Chia sẻ

Tre Làng

Hiểm họa từ sách, truyện bẩn online

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội tác động không nhỏ đến nhu cầu giải trí của cộng đồng. Ðối với việc đọc sách, bên cạnh ấn phẩm in truyền thống, giờ đây độc giả dễ dàng tìm đọc phiên bản online để có thể thưởng thức mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên bên cạnh những tác phẩm có chất lượng, được phát hành bởi các nhà xuất bản có uy tín, nếu không tỉnh táo người đọc rất dễ sa vào ma trận của sách bẩn với nội dung độc hại, cổ súy bạo lực, khiêu dâm... đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng.

Các bậc phụ huynh cần tìm hiểu, chia sẻ và hướng dẫn con em mình sử dụng mạng xã hội.

Với người bận rộn nhưng ham thích đọc sách thì chỉ cần vào các diễn đàn sách, truyện online là có thể dễ dàng lựa chọn tác phẩm phù hợp nhu cầu và tranh thủ đọc hoặc nghe (đối với sách nói) bất cứ lúc nào. Với tính chất là diễn đàn mở, được quảng bá "dành cho các bạn đam mê đọc, sáng tác và convert (chỉnh sửa) truyện", "là nơi cho bạn thỏa sức sáng tác truyện của riêng mình và là một nơi đọc truyện giao lưu kết bạn với nhiều người"; thời gian qua, sự phát triển của những diễn đàn này ngày càng trở nên sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều độc giả, nhất là người trẻ.

Có những tác giả mới lần đầu thử sức với văn chương song cũng đưa tác phẩm của mình lên không gian mạng vì không cần qua khâu biên tập, kiểm duyệt như với sách in truyền thống. Tuy nhiên, từ đây cũng dẫn đến tình trạng vàng thau lẫn lộn. Do không có sự kiểm soát về nội dung nên nhiều diễn đàn, hội nhóm đọc sách trên mạng xuất hiện vô số tác phẩm kém chất lượng, núp bóng sách văn học, sách giáo dục giới tính nhưng bản chất là những sách khiêu dâm đồi trụy, kích động bạo lực,...

Nhiều tác giả mạng vì muốn nhanh nổi tiếng, tác phẩm đăng tải được nhiều người tìm đọc nên luôn tìm kiếm những đề tài độc lạ, gây tò mò, hứng thú với cộng đồng mạng. Những người viết này không ngần ngại cho ra những sản phẩm được viết một cách cẩu thả, dễ dãi dựa trên công thức sốc-sến-sex. Ðây là lý do khiến cho những tác phẩm có nội dung độc hại, cổ súy những mối quan hệ bất chấp luân thường đạo lý, vi phạm thuần phong mỹ tục thoải mái xuất hiện trên không gian mạng với mật độ dày đặc.

Bên cạnh đó, nhằm ăn theo một số bộ truyện tranh nổi tiếng như Bảy viên ngọc rồng, Naruto, Thám tử lừng danh Conan… các tác giả mạng đã chế lại, biến thành những phiên bản có nội dung, hình ảnh khiêu dâm, gợi dục để thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Không ít độc giả, nhất là người trẻ đã tò mò vào đọc thử để rồi nghiện lúc nào không hay. Một số tác phẩm dù dán nhãn 18+ song thực tế bất cứ ai cũng có thể vào đọc và chia sẻ rộng rãi mà không cần bất cứ điều kiện nào. Nguy hiểm không kém là sự xuất hiện một số sách, truyện online có nội dung bóp méo, xuyên tạc lịch sử, hạ bệ thần tượng gây tác động tiêu cực đến nhận thức của người đọc, hậu quả rất khó lường.

Ðã có những trường hợp bị tác động từ nội dung sách bẩn dẫn tới lối sống lệch lạc, sa đọa, bản tính trở nên hung hăng, bất cần.

Thế nhưng vấn đề kiểm soát sách, truyện online hiện nay bộc lộ nhiều bất cập. Việc đăng tải nội dung tác phẩm cũng như trao đổi, mua bán sách online diễn ra nhộn nhịp. Bất cứ ai cũng có thể đăng tải tác phẩm của mình lên mạng, chỉ cần đăng ký một tài khoản ẩn danh. Nhiều diễn đàn không có cơ chế kiểm soát về nội dung sách, truyện được chia sẻ hoặc rao bán công khai, mà thậm chí cổ súy cho các tác phẩm có nội dung giật gân, câu khách.

Sự hoành hành của sách bẩn, sách rác với những mối nguy hại khó lường đặt ra yêu cầu cần phải có sự kiểm soát, sàng lọc, ngăn chặn kịp thời những cuốn sách vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử. Cần khẳng định các xuất bản phẩm dù hiện diện dưới bất kỳ hình thức nào, xuất bản theo phương thức nào cũng cần đáp ứng những tiêu chí về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật.

Sự thoải mái, tiện dụng của mạng xã hội giúp các tác phẩm ngay sau khi viết xong có thể dễ dàng đăng tải online, được tiếp cận nhanh hơn với độc giả, đồng thời mở ra cơ hội cho những người viết mới song đây cũng là con dao hai lưỡi bởi sự tung hô thái quá từ cộng đồng mạng khiến một số người viết ngộ nhận, ảo tưởng về tài năng của bản thân.

Bên cạnh đó hiện tượng chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng khiến người viết tự đánh mất chính mình. Xét một cách nghiêm khắc thì việc tạo ra những sản phẩm sách bẩn tùy theo mức độ có thể bị khép vào tội sản xuất văn hóa phẩm đồi trụy, xúc phạm lãnh tụ, xuyên tạc sự thật lịch sử… Do đó dù là đăng tải dưới dạng ẩn danh thì người tạo ra những sản phẩm này cũng như các diễn đàn quảng bá, lan truyền sách bẩn đều phải chịu trách nhiệm.

Trên thực tế, các đơn vị xuất bản sẽ phải chịu trách nhiệm về những ấn phẩm do mình cấp phép. Nhưng với các truyện tự sáng tác, đăng tải tràn lan trên mạng hiện nay không những không thể kiểm soát về nội dung mà việc truy cứu chịu trách nhiệm của các cá nhân có liên quan cũng là vấn đề rất khó khăn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, chúng ta đã có quy định hậu kiểm đối với phim chiếu mạng nhưng trong lĩnh vực xuất bản thì sách, truyện online lại thiếu những quy định, cơ chế kiểm soát chặt chẽ để giúp phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những sản phẩm có nội dung độc hại.

Thời gian qua, hầu như mới chỉ có các đơn vị xuất bản tự bảo vệ bản quyền đối với những tác phẩm do mình cấp phép, phát hành. Khi phát hiện sách giả, sách lậu được phát hành online, các đơn vị xuất bản chủ động báo cáo cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Còn với sách, truyện online do chính các tác giả, nhóm tác giả đăng tải thì việc rà quét nội dung, xử lý sai phạm là rất khó khăn bởi một phần là do cơ quan chức năng không đủ nhân lực; mặt khác, không phải lúc nào cũng có thể tìm ra các cá nhân có sai phạm do tính chất ẩn danh trên mạng xã hội.

Tất nhiên, khó khăn không có nghĩa là chúng ta được phép bỏ mặc "trận địa" trên không gian mạng, trong đó có mảng sách, truyện online. Việc tăng cường quản lý với sách, truyện online là yêu cầu có tính cấp bách.

Ðể ngăn chặn hiệu quả nạn sách bẩn trên không gian mạng, rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ sở hữu xuất bản phẩm, nhất là vai trò của độc giả.

Về phía các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản trị, điều hành các diễn đàn mạng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, cũng như có biện pháp ngăn chặn, sàng lọc, tránh tình trạng để lọt lưới, đăng tải, phát hành, quảng bá cho những tác phẩm có nội dung xấu độc, vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc lịch sử.

Cần nhận thức rằng việc xuất bản hoặc đăng tải công khai những tác phẩm có nội dung cấm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về phía độc giả, cần ý thức được rằng việc tiếp cận, chia sẻ những xuất bản phẩm làm giả, in lậu, sách bẩn sẽ vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu có thị trường để tiêu thụ, gây khó khăn cho công tác quản lý, tổ chức, thực thi pháp luật, làm biến tướng, lệch lạc sự phát triển của văn hóa đọc trong cộng đồng.

Do đó nếu phát hiện ra những cuốn sách có nội dung độc hại, độc giả cần thông tin kịp thời tới cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Cùng nâng cao ý thức trách nhiệm, cộng đồng đọc sách văn minh sẽ góp phần lành mạnh hóa hoạt động xuất bản, thể hiện lối sống văn minh, biết trân trọng những giá trị tinh thần đích thực của nhân loại.

Về phía cơ quan chức năng, cần sớm có những quy định chặt chẽ đối với việc tăng cường kiểm soát đối với loại hình sách, truyện online. Các chế tài cần có tính răn đe, phòng ngừa, tránh tình trạng việc xử phạt chỉ mang tính hình thức, không phát huy hiệu quả trên thực tế. Hiện nay theo Nghị định số 119/2020/NÐ-CP ngày 7/10/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản có quy định buộc gỡ bỏ xuất bản phẩm điện tử vi phạm các quy định của pháp luật. Ðối với loại hình sách, truyện online trên các diễn đàn mạng, chúng ta có thể rà quét, áp dụng biện pháp kỹ thuật để hạn chế sự hoạt động của những trang, diễn đàn chưa được cấp phép từ cơ quan chức năng.

Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đang tập trung rà soát lại hành lang pháp lý; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Luật Xuất bản; đồng thời tiếp tục kiến nghị cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện các quy định để theo kịp tình hình thực tế. Chúng ta mong rằng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, những nguy cơ, hiểm họa từ sách, truyện lậu, bẩn xuất bản online sẽ từng bước bị ngăn chặn và đẩy lùi.

Nguồn: Thành Nam/Báo Nhân dân Online

8 nhận xét:

  1. phong trào truyện tranh, tiểu thuyết online ngày càng phát triển rậm rộ và rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội và internet, mà nhắm tới đối tượng chủ yếu là nhóm học sinh, viên, thanh niên, vị thành niên, với những ấn phẩm mang nội dung hạn chế độ tuổi, nhạy cảm đối với nhiều đối tượng nhỏ tuổi mà không có hình thức kiểm duyệt chặt chẽ

    Trả lờiXóa
  2. rất nhiều ấn phẩm, tác phẩm đồi truỵ, chứa nội dung, hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với trẻ nhỏ vẫn tràn lan trên mạng, thậm chí là có hình ảnh full hd không che gì hết, ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy và nhận thức của đối tượng đọc, chưa kể đến nội dung cũng có phần lệch lạc, phi thực tế

    Trả lờiXóa
  3. Đây không phải là một hiện tượng mới gì, sách, truyện mang yếu tố nhạy cảm đã tồn tại từ rất lâu rồi. Giờ đây lại còn có sự giúp sức của mạng xã hội với các trang web online nữa thành ra các loại sản phẩm đấy được tuyên truyền một cách tràn lan. Cần phải có hình thức, biện pháp xử lý ngăn chặn một cách hợp lý, nghiêm minh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mạng xã hội hiện tại rất phát triển, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể tìm kiếm mọi thông tin mình muốn, mà người dùng thì rất đa dạng, từ trẻ em đến người già, đặc biệt là trẻ em, những người chưa đủ nhận thức sẽ rất dễ đắm chìm vào những nội dung hình vẽ bắt mắt, tò mò, gây ra những sai lệch về nhận thức lúc nào chẳng hay

      Xóa
    2. ngày càng xuất hiện nhiều thể loại truyện tranh, truyện tiểu thuyết từ các tác giả nước ngoài và trong nước có chứa nội dung nhạy cảm, không phù hợp với nhiều lứa tuổi nhỏ đang tràn lan trên mạng internet và hằng ngày có rất nhiều đối tượng truy cập vào đọc trong khi chưa đủ độ tuổi quy định

      Xóa
  4. cái nguy hiểm là trẻ con cũng được tiếp cận với mạng internet giống như người lớn mà không có sự quản lý thật sự nào cả, trong khi nhận thức của chúng chưa thể hoàn thiện được như người trưởng thành, khi tiếp xúc với các văn hóa bẩn thì rất dễ ngấm vào, xem đó là kim chỉ nam cho hành động mà không phân biệt được đúng sai

    Trả lờiXóa
  5. Bây giờ thời đại 4.0, công nghệ và mạng Internet phát triển như vũ bão thì kéo theo vô số hệ lụy như sách, truyện online có nội dung bẩn, trong đó, đối tượng tiếp xúc với những nội dung trên thì lại ko được kiểm soát một cách chặt chẽ, ai cũng có thể tiếp cận được, đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ. Điều này làm ảnh hưởng kkhông nhỏ đến việc hình thành quan điểm, suy nghĩ của đứa trẻ

    Trả lờiXóa
  6. Công tác kiểm duyệt những sách, những truyện online còn mang rất nhiều bất cập. Nhiều người cứ có một tài khoản ẩn danh bất kỳ thì đều có thể đăng tải lên mạng bất cứ lúc nào mà họ muốn, không cần có sự phê duyệt về nội dung gì. Mong cơ quan chức năng sẽ thắt chặt hơn trong khâu quản lý, kiểm soát những nội dung xấu, độc trên không gian mạng.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog