Chia sẻ

Tre Làng

Bóng đen Tây Tạng - Góc nhìn của một du khách Việt


Từ Tân Sơn Nhất tôi đáp máy bay tới Nam Ninh, Trung Quốc làm thủ tục nhâp cảnh rồi bay đi Bắc Kinh. Từ Bắc Kinh bay tới Tây Tạng như một khách du lịch nội địa của Trung Quốc. Phải vòng vèo như vậy, nếu muốn ‘thẳng cánh bay’ thì khó lòng đặt chân đến miền đất thiêng này. Trung Quốc đã cấm tiệt người Việt Nam đến Tây Tạng.
Chiếc máy bay cũ kỹ rung sóc giữa những đám mây trắng, hạ dần độ cao và tôi đã thấy thấp thoáng những đỉnh núi phủ băng tuyết. Người hướng dẫn du lịch nói sân bay ở độ cao ba ngàn tám trăm mét so với mặt nước biển, không khí rất loãng, thiếu ô-xy nên mọi người cần thở nhẹ, tránh nói cười để giữ sức khi rời khỏi máy bay.
Từ máy bay bước ra bỗng mắt hoa, đầu váng ngực tức không thở đươc. Người hướng dẫn du lịch chụp cho tôi cái bình ô-xy. Hít thờ vài lần mở mắt nhìn chung quanh tôi thấy mọi người trong đoàn đều phải thở ô-xy.
Từ sân bay Gonggar về thủ phủ Lhasa hơn năm chục cây số, càng đi càng lên cao. Những dãy núi đá trùng trùng điệp điệp in trên nền trời xanh biếc, thỉnh thoảng xuất hiên một chóp núi chăng những sợi dây treo cờ Phật vàng rực như những đốm lửa.
Xe dừng trước khách sạn Triều Châu, một đám nhân viên đóng giả người Tạng cưỡi bò Yach, trâu lùn nhảy múa đón khách. Không còn sức đâu mà xem múa, mọi người phải bò từng bậc cầu thang để lên phòng nghỉ.
Tôi cảm thấy cơ thể nhão ra, phổi bị ép đến ngạt thở, thầm nghĩ sao không chết ở nhà mà tới nơi xa xôi này để chết. Người hầu phòng mang bốn xô nước ấm để cạnh giường và chụp cho tôi chiếc bình ô-xy, tôi cố nhắm mắt thiếp đi, chỉ mong ngày mai ra máy bay chuồn về càng nhanh càng tốt.
Nhưng khi tỉnh dậy tôi cũng như mọi người thấy dễ chịu hơn và đặc biệt sau khi vào chùa lễ Phật thì như đươc hồi sinh.
Thủ phủ Lhasa không còn cổ kính như ta tưởng. Những con đường rộng thằng tắp mang tên Quảng Đông, Quảng Tây, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình…chạy dọc ngang, những khách sạn, nhà hàng mang tên Kinh Châu, Tứ Xuyên… Chính phủ Trung Quốc phân công một số tỉnh, thành phố đến đây đầu tư xây đựng các công trình và lấy tên tỉnh, thành phố mình hoặc tên lãnh tụ đảng cộng sản Trung Quốc đặt cho từng con đường, khu phố. Các khách sạn nhà hàng và những tòa nhà cao tầng đều của các đại gia từ Quảng Đông, Bắc Kinh, Thâm Quyến đến đây làm ăn. Cư dân thủ phủ Lhasa bây giờ hầu hết người Hán, số ít người Tạng còn sót lại đã Hán hóa, diện quần Jern áo phông ăn há cảo, Hambger uống coca, bia thay sữa bò Yach. Dọc đại lộ Bắc Kinh chạy ngang cung điện Potala những nhà hàng Trung Quốc sang trọng sập sình tiếng nhạc Disco.
Không chỉ riêng thủ phủ Lhasa mà các thành phố lớn của Tây Tạng như Shigatse, Gyantse, Chanđo, Nagchu, Dartsendo v.v cũng đều do người Trung Quốc làm chủ. Hàng triệu người Trung Quốc đã tràn đến Tây Tạng để thực hiện đồng hòa người Tạng bằng những cuộc hôn nhân dị tộc.
Người Tạng lùi vào sâu các hẻm núi sống trong những căn nhà đất nghèo nàn. Chính phủ Trung Quốc bỏ ra 20 ngàn nhân dân tệ xây mỗi căn nhà đầy đủ tiện nghi mời người Tạng về ở không mất tiền nhưng người Tạng không về. Rất nhiều ngôi nhà như vậy đã dựng lên ở ngoại ô Lhasa, những lá cờ Trung Quốc cắm trên nóc nhà đã bạc phếch nhưng vẫn vắng bóng người. Từ các hẻm núi hằng ngày người Tạng hành hương về Lhasa ‘tam bộ nhất bái’ quanh cung điện Potala. Một người Tạng nói với tôi: “Người Tang không coi trong vật chất, điều quan trong nhất là giữ tâm hồn trong sạch hướng về Đức Phật”.
Vâng, đúng là người Tạng sống kham khổ tới mức không còn gì kham khổ hơn. Vào nhà họ không thấy giường tủ, không thấy chỗ chứa lúa gạo, giữa bốn bức tường đất là một lò nướng bánh đơn sơ đốt bằng phân bò khô và mấy thứ nồi chảo bằng gang. Trong bầu không khí tê buốt mà người Tạng chỉ mặc một bộ quần áo vải thô, quấn trên đầu chiếc khăn thổ cẩm, chân không dày dép. Mọi thứ quý giá người Tạng đều dành cho Đức Phật. Tâm linh họ hướng về Đức Phật mà hiện thân của Người là Đạt Lai Lat Ma 14. Người Tạng tin vào sự luôn hồi Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ trở về, và Tây Tạng của người Tạng. Niềm tin ấy đã nhiều lần bùng cháy thành ngọn lửa tự thiêu. Chỉ từ năm 2006 đã có 50 người Tạng tự thiêu để phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc. Trước khi chúng tôi tới Tây Tạng không lâu, cùng một lúc hai Phật tử đã tự thiêu ở thủ phủ Lhasa, trước cung điện Potala, nơi cứ 50 mét lại có hai chốt gác của cảnh sát và quân đội song song với nhau và từng tiểu đội lính Trung Quốc lăm lăm súng trong tay tuần tra suốt ngày đêm.
Chiều thủ phủ Lhasa nhuộm đỏ ánh hoàng hôn, trên nóc cung điện Potala vàng óng chói lòa những tia phản quang rực rỡ. Tương phản với hình ảnh huy hoàng ấy là những khối lính quân phục xám, súng cắm lê tuốt trần dàn hàng dọc đo bước trên đường phố với nét mặt vô cảm. Tôi vừa giơ chiếc máy ảnh lên chưa kịp bấm thì một viên cảnh sát đã lù lù chắn trước mặt, nói giọng lạnh lùng: “Cất ngay máy ảnh đi nếu không muốn bị đập nát”.
Đêm Tây Tạng muộn hơn, không tối thẫm như nơi khác mà mờ mờ ảo ảo. Trong bầu không khí giá buốt, khô xác, đường phố Lasha vang lên tiếng xích sắt của xe đặc chủng nghiến xuống mặt đường chầm chậm diễu qua từng con phố.
Chúng tôi đến Tây Tạng - thánh địa Phật giáo - hy vọng trút bớt âu lo, tìm sự thanh thản, nhưng niềm hy vọng ấy vụt tắt. Cung điện Potala hàng tiểu đoàn quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đóng doanh trại, chùa Đaị Chiêu linh thiêng, thiền viện Prepung và tu viện Dzongchen được coi là Phật giáo thuần khiết cũng xám đen màu áo lính …
Hơn nửa thế kỷ trước, 80 nghìn quân Trung Quốc ào ạt chiếm Tây Tạng, vùng đất giàu vàng bạc và khoáng sản diện tích gần bằng một phần sáu Trung Quốc. Đức Đạt Lai Lạt Ma 14 sau những cố gắng thương lượng với Bắc Kinh cho Tây Tạng tự trị không thành đã phải vượt qua dãy Hy-mã-lạp-sơn (Hymalaya) sang vùng đất Đa-ram-sa-la của Ấn Độ sống lưu vong. Từ đó Trung Quốc thực hiện chính sách chia để trị Tây Tạng. Một số khu vực bị sáp nhập vào Thanh Hoa, Cam Túc, còn lại biến thành một tỉnh của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Từ đấy người Tây Tạng sống trong địa ngục trần gian. Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng vàng ròng của công chúa Văn Thành bị đập nát. Pho tượng Phật bằng vàng ròng vô cùng quý giá của Hoàng hậu Đê-vi và ngay cả cung điện Potala cổ kính cũng suýt bị hồng vệ binh đạp nát trong cuộc cách mạng văn hóa nếu không may mắn được ông Chu Ân Lai can thiệp vào phút chót. Thay vào đó là chân dung Đặng Tiểu Bình, Hồ Cẩm Đào … treo khắp nơi và giữa trung tâm quảng Trường Shangcha rộng hơn 40.000 m2 bức tượng Mao Trạch Đông bằng đồng nặng 35 tấn cao 7 mét sừng sững với những dòng chữ vàng về công lao xây đắp cái gọi là “tình hữu nghị” của vị “ lãnh tụ vĩ đại ”này.
Nghe anh bạn hướng dẫn du lịch giới thiệu tôi bỗng thấy rùng mình. Tôi nghĩ tới Hoàng Sa, Trường Sa ngoài Biển Đông của Tổ quốc đã và đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Tôi nghĩ đến ải Nam Quan, hang Cốc Bó, một phần thác Bản Giốc bị lấn chiếm. Tôi nghĩ đến những cánh rừng đã cho người Tàu thuê… Tôi nhớ những đồng đội ngã xuống ở biên giới Tay Nam, Campuchia, Trường Sa, ở Vị Xuyên…đều là hậu họa “hữu nghị truyền thống” do Trung Quốc gây nên.
Tổ quốc tôi đã và đang liên tục trực tiếp bị đe dọa họa xâm lăng. Bóng đen ở Tây Tạng hôm nay đang lởn vởn trên bầu trời mặt biển Tổ Quốc tôi, dù người ta có đúc 16 chữ bằng vàng ròng cũng không che đậy được bóng đen đó...
MINH DIỆN (BÙI VĂN BỒNG BLOG)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog