Chia sẻ

Tre Làng

Hà Nội chưa thể tiếp nhận quản lý cầu Thăng Long do Bộ GTVT chưa sửa chữa xong

Khoai@

Sau khi thành phố Hà Nội được mở rộng vào năm 2008, tuyến đường Bắc Thăng Long - Hà Nội trong đó có cây cầu huyền thoại Thăng Long nằm trọn trong địa phận Hà Nội nên Hà Nội có trách nhiệm quản lý, duy tu. Kể từ đó đến nay, Bộ GTVT nhiều lần muốn bàn giao mặt cầu Thăng Long cho thành phố Hà Nội, nhưng đều bị Hà Nội từ chối, hoặc vừa nhận đã trả lại.

Kể từ khi khánh thành cho đến nay, cầu Thăng Long nằm dưới sự quản lý, duy tu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), từ năm 2009, toàn bộ tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài trong đó có cả mặt cầu tầng 2 (làn đường ô tô) được Bộ GTVT lên phương án bàn giao cho thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hàng chục năm nay mặt cầu Thăng Long luôn trong tình trạng tồi tệ, hỏng hóc nghiêm trọng (dù Bộ GTVT luôn có những dự án sửa chữa lại toàn bộ mặt cầu) nên đại diện UBND thành phố Hà Nội là Sở GTVT chỉ nhận bàn giao đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, còn cầu Thăng Long tạm thời chưa nhận. 

Năm 2011, sau khi mặt cầu Thăng Long tầng 2 được sửa chữa xong với tổng kinh phí 100 tỷ đồng, Bộ GTVT chính thức làm thủ tục bàn giao cho Hà Nội. Nhưng, sau khi nhận mặt cầu Thăng Long về quản lý, tình trạng nứt xẻ rãnh, trượt mặt bê tông nhựa bắt đầu xuất hiện trên diện rộng. Trước tình trạng trên, Hà Nội lại phải trả lại mặt cầu Thăng Long cho Bộ GTVT. Với tổng kinh phí sửa lại lần 2 hơn 700 triệu đồng, cuối năm 2012, Bộ GTVT tiếp tục lên phương án bàn giao lại mặt cầu tầng 2 cho thành phố Hà Nội. 

Tuy nhiên, sau đó vì nhiều lý do kỹ thuật, đại diện thành phố Hà Nội vẫn chưa nhận vì cho rằng, từ khi mặt cầu được sửa chữa tổng thể, đến nay, mặt cầu Thăng Long vẫn liên tục bị hư hỏng. Qua theo dõi của đơn vị được giao nhiệm vụ, Sở GTVT thấy rằng, năm nào cầu Thăng Long cũng phải trải qua nhiều đợt thảm vá, sửa chữa. Kinh phí cho việc này hết hàng tỷ đồng, nhưng hư hỏng mặt cầu vẫn không được xử lý triệt để. 

“Nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa được Nhà nước cấp cho Hà Nội hằng năm hiện nay có hạn định và được khống chế, do vậy hằng năm bỏ ra hàng tỷ đồng thì quả là quá lớn”, đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, trên mặt cầu Thăng Long xuất hiện những đoạn hằn lún vệt bánh xe kéo dài, bê tông nhựa trồi lên thành ụ cao từ 3 – 5cm và bị đẩy vào bên thành cầu, trồi cả bản thép bên dưới. Ngoài ra, những vết nứt rách kéo dài đến vài mét sâu từ 5cm đến 10cm dọc theo chiều dài của cầu. Tại thời điểm kiểm tra mới đây, mặt đường bị rạn nứt khoảng 8.736m2; hằn lún < 2,5cm khoảng 1.290m2; hằn lún từ 2,5-7cm khoảng 576m2; vạch sơn mòn, sơn tim đường bị mặt đường trồi lún gây biến dạng; 4/8 khe co dãn cầu bị hư hỏng và đậy tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông. Mặt đường bê tông nhựa trên 5 dàn thép của cầu chính Thăng Long được rải trực tiếp trên mặt thép, chịu sự rung lắc của cầu khi khai thác, đòi hỏi có công nghệ đặc biệt. Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2009, Bộ GTVT đã sửa chữa lại mặt cầu Thăng Long bằng nhiều công nghệ như phun sơn chống gỉ trên bề mặt lớp bản thép; thi công lớp chống thấm; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 4cm; tưới nhựa dính bám 0,5kg/m2; lớp bê tông nhựa polymer SMA dày 3cm. Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, công nghệ này chưa thực sự hiệu quả, cần nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cho phù hợp với điều kiện khai thác hiện nay.

Sở GTVT đề nghị UBND TP có văn bản gửi Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị của Bộ nghiên cứu và tổ chức sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu tầng hai trên 5 liên dàn thép của cầu chính trước khi bàn giao cho TP quản lý. Trong thời gian chưa bàn giao, đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ I (thuộc Tổng Cục đường bộ Việt Nam) và các đơn vị liên quan tiếp tục công tác duy tu, duy trì mặt cầu đảm bảo an toàn giao thông.

1 nhận xét:

  1. Nặc danh19:41 13/8/18

    Cần nhanh chóng sửa chữa cầu THăng LOng để không gây bất tiện cho người tham gia giao thông, đảm bảo mọi người đi lại được thuận lợi.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog