Chia sẻ

Tre Làng

Nghề giáo không chỉ là phấn trắng bảng đen, mà là giấc mơ phải được nuôi bằng cơm gạo

Lâm Trực@

Hòa Vang, ngày 19/5/2025 - Trong xã hội Việt Nam, nếu hỏi đâu là nghề cao quý nhất, người ta sẽ không ngần ngại trả lời: nghề giáo. Nhưng câu hỏi tiếp theo – “vì sao nghề cao quý mà lương lại bèo bọt đến thế?” – thì người ta thường im lặng. Và trong cái im lặng ấy, là những tiếng thở dài không thành lời của hàng triệu thầy cô đang gồng mình trên đôi vai gầy guộc, để không gãy gánh giữa hành trình gieo chữ.

Các thầy cô giáo đến trường ở vùng cao. Ảnh: báo Lao Động

Bây giờ, khi dự thảo Luật Nhà giáo rục rịch đề xuất xếp lương giáo viên ở bậc cao nhất trong hệ thống sự nghiệp hành chính, người ta vỗ tay. Nhưng những tràng vỗ tay ấy, là mừng rỡ hay mỏi mòn, chỉ người trong cuộc mới biết.

Giữ được người thắp lửa, mới mong sáng được tương lai

Làm nghề giáo, nhất là ở bậc mầm non, là đánh cược sức khỏe, là mặc cả với thời gian, là buông bỏ nhàn hạ để giữ lấy một niềm tin rằng: đứa trẻ này lớn lên sẽ biết yêu thương. Giáo viên mầm non không có “tiết dạy” để mà đong đếm công sức. Họ bắt đầu từ 6h30 sáng, dỗ ăn, dỗ ngủ, thay tã, dắt vệ sinh, chơi cùng, dạy hát, dạy múa… Cho đến 5h chiều mới về, nhiều khi còn muộn hơn. Một ngày không phút nghỉ, không khoảng lặng.

Cô Nguyễn Thị Hà ở Ia KDăm (Gia Lai) từng nói: “Việc tăng lương và giảm tuổi nghỉ hưu không phải là ưu ái, mà là sinh tồn.” Nghe tưởng như cường điệu, nhưng ai đã từng bế một bé đang khóc, lau dọn một bé đang bẩn, rồi lại bị phụ huynh phàn nàn... mới hiểu lời cô Hà đúng đến từng mạch máu.

Sau tuổi 50, cơ thể bắt đầu đòi lại những gì thanh xuân đã cho đi. Nhưng trẻ nhỏ thì vẫn hiếu động, vẫn cần vòng tay, ánh mắt, tiếng nói dịu dàng. Một người phụ nữ 55 tuổi liệu còn đủ sức nhấc bổng một đứa trẻ 20kg đang gào khóc vì không muốn ăn cháo?

Vậy nên, giảm tuổi hưu cho giáo viên mầm non, đó không phải là “tưởng thưởng”, mà là lời xin lỗi muộn màng của một xã hội vốn quen lãng quên người phụ nữ đứng sau cánh cửa lớp học.

Lên rừng, xuống núi, học trò một bên – đói nghèo một phía

Nếu ở thành thị, giáo viên còn có thể chạy Grab, bán hàng online để bù thu nhập, thì ở miền núi, đường gập ghềnh, sóng điện thoại chập chờn, cái nghèo bủa vây, thì giáo viên sống bằng gì? 

Cô Đặng Thị Coi ở Cao Bằng, 17 năm làm giáo viên mầm non vùng khó. Mỗi ngày đi bộ 7km qua đồi, qua suối. Vào mùa mưa thì trơn trượt, mùa khô thì nắng táp. Dạy trẻ chưa đủ, cô còn phải học tiếng Mông để nói chuyện với học trò, với phụ huynh. Không đơn thuần là “dạy học”, đó là một cuộc hòa nhập văn hóa, là người truyền lửa trong một môi trường lạnh lẽo, thiếu thốn mọi bề.

Mức lương của cô là 16 triệu - nghe thì “khủng”, nhưng thực phẩm đắt, thuốc đắt, điện đắt, nhà thuê cũng đắt - thì cái gọi là thu nhập ấy rơi rụng như lá mùa đông. Không một giáo viên nào bỏ nghề vì không thương trò, chỉ là tình thương ấy không thể mua nổi thuốc bổ xương.

Một thầy giáo dạy Sử ở Gia Lai, mỗi ngày dậy từ 4h30 sáng, chạy 80km đường núi, bụi mù mịt, để đến trường. Vợ cũng là giáo viên mầm non. Cả hai người, cả hai trái tim vì giáo dục, nhưng vẫn phải vay ngân hàng để mua nhà, để nuôi con. Họ dạy học trò về Bạch Đằng Giang oai hùng, về Lý Thường Kiệt đánh Tống - nhưng lại loay hoay tính toán tiền điện, tiền gạo cuối tháng.

Chúng ta không thể yêu cầu người thầy giữ phẩm giá nghề nghiệp, khi ngay cả những nhu cầu tối giản nhất cũng không được đảm bảo. Một người đang chật vật tồn tại thì làm sao có thể sáng tạo, đổi mới, truyền cảm hứng?

Đừng để “lương tâm nghề” phải đi vay tiêu dùng

Ở Hà Nội, TP.HCM, có cô giáo dạy xong thì ra bến xe khách bán cà phê, có thầy giáo chạy Grab đêm, có người bán đồ handmade, dạy thêm online… Thế mà vẫn phải vay tín dụng tiêu dùng nếu con ốm, chồng thất nghiệp. Một nghề từng được coi là “trí thức của quốc gia” - nay lại thành những cỗ máy làm việc không ngừng nghỉ để bù đắp cho đồng lương hẩm hiu.

Cô Kim Ngọc, hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót nói: “Lương cao là niềm vui của cả ngành giáo dục, không chỉ là chuyện tiền nong, mà là để người thầy được sống đúng vị thế.” Đó là một câu nói đẹp và thẳng thắn. Bởi nếu lương thấp mà vẫn phải gắn bó thì đó không phải là “cao cả”, mà là “cam chịu.”

Giáo viên không cần hoa hồng mỗi dịp 20/11, họ cần lương để đủ sống, đủ giữ gìn lòng tự trọng, để không phải nhìn học trò mà chạnh lòng vì con mình chưa được học thêm.

Lương giáo viên: khoản đầu tư hay là lời hứa suông?

May mắn thay, Bộ Giáo dục đã đề xuất trong Nghị định mới mức phụ cấp nghề tăng từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi, và lên 80% ở vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng chính sách phải đến được tay giáo viên, chứ đừng nằm mãi trên giấy như một bài văn mẫu không người đọc.

Đổi mới giáo dục không chỉ là sách giáo khoa, là chương trình học, mà là người thầy - người thầy có hồn, có lòng, và có cơm no, áo ấm. Cải cách lương không phải là chi tiêu ngân sách - đó là đầu tư cho tương lai. Bởi nếu người thầy không còn, thì bảng đen chỉ còn là tấm ván vô hồn, và bài học chỉ là những dòng chữ chết.

Nghề giáo - dù là xưa hay nay - vẫn là nghề gieo chữ. Nhưng hạt giống chỉ nảy mầm khi người gieo còn đủ sức. Và để giữ được người gieo, thì không thể cứ kêu gọi tình yêu nghề mà quên mất bữa cơm tối của họ.

5 nhận xét:

  1. Không thầy đố mày làm nên, câu nói muôn đời nay vẫn đúng. Vai trò của các thầy cô giáo đối với tương lai của đất nước là rất lớn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì vai trò của các thầy cô lại càng đặc biệt quan trọng. Các thầy cô không chỉ dậy chữ, dạy làm người mà còn người truyền cảm hứng, gắn kết cộng đồng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, nhiều thầy cô vẫn giữ vững tình yêu nghề, lòng kiên định với sứ mệnh “trồng người”. Những câu chuyện như thầy giáo chạy 80 km mỗi ngày để đến trường, hay cô giáo mầm non không có thời gian nghỉ ngơi, đều cho thấy tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương học trò vô bờ bến. Họ không chỉ dạy chữ mà còn gieo hy vọng và nâng đỡ ước mơ cho bao thế hệ học sinh.

      Xóa
  2. Nghề giáo là nghề cao quý nhưng đầy gian truân và thiệt thòi.

    Bài viết khắc họa rõ nét những khó khăn mà giáo viên – đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên vùng cao – phải đối mặt. Họ làm việc trong điều kiện thiếu thốn, vất vả từ sáng sớm đến tối muộn, với thu nhập thấp và ít được xã hội quan tâm đúng mức. Cảnh các thầy cô phải “lên rừng, xuống núi”, dạy học xa nhà, thậm chí phải làm thêm nghề tay trái để mưu sinh cho thấy những hy sinh thầm lặng của họ.

    Trả lờiXóa
  3. Thật cảm phục tinh thần hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo vùng cao. Dù đường sá hiểm trở, điều kiện thiếu thốn, thầy cô vẫn kiên trì bám bản, bám lớp để gieo chữ, gieo hy vọng cho học trò. Đó không chỉ là nghề, mà còn là một sứ mệnh đầy nhân văn.

    Trả lờiXóa
  4. Xem những hình ảnh thầy cô băng rừng, lội suối để đến với học trò mà nghẹn ngào quá... Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn và tình yêu nghề lớn đến vậy. Giữa muôn vàn khó khăn, vẫn có những người thầy, người cô lặng lẽ hy sinh vì học trò. Thật sự quá trân quý! Mong Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhiều hơn đến các thầy cô nơi vùng sâu, vùng xa

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog