Chia sẻ

Tre Làng

Điểm tin lề trái số 13 (26/08/2018): Truyền thuyết về Hội nghị Thành Đô


Chào các bạn. Đây là chương trình Điểm tin Lề trái số 13, phát sóng vào ngày Chủ nhật, 26 tháng 8 năm 2018. Như thông lệ, chúng tôi sẽ điểm lại những sóng truyền thông lề trái hot nhất trong tuần này. Với mỗi sóng, chúng tôi sẽ chỉ ra những sự thật thú vị mà các bạn chưa chú ý.

Sóng truyền thông số 1: Giả vờ chống Trung Quốc để chống Cộng

Trong tuần qua, các hoạt động tuyên truyền để tạo và lợi dụng sóng dư luận bài Trung cực đoan chủ yếu xoay quanh 3 vấn đề, là Hội nghị Thành Đô năm 1990, sự kiện Gạc Ma năm 1988, và quả địa cầu in lỗi của một công ty Ukraine, trên đó một phần lãnh thổ Việt Nam bị khuyết.

Cụ thể, ngày 03/09/1990, tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc, một hội nghị thượng đỉnh Việt – Trung đã được tổ chức để bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước và 2 Đảng Cộng sản. Theo hồi ký của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ, thì kết quả của hội nghị được ghi lại trong một “Biên bản tóm tắt” gồm 8 điểm, trong đó có 7 điểm xoay quanh vấn đề Campuchia, 1 điểm còn lại chủ yếu nhắc lại lập trường cũ Trung Quốc gắn việc giải quyết vấn đề Campuchia với bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cho đến nay, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều chưa công bố nội dung của “Biên bản tóm tắt” này.

Nhân cơ hội đó, ngày 30/11/2010, blog Kami tung tin đồn rằng theo một bức điện mật của cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ mà tổ chức Wikileaks vừa công bố, thì “Biên bản tóm tắt” sau Hội nghị Thành Đô chứa đoạn sau [2]:

“…Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc…”

Vài ngày sau, chủ blog Kami thừa nhận trên Facebook rằng ông đã tung tin giả, và tổ chức Wikileaks không hề đưa ra “bức điện mật” có nội dung đó [2].

Tuy nhiên, đầu tháng 05/2014, đúng lúc Trung Quốc vừa đưa dàn khoan dầu HD-981 vào vùng biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, một số website tiếng Việt đã đăng lại nguyên văn bản tin giả của Kami, đồng thời nói rằng đó là tin của Hoàn cầu Thời báo và Tân Hoa Xã. Tin tức giả này đã tạo ra một loạt các phản ứng hỗn loạn trong dư luận chính trị Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 20/07/2014, Thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên phó tư lệnh- tham mưu trưởng Quân khu 2 và tư lệnh mặt trận 1979-1984 (Hà Giang), đã gửi kiến nghị đề nghị các lãnh đạo Đảng công khai kết quả của Hội nghị Thành đô. Ngày 28/07/2014, ông Mật cùng 60 Đảng viên lão thành khác viết một thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó họ đòi Đảng từ bỏ đường lối xây dựng Chủ nghĩa Xã hội để “chuyển sang đường lối dân tộc và dân chủ”; đồng thời có các động thái “thoát Trung” như công khai kết quả của Hội nghị Thành Đô, sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, sẵn sàng liên minh với các quốc gia khác để chống Trung Quốc… Ngày 02/09/2014, 20 cựu sĩ quan cao cấp trong quân đội, bao gồm ông Mật, tiếp tục gửi một kiến nghị lên Chủ tịch nước và Thủ tướng để đòi công khai kết quả của Hội nghị Thành Đô.

Đáp lại, đầu tháng 10/2014, Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát hành một tài liệu tuyên truyền nội bộ, phân phát đến các Đảng viên, cán bộ trong các cơ sở Đảng, để bác bỏ tin đồn về kết quả Hội nghị Thành đô. Văn bản có đoạn: “Trong hội đàm, trao đổi không hề có vấn đề phía Trung Quốc gây sức ép với ta về nhân sự, không hề có cái gọi là sự thỏa thuận rằng: “Việt Nam sẽ thành khu tự trị thuộc Trung Quốc, giống như Nội Mông, Tân Cương và Quảng Tây vào năm 2020…” Đây là một luận điệu bịa đặt với ý đồ kích động, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và trong các tầng lớp nhân dân” [1].

Dù vậy, ngày 19/08/2018 vừa qua, cựu Đại tá Công an Nguyễn Đăng Quang, một trong những người ký tên dưới bức thư ngỏ ngày 28/07/2014, vẫn tiếp tục viết một bức thư ngỏ về vấn đề này [3]. Trong thư, ông Quang tuyên truyền rằng nếu Đảng “cứ im lặng mãi, không dám lên tiếng” về kết quả Hội nghị Thành Đô, thì “Đảng không xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã ghi trong Điều 4 Hiến pháp”. Thư của ông Quang được đăng trên trang Bauxite Việt Nam vào ngày 21/08 (chậm 3 ngày). Nhìn chung, luận điệu tuyên truyền của ông Quang mâu thuẫn với hồi ký của ông Nguyễn Quang Cơ, với lời thừa nhận tung tin giả của chủ blog Kami, và với thực tế rằng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng đã có văn bản chính thức về vụ việc. Đây là một trường hợp điển hình, trong đó người ta muốn tin vào những lời nói dối hoặc sự nhầm lẫn thuận tai mình, thay vì muốn đi tìm sự thật.

Trong tuần qua, dư luận về cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” tiếp tục xoay quanh cuộc tranh cãi giữa nhóm Nguyễn Văn Phước – Lê Mã Lương (tức nhóm chủ biên) và nhóm Nguyễn Thanh Tuấn – Hoàn Kiền (tức nhóm đòi thu hồi và tiêu hủy cuốn sách).

Cụ thể, trong một bài trên Internet vào ngày 13/07/2018, Trung Tướng Nguyễn Thanh Tuấn (cựu Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam) đã đề nghị Đảng và Nhà nước thu hồi, tiêu hủy cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, đồng thời kỷ luật hoặc xử lý những tập thể, cá nhân liên quan đến cuốn sách. Lý do là trong quá trình biên soạn và quảng bá cho cuốn sách, nhóm soạn thảo đã có những sai phạm “nghiêm trọng và có thệ thống”, “nằm trong âm mưu bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ”, theo chiến lược “diễn biến hòa bình” của phương Tây. Những sai phạm này có 3 biểu hiện:

Một, là sau khi làm từ thiện để giúp đỡ gia đình nhân chứng Nguyễn Văn Lanh, nhóm biên soạn sách đã “mớm lời” ông Lanh, khiến ông trả lời phỏng vấn rằng có lệnh “không được nổ súng” trong trận Gạc Ma năm 1988. Lời chứng này đã hỗ trợ cho luận điệu tuyên truyền của ông Lê Mã Lương, tức chủ biên sách, rằng “chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng” đã ra lệnh “không nổ súng” trong trận Gạc Ma.

Hai, là cuốn sách do ông Lê Mã Lương chủ biên không thuộc thể loại “hồi ký” như ông và Hội đồng Thẩm định tuyên bố. Bởi một mặt, cuốn sách không ghi lại ký ức của 1 người, mà tập hợp nhiều dạng tài liệu khác nhau; mặt khác, ông Lê Mã Lương chưa từng phục vụ trong quân chủng Hải quân, cũng không chứng kiến sự kiện Gạc Ma năm 1988.

Ba, qua việc đặt tên Chương 4 trong cuốn sách là “Sự thật không thể lãng quên”, nhóm chủ biên ám chỉ rằng họ là những người đầu tiên nói ra sự thật, trong khi từ trước đến nay Đảng và Nhà nước đã nói sai sự thật về sự kiện Gạc Ma.

Trong bài, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn cũng khẳng định rằng khi còn đương chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Tuấn đã yêu cầu NXB quân đội buộc nhóm tác giả phải sửa lại các nội dung sai sự thật trong cuốn sách. Tuy nhiên, nhóm tác giả không những không tuân thủ, mà còn bảo vệ những nội dung đó trên truyền thông.

Ngày 16/08/2018, tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 511 đã đăng lại bài viết vừa nêu của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn.

Sau 1 tuần im lặng, ngày 23/08/2018, ông Nguyễn Văn Phước (Giám đốc công ty Trí Việt) đã ra một tuyên bố chính thức, rằng Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và tuần báo Văn Nghệ TP.HCM đang “vu khống” nhóm soạn sách của ông, trên 6 điểm [7]. Thứ nhất, cuốn sách không khẳng định rằng “chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng” đã ra lệnh “không nổ súng” trong trận Gạc Ma; chi tiết này hoàn toàn do ông Tuấn quy kết. Thứ hai, nhóm soạn sách đã “ghi trung thực” lời kể của nhân chứng Nguyễn Văn Lanh, và có clip chứng minh cho điều đó. Thứ ba, nhóm soạn sách “không đặt nặng thể loại”, “không áp đặt khuôn mẫu cho tác phẩm”, và nhiều cuốn sách nổi tiếng trên thế giới cũng có dạng tổng hợp tài liệu như cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Thứ tư, vì ông Lê Mã Lương chỉ giúp lên khung nội dung cho cuốn sách, và giúp nhóm soạn sách liên hệ để xin tài liệu, xin giấy phép xuất bản, chứ không tham gia viết bài, việc ông không chứng kiện trận Gạc Ma không ảnh hưởng đến tính chân thực của cuốn sách. Thứ năm, khi đặt tên Chương 4, nhóm soạn sách không có ý ám chỉ rằng họ là những người đầu tiên tuyên bố về trận Gạc Ma. Thứ sáu, sau khi nộp bản thảo lên NXB Quân đội Nhân dân, nhóm soạn sách chưa hề nhận được một phản hồi nào từ họ.

Cuối bản tuyên bố, Nguyễn Văn Phước nói ông sẽ kiện Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn và tuần báo Văn Nghệ TP.HCM, nếu họ không ra văn bản chính thức và bài cải chính để xin lỗi nhóm soạn sách.

Ngoài việc hướng sự chú ý của người đọc vào những sơ hở trong lập luận của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Phước cũng khiến người đọc không để ý đến những lỗi sai của bản thân ông. Chẳng hạn, trong bản tuyên bố, ông Phước gọi 8 lỗi sai trong nội dung sách là “một số sai sót mang tính kỹ thuật, đã được khắc phục ngay bằng cách in bản đính chính, kèm lời xin lỗi bạn đọc”. Ngoài ra, ông Phước cũng bỏ qua sự thật rằng cuốn sách không thuộc thể loại “hồi ký” như tuyên bố của hội đồng biên soạn; sự thật rằng ông được tag vào, và đã Like một số bài viết khẳng định có “lệnh trói tay người lính” để “dâng đất cho Trung Quốc” trong trận Gạc Ma; và sự thật rằng để phục vụ hướng tuyên truyền này, công ty Trí Việt đã “mớm lời” tướng Lê Kế Lâm trong cuộc phỏng vấn ngày 15/08.

Ngoài ra, trong suốt bản tuyên bố, Nguyễn Văn Phước nhiều lần viết rằng nhóm soạn sách chỉ được thúc đẩy bởi “lòng yêu nước”, “lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ” và “hy vọng góp phần minh định lịch sử”, chứ không có động cơ chính trị như ông Tuấn cáo buộc. Tiếp đó, 21h45′ cùng ngày 23/08, Nguyễn Văn Phước viết một status trên Facebook cá nhân, rằng “TQ cướp đảo, chiếm biển ức hiếp giết ngư dân, mãi chẳng thấy Tướng đâu? Đánh bài, ra sách Gạc Ma, Tướng đâu nhảy ra la to thế?” [8]. Đến trưa 24/08, status này đã bị xóa đi.

Khoảng 21h50’cùng ngày 23/08, cựu binh Phan Trí Đỉnh viết trên Facebook cá nhân rằng nếu trong thời gian tới, nhóm Hoàng Kiền, Nguyễn Thanh Tuấn, Võ Tiến Trung… vẫn tiếp tục “thóa mạ” ông về chuyện cuốn “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, thì ông sẽ kiện họ ra tòa [9]. Đỉnh viết ông “không có đủ tiền thuê luật sư”, nên muốn nhờ “các luật sư quen biết” “làm từ thiện cho vụ kiện”. Đỉnh cũng cho biết luật gia Phạm Đức Bảo đã đồng ý, và giờ ông muốn tìm thêm sự ủng hộ từ nhóm các luật sư “Trần Văn Tạo, Trần Quốc Thuận, Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn, Trần Đình Triển”.

Qua các biểu hiện rời rạc vừa nêu, có thể đặt giả thuyết rằng công ty Trí Việt và các cá nhân liên quan đang chủ động khai thác cuộc xung đột với nhóm Hoàng Kiền – Nguyễn Thanh Tuấn, nhằm phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Khi xung đột leo thang, họ sẽ hướng sự chú ý của dư luận vào các tiểu tiết trong quá trình cãi vã và tranh tụng, thay vì vào sự thật lịch sử; để phân định đúng – sai bằng thái độ của hai bên trên truyền thông và tính hợp pháp của hai bên trước tòa, thay vì bằng chất lượng cuốn sách. Trong trường hợp cơ quan quản lý xuất bản hoặc tòa án ra quyết định có lợi cho họ, họ sẽ nhận phần thắng. Trong trường hợp họ thua kiện, hoặc cuốn sách bị thu hồi và tiêu hủy, họ sẽ dùng các ngọn cờ “pháp quyền”, “bài Trung” và “tri ân các anh hùng liệt sĩ” để khiến cộng đồng có thiện cảm với mình, có ác cảm với Nhà nước.

Vậy trong thực tế, Nhà nước Việt Nam có quyết “dâng đất cho Trung Quốc”, và có che giấu thông tin về cuộc hải chiến Gạc Ma, như công ty Trí Việt và những người bạn đang tuyên truyền hay không? Sau khi đọc các bài viết của nhà báo Thiềm Thừ và trang Google Tiên Lãng vào tháng 03/2015 [4][5], chúng tôi đã tìm được thêm một loạt bằng chứng phủ nhận chuyện đó.

Chẳng hạn, đây là bức thư của huyện Hương Phú, tỉnh Bình Trị Thiên gửi quân dân Trường Sa vào ngày 04/03/1988, trong đó nói rõ rằng Trung Quốc đang xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam:

Đây là tuyên bố đanh thép của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 15/03/1988. Tuyên bố viết rõ rằng nhà cầm quyền Trung Quốc có “dã tâm” “xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam”, “thực hiện mưu đồ bành trướng trên biển Đông”; và tàu của Việt Nam đã “buộc phải nổ súng để tự vệ”:




Đây là các bài viết về sự kiện ngày 14/03/1988, được đăng trên báo Nhân Dân và tuần tin Thanh Niên ngay trong tháng này:




Còn đây là lễ truy điệu các liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện:


Nguyễn Văn Phước từng viết rằng sau năm 1988, báo chí chính thống chỉ dám nhắc đến sự kiện Gạc Ma “một cách mập mờ, cẩn trọng”, thậm chí không dám nhắc đến tên Trung Quốc, khiến ông không có “thông tin xác thực” về việc Trung Quốc “giết người chiếm đảo ở Trường Sa”. Phải đến năm 2014, ông mới tìm thấy bằng chứng cụ thể qua một bộ phim tài liệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo chúng tôi được biết, thì sự kiện Gạc Ma đã được tường thuật chi tiết trong ít nhất 10 bài báo chính thống vào năm 2013 [6]:




Các bằng chứng vừa nêu cho thấy công ty Trí Việt và những người bạn đang bịa đặt lịch sử, và bịa đặt chính ký ức của mình, để thỏa mãn dục vọng chính trị của bản thân. Những người không trung thực với ký ức của chính mình thì không nên tham gia biên soạn sách sử.

Trong vấn đề cuối cùng, ngày 12/08/2018, ông Trực Chấp, một người Việt sống ở Ba Lan, đã đăng lên trang Facebook cá nhân của mình ảnh chụp một quả địa cầu in lỗi, trên đó bản đồ Việt Nam bị khuyết mất toàn bộ vùng đồng bằng Bắc Bộ [10]. Trong post, Trực Chấp viết đó là quả địa cầu do một công ty Ukraine sản xuất để bán trên thị trường, và lỗi sai vừa nêu xuất phát từ sự “cẩu thả” của công ty đó. Mười ngày sau, khoảng 21h05′ ngày 22/08, nick Facebook Nguyen Hai đã đăng lại bức ảnh của Trực Chấp trên trang Facebook cá nhân của mình, kèm theo lời hô hoán rằng dù “luật Đặc khu chưa thông qua”, Trung Quốc đã bán một quả địa cầu ở Ukraine, trên đó họ “xén Vân Đồn, Móng Cái sát nhập vào Trung Quốc” [11]. Khoảng 07h45′ ngày 23/08, cựu binh Phan Trí Đỉnh đăng lại post của Nguyen Hai [12]. Từ đó, nối tiếp Phan Trí Đỉnh và Nguyen Hai, các tổ chức, cá nhân chống đối đồng loạt bình luận rằng quả địa cầu in lỗi ở Ukraine nằm trong “âm mưu” của Trung Quốc, nhằm xâm lược Việt Nam thông qua các đặc khu kinh tế.

Khoảng 19h ngày 23/08, ông Phan Việt Hùng, một người biết tiếng Ukraine, đã tra cứu thông tin về nguồn gốc của quả địa cầu đó và đăng chúng trên Facebook cá nhân [13]. Theo đó, đây là quả địa cầu do một công ty Ukraine tên Global Plus sản xuất, để bán trên thị trường cho đối tượng học sinh. Vì hình dáng của nhiều quốc gia khác trên quả địa cầu cũng bị thay đổi, ông Hùng nhận xét rằng các lỗi sai đó xuất phát từ sự cẩu thả của đơn vị sản xuất, chứ không phải từ lý do chính trị. Ngoài ra, một số độc giả của Hùng cũng nhận xét rằng vì trên quả địa cầu này, Trung Quốc cũng bị mất một phần lãnh thổ nằm giữa Bhutan và Ấn Độ, đồng thời bản đồ Trung Quốc và Đài Loan được in khác màu nhau, quả địa cầu chắc chắn không được thiết kế bởi Trung Quốc. Khoảng 20h40′ ngày 24/08, Phan Việt Hùng thông báo rằng công ty Global Plus đã gỡ quả địa cầu in lỗi khỏi trang bán hàng online sau khi nhận được phản hồi, vì vậy vụ việc đã có thể dừng lại.

Thông tin nghi vấn, cải chính của Phan Việt Hùng và những người khác tạo ra nhiều phản ứng khác nhau trong cánh dư luận bài Trung. Chẳng hạn, khoảng 07h10′ sáng 24/08, Phan Trí Đỉnh viết rằng vì 50 năm sau, quả địa cầu in lỗi này có thể trở thành bằng chứng để Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với một phần lãnh thổ của Việt Nam, những người cho rằng đây là “chuyện nhỏ”, không đáng ầm ĩ đều là “bọn rắc lông ngỗng” [14]. Trong khi đó, Nguyen Hai, tức người gán yếu tố Trung Quốc cho quả địa cầu in lỗi ở Ukraine, đã đăng lại bài của Phan Việt Hùng lúc 11h20′ ngày 24/08 [15].

Sự thật xảy ra ngay trước mắt như vậy mà Phan Trí Đỉnh còn không chấp nhận, thì không ai dám tin ông và công ty Trí Việt có thể giúp độc giả có cái nhìn chính xác hơn về trận Gạc Ma năm 1988.

Sóng truyền thông số 2: Phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế

Trong tuần qua, dư luận phi chính thống về dự luật Đặc khu Kinh tế chủ yếu xoay quanh 3 chủ đề, là nguy cơ “mất an ninh – đầu cơ đất” từ các đặc khu kinh tế, quả địa cầu in lỗi ở Ukraine (đã đề cập ở mục trên), và việc Quốc hội tiếp tục lùi thời gian xem xét dự luật.

Cụ thể, ngày 19/08, bút danh Ánh Liên viết trên trang Việt Nam Thời báo rằng dự luật Đặc khu Kinh tế sẽ tạo ra “một tổ hợp mất an ninh – đầu cơ đất” [16]. Về vấn đề “mất an ninh”, Ánh Liên đã dẫn một bài báo đăng ngày 14/08 trên tờ Financial Times, trong đó tổ chức FireEye cáo buộc Trung Quốc đang sử dụng sáng kiến “Một vành đai – một con đường” để hoạt động gián điệp. Các chuyên gia của tổ chức này khẳng định rằng Trung Quốc đang dùng các “trạm chuyển phát dữ liệu” nằm trong tổ hợp dự án thương mại điện tử, Viện Khổng Tử, mạng viễn thông, công ty vận tải, khách sạn, tổ chức thanh toán tài chính và công ty logistics trên “vành đai”, để thu thập dữ liệu của các công ty và các quốc gia, rồi gửi về một trung tâm phân tích tập trung ở Trung Quốc. Về vấn đề “đầu cơ đất”, Ánh Liên viết rằng “có một thông tin được kháo nhau giữa các nhà báo trong nước, là đặc khu sẽ được thông qua vì quan chức nhà nước nhờ người đứng tên những lô đất lớn”. Trong bài, Ánh Liên cũng dựa vào thông tin này để công kích tính hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Qua các diễn biến trên thị trường bất động sản trong năm nay, có thể thấy nỗi lo về nạn “đầu cơ đất” ở các đặc khu kinh tế không phải là không có cơ sở. Nhưng đáng tiếc, dù tự xưng là đã nghe “tin đồn”, Ánh Liên đã không chỉ ra được những quan chức cụ thể đang “đầu cơ” đất ở các đặc khu, và cũng không đưa ra được bằng chứng giúp khẳng định việc đó. Nói cách khác, Ánh Liên đang viện dẫn những tin đồn mà mình chưa nghe rõ, và cũng chưa tìm cách xác minh, để phê phán chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là lối đưa tin không lành mạnh mà mọi người làm truyền thông đều nên tránh.

Chiều 24/08, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Quốc hội sẽ chưa xem xét thông qua dự luật Đặc khu Kinh tế trong kỳ họp tháng 10/2018. Ông Phúc cũng cho biết Quốc hội sẽ “tiếp tục xin ý kiến cử tri tri, nhân dân, các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học nhằm hoàn chỉnh dự án thông qua vào kỳ họp sau”. Hiện nay, trên mạng xã hội Facebook, các cá nhân chống đối đang đồng loạt bình luận về phát biểu của ông Phúc theo 3 hướng khác nhau. Trong hướng đầu tiên, Nguyễn Quang A viết rằng dù Quốc hội đã “biết điều” khi hoãn xem xét dự luật, sẽ tốt hơn nếu họ hủy bỏ hẳn dự luật [17]. Trong hướng thứ hai, nhiều cá nhân chống đối viết rằng động thái mới của Quốc hội là “thành quả” của phong trào phản đối, bao gồm các cuộc biểu tình hồi tháng 6. Trong hướng thứ 3, một số cá nhân tỏ thái độ hoài nghi, khi viết rằng Quốc hội chỉ hoãn xem xét dự luật để đợi phong trào phản đối lắng xuống.

Đúng là Quốc hội đã hoãn thông qua dự luật Đặc khu Kinh tế để có thời gian chỉnh sửa dự luật, dựa trên ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, không nên đánh đồng những chuyên gia đã góp ý hoặc phản bác dự luật trên tinh thần xây dựng, với những người lợi dụng chuyện dự luật để phát động biểu tình, bạo loạn để lật đổ Nhà nước. Các quyết định của Quốc hội đúng là thành quả của giới chuyên gia. Trong khi đó, thành quả của giới chống đối là những cuộc bạo loạn khiến cơ quan, xe cộ bị đốt, Quốc lộ tắc nghẽn trong nhiều giờ, nhiều người bị thương, và nhiều người rơi vào vòng lao lý.

Sóng truyền thông số 3: Biểu tình, biểu tình nữa, biểu tình mãi

Trong tuần qua, dư luận phi chính thống quanh các hoạt động biểu tình chủ yếu xoay quanh 2 chủ đề, là dự định “tổng biểu tình” vào ngày 02/09/2018, và giả thuyết rằng một “phe cánh” trong “nội bộ ngành Công an và chính quyền” đã “điều khiển” cuộc biểu tình ngày 10/06.

Hiện nay, trang Dân Làm Báo đã trở thành website chống đối có quy củ đầu tiên đăng lời kêu gọi “tổng biểu tình”. Cụ thể, ngày 11/08, Dân Làm Báo đã đăng một bài của bút danh Nguyên Thạch, trong đó Thạch kêu gọi “cả nước” tham gia “tổng biểu tình” để lật đổ chế độ vào ngày Quốc khánh 02/09 [19]. Ngày 16/08, Ban Biên tập trang Dân Làm Báo chính thức kêu gọi rằng trong ngày 02/09 sắp tới, các cá nhân chống đối hãy có hành động cụ thể thay vì chỉ nói suông [20]. Bài kêu gọi này chứa lời gợi ý về nhiều hành vi phạm pháp, như treo cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ VNCH, “chặt cầu, chiếm công sở, đài truyền hình, quốc lộ”, ” đốt đồn công an, trụ sở UBND”, chặt đầu quan tham, tấn công vào nhà cửa, vợ con các quan chức cộng sản”… Ngày 19/08, linh mục Phan Văn Lợi đăng lại bài của Dân Làm Báo, đồng thời kêu gọi “các giáo xứ” và “các tổ chức dân sự” hãy “bước từ nhà thờ xuống đường”, để “tổng biểu tình” lật đổ chế độ vào ngày 02/09 [22]. Từ trưa ngày 19/08 đến nay, trang Facebook “Phong trào Dân trị”, một trang chuyên hô hào bạo động [26], đã liên tục kêu gọi cộng đồng tham gia “tổng biểu tình” bằng hình thức bạo động [21], đồng thời đăng một số clip hướng dẫn chế tạo bom xăng [25].

Hiện nay, các cá nhân chống đối trong nước đang có phản ứng khác nhau về lời kêu gọi “tổng biểu tình” này. Trong khi hầu hết thành viên của các nhóm “No-U” vẫn im lặng, Đỗ Thị Thanh Vân tuyên bố sẽ tham gia [22]. Ở hướng ngược lại, một số nick như Bình Thế Nguyễn, Huỳnh Bá Phương đang gọi những người kêu gọi biểu tình bạo động như Trịnh Du [18] là “hèn”, chỉ giỏi “hô hào” chứ không dám làm thật [24].

Cho đến nay, vẫn chưa có tổ chức nào ấn định giờ và địa điểm biểu tình cụ thể cho ngày 02/09/2018.

Qua các biểu hiện trên, có thể thấy nếu cuộc biểu tình ngày 02/09 sắp tới diễn ra như dự định, nó sẽ là một hoạt động phạm pháp, vì dùng phương pháp bạo động và nhằm mục đích lật đổ chính quyền. Luật Nhân quyền quốc tế và Hiến pháp Việt Nam thừa nhận quyền biểu tình ôn hòa, chứ không thừa nhận hành vi bạo loạn. Vì vậy, những đối tượng phát động hoặc tham gia bạo loạn cần được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, để người dân được sống an toàn.

Về chủ đề thứ 2, trong cuộc hội luận bàn tròn ngày 16/08 của BBC tiếng Việt, Phạm Chí Dũng tung tin đồn rằng một “phe cánh” trong “nội bộ ngành Công an và chính quyền” đã “đứng đằng sau giật dây”, khiến cuộc biểu tình ngày 10/06 nổ ra [27]. Dũng đưa ra 4 lý do để chứng minh giả thuyết đó. Thứ nhất, vì “toàn bộ giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền” trong nước đã “không kêu gọi” biểu tình vào ngày 10/06, đồng thời “bị giữ ở nhà” khi cuộc biểu tình nổ ra, Dũng cho rằng một lực lượng khác đã cho người đi biểu tình. Thứ hai, vì một số người biểu tình đã mang băng-rôn, cờ quạt được chuẩn bị nghiêm túc từ trước, và gặp nhau đúng giờ tại điểm hẹn là công viên Hoàng Văn Thụ, Dũng cho rằng người biểu tình có tổ chức. Thứ ba, vì Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng đã “khống chế được 700 đối tượng” biểu tình, nhưng không nói rõ các đối tượng này thuộc tổ chức nào, Dũng cho rằng ông Nhân che giấu thông tin này. Thứ tư, vì “50.000 công nhân của công ty Pouyuen” đã tham gia “biểu tình, đập phá rất dữ dội”, dù họ không có quyền lợi liên quan đến dự luật Đặc khu Kinh tế, mà chỉ là “những người đầu tắt mặt tối lo làm việc kiếm cơm”, Dũng cho rằng có “một thế lực” đứng đằng sau điều khiển họ. Từ đó, Phạm Chí Dũng kết luận rằng “những nhóm quan chức không thích Luật Đặc khu” đã tham gia “đạo diễn” cuộc biểu tình ngày 10/06. Sau đó, Dũng liên hệ chuyện này với việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội hoãn bỏ phiếu thông qua dự luật, để tham khảo thêm ý kiến của các tầng lớp xã hội.

Trong 4 chương trình Điểm tin Lề trái đầu tiên, chúng tôi đã tường thuật chi tiết quá trình hình thành của cuộc biểu tình ngày 10/06/2018. Cụ thể, nhóm Diễn đàn Xã hội Dân sự đã tạo sóng truyền thông bài Trung cực đoan từ ngày 24/05, nhóm Đô thành Sài Gòn đã phát động biểu tình từ ngày 06/06, nhóm Nhật ký Yêu nước hỗ trợ kêu gọi từ ngày 07/06, và nhóm Nhật ký Biểu tình nhảy vào ăn hôi từ ngày 15/06. Các nhóm chống đối vừa nêu đều có thành viên ở trong nước, chứ không chỉ ở hải ngoại. Cái hẹn biểu tình vào lúc 8h sáng 10/06, tại công viên Hoàng Văn Thụ, đã do nhóm Đô thành Sài Gòn đưa ra.

Như vậy, Phạm Chí Dũng đã không theo dõi các diễn biến của cuộc biểu tình ngày 10/06, dẫn đến thiếu thông tin. Do thiếu thông tin, ông Dũng đã bịa ra cả một “thuyết âm mưu” ly kỳ, để giải thích vì sao thiên hạ vẫn có thể biểu tình khi ông và những nhà chống Cộng lão làng khác không phát động. Việc này khiến chúng tôi nhớ đến câu thành ngữ “Vắng mợ chợ vẫn đông”.

Ngoài ra, lần đưa tin sai này cho thấy Phạm Chí Dũng chỉ nắm rất ít thông tin thật, nhưng lại suy diễn, võ đoán rất nhiều, nên dễ rơi vào ảo tưởng. Nó buộc chúng ta phải nghi ngờ tính chính xác của các bài viết cũ của ông Dũng, trong đó bài nào cũng nặng “thuyết âm mưu”.

Thêm nữa, khi Phạm Chí Dũng nói rằng giới công nhân chỉ là “những người đầu tắt mặt tối lo làm việc kiếm cơm”, không có quyền lợi liên quan đến Dự luật Đặc khu Kinh tế, dường như Dũng đang đi ngược với quan điểm chung của giới chống Cộng Việt Nam, rằng chính trị phải có tính “bình dân”, và mọi người dân phải quan tâm đến chính trị.

Trong khi một số tổ chức, cá nhân chống đối đang tích cực hô hào “tổng biểu tình”, bạo động vào ngày 02/09, trang Nhật ký Biểu tình không có bài đăng nào trong suốt tuần qua.

Sóng truyền thông số 4: Lợi dụng việc Lê Đình Lượng bị tuyên án 20 năm tù giam để kích động mâu thuẫn của người Công giáo đối với Nhà nước

Ngày 16/08/2018, tòa sơ thẩm đã tuyên án 20 tù giam vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999, cho một người Công giáo là Lê Đình Lượng. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, thì Lượng đã lôi kéo nhiều người gia nhập tổ chức Việt Tân; đồng thời lợi dụng việc nhà máy thép của tập đoàn Formosa xả thải, gây ô nhiễm môi trường để phát động phong trào biểu tình, bạo động ở ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong năm 2016 và 2017. Các giáo xứ địa phương cũng cung cấp lực lượng chính cho các cuộc biểu tình, bạo động vừa nêu. Vì vậy, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã tận dụng kết quả phiên tòa để kích động mâu thuẫn của người Công giáo đối với Nhà nước.

Cụ thể, ngày 18/08, trang The South China Morning Post đã đăng một bài phỏng vấn có tựa đề “Người Công giáo Việt Nam: trái ý Trung Quốc, và tất cả Cộng sản” của Bennett Murray [28]. Trong bài này, Murray viết rằng dù người Công giáo chỉ chiếm 7% dân số Việt Nam, họ “đóng vai trò lớn” trong các phong trào chính trị đối lập như phong trào biểu tình phản đối nhà máy thép Formosa, phong trào biểu tình phản đối dự luật Đặc khu Kinh tế… Đổi lại, “các nhà thờ bị phá hủy, các linh mục bị bắt và tôn giáo bị bôi nhọ”. Để đưa ra các kết luận này, Murray đã phỏng vấn 4 người Công giáo tham gia phong trào chống đối, là Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Ngọc, và Lê Thị Xoan (con dâu Lê Đình Lượng). Cuối bài, Murray dẫn lời Phil Robertson, người phụ trách khu vực châu Á thuộc tổ chức Human Rights Watch, rằng Nhà nước Việt Nam không thích Giáo hội Công giáo vì Giáo hội “có tổ chức”, “có nguồn lực và khả năng huy động mọi người”.

Ngày 21/08, bút danh Ánh Liên đã lược dịch bài của Murray, và đăng trên trang Việt Nam Thời báo [29]. Cùng ngày, đài BBC tiếng Việt dẫn lại nội dung bài viết của Murray, đồng thời bình luận rằng có thể Nhà nước Việt Nam đang chủ động nhắm vào người Công giáo [30].

Vậy người Công giáo ở Việt Nam có đang ở thế đối đầu với chính quyền, như Bennett Murray và đài BBC tiếng Việt mô tả hay không? Nếu muốn giải đáp câu hỏi này, chúng ta có thể thử một trong ba cách. Một, là phỏng vấn một số vị giáo chức có tư cách phát ngôn thay cho toàn bộ Giáo hội Công giáo Việt Nam, trong một vài nhiệm kỳ khác nhau, thay vì chỉ một nhiệm kỳ. Hai, là khảo sát một lượng lớn các ghi chép của Giáo hội Công giáo Việt Nam về hoạt động những năm gần đây của nhiều giáo phận, giáo xứ. Ba, là khảo sát ý kiến của một lượng lớn người Công giáo thuộc độ tuổi, giới tính, vùng miền, tầng lớp xã hội và quan điểm chính trị khác nhau. Tuy nhiên, Bennett Murray đã không thử 3 cách đó. Thay vào đó, ông chỉ phỏng vấn 4 người Công giáo có chung quan điểm chống chính quyền. Đương nhiên 4 người này sẽ nói rằng ở Việt Nam, Công giáo và Nhà nước đang đối đầu với nhau, dù sự thật không phải như thế.

Nếu tỉnh táo, chúng ta sẽ thấy linh mục Lê Ngọc Thanh không có tư cách phát ngôn thay cho những người Công giáo khác, và thay cho toàn bộ Giáo hội Công giáo Việt Nam. Vì vậy, khi ông Thanh trả lời phỏng vấn rằng ở Việt Nam, Công giáo và Nhà nước đang đối đầu nhau, ông đã vượt quá quyền hạn của ông bên trong Giáo hội.

Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam có đang chủ động “nhắm vào” người Công giáo, như Bennett Murray và đài BBC tiếng Việt mô tả hay không? Không có chuyện đó. Những người Công giáo như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Viết Dũng và Lê Đình Lượng bị kết án vì phạm tội hình sự, chứ không phải vì tôn giáo của họ. Nếu Lê Ngọc Thanh muốn giảm số người Công giáo lâm vào cảnh tù tội, ông nên khuyên họ tuân thủ luật pháp Việt Nam, thay vì nhân danh tôn giáo để công kích Nhà nước.

Sóng truyền thông số 5: Lợi dụng vấn đề ô nhiễm môi trường để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước

Trong hướng tuyên truyền này, phóng viên Mai Quốc Ấn vừa tung tin đồn rằng Bộ Tài nguyên – Môi trường đang “lấy dân ra làm chuột bạch”, khi dùng “chất thải độc hại” từ các nhà máy nhiệt điện than để xây nền “đường nông thôn mới” ở Hà Tĩnh.

Câu truyện mà Mai Quốc Ấn đang khai thác thực ra bắt đầu từ năm 2017. Sau khi xem xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ngày 12/04/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 452/QĐ-TTg: “Phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng”. Theo đề án này, thì nếu đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật; phần tro, xỉ, thạch cao (đã hoặc chưa qua xử lý) của các dạng nhà máy kể trên sẽ được dùng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm diện tích đất để làm bãi chứa, và giảm lượng tài nguyên khoáng sản để sản xuất vật liệu xây dựng. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cho việc xử lý, sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng sẽ do Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng, do Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Giao thông – Vận tải hoàn thiện, bổ sung, do Bộ Khoa học – Công nghệ thẩm định; và sẽ phải được hoàn thành trước ngày 30/06/2018. Sau đó, phần tro, xỉ đạt chuẩn sẽ được coi là “sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng”, và được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về sản phẩm hàng hóa, chứ không còn được coi là chất thải công nghiệp như trước đây.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật mới được ban hành trong năm 2017 và 2018, trong khuôn khổ của đề án vừa nêu, chủ yếu xoay quanh việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp; làm móng đường và đắp nền đường. Chúng bổ sung cho các tiêu chuẩn về việc xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất xi măng, bê tông và vữa xây dựng, đã được ban hành từ năm 2001 đến 2016.

Ngày 15/06/2018, Báo Hà Tĩnh đăng một bài viết về thành tựu của các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện Quyết định số 452/QĐ-TTg. Theo đó, phường Trần Phú và phường Thạch Linh, thuộc thành phố Hà Tĩnh, đã dùng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 để làm nền đường, giúp giảm chi phí xây dựng. Ngoài ra, Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng Trần Châu cũng dùng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 để làm chất phụ gia trong sản phẩm gạch, ngói không nung. Bài cũng cho biết sản phẩm tro bay của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã được Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) xác nhận không phải là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về ngưỡng nguy hại QCVN 07:2009/BTNMT; đồng thời được Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) cấp giấy chứng chất lượng phù hợp với Quy chuẩn Việt Nam QCVN 16:2014/BXD về phụ gia hoạt tính tro bay cho bê tông, gạch không nung, vữa và xi măng xây dựng.

Ngày 23/07, bút danh Tiến Hiệp lấy thông tin từ Báo Hà Tĩnh để viết một bài trên báo điện tử Dân Trí. Ngoài các thông tin và hình ảnh mà báo Hà Tĩnh đã đưa, bài này chỉ có một số chi tiết mới – như phần phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý Đô thị và Kinh tế thị xã Kỳ Anh; và việc tro, xỉ ở nhà máy Vũng Áng 1 đang “mang lại hiệu quả bất ngờ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới”.

Ngày 17/08/2018, bút danh Long Nhi lấy thông tin và hình ảnh từ bài trên báo Dân Trí để viết một bài gần như giống hệt trên trang Infonet.vn. Trong phần mở đề, Long Nhi nhấn mạnh rằng tro, xỉ của nhà máy Vũng Áng I đang được dùng để “làm các tuyến đường nông thôn mới” của Hà Tĩnh, dù cả bài gốc trên Báo Hà Tĩnh lẫn bài trên báo Dân Trí đều không đề cập đến việc này. Có lẽ Long Nhi viết vậy vì hiểu chệch một ý trong bài trên báo Dân Trí.

Hai ngày sau, hôm 19/08, cựu phóng viên Mai Quốc Ấn viết trên Facebook cá nhân rằng khi “chính thức” dùng xỉ nhiệt điện để “làm đường nông thôn mới” ở Hà Tĩnh, Bộ Tài nguyên – Môi trường đang “đem nhân dân ra làm chuột bạch” [32]. Trong bài, Ấn đưa ra 5 lý do để khẳng định rằng vụ việc này sẽ đe dọa sức khỏe của người dân. Thứ nhất, “tro xỉ nhiệt điện, nhà máy thép được quy định rõ là chất thải nguy hại theo Quy chuẩn Việt Nam số 02 năm 2012 và thông tư 36 năm 2015 của chính Bộ Tài nguyên & Môi trường”. Thứ hai, các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Bắc Giang từng xử phạt một số danh nghiệp trên địa phương về việc dùng xỉ than của nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng, vào các năm 2010, 2013 và 2017. Thứ ba, các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn không ô nhiễm của Việt Nam là không đáng tin, vì chúng được cấp 3 năm 1 lần, trong khi chất lượng than và sự vận hành của các nhà máy nhiệt điện thì mỗi lần mỗi khác. Thứ tư, theo một nghiên cứu của Đại học Stuttgart do tổ chức Greenpeace đặt hàng, thì mỗi năm EU có khoảng 200.000 trẻ em bị nhiễm độc thủy ngân ở mức có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Trong khi đó, một nhà máy nhiệt điện điện có thể sản sinh ra 85kg thủy ngân mỗi năm. Thứ năm, dù có thể “giải quyết vấn đề” bằng cách “bê tông hóa rắn xỉ than để làm gạch không nung”, việc cấp phép vận chuyển chất thải gây hại lại khiến “tất cả doanh nghiệp gạch không nung tại Việt Nam” gặp khó khăn, và khiến nhiều quan chức địa phương có cơ hội tham nhũng.

Cuối bài, Mai Quốc Ấn viết rằng khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà “dùng xỉ than để san lấp nền” ở Hà Tĩnh, ông đã “đem ô nhiễm” về chính tỉnh quê ông. Ngoài ra, Ấn cũng viết rằng tình trạng ô nhiễm sẽ không bộc lộ ngay, mà sẽ “gây ung thư” sau 10 năm nữa.

Bài viết của Mai Quốc Ấn chứa ít nhất 6 thông tin sai lệch. Thứ nhất, tro xỉ dùng để san lấp nền đường ở Hà Tĩnh đã được kiểm tra và cấp phép an toàn, chứ không còn là “chất thải độc hại” như Ấn nói. Thứ hai, các nhà máy sản xuất gạch không nung vẫn đang dùng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I làm nguyên liệu sản xuất, chứ không bị cản trở như Ấn nói. Thứ ba, các vụ xử phạt doanh nghiệp dùng tro xỉ để san lấp nền, mà Ấn liệt kê, đều diễn ra trước khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật về việc đó được ban hành. Thứ tư, việc dùng tro xỉ làm vật liệu san lấp nền không đến từ một “thử nghiệm” của Bộ Tài nguyên – Môi trường, mà đến từ một đề án hoàn chỉnh của của Bộ Xây dựng. Thứ năm, tro xỉ của nhà máy Vũng Áng I được Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận an toàn, chứ Bộ Tài nguyên – Môi trường không làm điều đó. Thứ sáu, ảnh minh họa của Mai Quốc Ấn được chụp tại phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, chứ không phải tại một “đường nông thôn mới”. Ngoài ra, dù “200.000 trẻ em EU” có thể nhiễm độc thủy ngân vì rất nhiều lý do khác, ngoài nhiệt điện than, Ấn vẫn dùng chi tiết này để định hướng độc giả.

Trong cùng ngày 19/08, Mai Quốc Ấn đăng thêm 2 status, trong đó Ấn mượn việc diễn viên Mai Phương mắc bệnh ung thư ở tuổi 33 để khiến độc giả lo sợ về tình trạng ô nhiễm môi trường, rồi liên hệ chuyện này với chuyện Hà Tĩnh dùng tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu xây dựng [33][34]. Một trong các bài của Ấn được 3,5 nghìn Likes, và 913 Shares riêng trên Facebook. Tuy nhiên Ấn không khai thác chủ đề này trong những ngày kế tiếp.

Sóng truyền thông số 6: Tung tin đồn về tình trạng “đấu đá phe nhóm” để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước

Trong tuần qua, hướng tuyên truyền này chủ yếu xoay quanh 3 chủ đề. Một, là những tin đồn về chuyện “đấu đá phe nhóm” trước Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, do trang Dân Luận và Bùi Thanh Hiếu tung ra. Hai, là tính hiệu quả của chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Ba, là mục đích của việc tinh giản bộ máy ngành Công an.

Trong chủ đề đầu tiên, ngày 15/08/2018, trang Dân Luận đăng bức thư ngỏ, mà một người tên Nguyễn Cảnh Bình đã soạn vào ngày 31/07/2018 để gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam [35]. Trong thư, ông Bình phàn nàn rằng nhiều cán bộ cấp cao của Đảng đang chia thành các “phe nhóm” để “cạnh tranh” với nhau, nhằm giành các “vị trí chủ chốt” trong nhiệm kỳ sắp tới. Cụ thể, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình, Nguyễn Văn Bình (được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “hậu thuẫn”) đang cạnh tranh với các ông Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ (được nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn và “phe cánh Nghệ An” “hậu thuẫn”), để giành các vị trí chủ chốt trong Nhà nước. Trong thư, tác giả viết rằng ông Nguyễn Văn Bình “là người chịu trách nhiệm chính việc mua 3 ngân hàng 0 đồng gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng”. Ngoài ra, tác giả cũng viết ông Trương Hòa Bình là “điển hình của học thật nhưng bằng giả”, ông Vương Đình Huệ là người thông minh nhưng vô ơn với những người nâng đỡ mình, ông Trần Quốc Vượng là người “thường thường bậc trung, mang dáng dấp của một công chức mẫn cán. Cuối thư, tác giả đề nghị Tổng Bí thư, tập thể Bộ Chính trị và Trung ương Đảng “chấn chỉnh tình trạng nêu trên”, và làm rõ việc ông Nguyễn Văn Bình có hay không mắc sai phạm nghiệm trọng. Trang Dân Luận nói rằng tác giả đã gửi họ lá thư để nhờ đăng tải.

Sau đó, trong hai ngày 16 và 17/08, Bùi Thanh Hiếu đã khai thác nội dung lá thư trên để viết một loạt bài 3 phần, nhằm tung tin đồn về chuyện “tranh giành những chiếc ghế quyền lực trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13” [36]. Trong phần 1 của loạt bài, Hiếu tung tin rằng ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng lần thứ 12, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dùng Trương Huy San để định hướng truyền thông, và dùng ông Trương Hòa Bình để định hướng các cuộc họp Bộ Chính trị, nhằm hạ tuy tín ông Đinh La Thăng, người đang ngăn mình trở thành “thái thượng hoàng” trong Đảng và Nhà nước. Cùng lúc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng “muốn loại bỏ” ông Đinh La Thăng để “làm vừa lòng” ông Trương Tấn Sang và Trung Quốc. Điều này khiến ông Đinh La Thăng bị “loại” bằng các diễn biến liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh. Trong phần 2 của loạt bài, Hiếu tung tin đồn rằng các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc đã dùng “các cây bút có gốc Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế” và thế lực trong Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng để “triệt hạ” những người thân ông Trần Đại Quang như ông Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”). Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giữ lại ông Trần Đại Quang, để mình không trở thành mục tiêu tiếp theo của ông Trương Tấn Sang. Trong phần 3 của loạt bài, Hiếu tung tin đồn rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đã dùng nhà báo Phan Đăng để gây dư luận rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên nhường lại vị trí cho mình. Đáp lại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho ông Nguyễn Cảnh Bình, giáo viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, làm lá đơn tố cáo nhóm các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc…

Trong suốt loạt bài, Bùi Thanh Hiếu thường xuyên tuyên truyền rằng Đảng và Nhà nước “không có đoàn kết nội bộ như người dân lầm tưởng”, rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ là một chiến dịch “đấu đá nội bộ”.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết Bùi Thanh Hiếu đã sống lưu vong ở Đức từ ngày 17/04/2013. Như vậy, trong 4 năm trở lại đây, Hiếu chỉ được biết đến tình hình chính trị trong nước thông qua các thông tin trên báo chí chính thống, và những tin đồn mà phong trào chống đối nhặt nhạnh được. Nói cách khác, Bùi Thanh Hiếu thiếu khả năng tiếp cận thông tin chính xác, đáng tin cậy về tình hình Việt Nam hơn hẳn 90 triệu người Việt trong nước. Độc giả trong và ngoài nước đương nhiên nên nghi ngờ những “thuyết âm mưu” mà Hiếu bịa ra.

Vậy Bùi Thanh Hiếu dựng nên những “thuyết âm mưu” này bằng cách nào? Loạt bài 3 phần mà Hiếu vừa viết hình thành từ 3 nguồn thông tin – là lá “thư ngỏ” đăng trên trang Dân Luận vào ngày 15/08, những tin đồn tương tự mà Hiếu nhặt nhạnh được trên báo chí chống Cộng trước đây, và một lượng lớn các suy diễn cá nhân của Hiếu. Tuy nhiên, nếu để ý, ta sẽ thấy cả 3 nguồn tin này đều không đáng tin cậy.

Về nguồn tin đầu tiên, chính báo Dân Luận cũng không thể xác minh được liệu bức “thư ngỏ” mà họ nhận được có do ông Nguyễn Cảnh Bình viết hay không, và nội dung thư có phản ánh sự thật hay không. Trong khi đó, nếu đặt mình hoàn cảnh của ông Nguyễn Cảnh Bình, ta sẽ thấy ông không dại gì mà gửi lá thư cho Dân Luận, vì việc đó vi phạm quy chế sinh hoạt của Đảng và luật pháp của nhà nước, khiến ông phải trả giá đắt. Thêm nữa, nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho người viết ra lá thư này rồi tung ra dư luận, như Bùi Thanh Hiếu nói, thì chẳng khác gì Tổng Bí thư “vạch áo cho người xem lưng”. Như vậy, nếu trang Dân Luận thật sự nhận được lá thư này từ một người bên ngoài, thì thư chỉ có thể được gửi đi từ một kẻ muốn tung tin đồn thất thiệt về tình hình nội chính Việt Nam, để “dắt mũi” các độc giả nhẹ dạ cả tin, chứ không phải từ ông Nguyễn Cảnh Bình hay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Về nguồn tin thứ hai, rõ ràng những tin đồn mà báo chí chống Cộng thường đăng tải vốn không đáng tin cậy. Phần trên của bản tin đã cho thấy Phạm Chí Dũng, kẻ tung ra phân nửa số tin đồn này, chỉ là một “thầy bói xem voi” thường xuyên nhầm lẫn.

Nếu Bùi Thanh Hiếu chỉ sử dụng những nguồn tin không đáng tin cậy để suy diễn, thì đương nhiên Hiếu sẽ rút ra những kết luận không đáng tin cậy. Thêm nữa, vì suy luận của Hiếu bị điều khiển bởi lòng căm thù chế độ và động lực bịa chuyện li kì để câu khách, sự lệch lạc mà Hiếu tạo ra sẽ càng lớn hơn.

Qua việc trang Dân Luận chuyển sang “khai dân trí” bằng những tin đồn thất thiệt và cuộc chuyện trà đá của thành phần du thủ du thực như Bùi Thanh Hiếu, thay vì những thông tin nghiêm túc hơn, có thể thấy trang này đã rất xuống cấp và nên đóng cửa.

Trong chủ đề thứ hai, ngày 19/08, Phạm Chí Dũng viết trên báo Người Việt rằng chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hiệu quả và nghiêm minh như chiến dịch tương tự của ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc [37]. Cụ thể, Dũng viết rằng sau nửa nhiệm kỳ, chiến dịch của ông Tập Cận Bình đã khiến 3 Ủy viên Bộ Chính trị là Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, cùng hàng trăm quan chức tham nhũng đang lẩn trốn ở nhiều nơi trên thế giới bị xử lý. Trong khi đó, sau nửa nhiệm kỳ, chiến dịch của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ xử lý được 1 Ủy viên Bộ Chính trị, là ông Đinh La Thăng, và làm lộ diện một số quan chức tham nhũng bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy. Ngoài ra, Dũng cũng phê phán việc vào cuối năm 2017, các cơ quan tư pháp Việt Nam “chỉ phát hiện 5 trường hợp kê khai không trung thực trong số hơn 1 triệu công chức kê khai tài sản”.

Khi đưa ra những lời bình trên, Phạm Chí Dũng đã quên mất rằng Bộ Chính trị Trung Quốc đông gấp 1,3 lần Bộ Chính trị Việt Nam, và dân số Trung Quốc đông gấp 11 lần dân số Việt Nam. Như vậy, theo phép tính tỉ lệ, nếu Trung Quốc có dân số và số Ủy viên Bộ Chính trị bằng Việt Nam, thì lượng quan chức Trung Quốc bị bắt sau 2 năm chống tham nhũng cũng chỉ lớn gấp từ 2 đến 3 lần con số tương ứng của Việt Nam mà thôi. Thêm nữa, vì Tập Cận Bình vừa là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc, vừa là nguyên thủ quốc gia, ông huy động được lượng nguồn lực lớn hơn nhiều so với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nên đương nhiên tiến nhanh hơn trong chiến dịch chống tham nhũng.

Vậy nếu Việt Nam học tập kinh nghiệm quản trị của Trung Quốc để nâng cao hiệu quả chống tham nhũng, thì Phạm Chí Dũng có hài lòng không? E rằng khi đó, Dũng sẽ lại dùng chiêu bài “thoát Trung” để công kích Nhà nước Việt Nam, như vẫn đang làm trong nhiều bài viết. Qua việc này, có thể thấy ông Dũng nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, miễn là lời nói của ông có tác dụng chống Cộng.

Trong chủ đề thứ ba, ngày 20/09, cựu đại tá Công an Lê Đăng Quang nói với BBC tiếng Việt rằng chương trình cải tổ, tinh giản hóa bộ máy ngành Công an chỉ “nhằm thực hiện ý muốn quyền lực, chứ không dựa trên cơ sở khoa học về tổ chức”, nên “sẽ làm xáo trộn bộ máy tổ chức của Bộ Công an” [38]. Để minh họa cho nhận định này, ông Quang chỉ đưa ra 2 dẫn chứng. Thứ nhất, sau khi 6 Tổng Cục bị giải thể, một số Tổng Cục trưởng có hàm Trung tướng sẽ phải xuống làm Cục trưởng, trong khi Luật Công an quy định rằng Cục trưởng không có hàm vượt quá Thiếu tướng. Thứ hai, khi một số Tổng Cục trưởng xuống làm Cục trưởng, thì các Cục trưởng cũ sẽ không biết “đi về đâu”.

Theo chúng tôi thấy, thì cả 2 dẫn chứng mà Nguyễn Đăng Quang đưa ra đều mang nặng cảm tính, chứ không “dựa trên cơ sở khoa học về tổ chức”. Mặt khác, ông Quang không đưa ra được bằng chứng cho thấy chương trình cải tổ, tinh giản hóa bộ máy ngành Công an chỉ “nhằm thực hiện ý muốn quyền lực” của một cán bộ trong hoặc ngoài ngành công an. Vì hai vế trong phát biểu của ông Quang không ăn khớp nhau, phát biểu này vô giá trị.

Vậy vì sao các tổ chức, cá nhân chống đối phải dùng những tin đồn vô căn cứ và những lập luận theo kiểu soi mói để tập trung công kích chương trình chống tham nhũng, tinh giản hóa bộ máy chính trị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Đó là bởi chương trình này đang được lòng dân, khiến người dân đặt hy vọng nơi Đảng Cộng sản Việt Nam. Thật thú vị, khi các nhà chống Cộng sợ một chương trình có lợi cho đất nước và hợp lòng dân, dù luôn tự xưng là “yêu nước” và “dân chủ”.

Sóng truyền thông số 7: Lên án Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, và kêu gọi quốc tế phản ứng

Trong tuần qua, hướng tuyên truyền này xoay quanh 7 chủ đề, là (1) Hội nghị lần thứ 30 của ngành ngoại giao Việt Nam, cùng tình hình của (2) Trần Huỳnh Duy Thức, (3) Trần Thị Nga, (4) Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, (5) Phạm Đoan Trang – Nguyễn Tín, (6) Lê Đình Lượng, và (7) không khí “đàn áp” chung mà các tổ chức, cá nhân chống đối đang phải đối mặt.

Trong chủ đề thứ nhất, từ ngày 13 đến 17/08/2018, Hội nghị lần thứ 30 của ngành ngoại giao Việt Nam đã diễn ra ở Hà Nội. Khi phát biểu trong hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến nhiều thành tựu gần đây của ngành ngoại giao Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng cũng phát biểu ngành ngoại giao Việt Nam áp dụng phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch nước Hồ Chí Minh, trong đó phần “bất biến” là chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Tuần qua, Ngô Ngọc Trai và Nguyễn Khắc Mai đã tận dụng các phát biểu này để tuyên truyền quan điểm riêng của họ.

Cụ thể, ngày 20/08, Ngô Ngọc Trai viết trên BBC tiếng Việt rằng cũng giống như vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề nhân quyền của Việt Nam đang cản trở dòng đầu tư, giao thương đến từ các nước Âu – Mỹ [39]. Vì vậy, ông Trai đề nghị Việt Nam “cải thiện môi trường dân chủ trong nước và trả tự do cho tù nhân lương tâm”, để “gỡ rào cản nhân quyền”, nhằm tăng dòng đầu tư, giao thương. Ngô Ngọc Trai dành khá nhiều diện tích trong bài để nhắc đến trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức, là một phạm nhân mà ông đang vận động xin đặc xá.

Tóm lại, luật sư Ngô Ngọc Trai đang đề nghị nhập khẩu hệ thống chính trị phương Tây để đổi lấy tiền đầu tư từ phương Tây. Tiếc thay, tiền ngoài luồng kiếm được từ chính trị thường không phải là tiền sạch, và thứ chính trị để kiếm tiền ngoài luồng cũng thường không phải là thứ chính trị sạch. Việc chính trị để phục vụ người dân và việc kinh doanh với ngoại quốc nên được giữ cho tách bạch, thay vì nhập nhằng với nhau. Nếu không, cả nền dân chủ lẫn dòng tiền đầu tư đều sẽ hình thành trên cơ sở không bền vững.

Hôm sau, ngày 21/08, Nguyễn Khắc Mai nói với đài RFA tiếng Việt rằng trong phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, phần “bất biến” phải là dân quyền và nhân quyền, vì “hai nhà văn hoá Việt Nam, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, từng nói rằng: ‘Nếu giành được độc lập mà dân không có quyền thì vô nghĩa’” [40]. Ở đoạn này, dường như Nguyễn Khắc Mai đã dùng nhầm câu “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” – trích từ một lá thư mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 17/10/1945, để phê phán tệ bán chức và buộc dân góp quỹ. Hy vọng trong tương lai, ông Nguyễn Khắc Mai sẽ tôn trọng kiến thức hơn, để Trung tâm Minh triết Việt Nam của ông không bị cộng đồng học thuật xem thường.

Trong chủ đề thứ hai, trong buổi thăm tù ngày 18/08, phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức cho vợ biết rằng ông sẽ tuyệt thực trong vòng 10 ngày, từ ngày 13 đến 23/08, vì 3 vấn đề. Một, là phản đối việc công an “đòi hỏi” ông nhận tội để đổi lấy lệnh đặc xá. Hai, là phản đối việc ông Trần Duy Phong, “đội trưởng giáo dục” mới ở trại giam, đã buộc ông Thức chỉ được gửi 1 lá thư và 1 lá đơn ra ngoài mỗi tháng, không được gửi nhạc, thơ, văn ra ngoài, và không chuyển các đơn kiến nghị, khiếu nại mà ông gửi các cơ quan nhà nước. Ba, là đòi Nhà nước “thượng tôn pháp luật, trả tự do và miễn hoàn toàn án còn lại cho tất cả những người phạm tội chuẩn bị hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân theo Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể là Khoản 3 Điều 109”. Yêu sách cuối cùng liên quan đến một chiến dịch đòi giảm án mà Trần Huỳnh Duy Thức và luật sư Ngô Ngọc Trai đã tiến hành từ tháng 02/2018, khi Bộ Luật Hình sự 2015 vừa có hiệu lực. Trong chiến dịch đó, Thức và Trai viện dẫn rằng theo Khoản 3 Điều 109, thì “Người chuẩn bị phạm tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân bị phạt tù từ 1 đến 5 năm”; theo Khoản 3 Điều 7, thì những người phạm tội trước khi Bộ Luật có hiệu lực vẫn được hưởng “một hình phạt nhẹ hơn và quy định khác có lợi cho người phạm tội” nêu trong Bộ Luật; còn theo Điều 63, thì phạm nhân có thể đề nghị được giảm án sau khi đã chấp hành 1/3 án tù, và không cần nhận tội để được giảm án [41].

Lúc 23h cùng ngày 18/08, Lê Công Định đăng các thông tin vừa nêu lên Facebook cá nhân [42]. Định cũng bình luận rằng Nhà nước “muốn trả tự do cho Thức bằng cách đặc xá” để khỏi phải áp dụng các quy định mới trong Bộ Luật Hình sự 2015, tránh tạo tiền lệ khiến các phạm nhân khác ra yêu sách tương tự. Bài của Định được 4,5 nghìn Likes và 1,2 nghìn Shares riêng trên Facebook. Ngày 19 và 20/08, các đài RFA và VOA tiếng Việt phỏng vấn gia đình Trần Huỳnh Duy Thức về đợt tuyệt thực mới của ông, đồng thời dẫn lại các bình luận của Định [43][44].

Qua việc Trần Huỳnh Duy Thức liên tục đề nghị được giảm án trong suốt 6 tháng qua, có thể thấy ông Thức đã rất muốn ra tù. Tuy nhiên, vì muốn giữ hình ảnh “lãnh tụ” bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của mình, ông Thức đã từ chối sang Đức tị nạn chính trị. Ngoài ra, qua hai lá thư mà ông viết hồi cuối tháng 6, có thể thấy Thức rất tin tưởng rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sắp làm Trung Quốc sụp đổ, nhờ đó Mỹ sẽ áp đặt trật tự mới cho thế giới, bắt Việt Nam theo chế độ đa đảng, và giúp Thức được sớm ra tù. Vì 3 lý do vừa nêu, Trần Huỳnh Duy Thức đang liên tục tỏ ra nguy hiểm, đồng thời giả vờ “đấu tranh cho tất cả các tù nhân chính trị Việt Nam”, với hy vọng rằng phương Tây sẽ chú ý đến chiến dịch của Thức, từ đó gây sức ép buộc Nhà nước Việt Nam phải giảm án cho Thức, tạo tiền lệ để giảm án cho các nhân vật chống đối khác.

Như chúng tôi đã đề cập trong chương trình Điểm tin Lề trái số 12, trước khi bị bắt, Trần Huỳnh Duy Thức đã cùng Lê Thăng Long thành lập tổ chức Phong trào Chấn hưng Nước Việt, có nhiều hoạt động chống chế độ ở Việt Nam và Malaysia. Như vậy, Thức đã chính thức phạm tội, chứ không phải là người “chuẩn bị phạm tội” để được giảm án. Luật sư Ngô Ngọc Trai nên tôn trọng sự thật này, thay vì lờ đi những tình tiết gây bất lợi cho thân chủ của mình. Còn ông Thức nên ăn cho no, để giữ sức trong một chiến dịch thất bại.

Trong chủ đề thứ ba, Trịnh Hội và Clay Phạm tiếp tục trả lời các báo rằng “Mẹ Vắng Nhà” – bộ phim tài liệu xoay quanh hoàn cảnh gia đình éo le của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh khi Quỳnh đi tù – đang có rất nhiều người xem. Ngày 21/08, Trịnh Hội nói với RFA tiếng Việt rằng buổi chiếu phim ở Texas đã thu hút 1500 khán giả [45].

Trong vấn đề thứ tư, sáng ngày 18/08, phạm nhân Trần Thị Nga gọi điện cho tình nhân Phan Văn Phong, để báo rằng Nga đang “bị đánh và dọa giết” trong tù. Chiều cùng ngày, Phong công bố tin này khi trả lời phỏng vấn đài RFA [46]. Dù Nga không nói rõ ai đang “đánh và dọa giết” bà, Phong nói với RFA rằng hung thủ có thể là “Hải Hô”, một phạm nhân được giam chung với Nga từ cuối tháng 7. Trong cùng cuộc phỏng vấn với RFA, Bùi Thị Minh Hằng bình luận rằng bà từng bị giam chung với “Hải Hô”, tức Nguyễn Thị Hải, và đây là “một phụ nữ rất đầu gấu”. Hằng kể rằng sau khi tỏ ra thân thiện với bà để moi tin, nhưng không thành công, “Hải Hô” đã quay sang dọa đánh, dọa giết bà, khiến bà phải phản đối bằng cách tuyệt thực. Bùi Thị Minh Hằng cũng bình luận rằng “chắc chắn” người quản lý trại giam Gia Trung đã “đồng ý” với “hành động tấn công, doạ đánh, doạ giết của những phạm nhân khác nhắm vào các tù chính trị”.

Cùng ngày 18/08, Tuấn Khanh viết một bài về vụ việc này, đăng trên blog VOA [47]. Trong bài, ngoài các thông tin đã đưa trên RFA, Tuấn Khanh bổ sung thêm một lời bình luận của Cấn Thị Thêu, rằng người “bị đánh trong tù” nên “tìm mọi cách để đưa thông tin ra ngoài”, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ. Bên cạnh đó, Tuấn Khanh nhấn mạnh việc Trần Thị Nga đang có 2 con nhỏ và thường xuyên bị đánh, để tận dụng lòng thương hại của độc giả.

Có thể thấy trong toàn bộ quá trình trên, Trần Thị Nga không cho biết ai là người đánh và dọa giết bà. Nga cũng không biết bà bị đánh vì lý do chính trị, hay vì đã chửi bới người khác, giành giật lợi ích của người khác, từ đó gây tư thù cá nhân, như bà từng làm nhiều lần khi còn tại ngoại. Chuyện Nga bị “Hải Hô” đánh, và “Hải Hô” làm vậy theo lệnh của quản giáo, đều là những giả thuyết mà Phan Văn Phong và Bùi Thị Minh Hằng tung ra, rồi tự cho là thật, trong một cuộc phỏng vấn mang màu sắc buôn chuyện trên đài RFA. Vậy là trong vụ Trần Thị Nga, đài RFA đang làm truyền thông bằng tin đồn nhảm, thay vì bằng thông tin rõ ràng và được kiểm chứng.

Trong chủ đề thứ tư, tuần qua, dư luận phi chính thống tiếp tục khai thác vụ giải tán đêm nhạc trái phép của Nguyễn Tín theo 3 hướng. Một, là tuyên truyền rằng đêm nhạc bị giải tán vì ca sĩ Nguyễn Tín tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, hoặc vì các lý do chính trị khác; trong khi che giấu sự thật rằng đêm nhạc bị xử phạt hành chính do biểu diễn không giấy phép, còn Đoan Trang bị đánh do cà khịa với công an. Hai, là nhấn mạnh các tình tiết bạo lực, cùng thương tích của Đoan Trang và Nguyễn Tín sau đêm nhạc, để tận dụng cảm giác thương hại, tức giận và hận thù của độc giả. Ba, là tuyên truyền rằng công an Việt Nam chỉ biết dùng bạo lực để khiến người dân sợ mình và sợ “chế độ độc tài”, chứ không có não trạng thực thi pháp luật. Bốn, là quyên tiền để hỗ trợ Phạm Đoan Trang.

Hướng tuyên truyền đầu tiên được thực hiện bằng một cuộc phỏng vấn trên RFA vào ngày 19/08, với các thông điệp tương tự trong tuần trước. Trong bài này, RFA cũng đưa tin sai rằng Phạm Đoan Trang bị đánh “khi ra về” từ đêm nhạc, trong khi chính Trang từng kể rằng mình bị đánh khi làm việc tại đồn công an [52]. Cuối cuộc phỏng vấn, Nguyễn Tín tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các show ca nhạc khác sau vụ việc. Các show này sẽ được tổ chức ở những địa điểm “thích hợp hơn, đông người hơn”, để tránh bị đánh.

Hướng tuyên truyền thứ hai được thực hiện bằng các bài viết trên Facebook cá nhân của Nguyễn Tín và Phạm Đoan Trang, cùng một cuộc phỏng vấn Nguyễn Tín, Nguyễn Đại do Đoàn Bảo Châu thực hiện vào ngày 20/08 [54]. Trong các bài này, Tín và Trang nói mình “bị đánh”, “bị tra tấn” bởi “chế độ độc tài”, và kể tường tận từng tình tiết có tính bạo lực, kích động trong vụ việc [53]. Phạm Đoan Trang dùng việc kể truyện này để phục vụ hướng tuyên truyền thứ ba [51]. Ngoài ra, Trang viết lặp đi lặp lại việc mình “bị chấn động não” [50]. Ngày 22/08, Trịnh Hữu Long đưa tin trên Facebook cá nhân rằng từ ngày 15, Phạm Đoan Trang đã “phải đổi 4 chỗ ở khác nhau” để tránh “bị công an vây nhà” [55].

Khoảng 01h10’ sáng 17/08, hướng tuyên truyền thứ tư khởi đầu với việc trang Facebook “Bạn của Đoan Trang” kêu gọi cộng đồng gửi tiền vào tài khoản Paypal của Luật khoa Tạp chí, để hỗ trợ chi phí “chăm sóc sức khỏe” cho Phạm Đoan Trang [48]. Tròn 1 tiếng sau, Trịnh Hữu Long đưa ra lời kêu gọi tương tự trên trang Facebook cá nhân của mình [49]. Ngày 24/08, thay mặt ban điều hành trang “Bạn của Đoan Trang”, Trịnh Hữu Long thông báo rằng họ đã nhận được 2.432 USD tiền quyên góp, đồng thời công bố bảng kê tài chính chi tiết [56].

Trong chương trình Điểm tin Lề trái số 12, chúng tôi đã tường thuật chi tiết từng diễn biến của vụ việc này. Theo đó, dù Phạm Đoan Trang và Nguyễn Tín thật sự bị chú ý vì lý do chính trị, họ không bị dẹp đêm nhạc hoặc bị đánh vì lý do chính trị. Nếu Nguyễn Tín có giấy phép biểu diễn, không ai có thể dẹp đêm nhạc của anh ta. Và nếu Phạm Đoan Trang không chủ động cà khịa công an bằng những ngôn từ bất nhã, thì đã không có các diễn biến bạo lực.

Nếu Phạm Đoan Trang muốn tiếp tục tự xưng là “nhà báo”, Trang nên chấp nhận những sự thật này, thay vì lờ chúng đi để tuyên truyền rằng mình bị “đàn áp” vì lý do chính trị. Nếu Trang và Tín thật sự can đảm như họ đang tuyên truyền, họ nên im lặng thay vì liên tục kể về những vết bầm của mình, nên tự trả viện phí thay vì xin tiền nước ngoài, và nên thản nhiên ở nhà, thay vì chạy trốn 4 lần khi công an mới chỉ xuất hiện ở đầu ngõ.

Trong chủ đề phiên xử phúc thẩm Lê Đình Lượng, ngày 17/08, Nguyễn Văn Đài nói với BBC tiếng Việt rằng “trong quá trình xét xử các vụ án chính trị, bao giờ cũng có an ninh từ Bộ công an ngồi trong phòng kín theo dõi diễn biến phiên toà”, và “họ sẽ quyết định mức án dựa vào thái độ” của bị cáo [57]. Đài tung tin rằng vì “thái độ” của Lê Đình Lượng khiến các nhân viên an ninh này “hết sức tức giận”, Lượng đã phải nhận mức án cao hơn mức mà Viện Kiểm sát đề nghị những 3 năm. Ngoài ra, trong suốt tuần, Mỹ [58], EU [59], các tổ chức quốc tế và dư luận chống đối đã tập trung khai thác thông tin mà Hà Huy Sơn tung ra hôm 16, rằng Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã cung cấp lời khai gây bất lợi cho Lượng do bị “tra tấn, ép cung” [60][61].

Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn trên BBC tiếng Việt, chính Nguyễn Văn Đài đã thừa nhận rằng Lê Đình Lượng có vai trò quan trọng trong phong trào chống Cộng ở 3 tỉnh miền Trung. Lời này của Đài, và việc đảng Việt Tân vừa ra thông cáo báo chí đòi thả Lê Đình Lượng, vừa không dám tuyên bố rằng Lượng không phải là đảng viên Việt Tân, dường như cho chúng ta thêm căn cứ để nghi ngờ rằng Nguyễn Viết Dũng và Nguyễn Văn Hóa đã khai đúng sự thật.

Trong chủ đề cuối cùng, khi bình luận về “không khí đàn áp” nói chung, Trương Duy Nhất [62] và Nguyễn Tường Thụy [63] viết rằng qua vụ đánh Đoan Trang, Nguyễn Tín và vụ xử Lê Đình Lượng 20 năm tù, có thể thấy Nhà nước Việt Nam đang “cởi bỏ” Hiến pháp, pháp luật, để “đàn áp phong trào dân chủ” theo cách ngày một “dã man, hung bạo”. Tuy nhiên, “các nhà tranh đấu” đều “không sợ tù đày”, và càng “đàn áp” thì phong trào càng mạnh lên, do có thêm “người đấu tranh”, có thêm “người căm thù chế độ”…

Dù hướng tuyên truyền này đã diễn ra một cách sôi động, với nhiều tuyên bố đanh thép trong suốt tuần qua, hiện vẫn chưa có tổ chức, cá nhân chống đối nào thực hiện các hoạt động biểu tình để ủng hộ Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tín hay Lê Đình Lượng, dù họ từng làm vậy trong quá khứ. Ngoài ra, phải thừa nhận một sự thật rằng trong suốt mùa hè vừa qua, các nhóm biểu tình, bạo động đã không dám xuống đường đến buổi thứ 3, do sợ bị công an dẹp. Trong khi đó, Nguyễn Văn Đài đã xin sang Đức tị nạn chính trị, còn Phạm Đoan Trang mới thấy công an đứng đầu ngõ đã sợ tới nỗi chuyển nhà 4 lần. Như vậy, khi Trương Duy Nhất và Nguyễn Tường Thụy viết rằng các nhà chống Cộng đều “không sợ tù đày”, và càng “đàn áp” thì phong trào càng mạnh lên, họ chỉ đang nói ra những câu AQ để chữa thẹn hoặc tự huyễn.

Vậy các sóng truyền thống trong tuần qua có quy mô thế nào? Biểu đồ Google Trends cho thấy vấn đề Gạc Ma đã lắng xuống trong một tuần, từ ngày 17 đến ngày 23/08, có thể do nhóm biên soạn sách im lặng trong tuần đó, trước khi tung ra chiến dịch kiện tụng và các hoạt động truyền thông phụ trợ. Biểu đồ 3 tháng cho thấy lượng tìm kiếm từ “đặc khu” và “biểu tình” chưa có đà tăng đủ để tạo ra một cuộc biểu tình lớn vào ngày 02/09.


Chương trình Điểm tin Lề trái số 13 xin được kết thúc tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong bản tin tuần tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog