Chia sẻ

Tre Làng

CÒN LỌT TỘI?

Vụ một cán bộ của VKSND Tối cao bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Còn 'lọt' tội?

Lợi dụng đang công tác tại VKSND Tối cao, Phùng Mỹ Giang đã lấy được lòng tin của nhiều người, sau đó đưa họ “sập bẫy” để chiếm đoạt 5,5 tỉ đồng. Giang bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và mới trả cho các bị hại 360 triệu đồng. Song, vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Các bị hại đồng loạt tố cáo

Theo Cáo trạng số 37/CT-VKS của VKSND TP Hà Nội, ngày 4-8-2016, CQCSĐT CA quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận được đơn tố giác của bà Phạm Thị Kim tố cáo Phùng Mỹ Giang, SN 1974, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là cán bộ VKSND Tối cao, lừa đảo chiếm đoạt của bà Kim 400 triệu đồng bằng thủ đoạn hẹn xin việc làm cho con gái bà Kim là chị Nguyễn Ngọc Bích, là nhân viên hợp đồng tại VKSND Tối cao.

CQĐT cũng nhận được đơn của anh Trần Vũ Hùng và Phạm Ngọc Tú tố cáo Giang lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng; anh Trần Văn Như và anh Trần Thắng tố cáo Giang lừa đảo chiếm đoạt 3,9 tỉ đồng. Cả hai vụ việc trên, Giang đều đưa ra thông tin gian dối về việc mua ô tô thanh lý giá rẻ để chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Cáo trạng truy tố Phùng Mỹ Giang về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" 

Đến ngày 3-4-2017, CQCSĐT CA quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phùng Mỹ Giang về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, vụ án được chuyển lên CQCSĐT CATP Hà Nội để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra, CQĐT còn nhận được đơn của chị Trần Thị Hạ, trú tại tỉnh Quảng Ninh, tố giác Giang lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu của chị Hạ bằng thủ đoạn hứa xin cho chị dâu của chị Hạ không phải đi chấp hành án phạt tù. CQĐT đã tách tài liệu vụ việc này để điều tra xử lý sau.

CQĐT cũng nhận được đơn tố giác của anh Chu Đức Việt tố giác Giang thuê xe ô tô của Cty Phú Tài rồi viết giấy đặt cọc bán chiếc xe này cho anh Việt để chiếm đoạt 300 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, anh Việt đã thay đổi lời khai, đồng thời giao nộp chiếc xe ô tô trên cho CQĐT và đề nghị trả lại cho chủ sở hữu. CQĐT xác định chưa đủ căn cứ xác định Giang chiếm đoạt chiếc ô tô của Cty Phú Tài rồi viết giấy đặt cọc bán chiếc xe cho anh Việt nên tách tài liệu để điều tra, xử lý sau.

Lừa thi tuyển công chức

Theo kết luận điều tra số 25/KLĐT-PC44(Đ3) của CQCSĐT CATP Hà Nội, khoảng tháng 1-2016, thông qua chị Phùng Thị Lê, cán bộ văn phòng VKSND Tối cao, Giang biết chị Nguyễn Ngọc Bích, là nhân viên hợp đồng tại VKSND Tối cao muốn thi công chức vào VKSND Tối Cao.

Mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ trong việc thi tuyển công chức ngành Kiểm sát nhân dân nhưng do cần tiền ăn tiêu nên Giang đã nói với chị Bích thông tin cuối tháng 2-2016, CQĐT (Cục 6) VKSND Tối cao sẽ tổ chức thi tuyển công chức và khẳng định sẽ xin được cho chị Bích thi đỗ công chức với chi phái là 400 triệu đồng.

Tin tưởng Giang nên chị Bích nói thông tin trên cho mẹ là bà Phạm Thị Ngọc Kim. Bà Kim đã trao đổi trực tiếp với Giang và thống nhất sẽ đưa 400 triệu cho Giang để nhờ lo cho chị Bích thi đỗ công chức. Ngày 28-1-2016, Giang cùng chị Trần Thị Hiệp, là Kiểm tra viên Vụ khiếu nại và tố cáo các hoạt động tư pháp, VKSND Tối cao gặp bà Kim, chị Bích và chị Lê tại một quán cafe trên phố Lý Thường Kiệt.

Cáo trạng thể hiện việc chị Hiệp có liên quan đến giao dịch "chạy" vào công chức giữa Giang và bị hại 

Tại đây, Giang hứa sẽ xin được cho chị Bích thi đỗ công chức vào cuối tháng 2-2016 nên bà Kim tin tưởng đưa cho Giang 400 triệu đồng và Giang đã viết giấy biên nhận tiền. Qua xác minh, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5-2016, VKSND Tối cao không tổ chức thi tuyển công chức.

Sau nhiều lần thất hứa, do không có tiền trả bà Kim, ngày 24-6-2016, Giang đã viết giấy cam kết với nội dung Giang nhận 400 triệu đồng của bà Kim để xin cho chị Bích thi đỗ công chức vào VKSND Tối cao nhưng không được nên Giang cam kết sẽ hoàn trả lại tiền cho bà Kim vào ngày 10-7-2016. Sau đó, Giang mới trả cho bà Kim 20 triệu đồng.

Tại CQĐT, Giang đã thừa nhận hành vi phạm tội. Giang khai, sau khi nhận 400 triệu đồng, chiều 28-1-2016, Giang đưa 60 triệu đồng cho chị Lê để trả công chị Lê dẫn chị Bích đến gặp, nhờ Giang xin thi công chức. Chị Lê không thừa nhận việc được Giang đưa 60 triệu đồng để trả công và khai, chiều 28-1-2016, chị Trần Thị Hiệp đưa 30 triệu đồng cho Lê nói Giang trả công. Hôm sau, chị Lê trả số tiền trên cho chị Bích.

Đến khoảng tháng 5-2016, chị Hiệp đưa 30 triệu đồng cho chị Lê nhờ trả cho chị Bích. Sau đó, chị Lê đã trả 30 triệu đồng của chị Hiệp nhờ đưa cho chị Bích. Chị Trần Thị Hiệp khai không được hưởng lợi, không được nhận khoản tiền “hoa hồng” nào của Giang và chị Lê. Chị Hiệp không thừa nhận việc chia tiền cũng như nhờ chị Lê trả lại 30 triệu đồng cho chị Bích.

Chị Lê và chị Hiệp khai, do tin tưởng Giang có thể xin cho người khác thi tuyển công chức vào CQĐT VKSND Tối cao nên đã giới thiệu để nhờ Giang xin cho chị Bích, không bàn bạc thoả thuận với Giang việc xin cho Bích thi công chức. Ngoài ra, chị Lê đã hoàn trả cho chị Bích 60 triệu.

Kết luận điều tra thể hiện, chị Hiệp, chị Lê và Giang đều công tác tại VKSND Tối cao, đã tạo sự tin tưởng cho mẹ con chị Bích; chị Hiệp và chị Lê đã chứng kiến nhiều lần trao đổi, giao dịch, chuyển tiền giữa Giang và mẹ con chị Bích; có sự giao dịch tiền liên quan đến số tiền 400 triệu trên giữa Giang, chị Hiệp và chị Lê. Song, CQCSĐT CATP Hà Nội cho rằng, không đủ cơ sở kết luận chị Lê, chị Hiệp đồng phạm với Giang lừa đảo chiếm đoạt của bà Kim 400 triệu đồng nên CQĐT không đề nghị xử lý trong vụ án này.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Theo cáo trạng của VKSND TP Hà Nội, mặc dù không có khả năng mua xe ô tô thanh lý với giá rẻ nhưng Giang vẫn giới thiệu với anh Trần Ngọc Hướng, là lái xe của VKSND Tối cao về việc Giang có một suất mua xe ô tô Toyota Parado đời 2015, mới 100% với giá 1,4 tỷ đồng (giá thị trường là 2,2 tỷ đồng) do Hải quan thanh lý. Giang nhờ anh Hướng giới thiệu khách mua xe.

Anh Hướng tin là thật nên giới thiệu cho anh Vũ Trần Hùng và anh Phạm Ngọc Tú. Ngày 18-1-2016, anh Hướng dẫn anh Hùng và anh Tú đến VKSND Tối cao gặp Giang để thoả thuận, thống nhất. Giang yêu cầu hai anh này đưa trước 1 tỉ đồng để giang nộp cho cơ quan Hải quan, 1 tuần sau sẽ nhận được giấy nộp tiền, cuối tháng 1-2016 sẽ giao xe. Số tiền 400 triệu đồng còn lại sẽ trả nốt cho Giang sau khi hai anh nhận được xe.

Chị Hiệp ký vào hai hợp đồng mua bán xe ô tô với vai trò là bên bán, chiếm đoạt 3,9 tỉ đồng từ việc bán 3 chiếc ô tô "ảo" 

Cùng ngày, anh Hùng và anh Tú đã giao 1 tỉ đồng và Giang có viết giấy biên nhận tiền để mua xe. Lấy lý do trục trặc giấy tờ, đến tháng 3-2016, Giang yêu cầu anh Hùng đưa thêm 200 triệu đồng để lấy giấy tờ xe ô tô, hẹn 2 tuần sau sẽ giao xe. Anh Hùng đã chuyển số tiền trên cho Giang.

Quá thời hạn, Giang không giao xe ô tô như cam kết, Giang nói không mua được xe ô tô cho hai anh này. Tháng 6-2016, Giang viết giấy biên nhận nợ, hứa trả 1,2 tỉ đồng tiền đặt mua xe cho anh Hùng và anh Tú. Đến nay, Giang mới trả được cho hai anh này 90 triệu đồng.

Với thủ đoạn tương tự, khoảng tháng 3-2016, Giang nói với chị Hiệp và anh Trần Văn Hiếu, em trai chị Hiệp là có 2 xe ô tô Parado mới 100%, giá rẻ, nhập khẩu từ Nhật, nguồn xe do cơ quan Hải quan thanh lý với giá 1,5 tỉ/xe và nhờ tìm khách mua. Tin tưởng là thật, anh Hiếu đã giới thiệu cho người quen là anh Trần Văn Như và anh Trần Thắng.

Sáng 4-4-2016, anh Như và anh Thắng đã đến phòng làm việc của chị Hiệp, nằm trong VKSND Tối cao để ký hợp đồng mua bán hai chiếc xe ô tô Parado với giá 3 tỉ đồng với Giang. Cùng ngày, anh Thắng đã chuyển 3 tỉ đồng vào tài khoản của Giang. Sau đó, cũng tại phòng làm việc của chị Hiệp, ngày 8-4-2016, ông Thắng tiếp tục ký hợp đồng mua chiếc xe Mercedes C200 với giá 900 triệu đồng.

Toàn bộ diễn biến việc thoả thuận, mua bán, chuyển tiền giữa anh Thắng và anh Như với Giang và chị Hiệp đã được thông tin chi tiết trong bài báo “Chiếm đoạt 3,9 tỉ đồng từ việc bán 3 chiếc xe ô tô “ảo” đăng tải ngày 11-9-2018. Đáng chú ý, trong giao dịch mua bán 3 chiếc xe ô tô giữa Giang với anh Thắng và anh Như có sự giúp sức tích cực của chị Hiệp và anh Trần Văn Hiếu.

Bới lẽ, anh Hiếu là người giới thiệu, dẫn dắt anh Thắng và anh Như đến gặp kẻ lừa đảo. Hành vi lừa đảo của Giang diễn ra ngay tại phòng làm việc của chị Hiệp và chị Hiệp cũng chứng kiến toàn bộ quá trình giao dịch. Mặt khác, chị Hiệp còn cùng Giang trực tiếp ký vào hai hợp đồng mua bán xe ô tô với anh Thắng và anh Như.

Được biết, sau khi nhận được Kết luận điều tra và Cáo trạng, cho rằng CQĐT chưa làm rõ một số vấn đề cơ bản của vụ án dẫn đến còn bỏ lọt tội phạm và không thu hồi được tiền do bị cáo phạm tội mà có để trả cho người bị hại, các bị hại bị Giang lừa bán xe ô tô “ma” đã đồng loạt gửi đơn đề nghị các cơ quan tố tụng TP Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Các bị hại đã đưa ra nhiều căn cứ thể hiện chị Trần Thị Hiệp và ông Trần Văn Hiếu không chỉ đơn thuần là người chứng kiến, giới thiệu khách mua ô tô cho bị cáo Giang mà còn là những đồng phạm đắc lực với vai trò là người giúp sức tích cực, tham gia vào quá trình phạm tội do Giang trực tiếp thực hiện.

Dự kiến, phiền toà xét xử sơ thẩm vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Phùng Mỹ Giang sẽ diễn ra vào ngày 7-11.

Thái An

2 nhận xét:

  1. Nếu mà để lọt tội thì thật là quá đáng buồn cho viện kiểm sát quá đi, sao lại có thể làm ăn tác trách thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vậy, đề nghị phải kiểm điểm khắt khe và nhanh chóng tìm ra tội phạm bị lọt

    Trả lờiXóa
  2. Đấy lại một cán bộ VKSND tối cao phạm tội nữa thì người dân niềm tin của người dân vào cơ quan hành pháp đã xuống lắm rồi, vụ ở Thái Nguyên chưa xong mà những vụ cán bộ VKS liên tục bị đưa ra xử lý lại làm mất lòng người dân thêm một lần nữa

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog