Chia sẻ

Tre Làng

Sai phạm của ông Lê Vinh Danh: Phủ nhận vai trò và đóng góp của tổ chức Công đoàn

Bài của báo Lao Động

Ảnh: Hai trong nhiều quyết định cấp vốn của LĐLĐ TPHCM cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Một trong những vi phạm của ông Lê Vinh Danh trong vai trò lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được chỉ ra là “Cung cấp thông tin để báo chí đăng tải chưa đúng với thực tế, phủ nhận sự đóng góp, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong quá trình thành lập và phát triển của Trường, thoát ly vai trò cơ quan chủ quản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.

Những khoản đầu tư từ khi thành lập

Những ngày đầu thành lập, thậm chí đến chiếc xe ôtô để lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) đi lại cũng là tiền ngân sách cấp.

Như đã thông tin, tiền thân của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (tên tiếng Anh: Ton Duc Thang University - TDTU) là Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, thành lập theo Quyết định số 787-TTg ngày 24.9.1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trường do LĐLĐ TPHCM sáng lập và quản lý thông qua Hội đồng Quản trị nhà trường do Chủ tịch LĐLĐ TP thời đó làm chủ tịch.

Tiếng là trường dân lập nhưng kể từ khi mới đi vào hoạt động, Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng đã được LĐLĐ TPHCM cấp nhiều kinh phí, cũng như tạo điều kiện tối đa để hoạt động.

Thật vậy, theo Quyết định số 22/QĐ-LĐLĐ của LĐLĐ TPHCM, ngày 12.7.1999 Ban Thường vụ LĐLĐ TPHCM đã quyết định “cấp vốn làm kinh phí hoạt động ban đầu cho Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng với số tiền là 500 triệu đồng”.

Quyết định do Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Huy Cận ký yêu cầu Ban giám hiệu Nhà trường phải có nhiệm vụ quản lý vốn chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả theo đúng điều lệ tổ chức và hoạt động của trường. Ngoài ra cũng trong khoảng thời gian trên, theo Quyết định số 17/QĐ-LĐLĐ, Ban Thường vụ LĐLĐ TPHCM còn cấp tài sản cho Nhà trường là một xe ôtô Toyota Camry BKS 51A-2428 màu trắng trị giá 90 triệu đồng. Ban Thường vụ LĐLĐ TPHCM cho phép trường trực tiếp quản lý và sử dụng từ ngày 15.7.1999.

Đặc biệt đến ngày 1.11.1999, một trong những bước ngoặt lớn của Nhà trường là được LĐLĐ TPHCM cấp tới 6,65 tỉ đồng để tăng nguồn tài sản cố định xây dựng cơ sở vật chất. Cụ thể theo Quyết định số 36/QĐ-LĐLĐ, số vốn trên sẽ được dùng để trường tiến hành mua lại nhà xưởng của Cty Dệt may Gia Định tại số 98 Ngô Tất Tố (P.19, Q.Bình Thạnh).

Sau đó lần lượt các năm 2000, 2002 và 2003, thông qua các Quyết định số 34/QĐ-LĐLĐ, số 10/QĐ-LĐLĐ và số 07/QĐ-LĐLĐ, LĐLĐ TPHCM tiếp tục “rót” cho trường thêm hơn 1 tỉ đồng nữa để đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm và thư viện.

Chưa kể sau đó, theo các Hợp đồng vay vốn số 02/HĐKT ngày 1.3.2002, số 05/HĐKT ngày 30.7.2002 và số 209/HĐ-LĐLĐ ngày 25.9.2008, LĐLĐ TPHCM còn cho nhà trường vay hơn 33,2 tỉ đồng để xây dựng cơ sở vật chất.

Từ số vốn cùng những chính sách hỗ trợ ban đầu của Công đoàn, Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng ngày càng lớn mạnh và phát triển. Nhưng để phù hợp với điều kiện thực tế và tăng cường cơ chế để nhà trường phát triển, LĐLĐ TPHCM đã đề xuất và làm hồ sơ xin Chính phủ chuyển đổi trường Tôn Đức Thắng từ mô hình trường dân lập sang bán công.

Trước thực tế đó, ngày 28.1.2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển Trường ĐH Công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng sang loại hình trường bán công và đổi tên thành Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc UBND TPHCM. Trong giai đoạn này, UBND TPHCM vẫn giao tổ chức Công đoàn quản lý trường.

Nhờ vậy, Trường ĐH Bán công Tôn Đức Thắng được giao 90.725m2 đất tại phường Tân Phong (quận 7). Số tiền đền bù cho dân để nhận đất trên vào khoảng 50.000.000.000 đồng, do ngân sách của UBND TPHCM chi trả.

Đến ngày 11.6.2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 747/TTg-QĐ đổi tên trường ĐH bán công Tôn Đức Thắng thành Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) và chuyển sang mô hình trường công lập, trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Trên cơ sở đề xuất của Tổng LĐLĐVN, trường đã được Chính phủ tạo điều kiện áp dụng cơ chế tài chính đặc thù, được các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương tạo điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất…

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho TDTU hoạt động hiệu quả, tổ chức Công đoàn nhiều lần cho trường vay không tính lãi. Tính từ ngày 10.2.2009 đến ngày 15.9.2015, Tổng LĐLĐVN đã không ít lần cho TDTU vay đầu tư cơ sở vật chất, thời điểm số tiền vay nhiều nhất lên tới 150 tỉ đồng.

Ngoài những khoản hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, TDTU còn được cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước và TP. Trong đó, vốn trái phiếu của Chính phủ phân bổ cho dự án ký túc xá sinh viên của trường theo quyết định đầu tư điều chỉnh là 62,064 tỉ đồng.

Thế nhưng, cá nhân ông Lê Vinh Danh và trường liên tục có văn bản khẳng định trong suốt quá trình hoạt động, trường tự chủ tài chính, tự trang trải toàn bộ các khoản chi, hoàn toàn không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và tổ chức Công đoàn là không đúng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng LĐLĐVN và UBND các tỉnh dành cho trường điều này thể hiện nhận thức chưa đúng, không đảm bảo quan điểm lịch sử, toàn diện, tạo dư luận bức xúc trong cán bộ, đoàn viên công đoàn.

Thực hiện không đúng kết luận của Thường trực đoàn Chủ tịch

Một trong những ví dụ trong việc phủ nhận vài trò, đóng góp của tổ chức Công đoàn đó là việc ban hành quyết định 555 ngày 23.4.2015 do ông Lê Vinh Danh ký về ban hành quy chế và tổ chức và hoạt động của trường Tôn Đức Thắng. Trong đó xem nhẹ thẩm quyền của Tổng LĐLĐVN trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh đạo trường Tôn Đức Thắng.

Sau đó, ngày 26.5.2015, Tổng LĐLĐVN đã có văn bản nêu: “Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng đã ban hành quy chế và tổ chức và hoạt động của trường không đúng theo kết luận của thường trực Đoàn Chủ tịch ngày 18.4.2015. Công văn này khẳng định, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thuộc thẩm quyền Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, vấn đề này được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục Đại học, Điều lệ trường Đại học và đề án của Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã được Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29.1.2015.

Sau những công văn quyết liệt của Tổng LĐLĐVN, Trường Tôn Đức Thắng phải thu hồi và chấm dứt hiệu lực quyết định số 555 và ở quyết định mới (quyết định 855 ngày 1.7.2015) về quy chế và tổ chức, hoạt động của Trường Tôn Đức Thắng, ban lãnh đạo và ông Lê Vinh Danh đã bổ sung các quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng trường. Trong đó khẳng định Hội đồng trường quản lý trường với tư cách là cơ quan chủ quản của trường theo Uỷ quyền của Tổng LĐLĐVN.

Chưa hết, sau đó ông Lê Vinh Danh và lãnh đạo Trường Tôn Đức Thắng đã gửi lên cơ quan có thẩm quyền kiến nghị bỏ cơ chế chủ quản đối với TDTU.

Đó chỉ là một minh chứng cho sai phạm đã được chỉ ra đối với ông Lê Vinh Danh và lãnh đạo Trường Tôn Đức Thắng đã phủ nhận sự đóng góp, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn trong quá trình thành lập và phát triển của trường, thoát ly vai trò cơ quan chủ quản của Tổng LĐLĐVN.

NHÓM PV

2 nhận xét:

  1. Tiền thì nhận của Nhà nước và công đoàn, quyền thì muốn tự mình làm chủ để tác oai tác quái, vậy ông muốn thoát ly, ly khai khỏi sự quản lý của pháp luật chăng?; Vậy cho ông nghỉ thì đúng quá rồi còn gì, có tài ông bỏ tiền ra mà mua đất, bỏ tiền ra mà lập trường mới xem sao?.

    Trả lờiXóa
  2. Việc ông ta nghỉ thì quá đúng rồi còn gì nữa, nếu muốn thoát ly thì thủ bỏ tiền túi ra mà lập trường, ông có đủ năng lực không vậy hả, đã nhận tiền của nhà nước và công đoàn mà làm việc chả ra sao cả, quá nhiều sai sót

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog