Chia sẻ

Tre Làng

QUY ĐỊNH MỚI VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CẢNH SÁT GIAO THÔNG

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của CSGT

(Công lý) - Thông tư mới này thay thế cho Thông tư số 65/2012/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông...

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016 và thay thế Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30 tháng 10 năm 2012.

Theo đó, cảnh sát giao thông có những quyền hạn sau:

- Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát.

- Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự an toàn xã hội và các vi phạm hành chính.

- Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật.

- Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, cá nhân phối hợp giải quyết tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc các trường hợp khác gây mất trật tự an toàn giao thông.

- Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.

- Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển; sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.

- Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng phương tiện, đỗ phương tiện khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 

Cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

- Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên.

- Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên.

- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

- Tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời việc dừng phương tiện phải đảm bảo: An toàn, đúng quy định pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Cảnh sát giao thông được phép kiểm soát các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện của người tham gia giao thông gồm:

- Giấy phép lái xe.

- Giấy đăng ký xe.

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện cơ giới đường bộ.

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

- Và giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện, hoạt động vận tải.

Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.

Huy Hùng

16 nhận xét:

  1. Mọi người đọc đi nhé, phải biết luật thì chúng ta mới hiểu được quy trình làm việc như thế nào, và để tránh bị cảnh sát giao thông thổi phạt và hơn nữa là tránh tình trạng hiểu nhầm Cảnh sát. Vì người ta cũng chỉ làm theo Luật thôi mà

    Trả lờiXóa
  2. Có những điểm mới trong thông tư 01/2006 so với thông tư 65/2012. Và dẽ dàng thấy rằng mục tiêu của sự thay đổi này là để CSGT thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Người dân của ta về ý thức pháp luật, đặc biệt ý thức tham gia giao thông còn tương đối thấp cho nên việc trao cho CSGT thêm các quyền là để họ đảm bảo sự an toàn trong giao thông hiệu quả. Mặt khác, đây cũng là một cách để người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó nang cao ý thức tham gia giao thông tốt hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi thấy CSGT cũng như CA VN nói chung, họ cần được trang bị đầy đủ hơn về trang phục và công cụ hỗ trợ. Và đặc biệt quyền hạn của chiến sĩ CA VN cần được mở rộng hơn. Người vi phạm giao thông hay nguy hiểm hơn là tội phạm hiện nay ở VN cũng như thế giới ngày càng manh động, nguy hiểm. Chúng ta thà hi sinh 1 tên tội phạm còn hơn hi sinh 1 chiến sĩ.

    Trả lờiXóa
  4. Để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay việc ban hành các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của cảnh sát giao thông là điều chính đáng. Bên cạnh đó cũng cần tuyên truyền hơn nữa để người dân nắm bắt hiểu biết luật. Hiểu biết về luật người dân sẽ có ý thức tôn trọng không vi phạm pháp luật.

    Trả lờiXóa
  5. Việc CSGT được phép trưng dụng phương tiện giao thông, phương tiện liên lạc... sẽ thế nào nếu xảy ra tình trạng lạm dụng chức quyền, tiêu cực hay kẻ xấu giả dạng. Còn chưa thấy nói đến việc người bị trưng dụng tài sản sẽ lấy lại bằng cách nào (chắc chắn khi trưng dụng sẽ không thể có thời gian làm biên bản bàn giao rồi). Phương pháp đền bù thế nào nếu phương tiện bị trưng dụng hư hỏng. Trước nay chỉ thấy các quyết định đưa ra đề cập đến quyền của người thực thi, còn trách nhiệm thì ít khi nghe nói đến.

    Trả lờiXóa
  6. Cái vụ trưng dụng với kiểm soát người sao thấy hoang mang quá, kiểm soát người cho là nghi ngờ tội phạm hay chống đối đi, còn trưng dụng không lẽ giống như nước ngoài,như trưng cái xe bắt cướp, trưng cái điện thoại, hay gì gì đó xong chạy mất tiêu (trường hợp khẩn cấp mà, khẩn cấp thì mới trưng dụng), rồi biết đường đâu mà lần. Kẻ nào giả danh cảnh sát làm thế để trộm cắp thì sao? Rồi lại phiền người dân lên phường khai báo ngày nào, đoạn nào, hay địa điểm nào có chú csgt nào đó mượn đồ, rồi phải đợi xem xét ai chịu trách nhiệm đó, rồi lỡ như đang mang giấy tờ quan trọng, hay hợp đồng, mất tiêu đi thì ai chịu được trách nhiệm?. Nói chung luật mới này chưa nói rõ ràng. Rất thiệt cho người dân.

    Trả lờiXóa
  7. " Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát..." Thế là không vi phạm cũng bị dừng xe kiểm tra à, thế có mâu thuẫn với Điều 14 Thông tư số 65/2012/TT-BCA ngày 30/10/2012 của Bộ Công an quy định rằng cảnh sát giao thông chỉ được dừng phương tiện để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ không, đưa ra luật mới mà không rõ ràng thế này dễ làm dân hoang mang lắm.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi thấy luật này không ổn. Thứ 1 kiểm tra giấy tờ của người ngồi trên xe nghĩa là kiểm tra cả người ngồi sau xe, không cầm lái, thế nếu chúng tôi đi chơi gần hay giấy tờ bị mất rồi không xuất trình được thì có nghĩa là chúng tôi phạm tội cần được đưa về đồn để điều tra nhân thân sao?. Thứ 2 trưng dụng phương tiện thiết bị lỡ tôi đang có việc gấp mà bị trưng dụng xe thì sao? Đồ là do tôi mua, lương bổng của các anh, hay cả phương tiện các anh dùng cũng do dân mà ra, các anh có thể mượn chứ không được phép trưng dụng, thứ 3 luật này khiến CSGT hống hách hơn, trước đây các anh còn dè chừng các anh sai chúng tôi còn quay phim chụp ảnh lại được, giờ thì các anh tha hồ muốn làm gì nói gì với tài xế với dân cũng được đúng không?

    Trả lờiXóa
  9. Việc trưng dụng tài sản nếu không phải trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia thì không được phép trưng dụng, nếu cưỡng ép sẽ bị quy kết vào tội vào tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Tài sản là của tôi, tôi có công việc của tôi, và nhiệm vụ của tôi là đóng thuế cho nhà nước để chi trả các chi phí an ninh quốc phòng, việc của các anh là truy đuổi tội phạm bắt cướp, các anh phải chủ động lực lượng, đâu phải thích lấy gì của dân là lấy. Giờ nạn lừa đảo rất nhiều, chỉ cần mua bộ quần áo rồi kiếm bảng tên bừa là cũng có thể mạo danh là cảnh sát rồi đi lấy đồ của dân theo cái kiểu gọi là trưng dụng, mà tôi không cho các anh lấy thì có bị quy kết vào tội chống người thi hành công vụ không?

    Trả lờiXóa
  10. Mặc dù rất ủng hộ các chiến sĩ công an giao thông nhưng tôi thấy luật mới này có rất nhiều vấn đề, gia tăng quyền hạn của các anh rất nhiều, rất dễ để xảy ra tình trạng lạm quyền. Và càng ngày thì các anh lại bắt đầu giống với lực lượng 141 rồi thì phải. Mà chỉ thấy gia tăng thêm quyền hạn của các anh mà không thấy quyền lợi của người dân khi thấy cảnh sát có những hành vi vi phạm như ăn hối lộ, chặn chém người dân nhỉ?

    Trả lờiXóa
  11. Sự việc gì cũng có mặt phải và mặt trái, việc cải tiến, thay đổi quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của cảnh sát giao thông được đánh giá là đem lại nhiều quyền hơn cho lực lượng, từ đó giúp họ quản lý các vi phạm cũng như ngăn chặn những sự cố đáng tiếc xảy ra một cách hiệu quả hơn. Nhưng những quy định này chỉ thành công khi mà nhận thức pháp luật của người dân cũng tăng lên theo. Có thể nói những quy định này có thực hiện tốt hay không phụ thuộc quan trọng vào ý thức người dân tham gia giao thông.

    Trả lờiXóa
  12. Dân mình tùy tiện thành quen đâm loạn, cảnh sát là cảnh sát, họ có quyền của họ. Anh cứ làm đúng thì họ thổi anh vô họ cũng mất thời gian, tôi khẳng định một câu, nếu anh làm đúng, chả anh cảnh sát nào muốn gây khó dễ cho anh, họ làm vậy để anh có cớ bù lu bù loa lên à?

    Trả lờiXóa
  13. Luật mới ban hành tăng thêm nhiều quyền hạn cho cảnh sát giao thông. Mọi người cần hiểu luật để nắm rõ quy trình hoạt động của cảnh sát giao thông, từ đó có những hành động chấp hành tốt luật giao thông để không có những trường hợp sai phạm đáng tiếc xảy ra

    Trả lờiXóa
  14. Việc áp dụng luật mới vào thực tiễn chắc chắn gặp nhiều khó khăn. Có thể nói luật mới tăng thêm quyền hạn cho cảnh sát giao thông nhưng việc luật có thực sự đi vào cuộc sống hay không lại phụ thuộc nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông. Hy vọng luật mới ban hành sẽ làm ý thưc của người dân nâng cao hơn

    Trả lờiXóa
  15. Bangtuyet nhietdoi19:41 30/1/16

    Dân mình chỉ khi nào có cảnh sát giao thông thì mới chấp hành luật, còn không thi cứ mệnh ai người nấy biết. Việc đổi mới luạt tăng thêm quyền hạn cho cảnh sát giao thông cũng là một biện pháp nang cao thêm ý thức của người tham gia giao thông. Hy vọng luật mới sẽ sớm được đưa vào áp dụng và phát hu tính hiệu quả của nó

    Trả lờiXóa
  16. Người dân cứ tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ không lo sợ gì cả. Pháp luật đưa ra là để bảo vệ dân, chứ đâu có ai muốn nhiều người vi phạm đâu, tất cả vì sự an toàn cho chính họ và những người cùng tham gia giao thông thôi.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog