Chia sẻ

Tre Làng

Giải pháp nào bảo vệ Cảnh Sát Giao Thông?

Ong Bắp Cày

Báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho thấy, tính từ năm 2017 đến tháng 4/2019, cả nước đã xảy ra 107 vụ chống người thi hành công vụ, chống đối CSGT làm 4 chiến sỹ hy sinh, 26 chiến sĩ bị thương, trong đó có nhiều cán bộ bị thương rất nặng và vẫn đang trong quá trình điều trị. Đó là “con số biết nói” trong cuộc chiến đầy cam go trên những cung đường của CSGT khi các anh hàng ngày phải đối mặt với khói, bụi, tiếng ồn và những nguy hiểm do đối tượng xấu gây ra. 

Báo cáo này cũng cho hay, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 11 vụ chống lại CSGT làm 1 đồng chí hy sinh, 3 đồng chí bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 14 đối tượng. Đa phần các đối tượng bị cáo buộc với tội danh chống người thi hành công vụ và số còn lại là hành vi cố ý giết người. 

Có thể nêu một vài ví dụ cho thấy số vụ chống người thi hành công vụ, tấn công CSGT đang có xu hướng tăng nhanh.

Ngày 9/7/2019 Thượng uý Nguyễn Trọng Quý, cán bộ CSGT huyện An Lão, Hải Phòng bị đối tượng tông thẳng khiến cả người anh bị hất văng bay lên không trung rồi đập mạnh xuống đất. Kẻ gây án là một thiếu niên mới 16 tuổi tên là Đỗ Văn Thắng, chưa được phép sử dụng phương tiện giao thông nhưng vẫn lấy xe máy của gia đình để lưu thông trên đường và khi nhận được hiệu lệnh dừng xe của cách sát, đối tượng thay vì chấp hành thì thốc ga lao thẳng vào Thượng uý Nguyễn Trọng Quý. Xem clip, hẳn các bạn sẽ phải rùng mình khiếp sợ.

Ngày 27/7, đúng vào ngày Thương binh, Liệt sỹ đối tượng Nguyễn Thanh Hùng điều khiển xe 16 chỗ đã bất tuân hiệu lệnh cảnh sát, và nhấn ga liều lĩnh đâm thẳng vào xe của tổ công tác CSGT Công an huyện Kông Chro, Gia Lai khiến Đại uý Nguyễn Đức Nhã bị hất văng hơn chục mét và trọng thương.

Trước đó 1 ngày, Đại uý Mai Hùng Sơn, cán bộ Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội bị đối tượng Nguyễn Quang Hùng, SN 1965, tạm trú ở phường Văn Quán, Hà Đông dùng đá đập vào đầu, máu chảy lênh láng, vì vợ của Hùng đi xe máy đèo 3, không đội mũ bảo hiểm bị CSGT xử lý...

Trên đây chỉ là một vài vụ việc trong hàng loạt vụ việc CSGT bị các đối tượng tấn công xâm hại khi thi hành công vụ. Sự xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên mặt báo phản ảnh những vụ việc tương tự đã cho thấy, CSGT là một trong số những nghề nguy hiểm nhất hành tinh. Hơn thế nữa, từ những vụ việc gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng chống người thi hành công vụ và đòi hỏi ngành công an cần có bước đột phá trong việc xây dựng quy trình công tác cũng như mạnh tay áp dụng những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này.

Trước hết mỗi CSGT cần biết cách tự bảo vệ mình khi thực thi công vụ. Ngoài việc lựa chọn vị trí đứng, kiểm tra cho đến vị trí lập biên bản, cần được tính toán kỹ để tránh xảy ra ùn tắc hoặc tai nạn giao thông thì mỗi CSGT cũng cần nâng cao ý thức cảnh giác trước các đối tượng côn đồ, bao hàm cả những tên côn đồ với bộ mặt thỏ non. Dù tác nghiệp ở vị trí nào thì cũng cần đề phòng và có phương án "nhảy tránh" trong những tình huống khẩn cấp. Để xảy ra tình huống như CSGT Hải Phòng bị đối tượng đâm mà không kịp nhảy tránh là thiếu kinh nghiệm.

Việc tự bảo vệ cần được nhấn mạnh ở chỗ bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và cho chính CSGT. Trong mọi trường hợp, tổ công tác cần phải giữ mối liên hệ nghiệp vụ với nhau trong suốt quá trình tác nghiệp. Trong khi CSGT này ra hiệu lệnh thì CSGT khác phải hỗ trợ bằng cách cảnh báo. Thiếu việc này mà chỉ chú tâm đến "đón lõng" phòng đối tượng chạy trốn là không ổn. Xin nhắc, đối tượng chạy trốn không sao, ta vẫn còn cách khác để xử lý.

Tương tự như vậy, trong khi CSGT này lập biên bản thì CSGT khác chú ý đến việc bảo vệ đồng đội của mình. Đương nhiên, cần có quy định CSGT không được đi làm nhiệm vụ dưới 3 người và có thể huy động thêm cảnh sát trật tự hoặc cảnh sát cơ động.

Các CSGT sẽ được an toàn hơn nếu như trong suốt quá trình tác nghiệp, mọi hình ảnh của họ đều được Trung tâm điều khiển giám sát, theo dõi để phát hiện những việc làm tiêu cực, để triển khai bảo vệ họ khi cần và để hỗ trợ họ khi xuất hiện tình huống phức tạp.

Bên cạnh đó việc trang bị phương tiện nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ và vũ khí cho CSGT là việc nên làm.

Tuy nhiên, việc trang bị phương tiện nghiệp vụ quan trọng hơn là trang bị vũ khí. Phương tiện nghiệp vụ không chỉ là Xe máy, Ô tô, Đèn pin, Còi, Gậy giao thông, biên bản làm việc, bộ dụng cụ để bảo quản giấy tờ, tiền bạc mà còn cả phương tiện ghi âm, ghi hình với dung lượng lớn, được kết nối với Trung tâm chỉ huy. Không nên quan niệm rằng chỉ công an Thành phố mới có Trung tâm chỉ huy mà mỗi huyện cũng cần có Trung tâm chỉ huy. Tôi nghĩ việc kết nối liên lạc trực tiếp như thế không phải là quá khó khăn dưới góc độ kinh tế. Nếu thực sự quá khó khăn thì chỉ việc đề xuất sử dụng tiền phạt người vi phạm luật giao thông trong 1 hoặc 2 tháng là đủ sắm mọi phương tiện cho Trung tâm này.

Ngoài ra, ngành công an cần xây dựng hẳn một quy trình làm việc (có thể linh hoạt với một số địa bàn hoặc địa hình đặc biệt) cho CSGT. 

Ví dụ, về lập trạm: Địa điểm, các quy định bắt buộc về trang phục đúng điều lệnh CSGT, có xe ô tô, có đèn nhấp nháy, bàn làm việc lưu động, có ô che năng che mưa... trong đó quy định 1 số địa điểm cấm lập trạm vì nguy hiểm cho người dân và chính CSGT.

Hoặc quy định khi xử lý vụ việc: Phân công vai trò cho từng người trong tổ công tác. Người giải thích luật, ghi biên bản; người đứng bảo vệ, cảnh giác với những tình huống xấu của đối tượng bị xử lý; ngăn cách không cho những người không có nhiệm vụ hoặc không liên quan được vào một khu vực nào đó đang được sử dụng để giải thích với người vi phạm, ghi biên bản.... 

Như vậy để CSGT thực thi nhiệm vụ, thì cần một khu vực đủ rộng để cho CSGT có thao tác nghiệp vụ khi xử phạt. Có thể dùng loại dây chuyên dụng có in chữ CSGT để quây lại hoặc thiết khu vực lưu động có thể tháo lắp nhanh, không cho những người không liên quan bước qua. Điều này cần phải được quy định cụ thể và giao quyền cho CSGT làm việc này, thông tin cho người dân biết CSGT có quyền làm việc đó. Có được khu vực này, CSGT mới có thể an toàn tạm thời trong quá trình làm việc. Hàng rào mềm này sẽ chỉ có LL CSGT và người bị xử lý (người điều khiển phương tiện) được vào. Người dân muốn thực hiện việc giám sát của mình thì có thể thoải mái quay videoclip không giới hạn. Nếu ai vượt qua ranh giới đó là vi phạm luật và có thể bị xử lý hành chính. Nếu được công nhận là một trụ sở công an di động thì có thể cấm quay phim chụp ảnh. 

Có được khu vực này, CSGT sẽ được an toàn, tránh được bạo lực, tránh bị tác động bởi lời nói xúc phạm, gây ức chế; tránh được tình trạng đưa điện thoại gí sát vào mặt CSGT để ghi hình kích động.

Chỉ cần có quy định về khu vực làm việc như vậy cho CSGT hoặc cho hoạt động khám nghiệm hiện trường thì sẽ không có chuyện phóng viên báo chí cố tình xâm phạm khu vực hiện trường để lấy tin hoặc xóa dấu vết.

Còn nữa...

1 nhận xét:

  1. Các chiến sỹ cảnh sát giao thông luôn phải đối đầu với những phức tạp xảy ra; chủ yếu là các hành vi chống người thi hành công vụ và cố ý giết người; để đảm bảo an toàn thì trước hết các CSGT phải tự bảo vệ mình bằng kinh nghiệm nghiệp vụ; đồng thời cần phối hợp nhịp nhàng giữa các CSGT với nhau và cũng cần đầu tư các trang bị để giám sát và thực thi nhiệm vụ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog