Chia sẻ

Tre Làng

Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: Chúng tôi đang thực thi lời thề giữ biển

Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: Chúng tôi đang thực hiện lời thề giữ biển

Thiếu tướng Bùi Trung Dũng (Thanh An ghi)

Phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày hôm nay đã luôn được chúng tôi chuẩn bị chu đáo từ những bài học kinh nghiệm đánh đổi bằng mồ hôi, trí tuệ và cả máu của đồng đội mình.


Nhìn vào những con số này, nhiều người có thể giật mình. Nhưng nếu một bác sĩ cấp cứu, cứ gặp diễn biến bệnh tình xấu, nguy cấp, mà trở nên lo lắng, hấp tấp… thì làm sao có thể cứu và giành bệnh nhân từ tay thần chết trở về?

Chúng tôi lại càng không được phép làm việc với những cảm tính kiểu như sốt ruột hay bức xúc. Trước hàng nghìn trường hợp xâm phạm trái phép vùng biển đất nước, chúng tôi phải kiên quyết, mưu trí và rất bình tĩnh để đấu tranh, xử lý hiệu quả. Đặc biệt là với những đối tượng đang lăm le xâm phạm chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 

Đó là những chia sẻ đầu tiên mà Thiếu tướng Bùi Trung Dũng - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam dành cho phóng viên Trí Thức Trẻ trong cuộc trò chuyện kéo dài gần 5 giờ đồng hồ. Những điểm nóng ở bất kỳ đâu trên vùng biển Việt Nam, đều luôn có những cái đầu lạnh, những trái tim nhiệt huyết, những chiến sĩ tinh nhuệ trực diện đấu tranh và bảo vệ. Qua câu chuyện mà ông chia sẻ, chúng tôi vững tin hơn về một chiến lược trí tuệ, kiên quyết và nhất quán bảo vệ chủ quyền biển đảo.


Việt Nam là một quốc gia biển, có đến gần 850.000 lao động trực tiếp trên biển và hàng triệu lao động dịch vụ trên bờ. Điều đó nói lên rằng, dù các lực lượng bảo vệ biển, lực lượng chấp pháp có nỗ lực đến đâu, thì vai trò của mỗi một người dân Việt Nam, của mỗi một ngư dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc vẫn là vô cùng quan trọng. Muốn giữ được biển của đất nước mình, chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau rằng, chỉ có một cách đúng đắn nhất là sát cánh cùng ngư dân bám biển.

Các cụ ngày xưa có câu:

"Điền tư ngư chung
Ai khéo vẫy vùng thì mới thành của riêng".

Có thể hiểu, đất đai, ruộng vườn hay thậm chí là biên giới lãnh thổ trên đất liền dù khó đến mấy, cũng có thể phân định, đo đạc để chốt hạ quyền sở hữu riêng có; nhưng biển lại khác. Ngư trường ở biển mênh mông vốn khó phân định, nên không cẩn thận dễ bị xâm phạm, biến thành của chung. 

Để giải quyết được vấn đề này, "khéo vẫy vùng" đồng nghĩa với việc ta phải có một chiến lược hết sức trí tuệ trong suốt quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Trong kho tàng văn hóa dân gian, ta thấy, tổ tiên người Việt rất sớm đã thể hiện năng lực khai phá và làm chủ biển khơi. Những câu chuyện như Mai An Tiêm là ví dụ về khát vọng khai phá Biển Đông, tạo lập chủ quyền của cha ông. Ngày nay, mỗi một ngư dân chắc dạ bám biển, chính là một Mai An Tiêm mở cõi và xác nhận chủ quyền.

Nhắc lại vụ giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014, vai trò của ngư dân là hết sức quan trọng trong suốt 75 ngày đấu tranh, bảo vệ chủ quyền. 

Thời điểm đó, không một chủ tàu, không một một ngư dân nào của Việt Nam nao núng. Thậm chí, bà con còn khao khát ra khơi, bám biển làm ăn, khai thác biển dài ngày để khẳng định chủ quyền, để cùng các lực lượng đấu tranh ngay tại thực địa.


Nguyện vọng chính đáng đó, luôn được chúng tôi hỗ trợ, đồng hành và tiếp sức. Mỗi khi ngư dân có nguy cơ đối diện với rủi ro, chúng tôi luôn có mặt, đảm bảo an toàn cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động trên vùng biển của Việt Nam. 

Đó chính là cách chúng tôi xây dựng và giữ gìn thế trận lòng dân vững chắc. Một khi, lòng dân đã chắc, cách tốt nhất để cùng người dân hiện thực hóa giấc mơ giữ biển quê hương, đó là, cùng nhau, chúng tôi góp phần đưa đội thuyền của ngư dân trở nên mạnh mẽ, hiện đại hơn giữa Biển Đông.

Năm 2010, ông Huỳnh Văn ở Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam với chiếc thuyền đánh cá tương đối thô sơ, đã không thể nghĩ rằng mình lại có thể may mắn trở về nhà an toàn sau khi gặp bão lớn ngoài biển.

"Gió bão cấp 12, giật trên cấp 12 mà các anh ấy vẫn đưa rước con tàu, lai dắt chúng tôi vô bờ. Hồi đó, toàn bộ ngư dân Quảng Nam này và cả các tỉnh bạn đều rất khâm phục các đơn vị của Cảnh sát biển vì đơn vị quá hùng mạnh, lại kiên cường trước bão tố. Đúng là hôm đó, nếu chỉ chậm ít giờ nữa thì toàn bộ 11 ngư dân trên tàu sẽ có thể không bao giờ tìm thấy xác. Các anh cảnh sát biển chính là người đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai. Nói thật, đúng là chết đi sống lại", ông Văn nhớ lại.

Sau chuyến đi sinh tử ấy, ông Văn vẫn tiếp tục nghề biển. Tàu của ông đã ra được vùng biển xa hơn, đã về với những mẻ cá lớn hơn trước rất nhiều. Vậy là ngư dân Việt Nam vừa giữ được nghề truyền thống, phát triển kinh tế gia đình, vừa giữ gìn được biển đảo của ông cha đã có từ nghìn đời.

Nhưng với bà con đi biển, chỉ tình yêu và sức mạnh thôi là chưa đủ. Bối cảnh hội nhập hôm nay đòi hỏi ngư dân phải được trang bị thêm kiến thức, luật pháp không chỉ của riêng Việt Nam. 

Thực trạng trong những năm vừa qua, Cảnh sát biển cũng là một trong những cơ quan vừa bảo hộ cho người dân, vừa phải tuyên truyền, giáo dục ngư dân mình chấm dứt đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài.

Có thể kể đến một số vùng biển đang có cùng lúc nhiều nước khai thác như: vùng nước lịch sử với Campuchia, vùng giáp ranh thềm lục địa giữa Việt Nam với Indonesia, với Malaysia... Trên thực tế, cảnh sát biển Việt Nam đã từng tổ chức tiếp nhận và đưa 934 ngư dân do Indonesia trao trả về Việt Nam và bàn giao cho các địa phương một cách an toàn.

Liên minh châu Âu (EU) lựa chọn áp dụng biện pháp phạt thẻ vàng đối với hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ do tình trạng đánh bắt cá trái phép tràn lan. Ở Châu Á, nhiều nước đã bị nhận thẻ này: Hàn Quốc năm 2013, Philippines năm 2014 (nhưng đã được xóa 10 tháng sau đó nhờ tuân thủ các quy định đánh bắt thủy sản của luật pháp quốc tế)… 

Ngày 23/10/2017, hải sản Việt Nam cũng bị Uỷ ban châu Âu cảnh cáo thẻ vàng liên quan đến hoạt động khai thác bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Hoạt động đánh bắt, sản xuất và xuất khẩu hải sản sang thị trường EU bị tác động đáng kể sau sự cố này. 

Tất cả chúng ta đều kỳ vọng rằng, vào tháng 11 này, khi đại diện của Uỷ ban châu Âu sang Việt Nam kiểm tra, ngư dân mình đã hiểu ra vấn đề và có được quy trình khai thác thủy hải sản một cách bền vững. Kỳ vọng được xóa thẻ vàng dựa hết vào chính sự giáo dục, vào hệ thống quy định của pháp luật sẽ được ngư dân nắm rõ và thực hiện nghiêm túc. 

Vì vậy, đây chính là thời gian mà ngư dân Việt Nam muốn giữ biển thì bắt buộc phải học luật và làm đúng luật. Chúng tôi đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT, Biên phòng, Công an, chính quyền các địa phương để hướng dẫn và tập huấn cho ngư dân mỗi ngày.

Giải quyết được tồn tại này, chúng ta, thứ nhất sẽ có thể góp phần củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng có vùng biển chung với Việt Nam, mà không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của mình. Thứ hai, từ đó, giữ được hòa bình, ổn định trên các vùng biển của Việt Nam. 

Nếu không, chỉ từ vấn đề tưởng nhỏ như đánh bắt hải sản của người dân, rất có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến chính sách cụ thể của các quốc gia láng giềng đối với mình. Và thậm chí là cả mối quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các quốc gia có biên giới biển. Đó một là một lưu ý hết sức quan trọng.

Cảnh sát biển vừa phải vững kiến thức về hàng hải, về biển, về các phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng của một lực lượng vũ trang trên biển; vừa phải chắc kiến thức về pháp luật nói chung, luật pháp biển Việt Nam và thậm chí là luật pháp biển quốc tế và của từng nước có liên quan; rồi cả nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm ở trên biển… 

Một người cảnh sát viên tùy thuộc ở từng đơn vị cụ thể, vị trí công việc cụ thể, có thể đòi hỏi sẽ cần phải nắm vững ít nhất hơn 10 bộ văn bản luật về biển hoặc là luật pháp về biển. 

Để hoàn thành tốt những nhiệm vụ chính trên, chất lượng công tác huấn luyện của lực lượng Cảnh sát biển phải đạt được mục tiêu "Nghiệp vụ tinh thông - Kỷ luật nghiêm minh - Phẩm chất chính trị vững vàng - Sức khỏe dẻo dai". 


Luật pháp, quy định và cách hiểu, diễn giải luật hay chế tài xử lý ở mỗi quốc gia lại rất khác nhau. Ví dụ, cùng là một hành vi vi phạm vùng biển, đánh bắt cá trái phép, đối với Việt Nam chế tài xử lý theo hướng đầu tiên là tuyên truyền giáo dục, đến nhắc nhở, rồi ghi số hiệu cảnh cáo và đẩy về quốc gia liên quan, trao đổi công hàm với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. 

Nhưng ở Nhật, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền. Nếu ở mức độ nặng hơn, họ có thể khởi tố điều tra. Luật pháp của Indonesia cũng hướng đến hình sự hóa các hành vi đánh bắt trái phép và rất dễ bị xử tù cho tội danh này.

Trong bối cảnh hoạt động hàng hải, hoạt động kinh tế biển đang phát triển nhanh chóng, không chỉ là độc quyền của quốc gia ven biển mà còn mang tính khu vực và toàn cầu, để xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam xác định cần tăng cường hợp tác với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Trên thực tế, Cảnh sát biển Việt Nam đã và đang duy trì trung tâm chia sẻ thông tin với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia, thiết lập đường dây nóng với 7 quốc gia liên quan đến Biển Đông. Chúng tôi cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hiểu biết lẫn nhau về hợp tác với lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản… 

Đây là những lực lượng có năng lực thực tế và bề dày kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển. Trong các văn bản hợp tác đã ký, các bên đều coi trọng nhiệm vụ chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tìm kiếm cứu nạn.

Trong quá trình tham gia các hoạt động đa phương, Cảnh sát biển Việt Nam luôn được đánh giá là thành viên tích cực, có trách nhiệm.

Vị thế và năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao sau những sự kiện như Cảnh sát biển Việt Nam khống chế thành công 11 tên cướp khi chúng cướp tàu Zafirah mang quốc tịch Malaysia và điều khiển tàu vào khu vực biển Việt Nam vào tháng 11/2012.

Tiếp theo đó, vào tháng 6/2015, Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp với Cơ quan Thực thi pháp luật trên biển Malaysia truy tìm tàu Orkim Harmony mang quốc tịch Malaysia bị cướp có vũ trang tấn công và di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Kết quả là 8 tên cướp đã phải rời tàu bỏ trốn và bị các cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ.

Đây là những vụ việc tiêu biểu cho sự phối hợp quốc tế trong đấu tranh chống cướp biển trong khu vực. Nó cũng thể hiện sự mưu trí, sáng tạo, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Cảnh sát biển Việt Nam với tội phạm có tổ chức. Các vụ việc này đã được các tổ chức như ReCAAP, HACGAM ghi nhận và lấy làm bài học kinh nghiệm cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển quốc tế.

Với Trung Quốc, cũng như các quốc gia láng giềng khác, Việt Nam luôn mong muốn duy trì mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và phát triển, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Có một lưu ý rằng khi chúng ta càng gặp phải những sự vụ phức tạp trên biển, muốn giải quyết được vấn đề, chúng ta phải rất hiểu biết phía bên kia, hiểu biết mình và luôn có phương án chủ động từ rất, rất sớm. Newton đã từng nói: "Nêu rõ quan điểm mà không tạo kẻ thù, đòi hỏi đến cả trí tuệ ứng xử".

Riêng năm 2018, Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện 4.960 lần/chiếc tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam (tăng 461 lượt/chiếc so với cùng kỳ năm 2017); nắm, phối hợp xác minh, báo cáo 303 vụ/815 tàu cá Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài xua đuổi, bắt giữ, xử lý theo pháp luật của nước sở tại; phát hiện, bắt giữ, xử lý 549 vụ lớn/825 đối tượng vi phạm pháp luật. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và giá trị hàng hóa vi phạm ước đạt 400 tỷ đồng nộp ngân sách Nhà nước. 

Điều đó cho thấy, trong mọi nhiệm vụ của mình, Cảnh sát biển Việt Nam luôn lấy pháp luật làm đầu, với trọn vẹn tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ và thực thi pháp luật.

Đấu tranh ở ngoài thực địa, chưa một lần chúng tôi, những người cảnh sát biển nao núng tinh thần hay chùn bước trước hiểm nguy. Bởi chúng tôi biết, sau lưng mình, luật pháp, Tổ quốc, nhân dân luôn ủng hộ, dõi theo và kỳ vọng vào chúng tôi!

Trong những năm tới tình hình Biển Đông sẽ còn có những diễn biến phức tạp. Đặc biệt vấn đề tranh chấp chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển luôn có nguy cơ bị đẩy thành xung đột. Thêm vào đó, tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, xuất hiện nhiều nhân tố mới có tác động sâu sắc đến trật tự và cục diện thế giới, tác động trực tiếp đến tình hình ở khu vực Biển Đông. Nhiệm vụ đặt ra cho lực lượng cảnh sát biển sẽ hết sức nặng nề.

Nhìn lại các sự vụ nhóm tàu nước ngoài vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong quá khứ để thấy được bài học kinh nghiệm trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam năm 2014 không đơn thuần chỉ là một hành động xâm phạm đơn lẻ, mà còn đi kèm nhiều kế hoạch phức tạp đằng sau. Chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không thể xem thường. 


Phương án đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày hôm nay, đã luôn được chúng tôi chuẩn bị chu đáo từ những bài học kinh nghiệm đánh đổi bằng mồ hôi, trí tuệ và cả máu của đồng đội mình.

Ngay tại thực địa, xử trí bình tĩnh, khôn khéo với phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến lại là giải pháp cần thiết nhất. Điều bất biến là kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền biển đảo; ứng với vạn biến sẽ là các phương pháp mềm dẻo, linh hoạt đúng quy phạm luật pháp quốc tế, pháp luật Việt Nam và các thỏa thuận khu vực, tuyệt đối không để mắc mưu khiêu khích của đối phương và là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, kích động. Đặc biệt tuân thủ sự chỉ đạo của Thủ trưởng cấp trên, phải hết sức kiềm chế, không được manh động, cảm tính vô tổ chức có thể dẫn đến từ yếu tố chiến thuật gây nên những vấn đề chiến lược.

Một trong những yếu tố tối quan trọng giúp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước chính là phát huy sức mạnh từ khối đại đoàn kết dân tộc. Hơn lúc nào hết, hơn 96 triệu người dân Việt Nam cần trên dưới một lòng. Sức mạnh đó, là không gì xâm phạm nổi. Là sức mạnh vô song để kết hợp với sự đồng tình ủng hộ của khu vực, quốc tế về việc làm chính nghĩa của Việt Nam.

Chúng ta, chỉ cần đoàn kết, thể hiện lập trường chính nghĩa rõ ràng của Việt Nam, là những người ở thực địa đã được tiếp thêm sức mạnh tuyệt vời.

Lúc này đây, tôi nhớ đến bố mình, một vị tướng quân đội cả đời trận mạc.

Tôi đã từng viết ca khúc "Câu hát tặng Cha" mang tình cảm và thông điệp gửi đến lớp cha, anh: Hãy tin ở thế hệ chúng tôi, nguyện noi gương và phát huy truyền thống của bao lớp người đi trước, luôn vững vàng chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc yêu thương:

"Chiếc áo lính vẫn vương mùi thuốc súng,
Chiếc ba lô xinh nay đã bạc màu,
Cha trao cho ngày con vào quân ngũ
Con vẫn mang theo suốt dọc đường hành quân…"

Hành trang để một người lính ra chiến trường, đối đầu với hiểm nguy, thực chất luôn là sức mạnh từ trái tim. Tôi và các đồng đội đã sống, chiến đấu và bảo vệ biển đảo quê hương bằng chính niềm tin từ cha ông mình để lại.

"Ngày xưa cha đi đánh giặc
Con còn bé bỏng trong nôi.
Hôm nay con là người lính,
Cha về tuổi già thảnh thơi…"

Thế hệ chúng tôi, nguyện sẽ kế tục xứng đáng những chiến công mà thế hệ trước đã không tiếc máu xương để gìn giữ và trao lại.

8 nhận xét:

  1. Thiếu tướng Bùi Trung Dũng và lời thề giữ biển đó là lời thề đanh thép trong vấn đề bảo vệ biển đảo thiêng liêng của tổ quốc, và thực tế cũng đã cho thấy chúng ta hoàn toàn không có gì là nhân nhượng trong vấn đề bảo vệ biển đảo,đây là vấn đề nhạy cảm và hết sức phức tạp, không thể hành động theo cảm tính mà phải có sự suy xét kĩ lưỡng và bảo vệ biển đảo là việc của toàn thể người dân việt nam.

    Trả lờiXóa
  2. Việc giữ biển là kết hợp rất nhiều yếu tố , và với lời tuyên bố của phó tư lệnh cảnh sát cảnh sát biển, thì chúng ta yên tâm có thể yên tâm phần nào và cùng với lực lượng chức năng, ngư dân biển tiến hành bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo.

    Trả lờiXóa
  3. Các anh là những tấm gương tuyệt vời cho chúng trẻ noi theo, Mong cá các nah luôn giữ gìn sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất có thể. Đó là sứ menenhj thiêng liên nhất trong những sứ mệnh thiên liêng. Thật tự hào con người VIệt Nam!

    Trả lờiXóa
  4. NHìn vào những gì mà lực lượng cảnh sát biển đã làm cho đến ngày hôm nay thì có lẽ không ai trong chúng ta không lấy lòng khâm phục cho sự bình tĩnh,mưu trí và quả cảm cho những chiến sĩ cảnh sát biển luôn hàng ngày bảo vệ chủ quyền biển đảo nước nhà trước vô vàn những sự xâm lăng, vi phạm . Cũng qua sự trả lời của phó tư lệnh cảnh sát biển để một lần nữa khăng định được lực lượng cảnh sát biển luôn cố gắng hết mình vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước !

    Trả lờiXóa
  5. Những anh hùng chiến sĩ dũng cảm trong hòa bình. Chúc các anh, các chú có dồi dào sức khỏe để đảm nhận tốt nhiệm vụ thiêng liêng của tổ quốc. Mỗi người dân chúng ta cần yêu nước bằng một trái tim nóng và 1 cái đầu lạnh, cần học hỏi trau dồi kiến thức để không bị những kẻ xấu lợi dụng.

    Trả lờiXóa
  6. Quả thực có những người lính biển như các đồng chí thì những dân bám biển mới cảm thấy được yên tâm cũng như sự an toàn về lãnh thổ và chủ quyền biển đảo mới được giữ vững . Một niềm tự hào quá lớn dành cho những chiến sĩ anh dũng này khi đương đầu với nhiều khó khăn và thử thách mà vẫn luôn giữ vững được niềm tin của mình.

    Trả lờiXóa
  7. Một trong những yếu tố tối quan trọng giúp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo của đất nước chính là phát huy sức mạnh từ khối đại đoàn kết dân tộc. Như vụ bãi Tư Chính,Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã theo đuổi tàu Hải Dương Địa Chất 8 khi nó quay lại Đá Chữ Thập, và nay và chừng như nay đã ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Nếu không có tình yêu quê hương đất nước, bám trụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia thì e rằng...Liệu anh chị nào còn bảo chính quyền nhu nhược, bán biển đảo cho Tàu nữa không nhỉ? Có những cảnh sát biển anh dũng thì VN mới được vẹn toàn như ngày hôm nay.

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn tác giả đã cung cấp thông tin bổ ích về sự hy sinh, vất vả của Cảnh sát biển Việt Nam; các anh là những tấm gương tuyệt vời cho lớp trẻ noi theo. Mong cá các anh luôn giữ gìn sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thật tự hào con người VIệt Nam!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog