Chia sẻ

Tre Làng

'Học phí thấp không thể đòi chất lượng giáo dục cao'

Bài chép của PV Minh Nhật

PGS Ngô Minh Xuân cho rằng khi không còn nhận ngân sách Nhà nước, các trường đại học công lập không thể duy trì chất lượng đào tạo với mức học phí quá thấp như trước đây.

Năm 2021, nhiều trường đại học bước vào lộ trình tự chủ. Học phí được các trường điều chỉnh tăng, thậm chí tăng gấp đôi.

Đại diện nhiều trường đại học cho rằng việc tăng học phí là điều tất yếu để cơ sở giáo dục tồn tại và đảm bảo chất lượng đào tạo khi Nhà nước không còn cấp ngân sách như trước.

Học phí đại học trước đây quá thấp

Một lãnh đạo ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết lâu nay, học phí các trường công lập rất rẻ và dưới chi phí đào tạo.

Các trường "sống" được là nhờ ngân sách Nhà nước cấp theo đầu sinh viên. Mặt khác, các trường cũng nhờ vào hệ đào tạo chất lượng cao (thu học phí cao hơn hệ đại trà) để "bù" hệ đại trà.

Nhưng khi bước vào cơ chế tự chủ, các trường không còn nhận ngân sách Nhà nước như trước, buộc phải tăng học phí để tồn tại.


Lộ trình tăng học phí của ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM).

"Phải nói rõ rằng các trường công lập tăng học phí là dần tiến tới tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sinh viên chứ không phải tăng tiền lên để kiếm lời như các trường dân lập. Mọi người giật mình vì các trường tăng học phí có thể là gấp đôi, hay 10-20% là do trước đó học phí các trường này quá rẻ", vị này nói.

Việc tăng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sẽ đưa việc đào tạo và học đại học trở về thực chất. Gia đình và bản thân sinh viên cũng sẽ cân nhắc kỹ khả năng kinh tế, năng lực học tập, cơ hội việc làm, chất lượng giáo dục của một trường để quyết định có theo học hay không. Nếu học, sinh viên phải học tập nghiêm chỉnh.

Các trường đại học khi thu học phí cao cũng phải đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên, chương trình tương xứng để đáp ứng nhu cầu người học. Thu học phí cao mà đào tạo không tốt, xã hội cũng không ai vào học, kết quả bị đào thải.

"Thử tính toán một năm học phí 50 triệu đồng, 4 năm đại học chỉ tính riêng học phí đã 200 triệu đồng. Nếu sinh viên không học đàng hoàng, tử tế, làm sao kiếm việc để lấy lại số vốn đã đầu tư, chưa kể nhiều em sẽ vay ngân hàng để đi học thì phải trả tiền vay sau khi học xong", lãnh đạo ĐH Công nghệ Thông tin nói.

Việc học phí đại học cao cũng xóa bỏ tư tưởng "chọn đại, học đại" của một bộ phận sinh viên hiện nay. Rõ ràng, khi học phí chỉ 8-10 triệu đồng/năm, phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ rằng thôi cứ học đại rồi tính tiếp dù đôi khi năng lực, sở thích không phù hợp.

Sinh viên ngành Y được hướng dẫn thực hành châm cứu. Ảnh: Nguyễn Tuấn.

Tăng học phí để duy trì hoạt động

PGS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết mặc dù năm 2021 trường tăng học phí gấp đôi, thực tế, mức học phí này vẫn còn quá rẻ so với những trường cùng đào tạo khối ngành sức khỏe và so với chính chi phí đào tạo mà trường bỏ ra.

Dù tăng học phí, mức này vẫn chưa phải "tính đúng, tính đủ" chi phí đào tạo cho sinh viên. Nhưng trường cũng không thể đột ngột tăng học phí quá cao.

"Làm gì có trường đại học nào trên thế giới đào tạo sinh viên ngành Y mà có học phí 3 triệu đồng/tháng. Trường tăng học phí để trước mắt tồn tại được. Thực ra, chi phí đào tạo sinh viên ngành y khoa phải gấp 4-5 lần các ngành, nghề khác. Nếu những ngành khác học phí khoảng 50 triệu đồng/năm là ổn thì ngành Y phải ít nhất 200 triệu", PGS Ngô Minh Xuân nhấn mạnh.

PGS Xuân nói thêm nếu đào tạo như hiện nay, trường đang phải chịu lỗ, lấy nguồn thu từ bệnh viện của trường (Bệnh viện ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) để bù vào.

"Chúng ta thử so sánh đơn giản, học sinh mẫu giáo, tiểu học hiện nay đã phải đóng tiền bao nhiêu một tháng. Trong khi đó, học phí đại học chỉ 3-4 triệu/tháng. Không có chuyện học phí thấp mà đòi chất lượng đào tạo cao. Bây giờ, có nơi bán tô phở 10.000 đồng, chúng ta có dám ăn không? Chúng ta không dám vì nghi ngờ chất lượng", đại diện ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lấy ví dụ.

Khi bước vào tự chủ đại học, không còn nhận được ngân sách Nhà nước, tất cả trường đại học công lập đều phải có lộ trình tăng học phí để đảm bảo chất lượng đào tạo, không riêng gì các trường đào tạo y dược.

5 nhận xét:

  1. Xã hội ngày càng hiện đại, thu nhập và nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng lên,cho nên việc tăng học phí để duy trì nhà trường cũng như cuộc sống của cán bộ, giáo viên theo mình thấy là rất hợp lý theo sự phát triển của xã hội.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tăng học phí là đúng, nhưng cần phù hợp với thực tế

      Xóa
  2. Việc tăng học phí theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo sẽ đưa việc đào tạo và học đại học trở về thực chất. Gia đình và bản thân sinh viên cũng sẽ cân nhắc kỹ khả năng kinh tế, năng lực học tập, cơ hội việc làm, chất lượng giáo dục của một trường để quyết định có theo học hay không. Nếu học, sinh viên phải học tập nghiêm chỉnh.

    Trả lờiXóa
  3. Việc học phí đại học cao cũng xóa bỏ tư tưởng "chọn đại, học đại" của một bộ phận sinh viên hiện nay. Rõ ràng, khi học phí chỉ 8-10 triệu đồng/năm, phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ rằng thôi cứ học đại rồi tính tiếp dù đôi khi năng lực, sở thích không phù hợp.

    Trả lờiXóa
  4. Có tăng học phí cũng phải hài hòa giữa nhà trường và sinh viên

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog