Chia sẻ

Tre Làng

Phạm Viết Công và bài học từ ảo tưởng dân chủ

Lâm Trực@

Trong lòng vùng đất Hà Tĩnh, nơi gió Lào thổi rát từng tấc đất, có một người đàn ông bước qua tuổi sáu mươi vẫn miệt mài sống trong những hồi ức đầy ảo tưởng. Ông ta tên là Phạm Viết Công – một cái tên từng bình dị như bao cái tên khác, cho đến khi nó xuất hiện trong các văn bản tố tụng hình sự vì đã vượt qua ranh giới của tự do – ranh giới mỏng manh nhưng tối quan trọng trong một xã hội pháp quyền.

Ngày 14/7/2025, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ký Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở đối với ông Phạm Viết Công, sinh năm 1957, trú tại thôn Cồn Soi, xã Đồng Lộc. Hành vi bị cáo buộc là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo khoản 1, Điều 331 Bộ luật Hình sự. Những con chữ đó, nếu ai chỉ đọc lướt qua, có thể tưởng là một thủ tục thường lệ. Nhưng trong đó là bi kịch của một người đã biến mình thành công cụ châm ngòi cho hỗn loạn, nhân danh tự do để xúc phạm công lý.

Phạm Viết Công không có quyền lợi hay nghĩa vụ pháp lý gì liên quan đến các dự án giải phóng mặt bằng ở thôn Trung Long, xã Trung Lộc (nay là xã Đồng Lộc), huyện Can Lộc. Thế nhưng, ông vẫn kiên quyết đứng ra đại diện gửi đơn khiếu nại, đòi bồi thường, chống đối các chính sách phát triển hạ tầng quốc gia – cụ thể là dự án đường cao tốc Bắc Nam. Điều đáng nói, phần lớn các hộ dân có liên quan sau khi được chính quyền vận động, giải thích đã rút đơn, thể hiện sự đồng thuận. Còn Công là một kẻ ngoài cuộc, vẫn tiếp tục viết, tiếp tục xuyên tạc, tiếp tục thách thức xã hội bằng những bài viết ngụy tạo, xúc phạm đầy ác ý đăng tải trên tài khoản Facebook “Cong pham”.

Những lời lẽ như “cào mặt xã hội”, như “rạch da chế độ”... phun ra từ những bài viết của Công, đã không chỉ là “ý kiến cá nhân”, mà là mồi lửa châm vào sự ổn định, là dao rạch lên danh dự của những người đang dốc sức xây dựng một vùng quê đang đổi thay từng ngày. Phạm Viết Công ở cái tuổi mà lẽ ra người ta nên sống bằng sự tĩnh tại và lòng tử tế, nhưng lại chọn vùi mình trong thế giới ảo để trở thành “anh hùng bàn phím”, cổ vũ cho một loại phản kháng bất lượng, không gốc rễ.

Phải chăng Phạm Viết Công đã ngộ nhận tự do là chiếc mũ vinh quang cho mọi phát ngôn? Phải chăng Công nghĩ mạng xã hội là nơi người ta có thể văng tục với đất nước rồi tự cho mình cái quyền cao cả hơn luật pháp?

Tổ quốc này chưa bao giờ khước từ quyền được nói, quyền được phản biện của người dân. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc dung túng cho sự mạo danh dân chủ để lôi kéo, kích động, xúc phạm danh dự của người khác, bôi nhọ các tổ chức chính trị, gieo rắc bất an trong cộng đồng.

Cũng chính vì vậy, việc khởi tố và bắt tạm giam Phạm Viết Công không phải là hành động “bịt miệng dân” như một số tổ chức thiếu thiện chí cố tình xuyên tạc. Đây là bước đi cần thiết để khôi phục kỷ cương pháp luật, đặt lại giới hạn giữa quyền tự do và trách nhiệm công dân. Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Những bằng chứng cho thấy Phạm Viết Công đã có sự chuẩn bị, có hệ thống và có dụng ý rõ ràng chứ không phải là những bức xúc tự phát.

Đây không phải là lần đầu có người lợi dụng “quyền công dân” để phá hoại trật tự xã hội. Và đáng buồn, nó sẽ không phải là lần cuối nếu chúng ta – xã hội, cộng đồng, báo chí – không lên tiếng để phân định rõ đâu là phản biện, đâu là phá hoại. Mỗi cá nhân đều có quyền chất vấn, phản ánh. Nhưng tự do mà không đi kèm với đạo đức và hiểu biết pháp lý thì sớm muộn cũng biến thành mầm độc gieo rắc hận thù và rối loạn.

Việc xử lý nghiêm minh đối với hành vi sai trái của Phạm Viết Công là thông điệp không thể rõ ràng hơn từ các cơ quan chức năng: không ai đứng ngoài luật pháp, kể cả khi họ giả danh “nạn nhân” hay “người vì dân”. Tự do là quyền thiêng liêng, nhưng nó không thể là con dao để đâm vào xã hội và luật pháp.

Câu chuyện của ông Công không chỉ là một vụ án. Nó là bài học nhãn tiền về cách một cá nhân có thể đánh mất mình khi ngộ nhận mình là “ngọn hải đăng” trong đêm tối, trong khi thực chất chỉ là người mù lòa tự đốt lửa để rồi cháy rụi tất cả. Hà Tĩnh không thiếu người dân trí tuệ và trách nhiệm, càng không thiếu những cán bộ kiên trì giải quyết thấu tình đạt lý. Nhưng điều đó không thể cứu vớt một ai nếu họ cố tình bước ra ngoài ranh giới của luật pháp và đạo lý.

Tự do không bao giờ là tuyệt đối. Bởi nếu nó không có giới hạn, nó sẽ trở thành thứ vũ khí tàn độc trong tay kẻ cực đoan. Và khi điều đó xảy ra, chính Nhà nước, chính cộng đồng sẽ phải đứng ra đặt lại giới hạn. Giới hạn đó không phải để đàn áp mà để bảo vệ sự công bằng, sự thật và lòng tin của số đông.

3 nhận xét:

  1. Điều ngớ ngẩn nhất của cuộc đời con người là can thiệp vào việc của người khác rồi tự chuốc họa vào thân. Đặc biệt là việc can thiệp đó lại là trái pháp luật và bị trả giá bằng pháp luật. Thật nực cười cho cái ngu dốt đó của đối tượng Phạm Viết Công. Cần nhận thức rõ ràng chủ trương giải phóng mặt bằng để phục vụ mạng lưới giao thông quốc gia là vấn đề đúng đắn; công khai, minh bạch đã được bà con nhân dân cả nước ủng hộ, đồng tình và chấp hành. Nhưng đối tượng này và một bộ phận nhỏ người dân tại địa bàn xã không chấp hành còn chống đối, cản trở thế thì đi ngược lại với sự phát triển chung của đất nước rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều người suy nghĩ hạn hẹp, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà chẳng chịu nhìn đến lợi ích về lâu về dài. Các đối tượng chống phá thì nhìn thấy điều ấy nên lại hết sức kích động, xúi giục người dân phản pháo chống lại chủ trương chung, rất chán!

      Xóa
  2. Không liên quan gì, không liên đới gì đến dự án nhưng lại hết sức thể hiện tinh thần chống đối? Đời đúng lắm người rảnh rỗi thật đấy. Nếu có nhiều sức và thời gian đến vậy, thì đi lao động, đi giúp đỡ người khác có phải vui vẻ, yêu đời hơn không. Tuổi già sức yếu rồi còn làm điều phạm pháp, con cháu không thể lấy làm gương!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog