Chia sẻ

Tre Làng

LOẠI BỎ NHỮNG "CON SÂU" TRONG NGÀNH CÔNG AN

Khoai@

Khi được hỏi, điều gì làm suy giảm lòng tin của người dân đối với chính quyền, tôi chắc chắn rằng, câu trả lời sẽ liệt kê ra nhiều điều, nhưng quan trọng nhất, nổi bật nhất là: tham nhũng và hối lộ. 

Khi được hỏi, điều gì làm người dân không mấy thiện cảm với cảnh sát điều tra (CSĐT) và cảnh sát giao thông (CSGT), tôi dám chắc câu trả lời cũng sẽ liệt kê nhiều điều, nhưng quan trọng hơn hết sẽ là: hối lộ.


Dù muốn hay không, đối diện hay lảng tránh, chúng ta đều hiểu rằng, chuyện CSĐT và CSGT nhận hối lộ là có thật, và ngành công an cũng đã và đang quyết liệt xử lý vấn nạn này.


Đầu năm nay, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an tỉnh Gia Lai ) đã bắt quả tang 2 đối tượng là thiếu úy Trần Thanh Tùng, thuộc đội công tác Nam Sa Thầy, Công an tỉnh Kon Tum và kiểm lâm viên Tô Sỹ Phán thuộc Trạm kiểm soát liên ngành Sê San 4 đóng tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum nhận hối lộ. 


Cách đây không lâu, hôm 11/3/2015, TAND tỉnh Ninh Bình xét xử sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Viết Hòa (39 tuổi, nguyên đại úy công an, công tác tại Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Thái Nguyên) 22 năm tù về tội "lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "vu khống". TAND tỉnh Ninh Bình cũng tuyên phạt các đồng phạm của Hòa là Nguyễn Đức Chinh (29 tuổi, nguyên là cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Thái Nguyên) 21 tháng tù với các tội danh “che giấu tội phạm” và “vu khống”.


Ngày 22/4/2015, tại thị xã Gia Nghĩa, Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã đưa ra xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo Nguyễn Quang Trường (34 tuổi) và Hà Văn Tuấn (25 tuổi), cả hai nguyên là cán bộ công an thuộc Trại tạm giam công an tỉnh Đác Nông cùng về tội “nhận hối lộ”. Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và hành vi phạm tội của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Quang Trường 10 năm tù giam và Hà Văn Tuấn 12 năm tù giam cùng về tội nhận hối lộ. 


Hôm nay, trên các báo đồng loạt đưa tin, khởi tố vụ án nhận hối lộ trong vụ án đánh bạc tại Công an huyện Cư Kuin. Theo đó, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã khởi tố vụ án nhận hối lộ liên quan đến 2 cán bộ Công an huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Dù vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, nhưng tôi tin những "con sâu" trong ngành công an sẽ sớm bị lôi ra ánh sáng.


Những "con sâu" như thế này, tôi tin dù không phổ biến, nhưng không phải là hiếm. Chính bộ phận cán bộ hư hỏng này đã làm giảm sức mạnh chiến đấu của ngành công an, và là nguyên nhân chính gây suy giảm lòng tin của người dân đối với lực lượng này.


Rất hy vọng, sự quyết tâm của ngành công an với sự giúp đỡ của người dân, đặc biệt là các phóng viên báo chí, những cán bộ tham nhũng, nhận hối lộ trong ngành sẽ được minh bạch trước công lý.

21 nhận xét:

  1. Người dân chúng tôi cũng rất hi vọng vào ngành Công an sẽ là chỗ dựa vững chắc, tin tưởng của người dân chứ không phải là nỗi sợ hãi, hay ghét bỏ hay những cái nhìn thiếu thiện cảm khác. Để làm được là một công cuộc lâu dài và cũng phức tạp nhưng để người dân tin yêu hơn thì cần phải làm mạnh mẽ hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Tiêu cực trong xã hội lĩnh vực nào cũng có nhưng trầm trọng nhất là những lĩnh vực quản tài chính,quản tài sản công,quản nhân sự ,quản đầu tư ,quản xây dựng ...chứ công an,y tế , giáo dục có tham nhũng đấy nhưng chỉ là tham nhũng vặt,ảnh hưởng chủ yếu về mặt xã hội chứ kinh tế bị ảnh hưởng không nhiều.

    Với CA,làm thế nào để dân chỉ sợ pháp luật chứ không sợ CA chính là nội dung quan trọng về đổi mới của ngành CA .

    Nghề CA là một trong những nghề vinh quang rất được dân kính trọng nhưng nghiệp của CA là dễ dính bẫy bảo kê tiêu cực,đặc biệt trong giai đoạn tập trung nguồn lực kinh tế và pháp luật chưa hoàn chỉnh như ở VN hiện nay.

    Trả lờiXóa
  3. Công an là lực lượng thực thi pháp luật, nên nếu những người làm công an vi phạm pháp luật hay là bằng cách nào đó lách luật, tham ô, tham nhũng thì đó sẽ chính là những việc làm suy giảm lòng tin của nhân dân nhiều nhất

    Trả lờiXóa
  4. Không chỉ có ngành công an nói riêng, tất cả các ban ngành nói chung nếu không loại bỏ những thành phần cặn bã, sâu mọt thì sẽ làm giảm niềm tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan nhà nước đặc biệt là cơ quan hành pháp và thi pháp rất nhiều

    Trả lờiXóa
  5. Nói chung thì ngành nghề nào chẳng có tham nhũng, tiêu cực. Quan trọng là biết điểm dùng thôi, chứ cuộc sống, hay những chế độ cho công an, cảnh sát hay những cán bộ đầu ngành còn chưa đáp ứng được, họ còn phải lo cơm áo gạo tiền thì sao tránh khỏi việc hối lộ chứ.

    Trả lờiXóa
  6. Phải loại bỏ tất cả những con sâu làm rầu nồi canh. Bởi nếu những con sâu đó tồn tại thì dù cả lực lượng có ngày đêm miệt mài phấn đấu xây dựng quê hương đất nước thì trong mắt người dân họ cũng chẳng là gì cả

    Trả lờiXóa
  7. Công an giao thông nhận hối lộ một phần cũng do đặc thù công việc, đi làm vất vả, làm ca, làm ở môi trường khắc nghiệt, lương thưởng chưa tương xứng, mà cũng do một phần dân ta còn chưa biết luật giao thông đường bộ, đi sai, không muốn bị phạt biên bản tốn thời gian, công sức, nên cũng toàn đưa hối lộ cho CSGT để "linh động" cho nhanh cho tiện đấy chứ.

    Trả lờiXóa
  8. Tham nhungx là vấn nạn chung của nhiều quốc gia, đấu tranh chống tham nhũng cũng là việc không hề đơn giản. Vấn đề đấu tranh chống tham nhũng phải làm thật quyết liệt, có như vậy mới đem lại sự công bằng, văn mình cho xã hội

    Trả lờiXóa
  9. Tham nhũng là con sâu tồn tại trong tất cả các thể chế chính trị, rất mong với quyết tâm đấu tranh cao của ngành Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát và cả người dân nữa, những hành vi này sẽ sớm bị đẩy lùi và hạn chế tối đa.

    Trả lờiXóa
  10. Tham nhũng như ruồi rồi,muốn tiêu diệt nó mà chỉ dùng thuốc diệt ruồi muỗi để phun thì diệt được một nó sinh nở mười con ruồi khác là hết thuốc luôn.

    Sinh đẻ nhanh và nhiều như ruồi người ta cũng nghĩ ra được phương cách diệt ruồi đơn giản là giải pháp tác động gien khiến ruồi đực vô sinh và vì thế có thể tiêu diệt loài ruồi.

    Tuy nhiên ruồi dù đáng ghét vẫn có vai trò nào đó trong cân bằng sinh thái nên chúng chưa bị tận diệt nhưng khác với loài ruồi đáng gét, tham nhũng thì hoàn toàn nên bị tận diệt bởi tham nhũng chỉ có hại cho xã hội.

    Vậy nên chăng Nhà nước VN áp dụng kinh nghiệm diệt ruồi ,cải cách thể chế để vô sinh hóa tham nhũng ,tăng cường dân chủ trực tiếp để kiểm soát bằng được quyền lực .

    Dân chủ tập trung chỉ áp dụng trong sinh hoạt Đảng phái chính trị ,đoàn thể ,cơ quan dân cử ,những vấn đề xã hội.

    Tuyệt đối không nên áp dụng dân chủ tập trung trong trong cơ quan hành chính nhà nước ,công an,quân đội,DNNN .

    Trong những lĩnh vực quản lý Nhà nước này,dứt khoát chỉ có chế độ thủ trưởng để không ai còn có thể đổ thừa,thoái thác trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ.

    Trả lờiXóa
  11. Nói đi cũng phải nói lại. Chuyện lớn mình không nói, nhưng đơn cử như việc CSGT nhận hối lộ thôi. Giả sử người tham gia giao thông luôn chấp hành đúng luật, không vi phạm thì đến bố CSGT cũng chẳng thể ăn được đồng nào. Nhưng vấn đề là dân mình ý thức kém quá, nhất là ý thức giao thông, đã vi phạm thì chớ, người ta xử phạt cũng chửi, muốn được việc, không mất thời gian thì đút tiền để đi, người ta không nhận cũng chửi, nhận cũng chửi. Đúng là không biết nói gì luôn.

    Trả lờiXóa
  12. Tham nhũng là quốc nạn, là vấn đề từ bao lâu nay vẫn gây nhức nhối trong bất cứ thể chế chính trị, xã hội nào. Ở các nước phát triển, văn minh bậc nhất thế giới, tham nhũng vẫn nghiêm nhiên tồn tại, thế nên đừng lấy tham nhũng để đánh giá hay bôi xấu một chế độ chính trị, xã hội nào. Ở Việt Nam, tham nhũng trong lực lượng Công an là một sự thật hiện hữu, vấn đề là đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, đó không phải là tất cả. Ngoài việc kiên quyết bài trừ, loại bỏ những con sâu ấy, người dân chúng ta cũng cần phải đặt niềm tin nơi lực lượng đang hàng ngày, hàng giờ giữ gìn bình yên cho cuộc sống của chúng ta.

    Trả lờiXóa
  13. Tham nhũng thì phải trừng trị thật nghiêm khắc để làm gương cho những người khác nhìn đấy làm bài học.

    Trả lờiXóa
  14. Rất đồng ý với tác giả, và không chỉ ở trong ngành công an mà trong nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Những con sâu này không nhiều nhưng cũng không phải hiếm, đang ngày ngày đục khoét làm hại cho đất nước. Hy vọng không chỉ ngành công an mà tất cả các ban ngành khác cùng nhân dân vào cuộc để đưa những con sâu này ra ánh sáng, làm trong sạch xã hội.

    Trả lờiXóa
  15. Nếu trong lực lượng công an mà tham nhũng thì cần nghiêm trị để làm gương cho người khác và để không mất niềm tin trong nhân dân.

    Trả lờiXóa
  16. Tham nhũng hiện nay là vấn đề đau đầu với các nước trên thế giới. Vấn nạn tham nhũng sẽ khiến cho đất nước suy yếu nếu như để những con sâu đục khoét sâu hơn vào bộ máy công quyền.

    Trả lờiXóa
  17. "Rất hy vọng, sự quyết tâm của ngành công an với sự giúp đỡ của người dân, đặc biệt là các phóng viên báo chí, những cán bộ tham nhũng, nhận hối lộ trong ngành sẽ được minh bạch trước công lý" Nếu làm trong sạch được bộ máy sẽ lấy lại được sự tin tưởng của nhân dân.

    Trả lờiXóa
  18. Tham nhũng phải thực hiện triệt để được như Trung Quốc thì các quan tham mới sợ và không dám nữa, chứ thực hiện nửa vời thì khó mà hết được nạn tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  19. Tham nhũng luôn tồn tại trong mỗi quốc gia. Nó là một ung nhọt rất khó để cắt bỏ. Để đất nước không còn vấn nạn tham nhũng nữa thì pháp luật cần nghiêm khác hơn nữa đối với tội tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  20. Tham nhũng thì nước nào cũng có. Cái quan trọng là chống tham nhũng thế nào. Vì nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước sẽ làm cho đất nước suy yếu và người dân không tin vào chính quyền nữa, nên phải có biện pháp phòng chống hữu hiệu.

    Trả lờiXóa
  21. Đất nước phát triển thì các tệ nạn tham nhũng cũng ngày càng tăng. Do vậy việc phòng trừ các tệ nạn tham nhũng của các quan chức phải đặt lên trên hết.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog