Chia sẻ

Tre Làng

"Té ra là bọn đa cấp ạ"

Minh Hoàng

Vấn nạn lừa đảo việc làm đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn có người mắc phải, ngỡ ngàng thốt lên "té ra bọn đa cấp" như nhân vật trong câu chuyện dưới đây.

Mạng xã hội công nhân xuất hiện rất nhiều lời mời chào tuyển dụng; không ít trong ấy là "bọn đa cấp" lừa đảo. Anh chị em công nhân cần hết sức cảnh giác. Ảnh minh họa.

Trên mạng xã hội công nhân, một bạn than thở: “Chào mọi người. Hôm qua bạn em đi xin việc nhưng do thiếu hiểu biết nên đã bị lừa ạ. Thấy người ta đăng tuyển bán hàng này nọ thì xin vô, nó bảo làm hồ sơ điện tử các kiểu. Bạn em nhẹ dạ cả tin cũng nghe theo mà đóng 250 nghìn. Số tiền không lớn nhưng mất thêm mấy ngày đi tới đi lui. Đòi tiền cọc thì nghe nó độc thoại hại não đủ thứ rồi chặn luôn không nghe máy nữa. Té ra là bọn đa cấp ạ. Anh chị nào gặp trường hợp như thế thì mũi Né (tránh xa) liền nha. Đen quá. Đúng là tháng cô hồn!”

Chuyện này chả cứ tôi mà nhiều người nghe thấy quá quen. Chiêu lừa cũ mà vẫn nhiều người bị “dính”. Giống như trò chơi úp xu, rút lá bài tú lơ khơ “nhanh mắt nhanh tay” trên các tuyến xe khách trước đây, hầu như hành khách nào chưa nhìn thấy thì đều đã nghe, mà vẫn như bị “thôi miên”. Một lúc nào đó bỗng có người nghĩ “biết đâu sự may mắn sẽ đến với mình”, hoặc tặc lưỡi “có mất cũng chẳng bao nhiêu, năm ăn năm thua”, thế là xuống tiền, ra kèo và thế là ngậm ngùi nhìn những đồng tiền quý giá của mình bay đi...

Những lời mời chào việc làm "ngon ăn" thế này nhan nhản trên mạng xã hội công nhân. Thông tin nào là thật, thông tin nào của "bọn đa cấp"? Ảnh minh họa.

Nhiều thanh niên ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đi ra phố thị xin làm công nhân. Chân ướt chân ráo từ một nơi thanh bình, chưa có kinh nghiệm, lại nhẹ dạ, cả tin là đối tượng chủ yếu của các chiêu lừa tuyển dụng. Họ không được cảnh báo đầy đủ những nguy cơ lừa đảo, các hình thức lừa đảo có thể gặp phải. Hoặc đã được bạn bè, người thân nhắc nhở nhưng không đủ tinh tường, nhanh nhạy nhận ra cạm bẫy trước mặt mình, vẫn “làm mồi” cho đám lang sói tàn độc khéo mồm dẻo lưỡi.

250 nghìn không phải số tiền quá lớn, nhưng dù là một đồng, đó vẫn là mồ hôi công sức của mình, của cha mẹ cho để làm lưng vốn trên đường lập thân, lập nghiệp. Nhiều người góp lại sẽ thành một số tiền lớn đủ nuôi sống đám “cô hồn” lừa đảo bất lương; khiến chúng tiếp tục con đường tội lỗi giăng bẫy cho những “con mồi” tiềm năng khác. Trong hàng vạn thanh niên “tò te” từ nông thôn, miền núi đi làm công nhân, chúng chỉ cần lừa được một số ít phần trăm trong đó và mỗi người chỉ lừa được một lần là sống ung dung...

Một đối tượng lừa đảo xin việc bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ (năm 2017). Hiện "bọn đa cấp" tỏ ra tinh vi hơn nhiều. Ảnh: Congan.com.vn

Lúc này là thời điểm khó khăn tìm việc. Nhu cầu này tăng cao thì cũng “nở rộ” các hình thức lừa đảo việc làm. Bạn cần cân nhắc, thận trọng trước các thông tin tuyển dụng “việc nhẹ lương cao”. Thông tin tuyển dụng phải rõ ràng, có tên, địa chỉ trụ sở công ty; bạn cũng nên đến tận nơi “mục sở thị” chỗ có thể đi làm nay mai. Gần như không thể có chuyện bạn không có bằng cấp chuyên môn, chỉ có chứng minh thư mà lại được tuyển đi làm ngay với mức lương mười hay mười mấy triệu. Nếu phải đặt cọc tiền hay trả phí “chạy việc”, môi giới việc làm thì có đến 99% đó là lừa đảo.

Tuyệt đại đa số bạn thanh niên xin đi làm công nhân thể nào cũng có anh em, người nhà, bạn bè, những người bạn có thể tham khảo ý kiến trước mỗi quyết định liên quan đến xin việc. Đừng ngại hỏi ý kiến người bạn thấy tin cậy, hiểu biết và có kinh nghiệm. Bởi vì, bạn mất tiền lừa đảo xin việc không chỉ là mất mát, thiệt hại cho bạn, mà còn khiến bọn lừa đảo khỏe thêm, đông hơn; khiến vấn nạn này như một vòng sóng cứ ngày càng loang ra mãi.

Đừng để mình thành “con mồi” cho chúng!

2 nhận xét:

  1. Trước nhu cầu tìm việc làm ngày càng cao của người lao động, lại đánh vào tâm lí của một số người ngại khổ, chỉ muốn làm ít ăn nhiều nên bọn lừa đảo dã nghĩ ra chiêu trò này, đặc biệt lại còn quảng cáo trên các trang mạng xã hội có rất nhiều người tiếp cận

    Trả lờiXóa
  2. Không có bữa trưa nào là miễn phí, cái gì đẹp, cái gì dễ dàng cũng tiềm ẩn những mối nguy phía sau. Hiện nay lợi dụng vấn đề tìm kiếm việc làm của nhiều người mà xuất hiện nhiều loại tội phạm lừa đảo, mượn danh là công ty tìm kiếm việc làm, hay các cơ quan doanh nghiệp để lừa người đến xin việc và chiếm đoạt tài sản, lệ phí xin việc đặc biệt là các hình thức qua mạng xã hội chính vì vậy mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, chắc chắn về công việc đừng để bị lừa, tiền mất tật mang.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog