Chia sẻ

Tre Làng

Đắk Lắk: Hơn 500 giáo viên sắp mất việc

Đắk Lắk: Hơn 500 giáo viên ngậm ngùi nghe thông báo sắp mất việc

Mai Cường maicuong.dspl@gmail.com

Sau cuộc họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, hàng trăm giáo viên vô cùng bức xúc vì có nguy cơ bị mất việc.

Liên quan đến vụ việc một huyện tuyển dụng thừa hơn 600 giáo viên hợp đồng, chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục.

Theo đó, cuộc họp được tổ chức tại hội trường Nhà văn hóa huyện Krông Pắk, do bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chủ trì. Tại cuộc họp, bà Ngô Thị Minh Trinh cho biết, UBND huyện đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên đang hợp đồng giảng dạy các môn học không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017.

“Cuối tháng 3 năm 2018, UBND huyện sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức với 83 chỉ tiêu. Sau khi có kết quả kỳ thi, huyện sẽ tiếp tục chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không trúng tuyển”, bà Trinh nói tại cuộc họp.

Như vậy, trong hơn 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện tuyển dụng dư từ năm 2011 - 2016, sẽ có hơn 500 giáo viên các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Cuộc họp diễn ra và kết thúc rất chóng vánh khiến hàng trăm giáo viên hợp đồng vô cùng bức xúc. Các giáo viên này đã kéo đến trụ sở UBND huyện để kiến nghị. Chị N.T.B. (giáo viên hợp đồng tại một trường THCS trên địa bàn huyện Krông Pắk) cho biết: “Vào năm 2012, UBND huyện Krông Pắk đã ký quyết định hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế đối với tôi. Đến nay, tôi đã công tác và cống hiến cho trường hơn 5 năm. Trong những năm qua, tôi liên tục đạt được những thành tích cao trong giảng dạy và được tặng nhiều giấy khen. Vậy mà huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với tôi là không hợp lý”.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk có nguy cơ mất việc.

“Trong Quyết định của UBND huyện ghi rõ “Hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế”, lương được chi trả từ ngân sách Nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế của trường. Bao nhiêu năm nay, chúng tôi đã đóng góp công sức và tuổi thanh xuân cho ngành Giáo dục của huyện vậy mà huyện đơn phương thanh lý hợp đồng, hành xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” là không được....”, một giáo viên trường tiểu học trên địa bàn huyện bức xúc.

Trước đó, báo Người Đưa Tin đã phản ánh, từ năm 2011-2016, huyện Krông Pắk liên tục ký hợp đồng lao động đối với các giáo viên ở các cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Sau đó, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra và kết luận sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng dẫn đến dư thừa 600 giáo viên.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết: “Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Đắk Lắk đã có kết luận sai phạm đối với lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk. Trong thời gian tới, ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ họp và đưa ra mức kỷ luật đối với những cá nhân do Tỉnh ủy quản lý”.

7 nhận xét:

  1. Chuyện thật mà cứ như đùa vậy. Đúng là không thể hiểu nổi là lãnh đạo huyện Krông Păk và tỉnh Đăk Lắk làm gì khi mà liên tục trong nhiều năm duy trì một số lượng lớn giáo viên hợp đồng dư thừa hưởng ngân quỹ của nhà nước một cách phí phạm đến lúc Bộ nội vụ ,uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ và thanh tra chính phủ vào cuộc thì mới phát hiện ra.

    Trả lờiXóa
  2. Việc kí hợp đồng liên tục với các giáo viên hợp đồng đã gây "phình" quỹ của cơ quan nhà nước, gây khong ít bức xúc trong dư luận. Hơn nữa đây còn là thời điểm nhà nước đang thực hiện chiến dịch tinh giảm biên chế nhằm giảm nợ công. Mong rằng các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để xử lí các sai phạm trên.

    Trả lờiXóa
  3. Liên quan đến vụ việc một huyện tuyển dụng thừa hơn 600 giáo viên hợp đồng, chiều 9/3, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục.
    Có lẽ chưa bao giờ nghề giáo lại rơi vào tình trạng như thế này!

    Trả lờiXóa
  4. các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc kiểm tra và kết luận sai phạm của UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng dẫn đến dư thừa 600 giáo viên.
    Thưa các ông, các ông tuyển đến dư thừa, vậy số dư thừa này sẽ về đâu đây?
    Tôi nói chắc chắn, số giáo viên dư thừa này không phải ngẫu nhiên được tuyển.
    Vậy người tuyển dụng họ vào làm sai, thì người đó có phải chịu trách nhiệm không? hay đổ hết lên đầu 600 giáo viên ấy?

    Trả lờiXóa
  5. Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện Krông Păk sẽ phải chịu trách nhiệm đầu tiên với những sai phạm trong việc kí hợp đồng giáo viên trái quy định, quá chỉ tiêu đề ra gây thiệt hại, lãng phí tiền của nhà nước. Không thể hiểu nổi là tại sao lãnh đạo huyện này để lộ cái sai quá lớn như vậy, với con số giáo viên thừa lên đến nửa nghìn người như vậy mà lại không biết khắc phục lỗi sai để đến khi bị kỉ luật mới biết.

    Trả lờiXóa
  6. Thấy bức xúc thay cho những người giáo viên đang có nguy cơ về nhà và không còn được lên mục giảng sau những năm tháng cống hiến lâu nay. Chỉ vì sự ký hợp đồng ồ ạt của chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Krông Păk mà khiến cho nhiều giáo viên đang trong tình trạng lo sợ. Thật không thể hiểu được tại sao mà lại đưa ra những quyết định sai lầm đến như vậy để rồi giờ hậu quả phải gánh chịu là sự còn và mất của những người thầy cô giáo.

    Trả lờiXóa
  7. Thời buổi này làm việc gì cũng mệt mỏi. Sinh viên gia trường thì thất nghiệp, ngay cả những người đang yên đang lành cũng bỗng dưng thất nghiệp. Thiết nghĩ nhà nuớc nên có chính sách gì đó để giúp nhân dân thoát khỏi thảm cảnh này.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog