Chia sẻ

Tre Làng

Về bộ phim điện ảnh Đất rừng phương Nam: Cẩn trọng khi làm phim có yếu tố lịch sử

Từ trường hợp mới nhất của bản điện ảnh Đất rừng phương Nam, những tranh cãi xung quanh việc làm phim từ các tác phẩm văn học sẽ trung thành với nguyên tác, hay chỉ lấy cảm hứng để thỏa sức sáng tạo, vẫn diễn ra không ngớt thậm chí gay gắt trên mạng xã hội.

Tranh cãi chưa hồi kết

Câu chuyện bộ phim Đất rừng phương Nam vừa bắt đầu những ngày chiếu sớm nhưng đã bị chỉ trích “làm sai lệch lịch sử” hiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Bộ phim có thể nói được xếp vào hàng “xưa nay hiếm”, bởi dù đã ra rạp nhưng vẫn được thẩm định lại. Cụ thể, ngày 29-9, 100% thành viên hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện đã kết luận, phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi, với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Nhưng đến chiều 14-10, một lần nữa phim được thẩm định lại theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT-DL với sự tham gia của hội đồng cùng một số cơ quan, đơn vị chức năng.

Bộ phim Đất rừng phương Nam đang tạo ra tranh luận sôi nổi Ảnh: ĐPCC

Trong cuộc họp với Cục Điện ảnh, nhà sản xuất đã chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, nhà sản xuất sẽ thay lời thoại “Nghĩa hòa đoàn” bằng “Nam hòa đoàn” và “Thiên địa hội” bằng “Chính nghĩa hội”. Thay đổi này nhằm tránh sự liên quan đến những hội nhóm của nước ngoài. Đây cũng chính là chủ đề gây nhiều bàn tán, tranh luận và thậm chí không ít ý kiến yêu cầu xét lại, dừng chiếu, dù bộ phim đã ra rạp. Trên mạng xã hội, nhiều bài viết rất dài còn đưa ra các dẫn chứng, lập luận, phân tích để chứng minh phim “làm sai lệch lịch sử” khi “nâng tầm vai trò của Thiên địa hội”.

Có thể nói, Đất rừng phương Nam đến giờ đã trở thành dự án gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Trước khi lên đỉnh điểm với việc phải thẩm định và chỉnh sửa lại, dự án này đã có rất nhiều tranh cãi ngay từ khi mới khởi động. Từ việc trang phục, tạo hình nhân vật không phù hợp, nhất là với bối cảnh lịch sử, đến việc diễn xuất của một số diễn viên bị đem so sánh với bản truyền hình… Bên cạnh đó, việc bộ phim thay đổi thứ bậc chính - phụ của các tuyến nhân vật xung quanh bé An, bối cảnh và không khí loạn lạc thời chiến, hình ảnh lên phim vì quá trau chuốt nên bớt đi sự mộc mạc, giản dị…, cũng được đem ra mổ xẻ đa chiều.

Ngoài ra, việc nhiều chi tiết, tuyến truyện, nhân vật không xuất hiện cũng khiến bộ phim mang đến cảm giác chưa trọn vẹn, đặc biệt khi đặt lên bàn cân so sánh với phiên bản truyền hình đã quá thành công. Nhiều người cho rằng, nhà làm phim đang “để dành” những chi tiết này cho các phần sau, nhưng điều này thì ngay chính đoàn phim cũng trả lời nước đôi, theo kiểu phải có lời mới dám làm tiếp.

Không mập mờ với lịch sử

Một trong những chi tiết mà phim bị lên án gay gắt nhất là vấn đề về tuyến thời gian. Trong nguyên tác Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, thời gian của truyện được ghi rõ là sau 2-9-1945. Trong bản truyền hình năm 1997, Đất phương Nam lùi bối cảnh lại những năm 1920-1930. Còn trong bản điện ảnh vừa ra mắt, theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, phim lấy mốc thời gian trước năm 1930.

Thế nhưng, không phải ngẫu nhiên mà từ sách văn học đến phim truyền hình ngay từ đầu đều nhấn mạnh đến yếu tố thời gian, bởi dù là tác phẩm hư cấu nhưng đều đặt trên nền tảng lịch sử, đều có yêu cầu rất cao về tính chính xác. Phiên bản điện ảnh lấy nguyên tên gốc của tác phẩm văn học, giữ nguyên tên, câu chuyện của các nhân vật, các sự kiện chính, nhưng lại mập mờ, không nêu rõ bối cảnh thời gian, lịch sử khiến nhiều người xem hiểu nhầm bộ phim đang đi theo mạch thời gian của tác phẩm văn học gốc. Chính điều này đã khiến phim chịu nhiều chỉ trích vì các sai sót nghiêm trọng về lịch sử, đặc biệt là khi gắn với các sự kiện, nhân vật, tổ chức có thật trong giai đoạn này. Để “chữa cháy”, nhà làm phim đã phải nhấn mạnh yếu tố “lấy cảm hứng”!

Đất rừng phương Nam có thể xem là một bài học cho những nhà làm phim trong nước khi làm phim từ các tác phẩm văn học, nhất là các tác phẩm có liên quan đến yếu tố lịch sử. Ai cũng hiểu, các phim được làm từ tác phẩm văn học, không phải và không nên là sự minh họa, hay bê nguyên trang sách lên màn ảnh. Thay vào đó, các nhà làm phim thường chỉ lấy cảm hứng để thỏa sức sáng tạo, hư cấu, thêm bớt các nhân vật, tình tiết... Bản thân phim truyền hình Đất phương Nam cũng có thêm nhiều tình tiết mới, hư cấu so với nguyên tác tiểu thuyết.

Sáng tạo, hư cấu là điều tất yếu của nghệ thuật điện ảnh nhằm tạo nên sự mới mẻ, hấp dẫn. Tuy nhiên, với những tác phẩm như Đất rừng phương Nam, yêu cầu đặt ra còn cao hơn, khi vừa phải giữ được tinh thần nguyên bản, vừa phải tạo ra một đời sống mới độc lập và đủ sức thuyết phục khán giả. Đặc biệt, dù sáng tạo theo phương cách nào thì sự cẩn trọng chưa bao giờ là thừa, đặc biệt là với những tác phẩm có yếu tố lịch sử. Bởi dù có chủ đích hay không, việc gây ra những hiểu lầm với khán giả, trách nhiệm trước hết cũng nằm ở chủ thể sáng tạo.

Ngày 16-10, bà Hồ Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TPHCM) cho biết, nhà trường đã thu hồi thư ngỏ đã phát hành trước đó về việc lấy ý kiến cha mẹ học sinh về đề xuất tổ chức cho học sinh đi xem phim Đất rừng phương Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân thu hồi thư ngỏ là do có sai sót về thể thức văn bản; đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến của cha mẹ học sinh về hoạt động nói trên. Nếu có sự đồng thuận, nhà trường vẫn triển khai hoạt động. Đây là hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường theo hình thức tích hợp liên môn. Trường hợp phụ huynh không đồng thuận, nhà trường sẽ có phương án thay thế, đảm bảo quyền lợi của học sinh.

THU TÂM
VĂN TUẤN

21 nhận xét:

  1. Những điểm hạn chế của phim nằm ở chỗ kỹ xảo còn chưa tốt, tác phẩm cho thấy được sự trù phú của một phương Nam sung túc sản vật nhưng lại chưa thấy nhiều sự đàn áp của ngoại xâm với vùng đất này. Những cảnh áp bức, bóc lột chưa thể hiện đủ để làm nền cho các hoạt động nổi dậy khiến cho cảm xúc còn ở lưng chừng, chưa được đẩy lên cao trào.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nếu đã là lấy cảm hứng thì tốt nhất nên chỉ dựa một chút ít vào phần nội dung cốt lõi, rồi từ đó mình phát triển sáng tạo nên theo một hướng mới, chứ đừng nói là lấy cảm hứng rồi bê nguyên nhân vật, bối cảnh, nội dung vào rồi bảo là sáng tạo, đã là về những cái gì mang tính tất yếu thì phải tôn trọng nó, đừng dại mà thay đổi táo bạo

      Xóa
  2. tác phẩm đã xuyên tạc lịch sử khi đề cao vị thế Thiên Địa Hội, trang phục của người Hoa, không phải của người miền Nam ngày xưa. Họ nhận định: "Phim đề cao Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn, hạ thấp vai trò Việt Minh, xuyên tạc lịch sử"; "Tôi đề nghị hội đồng kiểm duyệt xem xét cấm chiếu phim này"; "Phim lật sử mà cũng được duyệt, đổi tên thành Đất rừng Trung Hoa"…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. những lùm xùm vướng mắc xung quanh nội dung về vấn đề lịch sử và các mốc thời gian của tác phẩm điện ảnh này cần được xem xét kĩ lưỡng, và quyết định có cho phép phim được công chiếu nữa hay không, vì nếu đã được chiếu thì nên giải quyết được những vướng mắc đó trong nội dung phim, tránh gây hiểu nhầm cho người xem

      Xóa
  3. Thật ra bộ phim với chuyện lấy "Thiên Địa Hội" làm chủ đạo thế này thì đã thoát ly xa khỏi nguyên tác. Vậy cách tốt nhất để cho dư luận khỏi chỉ trích là đổi tên phim thành "Thiên Địa Hội ở Nam Kỳ", vì bé An trong phim cũng có đất diễn mấy đâu, toàn thấy là Út Lục Lâm (Tuấn Trần đóng) hay anh Tiều (Tiến Luật đóng) đi mãi võ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mùa Xuân23:14 19/10/23

      Thực ra nếu phim này không đưa ý chuyển thể từ tác phẩm thì đặt cái gì cũng được, đằng này viết về lịch sử Việt Nam mà toàn tên Trung Quốc, như thế là lật sử, không một người dân nào chấp nhận xem những nội dung mồm nói là lcjh sử nhưng diễn toàn sai sự thật được

      Xóa
  4. Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết trước một số thông tin mang tính liên tưởng và gây tranh cãi, trong cuộc họp và đối thoại chiều 14/10, đại diện nhà sản xuất chủ động đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Nhà làm phim bỏ tên và lời thoại liên quan đến Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn và thay bằng tên gọi khác không liên quan đến hội nhóm của nước ngoài.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đã có rất nhiều trường hợp đoàn làm phim đã vướng phải những lùm xùm về việc thay đổi nội dung cho tác phẩm của mình, mà các tác phẩm đó có liên quan tới lịch sử, ví dụ như bộ phim "Em và Trịnh" cũng đã từng gặp phải không ít lời ra vào về sự sai sót trong tuyến nhân vật thời đó, vì vậy nên cẩn trọng đối với các tác phẩm điện ảnh có lấy nguồn từ lịch sử

      Xóa
  5. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  6. Theo lý giải của nhà sản xuất việc tự phát nổi lên chống ngoại xâm và cường hào ác bá với nhiều lực lượng phe phái có tính chất địa phương, tôn giáo, chủng tộc lẫn những cá nhân đơn lẻ như Võ Tòng, thầy giáo Bảy là tiền đề cho tinh thần kháng chiến chống Pháp sau này. Câu chuyện phim sẽ được phát triển ở phần tiếp theo để dẫn dắt câu chuyện đến khi các lực lượng yêu nước trong phim tìm được đường lối đấu tranh đúng đắn dẫn đến Cách mạng Tháng Tám.

    Trả lờiXóa
  7. Lãnh đạo Cục Điện ảnh nhấn mạnh trong phim có những hoạt động và lời thoại nhắc đến Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội hoàn toàn không liên quan đến phong trào cùng tên do Chu Hồng Đăng đứng đầu ở Trung Quốc. Thiên Địa hội cũng như Nghĩa Hòa đoàn chỉ được những người dân yêu nước ở Nam Kỳ lúc đó mượn tên gọi để hoạt động độc lập ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. nhiều người họ còn bảo là họ là giáo viên giảng dạy môn lịch sử lâu năm rồi mà họ còn chưa bao giờ nghe thấy hai cái tên "Thiện địa hội" và "Nghĩa hòa đoàn", các tác phẩm điện ảnh nói chung khi có những nguồn cảm hứng được lấy từ lịch sử xã hội ở bất cứ thời kì nào cũng nên cẩn trọng trong vấn đề này

      Xóa
  8. mình đọc tác phẩm “Đất rừng phương Nam” hồi năm 1984, dù đã rất lâu rồi, nhưng vẫn nhớ câu chuyện trong đó. Tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, lấy bối cảnh Nam Bộ năm 1945 – trong thời kỳ thực dân Pháp quay lại tái chiếm, người dân Nam Bộ đồng lòng kháng chiến. Bộ phim này không tôn trọng nguyên tác là mình đã không thích rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong tác phẩm của Đoàn Giỏi, câu chuyện diễn ra vào cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nam Bộ, năm 1945, không nhắc đến các hội nhóm này. Còn phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có bối cảnh vào thập niên 1920-1930, cải biên so với truyện.

      Xóa
  9. Trong một phim như Đất rừng phương Nam, không ai đòi phải giống như nguyên tác, thậm chí có thể là hư cấu. Nhưng nên hư cấu như thế nào cho phù hợp với sự thật lịch sử, tránh đi quá đà. về vấn đề lịch sử, tác phẩm nào cũng phải chính xác và tôn trọng. Đề nghị phải chỉnh sửa lại học cấm chiếu nếu không có sự chỉnh sửa

    Trả lờiXóa
  10. Đã là tác phẩm văn học nhưng mang nhiều giá trị lịch sử thì khi đưa vào loại hình nghệ thuật nào cũng cần phải được tôn trọng và giữ được cái hồn cốt . Cái gì chứ lịch sử thì tốt nhất nên tôn trọng. Vì nó là sự thật được thừa nhận sâu rộng chứ không phải chuyện đùa. không thể tùy tiện được.

    Trả lờiXóa
  11. Lịch sử rất quan trọng . Phim này nếu xem chủ yếu là thành phần gen z dễ bị hiểu sai lệch. Đề nghị hạn chế đối tượng, thậm chí hoãn chiếu dài hạn luôn. Chưa kể là phim làm chưa đúng bối cảnh văn hóa con người nam bộ. Phục trang thì nửa tàu nửa ta, chả ra đâu vào đâu cả

    Trả lờiXóa
  12. Dù là phim giải trí hay phim lịch sử thì đều phải làm đúng lịch sử mới có giá trị, nếu không sẽ làm một bộ phận người dân hiểu lầm lịch sử. Nhà sản xuất nên tôn trọng tính lịch sử. Bộ phim phản ánh tinh thần kháng chiến chống giặc ngoại xâm của ông cha ta

    Trả lờiXóa
  13. Đã đọc bài phân tích của bà Hà Thanh Vân. Bài viết trích dẫn nhiều nguồn tư liệu, rất thuyết phục. Bộ phim nên đổi tên thay vì chỉ thay đổi một số nội dung. Rõ ràng đang mượn ánh hào quang cũ để gây chú ý dư luận. Và cũng như rất nhiều người cảm nhận, bộ phim quay rất "Trung Quốc".

    Trả lờiXóa
  14. Với dòng phim liên quan lịch sử Việt, dù ngoại sử hay chính sử, nhà làm phim luôn cần có ngân sách lớn để thực hiện. Nếu người làm nghề cứ mãi bị chê dẫn đến doanh thu phim dưới mức hòa vốn, thì e rằng tương lai gần sẽ khó có phim Việt nào thuộc dòng phim lịch sử dám làm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi nghĩ, nếu ê-kíp phim tinh tế, khéo léo để giảm bớt những hình ảnh áp-phích, video ca nhạc (MV) nhìn vào là thấy nhiều ý kiến khác nhau, thì đã không đến mức tranh cãi dữ dội hiện nay

      Xóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog