Lâm Trực@
Giữa lòng thủ đô, nơi tiếng còi xe lẫn vào gió sớm, có một ngôi trường không mấy ồn ào nhưng lại âm thầm chắt chiu từng tia sáng trí tuệ để soi đường cho tương lai pháp quyền nước nhà. Trường Đại học Luật Hà Nội - ngôi trường đã bước qua gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển - đang lặng lẽ chuyển mình trong cuộc cách mạng tri thức mới, với khát vọng trở thành một ngọn hải đăng dẫn lối cho khoa học pháp lý Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Không rực rỡ như ánh hào quang của những tên tuổi lâu đời, ngôi trường này chọn cho mình con đường bền bỉ, cẩn trọng, như người thợ lành nghề đẽo từng khối đá tri thức, lắp ghép thành những cấu trúc pháp luật vững chắc. Trong dòng chảy đầy biến động của đất nước, Đại học Luật Hà Nội không chỉ là nơi đào tạo những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật học, mà còn là trung tâm nuôi dưỡng tư duy cải cách, nơi khởi nguồn của những phản biện mang tính chính sách và những ý tưởng định hình tương lai thể chế.
Với chiến lược trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu đến năm 2030, Đại học Luật Hà Nội không chỉ “dạy” mà còn “dẫn”. Họ dẫn dắt bằng hàng trăm công trình nghiên cứu - gần 300 bài báo chuyên ngành, hơn 70 công trình quốc tế, hàng chục đề tài cấp bộ, cấp tỉnh. Họ dẫn dắt bằng những hội thảo không sáo mòn, không hình thức - nơi mà “trí tuệ nhân tạo”, “tinh gọn bộ máy”, hay “sửa đổi Hiến pháp” không còn là khẩu hiệu mà là đề tài thảo luận học thuật nghiêm túc, đầy máu lửa.
Đặc biệt, Diễn đàn “Luật học và Phát triển” - chuỗi sự kiện khoa học thường niên do Trường khởi xướng - đã dần trở thành một “pháp đàn” đúng nghĩa. Không phải nơi “lên lớp” mà là nơi tranh biện, phản tỉnh và kiến tạo. Chủ đề năm nay, “Cải cách thể chế để thúc đẩy hiệu quả, công bằng và phát triển bền vững”, vang lên như một lời tuyên ngôn học thuật giữa thời điểm đất nước đang đứng trước ngã ba cải cách: hoặc lặng im trong chiếc áo thể chế cũ, hoặc vươn mình qua làn ranh của đổi mới và hội nhập.
Nhưng cái hay của Trường Luật không nằm ở con số, ở khẩu hiệu. Cái hay - hay hơn cả - là ở cách họ tạo dựng thế hệ kế thừa. Những sinh viên trẻ tuổi với ánh mắt rực sáng, những bài nghiên cứu còn thơm mùi giấy in, những nhóm nghiên cứu liên ngành mang tinh thần quốc tế… tất cả đang cùng nhau vẽ nên một bức tranh đầy triển vọng về một nền khoa học pháp lý năng động, đổi mới và nhân bản.
Nhìn từ bên ngoài, người ta dễ cho rằng Trường Luật chỉ là nơi giảng dạy - nơi in ra những cuốn giáo trình dày cộp. Nhưng ai đã từng bước chân vào những hội thảo, những diễn đàn ở đây, ai từng lắng nghe các nhà khoa học trẻ tranh luận về quyền lực nhà nước, về trách nhiệm công dân, sẽ hiểu: nơi đây là cái nôi của tư tưởng, là phòng thí nghiệm của chính sách, là mái nhà của những nhà kiến tạo luật pháp.
Không dừng lại ở lý tưởng, Trường Đại học Luật Hà Nội đang dần cụ thể hóa chiến lược bằng những bước đi bài bản: từ việc xây dựng thể chế khoa học nội bộ, tăng nguồn lực cho nghiên cứu, đến hợp tác với các viện nghiên cứu trong và ngoài nước, ký MOU với các trung tâm tư vấn chính sách uy tín, mở rộng diễn đàn cho sinh viên và giảng viên trẻ. Mỗi việc nhỏ là một viên gạch, chất chồng nên lâu đài tri thức đang ngày một cao vút.
Trong thời đại mà đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo trở thành đường biên mới của tri thức, Trường Luật không ngần ngại bước vào “trận địa” ấy. Không chỉ để theo kịp, mà để dẫn đầu - một cách thầm lặng, chắc chắn và không phô trương.
Tất nhiên, không có hành trình nào là hoàn hảo tuyệt đối. Trên con đường dài ấy, cũng đã từng xuất hiện những “hạt sạn” - những khiếm khuyết nhỏ trong quản trị, trong vận hành, trong cá biệt từng con người. Nhưng những điểm cá biệt ấy không thể che mờ được nỗ lực toàn diện và chính đáng của một cộng đồng học thuật đang ngày ngày vun đắp cho sứ mệnh lớn lao. Bởi xét một cách công bằng, những công trình nghiên cứu thiết thực, những đổi mới về tư duy, và sự trưởng thành của thế hệ luật gia trẻ tuổi mới chính là điểm sáng lớn nhất, là lời khẳng định xứng đáng nhất cho một hành trình đầy gian truân nhưng không kém phần vinh quang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét