Chia sẻ

Tre Làng

Thủ tướng chốt hạn phải có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra hạn định chậm nhất tới tháng 6/2022 phải có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước, khi tới thăm, làm việc với một số cơ sở sản xuất vắc xin chiều 24/6.

Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty TNHH MTV vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vắc xin, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vắc xin, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát quy trình sản xuất tại Công ty TNHH MTV vắc xin và Sinh phẩm số 1.

Thông qua việc cấp phép vắc xin trong tình trạng khẩn cấp

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị đã báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vắc xin và các sản phẩm phòng chống Covid-19.

Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự kiến sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vắc xin Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay. Giai đoạn 2 sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vắc xin Sputnik V tại Việt Nam.

Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vắc xin nội

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu đặt ra với Chính phủ là phải nhanh chóng, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin.

"Tại cuộc làm việc này, chúng ta khẳng định quyết tâm với Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vắc xin nói chung và nhất là tập trung cho vắc xin Coivid-19 nói riêng. Từ quyết tâm đó, báo cáo các cấp có thẩm quyền, huy động sự vào cuộc của nhân dân để thực hiện bằng được mục tiêu đã đề ra" - Thủ tướng dứt khoát.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, bên cạnh những khó khăn, Việt Nam có những tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện quyết tâm này.

Trước hết, Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vắc xin. Hiện Việt Nam đã sản xuất, chủ động 11/12 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Tiền đề thứ hai, các cơ sở của Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm một số loại vắc xin Covid-19, sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm, vật tư… phòng chống dịch.

Tiền đề thứ ba là truyền thống của người Việt Nam, càng gặp khó khăn, thách thức càng quyết tâm, đoàn kết và thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, trưởng thành và phát triển.

Thủ tướng yêu cầu phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, khắc phục mọi khó khăn theo tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".

"Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất để chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vắc xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước" - Thủ tướng nêu rõ.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn.

Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm "vốn mồi" cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin, trong đó có Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 (hiện đã có gần 8.000 tỷ đồng).

Nhấn mạnh tinh thần tiến công, nói đi đôi với làm, Thủ tướng quán triệt, đây là việc quan trọng phải làm có hiệu quả, vướng mắc tới đâu tháo gỡ tới đó và nhắc lại quyết tâm phải sản xuất bằng được vắc xin phòng Covid-19, chậm nhất là tháng 6/2022.

Vị lãnh đạo Chính phủ kỳ vọng kết quả có thể tới sớm hơn khi Việt Nam hiện đã có nhiều tiền đề quan trọng.

Phương Thảo
Ảnh: Quốc Chính

2 nhận xét:

  1. Đây được xem là một nhiệm vụ chiến lược, được ưu tiên hàng đầu trong thời gian này. Nếu chúng ta không làm chủ được việc sản xuất vaccine thì sẽ có rất nhiều trở ngại mà chúng ta đang thấy hiện nay trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine từ các nước trên thế giới

    Trả lờiXóa
  2. Tại thời điểm hiện tại như ở trên nước ta vacxin covid19 là ưu tiên hàng đầu để có thể tiêm phòng rộng râix trong quần chúng dân nhằm tạo ra hệ miễn dịch trong cộng đồng. hiện nay dịch bệnh covid đang diễn biến phức tạp, số lượng vacxin chưa đủ cung ứng cho hầu hết nhân dân mong các cơ quan ban nghành đặc biệt bộ y tế đẩy nhanh quá trình sản xuất vacxin trong nước để có thể tiêm chủng cho mọi người dân. mong nước ta sớm đẩy lùi dịch bệnh

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog