Chia sẻ

Tre Làng

Vụ cô giáo vả vào má học sinh ở Hà Giang: Bạo hành hay để dạy dỗ?

Góc nhìn của Fb Dương Thùy Trang

Có thể nói rằng, chưa bao giờ nỗi lo lắng, áp lực từ nhiều phía lại đè nặng lên đôi vai của thầy cô giáo như hiện nay. Đặc biệt là từ khi mạng xã hội lên ngôi, thầy cô giáo có thể bị “tố” trên mạng bất cứ lúc nào mà không hay. Cái thời mà thiên hạ tranh nhau đăng facebook, đăng chậm là thua. Tất tần tật, từ chuyện làng chuyện xóm, chuyện ăn chuyện ngủ, chuyện con cái học hành… đều quăng đầy lên mạng. Con mình đúng sai không cần biết, chỉ cần nghe con kể lại thấy bức xúc là chụp ảnh, quay video đăng lên facebook ngay. Những lúc như thế thì ai, cơ quan nào sẽ đứng ra bảo vệ cho họ đây? Hay để họ tự bơi, tự chìm dưới dòng xoáy dư luận?

Tôi chưa bao giờ bênh vực những trường hợp thầy cô giáo dùng bạo lực đối với học sinh. Vì đó không phải là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất, trái lại, đòn roi đôi khi còn phản tác dụng. Tuy nhiên, đối với trường hợp cô giáo H ở Bắc Quang (Hà Giang) vì lỡ tát em học sinh lớp 4 mà phải bị đình chỉ dạy 3 tháng, phạt hành chính 7,5 triệu đồng thì tôi thấy quả thật đau lòng. Quyết định xử lý của Ủy ban nhân dân huyện như thế là quá nặng, thiếu suy xét thấu đáo, dù hợp lý nhưng thiếu chữ tình. Một quyết định để làm hài lòng phụ huynh, thỏa sự hiếu kỳ của dư luận chăng? 

Vị phụ huynh đăng trên Facebook rằng: “Em chỉ ngồi đây và hóng xem nhà trường giải quyết GVCN đánh con em và 5 bạn cùng lớp trong 1 buổi sáng đi học đầu tiên đến lớp như nào. Nếu còn đứng lớp giảng dạy cho học sinh của trường thì em đéo đề yên vụ này đâu (KỂ CẢ BAN GIÁM HIỆU NHÀ TRƯỜNG)”. Thế là tỉnh chỉ đạo huyện, huyện chỉ đạo phòng, phòng chỉ đạo trường phải xử lý rốt ráo. 

Cuối cùng không thấy ai đứng về phía cô giáo? Có lẽ ai cũng sợ ảnh hưởng đến chiếc ghế mình đang ngồi, nên xử lý cho an toàn chăng?. 

Các bạn nghĩ sao, chỉ trong 45 phút của 1 tiết học mà em học sinh này đã bị cô giáo nhắc nhở đến 4 lần, nhưng vẫn không cải thiện? Có phải độ lì lượm của em này đạt đến cảnh giới của 1 học sinh cá biệt rồi chăng? Lớp học chứ không phải cái chợ, hơn nữa em này cũng đã học lớp 4 rồi mà, sao khó dạy đến như thế? 1 cái tát vào má học sinh trong lúc quá nóng giận, thiếu kìm chế đó tôi không cho là đúng. Nhưng cũng cần phải hiểu cho tâm lý, nghiệp vụ của thầy cô giáo mà có thể cảm thông, dung dị. Làm lớn chuyện như vậy thì được gì nào? Thiệt thòi có phải cho con bạn không?.

Các bạn cần phải phân biệt giữa đánh đập bạo hành với hành vi dùng đòn roi để dạy dỗ. 2 vấn đề này là hoàn toàn khác nhau và cần phải nhận diện, đánh giá cho đúng bản chất vấn đề. Ở nhà, khi con bạn lì, bạn có đánh đòn không? Vậy, những cái đòn roi đó là bạo hành hay để dạy dỗ? Không phải cái roi, cái vả vào má nào cũng là bạo hành đâu. Chúng ta cần phải suy xét về mức độ nặng nhẹ, tính chất của từng vụ việc. Với 1 cô giáo mà đi xin từng bộ quần áo cũ, vận động từng quyển tập, bộ đồng phục, từng gói mì tôm, ký gạo… để các em học sinh nghèo có cơ hội được đến trường như cô H đây thì tôi không cho rằng cô tát em vì bạo hành đâu. Nhưng vì mạng xã hội có sức ảnh hưởng ghê ghớm quá, quyền năng quá nên chỗ dựa duy nhất của thầy cô giáo là nhà trường cũng đã bị bứng mất, đẩy ra xa. Thay vào đó là các quyết định xử lý kỷ luật quá cứng nhắc, vô cảm, thiếu tình người. Sự cứng nhắc, máy móc đó đã để lại hệ lụy gì? 

Tôi nghĩ rằng, vị phụ huynh kia chắc là hả hê, khoái chí lắm. Vì mục đích tuyên bố lúc đầu của mình đã đạt được. Với một bà mẹ chẳng cần biết con mình đúng sai, có lỗi gì, nguyên nhân vì sao để bị cô giáo tát mà đã vội vàng tố cáo, hăm dọa cô giáo trên mạng xã hội như thế thì đứa con mình có thật là "ngoan" không? Dạy con kiểu bắc thang, thả dây cho chúng leo trèo thì đủ hiểu đứa trẻ này được hình thành như thế nào trong gia đình rồi. Tôi cho rằng, cách phản ứng của bà mẹ này quá nóng vội, kém khôn. Mọi việc có thể ngồi lại, giải quyết bằng cách khác, không nhất thiết phải tố cáo đùng đùng trên mạng vậy đâu. Đúng là mục đích của phụ huynh đã đạt được, nhưng em học sinh này sẽ ra sao đây? Cô H đã bị đình chỉ dạy 3 tháng, cô giáo khác đã được bố trí dạy thay. Em học sinh này chắc chắn sẽ không bị tát, bị đòn roi, thậm chí cũng sẽ không bị thầy cô nào nhắc nhở, la rầy nữa. Con của họ sẽ được tự do làm những điều mình thích ngay trong lớp học như đang ở nhà. Lớp học sẽ biến thành cái chợ. Cái chợ không có cảnh bán mua, chỉ có những cái lắc đầu ngao ngán. Có thầy cô nào dám đụng tới “cục vàng” của họ nữa không? Chẳng phải thầy cô giáo ở trường cô lập em ấy đâu, nhưng họ có quyền lo sợ chứ. Một nỗi sợ vô hình đã gây tác động dây chuyền đến toàn trường, huyện, tỉnh và toàn ngành giáo dục cả nước. 

Sau sự việc này, tôi thật sự thấy lo khi có nhiều thầy cô giáo tỏ ra rất buồn khi giáo viên giờ đây đã bị tước hết quyền giáo dục và chuyển giao cho phụ huynh học sinh. Phụ huynh ngày nay đã can thiệp quá nhiều vào việc dạy học của thầy cô. Hỏi sao ngày càng xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, quay clip tung lên mạng. Rồi học sinh chơi với nhau, xích mích nhau, phụ huynh vào hành hung, đánh bạn học của con ngay tại lớp để dằn mặt. Thậm chí có phụ huynh còn vào trường đánh cô giáo gục ngay cửa lớp, phải đưa đi cấp cứu…. 

Sâu xa hơn, phụ huynh mà bênh vực con mù quáng thế này thì sẽ dẫn đến việc thầy cô dạy cho xong kiến thức, dạy như phát thóc cho gà ăn, cho hết 45 phút của tiết học rồi về mà chẳng cần quan tâm đến học sinh có tiếp thu không, các em có lắng nghe không… thì đáng lo ngại vô cùng. Đừng biến thầy cô giáo thành những cổ máy chỉ có ban phát kiến thức mà không có rèn dạy kỹ năng, nhân cách, đạo đức vì lo sợ bị phụ huynh mắng, nhà trường kỷ luật, bị đuổi việc nếu lỡ chẳng may thiếu kìm chế mắc phải sai phạm nào đó. 

Các bạn nhìn đi, lớp học ít nhất là 40 em. Với 40 cái miệng đang muốn được nói, lúc nào cũng chờ chực để phát ra âm thanh, chúng sẵn sàng vỡ òa như cái chợ bất cứ lúc nào. Thế thì có dễ dàng quản lý hay không? Nếu chịu cảm thông một chút, bình tĩnh một chút, hiểu cho giáo viên một chút thì con mình sẽ đỡ thiệt thòi hơn. Giáo viên không nghiêm lớp học sẽ hỏng. Gia đình không nghiêm con cái sẽ hư. Tiên học lễ hậu học văn. Mà cái lễ thì gia đình phải cùng dạy con với thầy cô thì mới mong con mình phát triển thành người được phụ huynh à! 

10 nhận xét:

  1. Sự việc nào cũng phải xuất phát từ hai phía, cũng phải xem xét lắng nghe cô giáo nói xem tại sao lại xảy ra việc như vậy. Chứ cứ nghĩ một mình cô giáo lên lớp chiến đấu với biết bao nhiêu cái miệng như thế nên nếu có xảy ra những hành động trách mắng đòn roi thì tôi cũng cho là có thể chấp nhận được nếu ở cái mức đủ răn đe và khiến các em nghiêm túc chấn chỉnh lại hành vi của mình. Nhiều khi có những bậc cha mẹ con cái chỉ bị thầy cô nặng nề tí là bênh con chằm chằm nhưng về nhà cũng đánh con như gì ấy

    Trả lờiXóa
  2. Thực sự nếu như cô giáo đánh đập bạo hành quá đáng thì đúng là nên căn cứ pháp luật mà xử lí cho nghiêm thật. Nhưng nếu vấn đề xuất phát ở việc trẻ em đó cũng chẳng nghe lời thì phụ huynh cũng xem mà dạy con mình. Chứ cẩn thận nó nhìn thấy cha mẹ cứ bênh mình chằm chằm mặc dù mình có sai rồi nó sẽ sinh ra những cái mà sau này nhận ra muốn dạy dỗ lại cũng khó

    Trả lờiXóa
  3. Tôi nhớ lại những câu chuyện ngày xưa khi mẹ kể về ông ngoại, cũng là giáo viên nhưng ông rất nghiêm và biện pháp duy nhất mà ông dạy là "đòn roi". Chính đòn roi có đủ đau thì sự trưởng thành và ý chí phấn đấu mới được cải tiến hơn. Tôi không đổ rằng tất cả tại giáo dục, nhưng một phần tệ nạn của xã hội hiện nay là do phía gia đình, các cha các mẹ cứ coi con mình là "thiên tử" cần phải được bảo vệ, che chở nhưng có biết con mình mất dạy, ngỗ ngược, lì lợm hay không? Bản thân bố mẹ không nghiêm, thầy cô giáo mặc kệ thì chúng sẽ như thế nào nữa? Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, đấy là câu dạy để đời rồi, vậy nên tôi đồng cảm và chia sẻ với các thầy cô giáo, đặc biệt là gv tiểu học.

    Trả lờiXóa
  4. Ngày xưa còn đi học cũng bị cô giáo đánh 1 lần, nhưng cũng vì lần đó mà cũng bớt nói chuyện trong giờ học và cố học cái môn đó hơn, vì vậy may mắn là không bị rỗng cái môn tiếng anh mà vẫn làm khó học sinh bây giờ. vậy nên tôi nghĩ đòn roi chẳng phát là xấu quá đâu, nghiêm khắc sẽ tạo cho con người một thái độ nghiêm túc hơn với những việc họ làm, đặc biệt là những em ở lứa tuổi học sinh

    Trả lờiXóa
  5. Thôi đừng có mà giữ con quá. Chưa chắn con mình đã ngoan ngoãn gì đâu. Nhiều gia đình 2 bố mẹ 1 con mà còn chả dạy nổi con , chắc cữ nghĩ đưa con cho giáo viên thì giáo viên phải có trách nhiệm dạy dỗ hay sao ấy nhỉ. Muốn cô giáo dạy 1 lúc 30 40 mạng nhưng lại chỉ được dùng lời yêu thương, cử chỉ âu yếm nghe hơi khó nhỉ

    Trả lờiXóa
  6. Có muôn vàn cách để giáo dục, nuôi dạy trẻ con. Việc giáo dục ấy là cả hệ thống, tất cả thành viên của xã hội chứ không riêng gì cô giáo. Ngày xưa chính nhờ đòn roi, chính nhờ những lần to tiếc, tạo được áp lực nên học sinh mới ngoan, mới vào nếp và có thành công như thế. ngày nay mọi thứ phát triển, ông bà cha mẹ coi con cháu mình như thiên tử, ô ấp vỗ về,...đến khi nó hư hỏng lại đổ tại thầy cô và nhà trường. Sự vụ ở Hà giang thật xót xa, nhưng tôi đau cho cô giáo 1 thì đau cho nhà kia 10, vì đơn giản gia đình kia sẽ nhận lại một đứa con hư.

    Trả lờiXóa
  7. Phụ huynh thời nay cưng con quá hay sao chứ thời trước đây bố mẹ mình còn bảo cô giáo nó mà hư cứ đánh thật đau vào. Mình thì bị tát khá nhiều lần nhưng cảm thấy những cái tát ấy đều đem lại cho mình nhiều bài học bổ ích mà sau này mình chiêm nghiệm thấy được, chỉ biết thầm cảm ơn những cái tát ấy thôi. Những cái tát đã thức tỉnh một đứa học trò nghịch ngợm, phá phách bây giờ đã trưởng thành hơn rất nhiều. Thương con là tốt nhưng đừng quá cưng chiều nó quá rồi sẽ dẫn đến những hậu quả sau này bạn sẽ hối tiếc mà thôi.

    Trả lờiXóa
  8. Việc đúng sai sự việc ở Hà Giang tôi chưa bàn tính đến nhưng chúng ta đều thấy được sự nguy hiểm từ áp lực dư luận của mạng xã hội. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi trong sự việc này, một phần nó giúp tin tức được nhanh chóng nhưng bên cạnh đó nó còn đẩy người liên quan tới sự việc phải chịu áp lực lớn từ dư luận, nhiều người mặc dù không biết sự việc nhưng cũng thờ ơ, vô cảm trách móc, buông lời thậm tệ, đẩy sự việc đi quá đà. Đã có nhiều sự việc đáng tiếc do sự thờ ơ của cộng đồng mạng gây ra nên thiết nghĩ mọi người dùng mạng xã hội hãy có trách nhiệm với nút like, nút chia sẻ của bản thân, một cú clip chuột đối với bạn rất đơn giản nhưng đó là một sự khó khăn đối với người trong cuộc.

    Trả lờiXóa
  9. Cũng như một vị giáo sư ở Trung Quốc đã từng nói, không đánh thì không thành người, tuy nhiên việc đó chỉ dùng ở một mức độ nhất định vừa đủ để học sinh nhận thức được chứ không phải là dùng bạo lực, bạo lực nhiều khi sẽ không giúp học sinh tốt hơn mà vả lại còn phản tác dụng, khiên chúng trở nên cứng đầu cũng nên, do vậy cần có phương pháp dạy dỗ hiệu quả, lựa chọn phù hợp nhất đối với mỗi loại học sinh

    Trả lờiXóa
  10. Có nhiều phương pháp để dạy dỗ con trẻ nên người chứ không phải lúc nào cũng đòn roi thì chúng mới nghe lời, chúng ta phải tuỳ vào tâm lý của mỗi đứa trẻ và tình hình lúc ấy để giải quyêt sự việc, chứ không được bộc phát, tuỳ tiện

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog