Chia sẻ

Tre Làng

Mỹ quyết định coi Viện Khổng là một phái bộ ở nước ngoài của Trung Quốc

Khoai@

Thật ngạc nhiên, Mỹ là quốc gia có nhiều Viện Khổng nhất thế giới và trước đây vẫn coi Viện Khổng chỉ là một thực thể văn hóa đơn thuần. Nhưng này thì khác, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra quyết định coi Viện Khổng của Trung Quốc ở Mỹ là một phái bộ nước ngoài. 

Tuyên bố ngày 13/8 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, chính quyền Tổng thống Donald Trump ưu tiên việc tìm kiếm sự đối xử công bằng và có đi có lại từ Trung Quốc.

Trong vòng hơn 4 thập kỷ qua, Trung Quốc đã được tiếp cận xã hội Mỹ một cách cởi mở và tự do nhưng đã từ chối điều này đối với công dân Mỹ và những nước khác ở Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã lợi dụng sự cởi mở của Mỹ để thực hiện các nỗ lực tuyên truyền ở quy mô lớn cũng như các chiến dịch tạo ảnh hưởng ở Mỹ.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy Mỹ hiện có hơn 100 Viện Khổng (Viện Khổng Tử) và hầu hết nằm trong các Trường Đại học của Mỹ. Viện Khổng truyền bá văn hóa Trung Quốc được xây dựng giống như mô hình của những Viện Văn hóa phương Tây như: Institut Fran-ais (Pháp), Viện Goethe (Đức) hay Hội đồng Anh (Vương quốc Anh).

Chỉ xếp sau Pháp về số lượng các học viện kiểu này trên toàn cầu, Trung Quốc có cách điều hành các viện văn hóa khác với phương Tây. Đối với bất kỳ Viện Khổng Tử nào, trường đại học chủ nhà chỉ cung cấp văn phòng và không gian giảng dạy, còn các giảng viên là do Bắc Kinh trả lương và giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục Trung Quốc. Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc quốc tế (Hanban) sẽ gửi người đến các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới để dạy văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cảnh báo rằng, Viện Khổng Tử là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng chính trị, quyền lực mềm ra nước ngoài.

GS. Joseph S. Nye tại Đại học Harvard, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ chỉ ra rằng, Viện Khổng Tử là kế hoạch thành công nhất của chính quyền Trung Quốc trong quảng bá “quyền lực mềm” qua ngả văn hóa ra nước ngoài.

Bằng cách tài trợ tiền, tài liệu, giảng viên cho việc mở các viện quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, mô hình này đã tạo ra sức hút lớn kể từ khi mới được triển khai năm 2004. Tới cuối năm 2017, Trung Quốc đã thành lập được 525 Viện Khổng Tử và 1.113 lớp học Khổng Tử trên 146 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, phần lớn ở châu Âu và Mỹ.

Tìm hiểu kỹ các tài liệu giảng dạy, các Viện Khổng Tử bị cho là “mượn danh” triết gia nổi tiếng của phương Đông, để truyền bá việc diễn giải những vấn đề nhạy cảm (như vấn đề Đài Loan, Tây Tạng, nhân quyền, cũng như cách hành xử của nhà cầm quyền đối với nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại).

Dần dần, theo cáo buộc của Mỹ, mô hình quảng bá văn hóa này sẽ trở thành công cụ chính trị, tấn công vào hệ tư tưởng của các sinh viên trên toàn cầu.

Đây cũng là lý do, năm 2014, Hiệp hội Giáo sư đại học Mỹ đã ban hành một báo cáo kêu gọi các trường đại học đóng cửa các Viện Khổng Tử, trừ khi Bắc Kinh đàm phán lại các hợp đồng nhằm bảo đảm khả năng kiểm soát các vấn đề học thuật của trường.

Mới đây nhất, Giám đốc FBI Christopher Wray cho biết, cơ quan này đã cảnh báo các trường đại học Mỹ về điệp viên tình báo Trung Quốc đang hoạt động tại các cơ sở của họ, qua đó nhiều chuyên gia còn chỉ ra sự lơ là của các cơ sở này trong việc ngăn chặn xâm nhập.

Chính vì vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ đã coi Viện Khổng ở Mỹ là một phái bộ của Trung Quốc với lý do, đây là một thực thể thúc đẩy chiến dịch tạo ảnh hưởng và tuyên truyền toàn cầu của Bắc Kinh tại các trường đại học và các trường học các cấp ở Mỹ. Các Viện Khổng được Trung Quốc tài trợ và là một phần của bộ máy tuyên truyền và tạo ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cũng nhấn mạnh, Mỹ muốn sinh viên nước này được tiếp cận những chương trình về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc mà không có sự thao túng của Trung Quốc và những lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Các nhà quan sát cho rằng, việc coi Viện Khổng như một phái bộ ở nước ngoài, là nơi mà chính quyền Trung Quốc coi như một công cụ để "xâm lăng văn hóa" và trước mắt là tiến hành "các hoạt động chính trị bí mật" chỉ là trò gây sức ép lên Bắc Kinh để mong có được một một quan hệ có đi có lại, công bằng hơn mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog