Lâm Trực@
Người ta có thể xây dựng một thành phố bằng bê tông, thép và những bản quy hoạch hoành tráng. Nhưng chỉ có ký ức và tình yêu mới tạo nên một Thủ đô. Hà Nội, trong cơn chuyển mình của lễ Quốc khánh lần thứ 80, không chỉ là nơi tiếp nhận khách du lịch. Hà Nội là điểm đến của tâm hồn, là cuộc trở về trong lòng dân tộc.
Không ai đi du lịch chỉ để ngắm phố xá và chụp vài tấm hình. Du khách, dù đến từ bất kỳ quốc gia nào, đều muốn tìm kiếm một thứ: đó là bản sắc. Và Hà Nội, nếu có thể nói một cách đầy đủ, chính là nơi bản sắc Việt Nam được lưu giữ và tái sinh không ngừng, trong từng viên gạch cổ, từng tiếng rao khuya, từng giọt mưa thu lặng lẽ.
Thành phố không giới thiệu mình bằng sự ồn ào. Không marketing bằng những khẩu hiệu hoa mỹ. Hà Nội đi vào lòng người bằng những sản phẩm du lịch được làm từ chiều sâu văn hóa. “Tiếng chuông Trấn Vũ” không đơn thuần là một chương trình biểu diễn, mà là một nghi thức. Một tiếng vọng từ cội nguồn. Người đến đó không chỉ để giải trí, mà để thiền định trong chính lòng mình, dưới mái đền cổ kính, nơi từng lớp thời gian lặng lẽ bồi tụ.
Một toa tàu điện cũ lăn bánh trên phố Tràng Thi bỗng dưng trở thành điểm check-in. Nhưng không phải để “sống ảo” như thiên hạ thường nói. Mà là để người ta, trong khoảnh khắc ấy, nhận ra một điều giản dị: Hà Nội của thời bao cấp – khó nghèo, cứng rắn – vẫn còn đó, chưa từng biến mất. Người ta thấy lại tuổi thơ của mình, hoặc tuổi thơ của cha mẹ. Một sự nối kết xuyên thế hệ mà du lịch hiện đại thường đánh mất.
Hà Nội hôm nay cũng là một Hà Nội biết làm mới chính mình. Tour cộng đồng tại Ba Vì, Mỹ Đức; tour khám phá làng nghề; tour liên kết sông nước nối Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng… đều không chạy theo thị hiếu rẻ tiền, mà lặng lẽ xây nên những hành lang văn hóa, những cánh cửa mở ra từ lòng đất. Du lịch Hà Nội – đúng nghĩa – là một hoạt động văn hóa. Mỗi sản phẩm, mỗi sự kiện đều mang một lời mời gọi: Hãy hiểu chúng tôi, chứ đừng chỉ ngắm nhìn.
Con số không nói dối. Lượng khách tăng bình quân 28,3% mỗi năm giai đoạn 2022–2024. Khách quốc tế tăng đến 62,5%. Doanh thu tăng hơn 30%. Nhưng điều đáng nói hơn cả là chất lượng của sự trở lại. Khách đến Hà Nội không chỉ để nghỉ, mà để nghĩ. Không chỉ để tiêu tiền, mà để tiếp nhận. Và chính quyền thành phố, thay vì làm du lịch như một ngành kinh tế thuần túy, đã dần định hình nó như một chiến lược bảo tồn văn hóa sống động.
Tôi từng hỏi một người bạn từ châu Âu sau khi anh ta dự tour “Hà Nội đêm di sản”: "Cậu thấy gì ở đây?" – Anh ta trả lời rất chậm rãi: "Tôi thấy những điều đang biến mất ở đất nước tôi: sự tôn trọng cái cũ, sự gìn giữ cái chân phương, và một tình yêu lặng lẽ không cần phô trương." Câu nói ấy đủ để hiểu rằng, Hà Nội không cần phải quá khác lạ để thu hút. Hà Nội chỉ cần là chính mình đã là một di sản.
Năm nay, Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách. Và trong không khí ấy, người dân, từ bà bán bánh tôm Hồ Tây, ông bảo vệ Văn Miếu đến cô hướng dẫn viên trẻ, đều đang góp phần làm nên một "Hà Nội không rào chắn". Một Hà Nội không đóng khung trong các mô hình phát triển đô thị lạnh lẽo, mà là Hà Nội biết kể chuyện bằng ngôn ngữ của gốc rễ, bằng cảm xúc của người trong cuộc, bằng sự rung động rất đỗi Việt Nam.
Khi mùa Thu về, những lá bàng đỏ lên ở khu Nghĩa Tân, hương cốm lẫn trong gió hồ Tây và đèn lồng lấp lánh phố Hàng Mã, người Hà Nội biết rằng: điều quý giá nhất không phải là khách đến, mà là khách quay lại. Và để điều đó xảy ra, không gì khác ngoài việc giữ vững bản sắc, nhưng không sợ đổi mới. Giống như cách Hà Nội đang làm – vừa tĩnh, vừa động – như một đoản khúc cổ điển được chơi bằng nhạc cụ hiện đại.
Một thành phố sống được trong ký ức của người khác là một thành phố không bao giờ chết. Hà Nội, 80 năm sau ngày độc lập, vẫn đang sống như thế một cách thầm lặng, bền bỉ và kiêu hãnh.
Hà Nội đẹp như một bức tranh thủy mặc, với hồ Gươm lung linh và những hàng cây cổ thụ rợp bóng. Phố cổ với mái ngói rêu phong gợi cảm giác hoài niệm về một thời xa xưa.
Trả lờiXóaDù hiện đại phát triển, Hà Nội vẫn giữ được nét duyên dáng rất riêng.