì cả gia đình không biết sống thế nào. Họ mong muốn cơ quan chức năng có những giải pháp giúp đỡ họ vừa có thể kinh doanh, vừa không lấn chiếm vỉa hè

    Trả lờiXóa
  11. Nhìn nhận từ thực tế rất nhiều tuyến phố cứ vắng bóng lực lượng chức năng, chủ các hàng quán lại bày la liệt bàn, ghế trên vỉa hè trở thành "lãnh địa" riêng để buôn bán, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp ra quân, xử lý chỉ là "cắt ngọn". Với tình trạng vỉa hè thành nơi mưu sinh của rất nhiều người dân đô thị hiện nay, cần tính đến bài toán kinh tế vỉa hè để vừa tạo được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, hạn chế tiêu cực mà còn giúp vỉa hè ngăn nắp hơn.

    Trả lờiXóa
  12. Ở Việt Nam, nhà ở của người dân ít theo cụm mà ở theo tuyến đường giao thông, chính vì thế vỉa hè mới được tận dụng để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, luật pháp hiện không cho phép sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán kinh doanh, do đó, phương án cho phép "sử dụng vỉa hè để kinh doanh theo hình thức thu phí" cần được nghiên cứu.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog