Lâm Trực@
Hà Nội. Một đêm tháng Bảy. Gió nóng, mùi bia hơi trộn mùi mỡ rán, mùi xe cộ lẫn vào nhau. Cảnh sát giao thông bước vào quán nhậu. Họ dán một tờ giấy lên tường. Tờ giấy ghi mấy dòng chữ. Ai uống rượu bia thì đừng lái xe.
Người ngẩng đầu nhìn, rồi lại cúi xuống ly bia. Có kẻ thì thầm "Làm quá!". Có người bĩu môi "Không phải việc của họ!". Nhưng rồi cũng chẳng ai xé tờ giấy, cũng chẳng ai bước ra ngăn lại. Chỉ có ánh mắt nhìn theo, hơi ươn ướt men và khinh bạc.
Những người mặc sắc phục không nói nhiều. Họ đi qua từng quán, từng ngõ. Lặng lẽ như thể chính họ cũng biết việc mình làm sẽ không được ưa chuộng. Nhưng họ vẫn làm. Đó là mệnh lệnh. Là công việc. Là thứ còn sót lại của một trách nhiệm tử tế.
Tại phường Thanh Xuân, nơi người ta nhậu nhiều, cười to, la hét thoải mái như chưa từng thấy tai nạn, đội Cảnh sát giao thông số 7 và Công an phường đi cùng nhau. Họ không bắt người. Không tra hỏi. Họ chỉ dán tờ cảnh báo. Rồi họ đứng lại. Một lúc. Quan sát. Lặng im.
Có một ông chủ quán tên Dương. Ông bảo: “Tôi ủng hộ. Khách uống rồi thì để xe lại, tôi gọi taxi hộ. Làm thế để lỡ có chuyện gì cũng không áy náy.”
Áy náy - hai chữ ấy giờ không phổ biến nữa. Người ta quen sống mà không mắc cỡ. Quen làm điều nguy hiểm mà không thấy ngượng. Quen cãi lý, rồi nói về quyền tự do.
Tối ấy, tại ngã tư Nguyễn Tuân, có mấy người bị kiểm tra nồng độ cồn. Họ vi phạm. Có người bảo: "Tôi vẫn tỉnh!". Nhưng cồn trong máu không đùa được. Tỉnh là khái niệm trơn trượt. Và tai nạn không chờ người ta ngủ gục mới tông vào cột điện. Nó xảy ra khi người ta tưởng mình đang kiểm soát được mọi thứ.
Đội trưởng đội CSGT nói: “Phải làm nghiêm. Tai nạn vẫn nhiều.” Giọng ông không to. Mắt ông mỏi. Có lẽ ông đã chứng kiến nhiều xác xe bẹp dúm và xác người không còn nguyên vẹn. Những cái chết không đẹp. Những cái chết lẽ ra có thể tránh được, nếu có ai đó từ chối chén rượu.
Họ đi làm, không vì tiền. Cũng không vì tiếng khen. Cảnh sát giao thông ở Hà Nội giờ này không giàu lên vì phạt người say rượu. Cũng chẳng ai tặng hoa họ ngoài mấy lời phàn nàn trên mạng. Nhưng họ vẫn làm.
Có một thiếu tá ở công an phường nói: “Mình sát dân, gần dân, nên mình nhắc dân.” Lời nói bình thường. Nhưng trong cái xô lệch của đời sống đô thị, sự gần gũi ấy là điều xa xỉ.
Người ta dễ thương người xa. Nhưng lại ghét người gần nhắc nhở. Vì họ nhắc đúng. Mà đúng thì khó nghe.
Tờ cảnh báo trên tường sẽ úa vàng theo tháng. Có thể bị gió quạt thổi rách. Có thể bị người ta phớt lờ. Nhưng có thể, cũng chính tờ giấy ấy sẽ khiến một ai đó ngần ngại không lên xe. Và thế là đủ.
Thành phố đêm ấy không im ắng. Nhưng trong tiếng xe, tiếng chạm ly, tiếng gió lùa qua quán vắng, có một tiếng lặng. Đó là tiếng của những người giữ đường. Họ không hô hào khẩu hiệu. Không mỉm cười cầu thị. Họ chỉ làm việc. Như những chiếc bóng biết tự trọng.
Và ở cái thành phố đôi khi tưởng như vô cảm này, cái bóng ấy đáng được tôn trọng hơn những ngọn đèn.
Kiên quyết xử lý những người sử dụng rượu bia khi lái xe là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết và mang lại hiệu quả tích cực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng và sức khỏe cộng đồng. Để duy trì và phát huy hơn nữa hiệu quả này, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, tăng cường tuyên truyền, giáo dục và có sự đồng lòng, ủng hộ từ toàn xã hội.
Trả lờiXóaCần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu bia khi lái xe, cũng như các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, cần lên án mạnh mẽ những luận điệu xuyên tạc, chống đối chính sách này vì mặc dù đã có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm túc, cố tình vi phạm hoặc tìm cách đối phó.
Trả lờiXóaViệc xử lý những người uống rượu bia còn lái xe là hết sức cần thiết, bên cạnh đó chúng ta vẫn nên tiếp tục tuyên truyền, giáo dục từ các bậc học để học sinh cũng nhận thức được để từ đó có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Từ đó hạn chế các vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra gây ra các hậu quả đang tiếc
Trả lờiXóaTrong năm 2024‑2025, số lượng vi phạm nồng độ cồn vẫn chiếm gần 20 % tổng vi phạm giao thông, với hơn 500.000 trường hợp bị xử lý trong 6 tháng đầu năm 2024. Mặc dù luật đã nghiêm khắc, nhưng những vụ tai nạn gần đây – như nữ tài xế ở Thủ Đức uống rượu quá mức (nồng độ cồn > 0.4 mg/lít khí thở) dẫn đến mất lái, đâm hỏng hàng loạt xe, khiến một nữ sinh tử vong – cho thấy những biện pháp hiện tại vẫn chưa đủ sức răn đe. Cần mạnh tay hơn về mức phạt, tịch thu phương tiện tức thời và thậm chí xử lý hình sự với các trường hợp tái phạm nghiêm trọng. Việc này không chỉ bảo vệ người dân mà còn tạo môi trường giao thông an toàn cho tất cả.
Trả lờiXóaViệc siết chặt xử lý uống rượu bia khi lái xe là cực kỳ cần thiết — không chỉ để bảo vệ mạng sống con người, mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng. Nếu không có các biện pháp mạnh mẽ hơn, tai nạn do mất lái khi say vẫn tiếp diễn, khiến hậu quả không thể bù đắp được.
Trả lờiXóa"Đã uống rượu bia thì không lái xe" đã được truyền tải rộng rãi và hầu hết mọi người đều biết đến. Tuy nhiên, đôi khi vẫn còn tình trạng chủ quan, tặc lưỡi 'chỉ một chút thôi thì không sao'. Điều này cho thấy việc tuyên truyền cần đi kèm với việc thay đổi thói quen xã hội, khuyến khích các giải pháp thay thế như sử dụng taxi, xe ôm công nghệ, hoặc có người nhà đưa đón
Trả lờiXóaNhiều người dân đã chủ động thay đổi thói quen, sau khi uống rượu bia đã gọi taxi, xe công nghệ hoặc nhờ người thân đưa về thay vì tự điều khiển xe. Điều này cho thấy ý thức cộng đồng đang dần được nâng cao, góp phần giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
XóaĐể duy trì và phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng. Đặc biệt, việc giáo dục từ sớm cho thế hệ trẻ về tác hại của việc lái xe khi say xỉn là vô cùng cần thiết, hình thành ý thức và trách nhiệm ngay từ khi còn nhỏ để xây dựng một xã hội an toàn hơn
Trả lờiXóaViệc không lái xe sau khi uống rượu bia không chỉ bảo vệ tính mạng và sức khỏe của chính người lái mà còn của những người xung quanh. Dạo gần đây xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, một vụ tai nạn do rượu bia có thể cướp đi sinh mạng, để lại thương tật vĩnh viễn, hoặc gây ra gánh nặng tài chính, tinh thần lớn cho gia đình nạn nhân và người gây tai nạn
Trả lờiXóa