Chia sẻ

Tre Làng

Tách luật Giao thông đường bộ: Dân là người được hưởng lợi

Khoai@

Dân mạng bắt đầu nóng lên về chuyện tách Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật GTĐB 2008) thành 2 Luật là "Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ" và "Luật Đường bộ". Cá nhân tôi cho rằng việc tách ra thành 2 luật là khoa học, không chỉ vì Luật GTĐB 2008 đã bị lạc hậu mà còn là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn. Luật GTĐB 2008 dù có sửa đổi, bổ sung thì cũng không thể đáp ứng được các yêu cầu về tính khả dụng bởi phạm vi điều chỉnh không thể bao hàm hết những vấn đề mới về an ninh, trật tự. Do đó, việc giao Bộ Công an chuyên tâm lo việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ trong khi đó Bộ Giao thông vận tải tập trung vào vấn đề hạ tầng giao thông là đúng người, đúng việc, đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý nhà nước, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành. 

Mục đích cuối cùng của việc tách luật là để đảm bảo quy định chi tiết, cụ thể, tạo điều kiện cho công tác quản lý chuyên sâu, hiệu quả, giảm thiểu số vụ TNGT, số người chết và bị thương hàng năm.

Trên thực tế, khi bàn về câu chuyện này, nhiều ĐBQH và dư luân  băn khoăn về 2 vấn đề: (1) việc tách luật và (2) chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ công an.

(1).
Một số ĐBQH và người đọc mạng lấn cấn vì tên luật là "Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ", vậy sau này Giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không có "tách" như Luật Giao thông đường bộ hay không? hoặc Luật GTĐB nếu chỉnh sửa, bổ sung thì có cần đến Luật ĐB TTATGT đường bộ nữa không?

Về mặt khoa học, Luật GTĐB 2008 quy định về 2 lĩnh vực rất khác nhau trong cùng một đạo luật. Đó là lĩnh vực "Quản lý, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ" và lĩnh vực "Quản lý về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông (ATGT)."

Do một đạo luật cùng điều chỉnh 2 lĩnh vực khác nhau nên dẫn đến các quy định của Luật hoặc chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực này, hoặc là chỉ phù hợp áp dụng cho lĩnh vực khác nên trong nhiều trường hợp đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc lựa chọn các quy định phù hợp để áp dụng thi hành. Chính vì được quy định trong cùng một đạo luật nên việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng chưa đúng, chưa rõ ràng, rành mạch và dẫn đến chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện, không có Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính. Cũng vì quy định chung chung, nên muốn triển khai thực hiện thì buộc phải ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nhiều quy định tồn tại ở văn bản dưới Luật.

Một điểm đáng chú ý là, Luật GTĐB 2008 không thể điều chỉnh hết các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về ANTT và ATGT đường bộ. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 10, Điều 16, Luật CAND năm 2018 đã giao lực lượng CAND thực hiện nhiệm vụ quản lý về ANTT và ATGT. Đây chính là nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH đã được khẳng định trong Kết luận 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư.

Thực tiễn, nhiều hoạt động tội phạm diễn ra trên các tuyến giao thông đường bộ mà lực lượng công an lại là lực lượng chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự, ATGT đường bộ, nhưng hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định cụ thể về phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an trong công tác quản lý về ANTT, ATGT đường bộ và phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ.

Theo báo cáo của Chính phủ, ở Việt Nam, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 95% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh… Trong khi đó, Luật GTĐB 2008 chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát đảm bảo sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, từ đó dẫn đến hệ quả là mất trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn. Đó là chưa kể đến việc, các quy định của Luật này đã và đang không thể kiểm soát được tốc độ gia tăng phương tiện giao thông đường bộ, cơ cấu, chủng loại phương tiện; chưa kiềm chế được tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân và chưa có cơ chế bảo đảm cho việc phát triển phương tiện giao thông.

Một thực tế khác cũng rất đáng chú ý là việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các điều khoản của Luật GTĐB 2008 còn chậm. Một số quy định của Luật GTĐB chưa phù hợp. Ví dụ, khoản 4, Điều 10 Luật quy định biển báo hiệu đường bộ gồm 5 nhóm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã phát sinh thêm nhóm biển mới “Nhóm biển sử dụng trên các tuyến đường đối ngoại”.

Nhóm biển này tuân thủ theo các quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khoản 2, Điều 37 của Luật chỉ quy định Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc vi phạm quản lý; không quy định trách nhiệm tham gia tổ chức giao thông cho lực lượng CSGT trong khi lực lượng CSGT là lực lượng chủ yếu thực hiện chỉ huy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ. Vì vậy, khi thực hiện nhiệm vụ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, thực tế là lực lượng CSGT lại là đơn vị chủ động đề xuất phối hợp với các đơn vị của ngành Giao thông, Ban An toàn giao thông các địa phương để tiến hành khảo sát, kiến nghị về công tác tổ chức giao thông. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT có thẩm quyền trong việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, khám nghiệm, điều tra giải quyết tai nạn giao thông nhưng các ý kiến tham gia của CSGT không được các cơ quan chức năng giải quyết, khắc phục theo thẩm quyền, nhiều kiến nghị không được tiếp thu, khắc phục kịp thời.

Luật GTĐB 2008 cũng không quy định hoặc quy định không cụ thể, không đầy đủ một số nội dung như nơi cho phép chuyển làn đường, độ tuổi người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, cấm lùi xe trên đường một chiều hoặc đường đặt biển cấm đi ngược chiều, nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ…

Ngoài ra, sự phân công, phân cấp về công tác đảm bảo TTATGT vẫn còn những mặt chưa hợp lý như: Cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý về lao động (sử dụng lái xe) là Bộ GTVT và cơ quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ của lái xe là Bộ Công an chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc trao đổi thông tin về việc cấp, cấp lại giấy phép lái xe và việc xử lý lái xe vi phạm. Công tác đào tạo, sát hạch và quản lý lái xe sau khi sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn bị buông lỏng. Công tác quản lý về an toàn của phương tiện cũng bất cập.

Trong khi Bộ Công an thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới, Bộ Quốc phòng thực hiện cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe cơ giới của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phong thì Bộ GTVT thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật của các loại phương tiện, thực hiện việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số các loại xe máy chuyên dùng.

Giữa Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Công ước Viên 1968 cũng có những mâu thuẫn cần phải khắc phục như Luật quy định xe ôtô phải có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô phải thắt dây an toàn. Trong khi đó Công ước Viên 1968 lại quy định việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với người lái xe và hành khách đi trên phương tiện cơ giới ngồi tại những chỗ có trang bị dây đeo an toàn. Hoặc, Luật quy định người điều khiển xe môtô hai bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động, còn điều khiển ôtô không quy định. Tuy nhiên, Công ước Viên 1968 bắt buộc luật quốc gia phải quy định người điều khiển phương tiện không được phép sử dụng điện thoại di động khi phương tiện đang di chuyển.

Bên cạnh đó, Luật quy định người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe thô sơ không được đi dàn hàng ngang và phải đi theo hàng một. Tuy nhiên, việc đi hai hàng hay nhiều hàng sẽ không cần quy định đối với các tuyến đường dành riêng cho loại phương tiện khi đó nếu tình trạng bề mặt đường rộng đủ điều kiện sẽ tổ chức giao thông phù hợp theo hình thức này. Do đó, trong trường hợp kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đạt đến mức độ nhất định sẽ không cần quy định này nữa.

Ngoài ra, một số nội dung khác chưa phù hợp giữa Luật với Công ước Viên 1968 như quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống báo hiệu đường bộ, ký hiệu quốc gia trên xe rơ mooc…

(2). 
Việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. 

Nhiều người lo ngại rằng, việc chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an sẽ làm tăng biên chế của Bộ này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm đã trình bày trước Quốc hội rằng, "Khi chuyển nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an thì ngành công an chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế". Đây là một trong những tác động tích cực nếu dự luật được thông qua.

Hiện tại, Bộ GTVT có 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX. Do đó, khi chuyển giao cho Bộ công an đảm nhiệm thì Bộ GTVT chỉ phải bố trí sắp xếp lại 650 biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo tiết kiệm nguồn nhân lực. Đối với một Bộ như Bộ GTVT thì việc bố trí sắp xếp lại 650 cán bộ không phải là việc khó.

Hiện nay toàn quốc có 340 cơ sở đào tạo lái xe, 137 Trung tâm sát hạch. Các cơ sở này cơ bản được xây dựng theo hình thức xã hội hóa nên việc thay đổi cơ quan quản lý không ảnh hưởng, các cơ sở sẽ tiếp tục được sử dụng và đội ngũ giáo viên dạy lái đã được cấp giấy chứng nhận sẽ tiếp tục được tham gia công tác đào tạo lái xe nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện.

Với cơ cấu tổ chức như hiện nay, Bộ Công an được bố trí ở 4 cấp là Bộ, Tỉnh, Huyện và Xã trên phạm vi toàn quốc. Trong đó đã bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo 3 cấp (Bộ, Tỉnh và Huyện), gồm 769 đầu mối. Vì vậy khi thêm thẩm quyền này, ngành công an chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế, đủ điều kiện tiếp nhận công tác chuyển giao từ 64 đầu mối của ngành GTVT.

Để phục vụ công tác quản lý, Bộ Công an đã đầu tư, triển khai và lắp đặt hệ thống hơn 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại 63 địa phương, phân cấp quản lý thành 3 cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện; xây dựng phần mềm quản lý giấy phép lái xe và phần mềm in giấy phép lái xe trên chất liệu nhựa tại 63 công an các địa phương để cấp và quản lý GPLX trong công an nhân dân.

Khi chuyển giao nhiệm vụ, công tác quản lý GPLX sẽ được phân cấp đến công an cấp huyện, việc tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại của người dân sẽ được thực hiện từ cấp xã. Bên cạnh đó, Bộ công an sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ triển khai cấp, đổi GPLX trên cổng dịch vụ công, kết hợp tiếp nhận hồ sơ theo phương pháp thủ công dành cho người dân thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa, địa bàn chưa phát triển về khoa học, công nghệ. Lái xe tiếp tục sử GPLX đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại. Người dân có thể nộp hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe qua Công an xã, tương tự như nộp hồ sơ về căn cước công dân. 

Với cách triển khai này, suy cho cùng, người dân là đối tượng được hưởng lợi nhất khi Luật này được thông qua.

Theo PGS.TS Ngô Huy Cương - giảng viên khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi xây dựng riêng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ không chỉ đảm bảo chi tiết, cụ thể để điều chỉnh được hầu hết các vấn đề phát sinh về giao thông đường bộ, mà còn đảm bảo tính khả thi khi triển khai trong thực tế. Điều đó hoàn toàn mang tính khoa học biện chứng, bởi khi xây dựng quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, Bộ Công an sẽ “thuận tay”, thiết thực, sát với thực tế hơn rất nhiều so với việc giao bộ, ngành khác làm “trái tay”.

PGS.TS Ngô Huy Cương cũng cho biết, việc chuyển công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không gây xáo trộn hay tốn kém, lãng phí về nhân lực, vật lực.

Từ phân tích ở trên có thể thấy rằng, việc tách Luật GTĐB 2008 ra thành Luật Đường bộ và Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ là để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về pháp luật cũng như quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và người dân chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất.

8 nhận xét:

  1. theo tôi việc tách luật GT Đường Bộ sang thành 2 luật Đường Bộ và luật ĐB GT ĐB , giao cho BCA về thẩm quyền là đúng đắn, hợp lý hợp tình. Xét cho cùng thì luật GTĐB đã quá cũ, từ năm 2008 ta đã phải thay mới để đáp ứng yêu cầu hiện tại. hoạt động GTĐB tác động trực tiếp tới quyền con người, đó là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản khi đi lại. Tuy nhiên, Luật GTĐB năm 2008 thiếu cụ thể, không quy định đầy đủ, chưa sát với thực tiễn để người tham gia giao thông tự giác thực hiện. "Từ những phân tích trên, cần tách Luật GTĐB 2008 thành "Luật Đường bộ" và "Luật Trật tự an toàn GTĐB" mới phù hợp với xu thế chung"-

    Trả lờiXóa
  2. việc tách luật là "không cần bàn cãi" nhưng điều quan trọng là khi tách luật phải thực hiện chặt chẽ. "Ai là người chịu trách nhiệm đối với kết cấu hạ tầng, các vụ án tham nhũng xây dựng cao tốc, bớt xén trong quá trình thi công gây hậu quả nghiêm trọng? Về việc tồn tại các điểm đen giao thông, tại sao có điểm đen, ai giải quyết? Tài xế gây tai nạn liên tục, có trạng thái tâm thần vẫn được cấp đổi bằng lái xe, thậm chí sử dụng bằng giả vẫn qua mắt lực lượng chức năng nhiều năm. việc ban hành Luật Trật tự an toàn GTĐB sẽ tạo ra bước đột phá về trật tự an toàn GTĐB với những nội dung mới về chính sách, sẽ mang lại lợi ích lớn cho nhà nước và nhân dân.

    Trả lờiXóa
  3. Đáng 1 điểm rất đáng chú ý, các nội dung như quy tắc giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; đăng ký phương tiện giao thông đường bộ; đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe không quy định tại dự thảo luật này.

    Trả lờiXóa
  4. cần thiết phải có bộ luật riêng để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, bảo đảm làm sao đi vào nhận thức thông qua thực hiện luật pháp một cách xuyên suốt nghiêm minh và đồng bộ. Có luật riêng chỉ làm tốt cho xã hội. Khi thiết kế 2 luật, Chính phủ cũng đã thống nhất nguyên tắc 1 việc chỉ 1 người làm chứ không phải 2.

    Trả lờiXóa
  5. việc tách luật phải phù hợp với xu hướng lập pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, đảm bảo phân công nhiệm vụ rõ ràng, từ đó đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.

    Trả lờiXóa
  6. có 1 điểm rất quan trong, đó là an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến các quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện, như: An toàn giao thông (an toàn cho con người đi đường) thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hệ tầng giao thông và vận tải đường bộ (trong đó có chất lượng an toàn công trình và phương tiện) thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Tên gọi Luật Giao thông đường bộ là chuyên ngành, nhưng nội dung, phạm vi điều chỉnh không đúng là luật chuyên ngành dẫn đến hiểu không đúng về mục tiêu của từng lĩnh vực.

    Trả lờiXóa
  7. Việc tách luật như vậy là hoàn toàn hợp lí, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn khách quan trong tình hình mới. Việc tách luật như vậy sẽ hạn chế việc chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng trong việc giải quyết các vụ việc trong khi tham gia giao thông sao cho đúng người, đúng việc, không bỏ trống trách nhiệm.

    Trả lờiXóa
  8. Việc tách luật ra như vậy người dân chính là người được hưởng lợi nhiều nhất. luật càng cụ thể, càng chi tiết thì người dân càng dễ hiểu, càng dễ vận dụng và tuân thủ, cũng không còn lỗ hỏng để bọn phản động hay những tên ỷ mình có tí hiểu biết vịnh vào đó mà lách luật được nữa, quá hay quá hiệu quả còn gì

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog