Chia sẻ

Tre Làng

Xe máy xăng và bài toán đạo đức công cộng

Lâm Trực@

Người Việt có một câu quen miệng nhưng sâu sắc: “Đừng vì miếng ăn mà làm khổ nhau.” Câu nói ấy không chỉ dành cho chuyện cơm áo, mà còn đúng với một loại "miếng ăn" đặc biệt thời nay: không khí.

Bởi cái không khí ta hít vào hàng ngày ấy, không nhìn thấy, không sờ được, nhưng có thể giết ta từ từ, âm thầm, lạnh lùng. Nó lặng lẽ rút ngắn đời người như một kẻ trộm mặc áo choàng vô hình. Và hôm nay, ở Hà Nội, những người làm chính sách buộc phải đối diện với chính kẻ trộm đó.

Không ai phủ nhận rằng, những chiếc xe máy cũ, những chiếc xe cà tàng đã gắn liền với ký ức của một thế hệ. Đó là những chiếc xe đưa mẹ đi chợ, đưa cha đi làm, đưa người trẻ đến giảng đường. Nhưng khi chính những phương tiện ấy – tưởng như vô hại – trở thành mối đe dọa cho cộng đồng, thì câu hỏi đạo đức phải được đặt ra: ta chọn ký ức, hay chọn tương lai?

Chính quyền Hà Nội vừa làm một điều không dễ: ban hành lệnh cấm xe máy xăng trong nội đô từ tháng 7 năm 2026, bắt đầu từ vành đai 1 – nơi đông đúc nhất, ngột ngạt nhất và cũng là nơi dễ tổn thương nhất.

Có những lo lắng lập tức thành lời, rằng “chính quyền quay lưng với dân nghèo”, rằng “quan chức vẫn đi xe xăng còn dân thì bị cấm”.

Thưa bạn đọc, tôi xin phép được hỏi lại: nếu như xe xăng gây hại cho bầu không khí, thì nó gây hại cho ai trước tiên? Cho chính những người dân sống chen chúc trong các con ngõ nhỏ, nơi khói xe không có chỗ thoát. Cho những đứa trẻ hít thở mùi xăng sặc sụa trên đường đến trường. Cho những người bán hàng rong, lao động tự do sống bằng từng nhịp thở ở vỉa hè.

Cho nên, bảo vệ môi trường không phải một sự xa hoa, mà là một nghĩa vụ đạo đức, và là một nghĩa vụ nhân văn bậc nhất.

Có người hỏi tôi: "Thế còn người nghèo thì sao? Họ sẽ sống ra sao khi bị cấm đi xe máy cũ?"

Tôi xin thưa: chính sách lần này không phải là cây gậy đánh vào người nghèo, mà là bàn tay chìa ra giúp họ đi tiếp một con đường mới. Chính quyền không vô cảm. Hà Nội đã tính đến chuyện hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, miễn phí đăng ký xe điện, và trước hết là chỉ áp dụng ở vùng đã đủ điều kiện hạ tầng thay thế. Không có chuyện “cấm là cấm ngay”.

Cái nhân văn không nằm ở khẩu hiệu. Nó nằm ở hành động cụ thể: xây bãi đỗ xe điện ở khu dân cư nghèo, tăng xe buýt ở các tuyến ít người giàu đi, đầu tư cho giao thông công cộng – những điều tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại là phép thử đạo đức sâu xa của một chính quyền.

Ai sống ở Hà Nội đều biết, mỗi khi AQI vượt ngưỡng đỏ, người ta không thể mở cửa sổ. Người mẹ bế con không dám ra đường. Người già sợ hít một hơi cũng tức ngực. Trong khói bụi ấy, không ai phân biệt được đâu là người giàu, đâu là người nghèo. Ô nhiễm không có giai cấp. Cái chết từ phổi không đếm ví tiền.

Tôi không thần thánh hóa chính quyền, nhưng lần này, tôi tin họ đã chọn đúng. Vì trong một thế giới đang chạy theo lợi ích ngắn hạn, thì việc dám chọn một hành động vì tương lai lâu dài là điều đáng trân trọng.

Hà Nội không phải là thành phố đầu tiên làm điều này. Paris, Bắc Kinh, Seoul, thậm chí Jakarta – tất cả đã từng lúng túng, từng bị phản đối, từng có những bài báo đầy phẫn nộ khi loại bỏ dần phương tiện nhiên liệu hóa thạch. Nhưng sau đó, những thành phố ấy trở nên dễ thở hơn, và người ta mới hiểu rằng: thay đổi đôi khi cần một chút hy sinh, nhưng sự hy sinh đó là để bảo vệ điều lớn lao hơn.

Cuối cùng, tôi muốn nói thế này: Xe máy không có tội. Người nghèo không có tội. Nhưng chính sự trì hoãn, chính sự cố chấp với quá khứ mới là điều đẩy chúng ta vào khốn khổ. Bảo vệ người nghèo không có nghĩa là giữ họ mãi trong nghèo, trong bụi khói, trong bệnh tật. Mà là giúp họ có cơ hội bước ra khỏi đó bằng bàn tay hỗ trợ, bằng chính sách thông minh và bằng lòng tin vào cộng đồng.

Nếu chính quyền dám đi trước, thì ta cũng nên dám bước theo. Đừng để những chiếc xe máy rỉ sét không chỉ cũ kỹ về cơ khí, mà còn kéo lùi đạo đức xã hội và sự tử tế lẫn nhau trong một thành phố đang cần được chữa lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog