Chia sẻ

Tre Làng

Bài diễn thuyết chấn động: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú

Bài diễn thuyết chấn động Trung Quốc: Không đánh, không mắng, không phạt, không có học sinh ưu tú

Chuyên gia giáo dục hàng đầu Trung Quốc Tiền Văn Trung cho rằng, nền giáo dục hiện nay tại Trung Quốc đang thụt lùi vì sự nhượng bộ con trẻ của chính phụ huynh và nhà trường.

LTS: Mới đây, bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung (giảng viên Đại học trọng điểm Phục Đán được trình bày tại "Diễn đàn Cấp cao Giáo dục Gia đình Tân Đông Phương lần thứ 3" đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi chỉ ra những thực trạng sai lầm trong việc dạy dỗ con trẻ của hầu hết các gia đình và nhà trường hiện đại.

Đặc biệt, bài diễn thuyết của giảng viên Tiền còn gạt bỏ sự hô hào mù quáng cho các bậc phụ huynh về hình thức giáo dục được coi là "văn minh", "tiến bộ" như "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất". Từ đó, ông đã chỉ ra rằng, lối dạy dỗ con cái không đi liền với các hình phạt nghiêm khắc sẽ phá hủy tương lai của xã hội.

Dưới đây là nguyên văn bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung đã giúp hàng triệu các bậc cha mẹ, thầy cô "thức tỉnh".

"Tôi vô cùng vinh hạnh khi được tới tham dự diễn đàn lần này. 

Lẽ ra đề tài diễn thuyết của tôi do thầy hiệu trưởng Du Mẫn Hồng chỉ định. Nhưng sau khi lắng nghe những phát biểu của thầy Du tại trường Ngoại ngữ Trịnh Châu cùng đôi lời của đồng chí hiệu trưởng trường Tứ Trung, tôi đã mạnh dạn đề xuất đổi đề tài.

Trước tiên tôi muốn dùng thân phận của một người thầy giáo, sau đó là vai trò của một người phụ huynh, và cuối cùng kể tới xuất thân từng là học sinh để phát biểu đôi lời về cái nhìn của tôi đối với giáo dục.

Luận điểm thứ nhất: Vấn nạn "con một" mà Trung Quốc hiện nay đang phải đối mặt

Nền giáo dục Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề trước nay chưa từng có.

Cho tới thời điểm hiện tại, quan điểm của chúng ta đối với giáo dục nước nhà có lẽ đều bắt nguồn từ một sai lầm. Đó là bởi chúng ta chưa bao giờ thực sự suy nghĩ xem "giáo dục là gì?".

Chúng ta đang không ngừng nhượng bộ, biện hộ cho bản thân mình và bào chữa thay cho con cái. Tôi muốn nói rằng, giáo dục không phải là như vậy, và cũng không nên như vậy.

Trung Quốc đang gặp phải một vấn nạn mà lịch sử loài người trước kia chưa từng gặp qua, đó chính là sự xuất hiện của "giống loài" mang tên "con một".

Chưa có một loài nào kể từ khi trái đất hình thành cho tới khi xuất hiện con người, mà phải duy trì chính sách "con một" để kiểm soát dân số như chúng ta.

Lịch sử nhân loại trước nay chưa từng tồn tại thực trạng số lượng người không có anh chị em đang tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn như ở Trung Quốc.

Và xin mọi người đừng quên rằng, tất cả những lí luận giáo dục, phương pháp giáo dục, cách thức giáo dục của chúng ta trước giờ đều xây dựng để dành cho những đứa trẻ có anh chị em.

Hiện nay, những nhà giáo dục của chúng ta đều đang ra sức nghiên cứu, suy nghĩ. Thế nhưng, hãy lưu ý rằng, chủ thể của đối tượng tiếp thu giáo dục ngày nay là một "loài" mà trước giờ chưa từng xuất hiện trong lịch sử.

Chúng ta không biết làm cách nào để dạy dỗ những đứa trẻ ấy. Tuyệt đối không nên nghĩ rằng, chúng giống như chúng ta. Chúng và chúng ta khác nhau, thậm chí có thể nói là hoàn toàn khác nhau.

Hệ quả của chính sách "một con" đang tác động lên xã hội Trung Quốc. Tranh minh họa.

Ngày nay, chúng ta ưa chuộng thứ gọi là "giáo dục vui vẻ", chúng ta yêu thích việc kể lại thời thơ ấu của mình một cách thật vui vẻ. 

Vậy nhưng, tuổi thơ của chúng ta có thực sự "vui vẻ" hay không? Ít nhất, cá nhân tôi, không hề cảm thấy thời thơ ấu của mình vui vẻ một chút nào!

Hồi chúng ta còn tới trường, có lúc không làm bài tập sẽ bị các thầy cô đánh vài cái, mắng vài câu. Vậy thì sao có thể gọi đó là "giáo dục vui vẻ"?

Tôi thực sự nghĩ không ra, vì sao giáo dục lại cứ nhất thiết phải đề cao, tôn thờ hai chữ "vui vẻ"? Phải chăng đó là hệ quả của việc chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục nước ngoài?

Tôi cho rằng, trong giáo dục nhất định phải có yếu tố "đau khổ", và đây là chuyện đương nhiên. Tôi cũng thực sự không hiểu, tại sao chúng ta cứ phải nhượng bộ đối với con cái của chính mình?

Luận điểm thứ hai: Không có biện pháp kỷ luật thì sao gọi là giáo dục?

Hiện nay, phương pháp giáo dục của chúng ta đối với trẻ em hầu hết đều là cổ vũ, khích lệ. Điều đó không hẳn là sai.

Nhưng còn vấn đề kỷ luật thì sao? Giáo dục có thể không áp dụng bất kỳ hình thức xử phạt nào hay sao? Chỉ dựa vào việc hô hào, cổ vũ là có thể hoàn thành giáo dục được chăng?

Tôi không tin!

Trẻ em ngày nay, nói không nghe, mắng không được, phê bình cũng chẳng xong, thậm chí càng ngày càng không chịu nổi một cú vấp ngã.

Lúc còn nhỏ, thầy của tôi cũng từng phạt tôi. Nhưng cho tới bây giờ, tình cảm thầy trò giữa chúng tôi vẫn luôn rất tốt.

Kỷ luật thì sao?

Tôi từng đi du học ở châu Âu. Đó là nơi mà chúng ta vẫn thường ca ngợi về sự hoàn mỹ trong nền giáo dục của họ.

Được! Vậy tôi và các bạn cùng xem thử xem, nội quy của các trường học tại Anh nghiêm khắc tới mức nào.

Nghị viện Anh đã thông qua một điều luật có nội dung khái quát là: "Trong trường hợp đã cảnh cáo nhiều lần, cho phép các giáo viên được áp dụng những biện pháp cần thiết, bao gồm cả "tiếp xúc thân thể" trong phạm vi nhất định để khiến những học sinh không tuân thủ kỷ luật buộc phải chấp hành kỷ luật".

Nói trắng ra, là các giáo viên tại Anh có quyền kỷ luật những học sinh vi phạm kỷ luật bằng hình thức đánh.

Tôi cũng thường nghe người ta ca ngợi về nền giáo dục của Singapore. Nhưng dường như họ quên rằng, đất nước ấy không phải vẫn thường treo một cây thước ở tường sau đấy ư?

Tôi còn nghe nói, trẻ em ở đó nếu không nghe lời, theo quy định sẽ bị đánh ba thước, và chỉ được phép đánh vào lòng bàn tay chứ không được đụng đến lưng bàn tay. Hình phạt này cũng chỉ được thực hiện khi có ít nhất hai giáo viên tại hiện trường.

Giáo sư Tiền Văn Trung cho rằng, khác với suy nghĩ của nhiều người Trung Quốc, bản chất của giáo dục nước ngoài không phải là triệt tiêu hoàn toàn việc xử phạt hay kỷ luật. Ảnh minh họa.

Nếu như nói cách giáo dục của chúng ta trong quá khứ đều là sai lầm, vậy thì ai đã đào tạo nên những người như hiệu trưởng Du Mẫn Hồng của chúng ta, và còn cả những đồng chí tài ba như Đặng Tiểu Bình, Vương Cường nữa?

Mỗi người chúng ta ở đây đều không phải là thành quả của một nền giáo dục trong quá khứ đào tạo thành hay sao? Chúng ta có khạc nhổ bừa bãi hay trở thành bè lũ du côn chăng?

Hoàn toàn không! Hơn nữa, chúng ta còn trưởng thành rất tốt.

Tôi cho rằng, giáo dục không thể càng ngày càng thêm nhân nhượng. Bởi chúng ta đều phải có trách nhiệm đối với con trẻ.

Không nên hùa theo một số cách nói "nghe thì có vẻ tốt" trong xã hội, giống như những khái niệm mơ hồ về thứ gọi là "giáo dục tố chất", "giáo dục vui vẻ"…

Luận điểm thứ ba: Chế độ thi cử ngày nay có thực sự công bằng hay không?

Xã hội loài người không tồn tại cái gọi là công bằng tuyệt đối. Trung Quốc chưa hẳn cái gì cũng công bằng, ngay tới Mỹ cũng vậy mà thôi!

Hiện nay, gần như chỉ có một thứ có thể nhận xét là "tương đối công bằng". Đó chính là kỳ thi đại học của chúng ta.

Nếu như các trường học đều dựa theo cái gọi là "năng khiếu", "tố chất" để tuyển sinh, vậy thì con em ở những gia đình bình thường tại Trung Quốc liệu có nổi mấy người đỗ vào được Thanh Hoa, Bắc Đại?

Một đứa trẻ ngay tới cả cạnh tranh công bằng cũng không được cạnh tranh, sao có thể nói tới chuyện xét "tố chất", xem "năng khiếu", liệu có mấy ai tin được?

Vì vậy, chúng ta không nên hùa theo một số thành phần tự nhận mình là "chuyên gia" trong xã hội.

Hiện tại, tôi đề nghị khôi phục lại chế độ thi đại học tập trung trên cả nước, hơn nữa cần triệt để xóa bỏ việc cộng điểm ưu tiên.

Còn nhớ, đồng chí Vương Cường năm xưa từng là người đứng thứ hai trong kỳ thi đại học ở khu vực Nội Mông Cổ. Tôi năm ấy đứng thứ hai ở Thượng Hải. Chúng tôi đều học như vậy, thi như vậy mới có thể đỗ vào Đại học Bắc Kinh.

Nếu như chế độ thi đại học đã không thể sửa đổi, vậy thì nền giáo dục của chúng ta vĩnh viễn cũng không thể sửa đổi.

Cách thức thi ấy chưa thể thay đổi là do chúng ta không tìm được một kiểu thi nào ưu việt, tân tiến và tốt hơn so với cái cũ.

Dù cho kỳ thi đầu vào đại học thực chất chưa phải là hình thức công bằng nhất, nhưng nó được coi là chế độ "không tệ" nhất, chế độ "ít bất công" nhất.

Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta phải làm rõ những mâu thuẫn mà chúng ta đang phải đối mặt.

Kỳ thi đại học tập trung tại Trung Quốc được giáo sư Tiền đánh giá là hình thức thi cử tương đối công bằng nếu bỏ đi việc cộng điểm ưu tiên.

Có người từng hỏi tôi:

"Thầy Tiền, thầy giảng quốc học trên TV mấy năm nay, hết giảng ‘Tam tự Kinh’ lại đến ‘Đệ tử quy’. Thầy thấy đâu là khó khăn nhất trong việc phổ biến những kiến thức này?"

Câu trả lời của tôi luôn là: "Mong cho các ngành có liên quan sẽ ra sức hỗ trợ việc phổ cập và đưa vào chương trình giảng dạy".

Thực ra đây cũng không phải khó khăn lớn nhất. Trở ngại to lớn hơn cả chính là:

Nếu như học theo "Tam tự kinh" và "Đệ tử quy", vậy thì theo như tiêu chuẩn đào tạo học sinh, sinh viên của những trường danh tiếng đang có mặt tại diễn đàn lần này, những đứa trẻ đó bước ra ngoài xã hội chắc chắn 90% là phải chịu thiệt.

Bạn thử nghĩ, cho một đứa trẻ học "Tam tự kinh" để rèn trung thực, giữ chữ tín, học cách hiếu thuận, kính trên nhường dưới… Nếu đem những đức tính ấy ra ngoài xã hội phức tạp như hiện nay, chắc chắn con em của bạn sẽ là người chịu thiệt.

Điều này cho thấy, xã hội của chúng ta đang tồn tại một vấn đề lớn. Ai có thể phủ định điều đó?

Đây chính là lý do mà chúng ta phải học và làm theo những điều căn bản nhất trong tinh hoa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bản thân tôi là một người thầy giáo, công việc hằng ngày đều cần tiếp xúc với học sinh. Vì vậy, tôi muốn nói với mọi người, chúng ta cần phải có ý thức về sự gian khổ trong giáo dục ở Trung Quốc.

Trẻ em dù sao cũng chưa phải là người lớn. Con em của chúng ta nhất định phải được quản lý, nhất định phải cần tới kỷ luật, nhất định phải để cho chúng biết, giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ, học tập cũng không đơn giản là con đường trải toàn hoa hồng.

Nếu một người có thể cảm thấy vui vẻ trong học tập, vậy người ấy nhất định sẽ trở nên vô cùng tài giỏi. Nhưng đại đa số mọi người đều không cảm thấy việc học là sung sướng, là thoải mái.

Hầu hết chúng ta đều thấy, học là gian nan, khó nhọc. Chúng ta học vì một mục đích nào đó, và hơn hết là bởi ta ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc đời, cho nên dù thế nào, cũng không thể không học!

Luận điểm thứ tư: Trẻ em ngày nay phải trả giá quá thấp cho việc phạm lỗi

Chúng ta cần nói cho con trẻ biết rằng, phạm lỗi là việc phải trả giá. Nếu như cả xã hội này đều chạy theo trào lưu nhân nhượng con em, vậy thì không chỉ tương lai của đứa trẻ đó đáng lo ngại, mà tương lai của chúng ta cũng là điều đáng lo ngại.

Những đứa trẻ được dạy dỗ như vậy, khó có thể thể gánh nổi trọng trách phát triển tương lai cho Trung Quốc.

Hiện nay, trẻ em tiến bộ, xã hội tiến bộ; trẻ em thụt lùi, giáo viên thụt lùi; trẻ em mắc lỗi, phụ huynh nhượng bộ. Cha mẹ thương xót con em mình, giáo viên thì e dè học sinh của mình. Vấn nạn "con một" từ đó mà hình thành.

Nếu giáo dục cứ tiếp tục như vậy thì sao chúng ta có thể tiến bộ được? Càng huống hồ, giáo dục hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn, nên khó có thể giải quyết và áp dụng theo những lý luận thông thường.

Cha tôi từng được thụ hưởng một nền giáo dục hết sức tốt đẹp, nên ông cũng không thể chấp nhận được cách dạy con của tôi. Có một lần, chứng kiến tôi dạy dỗ con mình, cha tôi đứng cạnh tỏ ra rất không vui.

Khi đó, con tôi nói: "Bố ơi, vì sao bố lại nói con như thế?"

Tôi bảo: "Vì con làm sai!"

Nó lại trả lời: "Cho dù con làm sai, bố cũng không được nói con như thế!"

Tôi hỏi: "Con đã đọc qua ‘Tam tự kinh’ chưa?"

Nó nói: "Có phải bố muốn nói tới câu ‘nuôi mà không dạy là lỗi của cha’ hay không?"

Tôi đáp: "Đúng!"

Nó cự nự: "Hai hôm trước, bố vừa giảng ‘Đệ tử quy’ còn gì. Trong đó có viết ‘trước kính trên, sau thủ tín’. Bố làm cho ông không vui, vậy thì sao con lại phải làm cho bố vui lòng?"

Câu chuyện nhỏ của gia đình tôi đã phản ánh một hiện thực: Cách giáo dục truyền thống của chúng ta tới ngày nay đã hoàn toàn sụp đổ. Và tất cả chúng ta đều đang phải đối mặt với nhiều xung đột từ những điều căn bản nhất.

Giáo sư Tiền thẳng thắn chia sẻ về những mâu thuẫn trong quan niệm dạy con của gia đình mình để mọi người hình dung rõ về mâu thuẫn tồn tại trong quan niệm giáo dục hiện nay tại Trung Quốc.

Với tư cách là một bậc phụ huynh, tôi lại mong rằng, nếu thầy của con tôi thấy nó không nên người, cứ việc đánh nó vài cái, phạt nó vài lần. Đấy là việc nên làm. Hơn nữa, Bộ Giáo dục nên đưa ra quy định cụ thể về hình phạt dành cho học sinh.

Chúng ta hiện nay đều hô hào về việc khích lệ sự tự tin ở trẻ bằng cách khen ngợi chúng. Điều này là đúng, nhưng nếu làm quá lại hóa thành sai.

Trẻ em thụ hưởng cách giáo dục cổ vũ quá mức, đến lúc bước chân ra ngoài xã hội, đối mặt với sự thật đầy những điều tương phản, chúng sẽ bị "sụp đổ", bị "phá hủy".

Chúng ta nên nói cho trẻ biết, kỳ thực xã hội này hết sức tàn khốc, hết sức thiếu công bằng, phải chuẩn bị tinh thần mà chịu đựng ấm ức, càng sớm chịu ấm ức, càng sớm được tôi luyện.

Nếu như hiệu trưởng, giáo viên xử phạt những học sinh phạm lỗi, thậm chí đánh chúng vài cái, tôi thực sự phải cảm ơn những người cô, người thầy ấy.

Hãy ngừng lại việc hô hào mù quáng về "giáo dục vui vẻ", "giáo dục tố chất", "giáo dục thành công". Thành công là thứ hào nhoáng biết nhường nào, mà tôi thì cho rằng, chỉ cần dạy trẻ lớn lên như một người bình thường và được hưởng hạnh phúc đã là điều rất tốt rồi!

Luận điểm thứ năm: Giáo dục không thể càng ngày càng nhân nhượng

Tôi quan niệm, giáo dục phải là chuyện chân thực nhất. Giáo viên không nên lúc nào cũng xét đoán tới suy nghĩ của phụ huynh và con trẻ, càng không nên lúc nào cũng nhân nhượng học sinh, nhún nhường phụ huynh.

Con của chúng ta không đỗ vào một trường đại học danh tiếng cũng không sao hết. Tôi chỉ mong chúng trưởng thành khỏe mạnh, được sống một cuộc đời hạnh phúc.

Huống chi, nào ai biết được loài người chúng ta còn tồn tại được bao nhiêu năm. Hoắc Kim đã từng dự đoán, có lẽ chỉ khoảng trên dưới 200 năm.

Nếu thực sự như vậy, tôi sẽ bảo cháu tôi đừng sinh con nữa. Các vị có cho rằng đó là một chuyện nực cười không?

Ngày nay, điều chúng ta cần cố gắng là làm sao để con trẻ khỏe mạnh cả về tâm lý và sinh lý, sau đó trao cho chúng quyền được quyết định tương lai của mình. Bởi chúng ta không thể lo toan cho chúng cả đời.

Đừng để thế hệ sau giống như chúng ta lúc nhỏ, phải trải qua cuộc sống khó khăn, phải lớn lên trong một xã hội chưa phát triển, kinh tế còn nghèo nàn, nhưng lại luôn lớn lên trong sự bao bọc của cha mẹ.

Tôi bây giờ vô cùng ngưỡng mộ cha mẹ tôi. Họ dám đánh, dám mắng chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn vô cùng yêu họ.

Trẻ em ngày nay nói không nghe, mắng không được, thậm chí chỉ lườm một cái, không chừng còn bị ông bà chúng quở trách vì quá nghiêm khắc.

Giáo viên càng ngày càng ít dám phê bình học sinh, càng không dám đụng tới thân thể của trẻ vì sợ phụ huynh tới cửa lớp làm ầm.

Có một lần, khi giảng "Đệ tử quy", nói đến câu "thủ hiếu đễ" (giữ đạo hiếu), tôi liền nhờ trợ lý tìm giúp ví dụ phản biện về những vụ việc "bất hiếu", "giết cha", hại mẹ" xảy ra trong năm rồi in ra nhằm phục vụ cho bài giảng.

Chỉ một lúc sau, trợ lý nói với tôi: "Thầy ơi, hết giấy để in rồi!"

Từ thực tế ấy có thể nhìn ra rằng, nếu chúng ta không quản nghiêm con trẻ, thậm chí dùng danh nghĩa yêu thương mà nhân nhượng chúng, đó đích thị là một cách giáo dục sai lầm.

Có lẽ, quan điểm này của tôi có phần đột ngột. Nhưng khi nghe tới những khẩu hiệu giáo dục như "làm thế nào để trẻ càng thành công", trong lòng tôi chỉ nảy ra ba chữ: "Không tin tưởng"!

Vì vậy, tôi chọn cách nói với các giáo viên, các hiệu trưởng đang ngồi đây về nghĩ thực sự của mình. Nếu chúng ta không làm rõ những thứ mơ hồ này, vậy thì chúng ta chẳng sớm thì muộn sẽ cùng nhau "rồi đời".

Giáo dục, đặc biệt là giáo dục cơ bản, e rằng không nên chỉ đơn thuần là đi theo trào lưu của xã hội.

Đây thực chất là một vấn đề lớn. Bản chúng ta chỉ đơn giản cho rằng, giáo dục nên song hành cùng sự phát triển.

Vậy, xã hội là đang "giáo dục" nền giáo dục, hay giáo dục đang "giáo dục" cho xã hội?

Tôi cho rằng, nên để nền giáo dục "giáo dục" xã hội này. Nhưng thực tế hiện nay, thì xã hội lại đang "đè đầu" giáo dục. Nếu cứ như vậy, tính căn bản trong giáo dục sẽ chẳng còn tồn tại, và những lí luận giá trị cơ bản nhất rồi cũng sẽ sớm tiêu tan.

Vòng hộ mệnh cuối cùng của chúng ta chỉ có giáo dục. Chúng ta không nên dễ dàng nhượng bộ xã hội, càng không nên dễ dàng nhượng bộ con em của mình.

Chúng ta nên trao cho hiệu trưởng và giáo viên quyền kiểm soát nhiều hơn. Đối với con trẻ, vinh dự càng cao, đãi ngộ càng tốt, thì trách nhiệm cũng càng phải nhiều lên.

Đây là những lời "rút ruột rút gan" của tôi. Nếu có chỗ nào không đúng, mong các vị hiệu trưởng trước hết hãy xem tôi như một học sinh, sau đó coi tôi như một vị phụ huynh, và cuối cùng mới nhìn nhận dưới tư cách là một giáo viên "hậu bối" để nhận xét, phê bình.

Tôi xin chân thành cảm ơn!"

Mặc dù chỉ đề cập đến nền giáo dục của Trung Quốc hiện nay song bài diễn thuyết của giáo sư Tiền Văn Trung nếu vượt qua biên giới Trung Quốc, có lẽ nó cũng sẽ chạm đến tư duy, suy nghĩ của rất nhiều phụ huynh ở những nước khác trong đó có Việt Nam.

Giáo dục hiện nay, đúng là có rất nhiều điều đáng bàn!

21 nhận xét:

  1. giáo dục trong đó bao hàm cả việc dạy con cái biết nhận ra lỗi lầm và sửa chữa lỗi lầm của mình. Nếu như giáo dục đi đôi với nhân nhượng, với những cái tặc lưỡi của phụ huynh "nó còn nhỏ mà", "lần sau nó sẽ không như thế nữa" thì chính những bậc làm cha làm mẹ đang dạy con mình trở thành a quy, và không bao giờ biết nhận lỗi với người khác. Giáo dục đúng cách sẽ giúp con của mình tích cực hơn trong mọi việc.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông thầy này, Giáo dục thì phải có kỉ luật, có khen có chê chứ không thể mãi là bao che, lờ đi như thế trẻ con sã càng lấn tới, chúng nó còn trẻ chúng nó chưa hiểu được, chưa suy nghĩ được thế nào đúng thế nào sai nhưng mà người lớn lại không xử lý đúng mực mà cho qua thì họ lấy gì mà rút kinh nghiệm và tất nhiên tôi không khuyến khích việc dùng bạo lực quá đáng với các em học sinh.

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta quên mất rằng, một đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ, hiền lành không phải sinh ra đã được như vậy mà nhờ được người lớn chăm sóc giáo dục. Bác Hồ cũng đã từng viết “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên” (Nửa đêm- Nhật ký trong tù). Một đứa trẻ lớn lên, hình thành được một tính cách tốt hay xấu trước hết nó phụ thuộc vào sự giáo dục của người lớn trong gia đình, nhà trường mà các em học và môi trường xã hội, các hoạt động xã hội mà trẻ em tham gia. Nhìn vào “ba lực lượng” giáo dục này nhiều lúc chúng ta phải giật mình bởi cách giáo dục còn thiên lệch, khắc kỷ hoặc là buông lỏng một cách đến vô tâm.

    Trả lờiXóa
  4. Với gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, và trẻ em là người được học những bài học đầu tiên và thường xuyên về nhân cách trong gia đình. Thế nhưng, trước sự tác động của cuộc sống hiện đại, trước nhu cầu mưu sinh của nhiều gia đình mà giáo dục con cái bị sao nhãng. Có gia đình, nhất là ở nông thôn, bố mẹ sinh con gửi lại ông bà để đi làm kinh tế. Chỉ lo tiền cho con mà không biết rằng con cái thiếu thốn tình cảm, cần tình thương, sự ôm ấp vỗ về, động viên an ủi của cha mẹ khi chúng gặp những trở ngại trong cuộc sống. Những đứa trẻ thiếu tình thương thường sống lạnh lùng, vô cảm...KHi họ đến trường mà lại không được giáo dục cẩn thận, mà chiều quá thì kết quả sẽ như thế nào.

    Trả lờiXóa
  5. Nó giống với câu nói phổ biến gần đây :" Tôi chiều em quá nên em hư đúng không" KHi chúng ta cho trẻ con quá nhiều quyền và trong khi đó bản thân nhà trường, gia đìn thiếu sự tahy đổi đồng bộ về cách giáo dục thì liệu kết quả có hiệu qảu được không hay là càng đẩy lũ trẻ vào những điều không tốt, giáo dục vui vẻ không có nghãi là không quát mắng, đánh, trẻ con như búp trên cành nếu không giáo dục cẩn thận mà buông lỏng thì hậu quả vô cùng to lớn.

    Trả lờiXóa
  6. Rõ ràng trẻ em của chúng ta ngày nay ít được quan tâm giáo dục về nhân cách, đạo đức cũng như nếp sống và cách ứng xử. Phần lớn gia đình buông lỏng sự giáo dục con cái: “trăm sự trông cậy vào nhà trường”; trong khi nhà trường cũng chỉ nặng về “dạy chữ” và coi nhẹ việc “dạy người”. Các đoàn thể trong nhà trường cũng như tại cụm dân cư chưa có những hoạt động có sức hấp dẫn tạo ra sân chơi lành mạnh và có tác dụng giáo dục trẻ em.

    Trả lờiXóa
  7. quả thực không chỉ Trung QUốc mà một số nước phương ĐÔng đang có xu hướng thỏa hiệp, nhân nhượng với lỗi lầm của con trẻ một cách thái quá. Càng ngày, dân số càng đông,áp lực giáo dục đè nặng hơn nhiều với những giáo viên ấy thế mà quý phụ huynh không những không thấu hiểu mà còn chì chiết, áp đặt quá nhiều thứ lên vai giáo viên, đặc biệt khi giáo viên xử phạt con trẻ.

    Trả lờiXóa
  8. bài viết này quá hay, chạm đến vấn đề nóng của xã hội bây giờ là cách dạy dỗ con trẻ. Cha mẹ nào mà chẳng thương con nhưng ông cha ta đã có câu " thương cho roi cho vọt", thương là chỉ và dạy con cách sửa sai theo hướng giúp con tiến bộ mà không để lại nỗi ám ảnh trong con. Đừng tự biện minh cho hành động dung túng quá trớn của mình bằng việc tất cả là vì thương con.

    Trả lờiXóa
  9. không đánh, không mắng, không nạt khi con mắc lỗi là đang dung túng cho những hành động sai trái của con. Đánh, mắng ở đây không phải là làm cho con phải sợ hãi quá mức mà là để con nhận ra lỗi của mình và không tái phạm nữa. Và đây cũng là cái cớ để cha mẹ chèn ép giáo viên khi giáo viên có những hình thức xử lý khi học sinh vi phạm. Thực sự cần có sự phối hợp giữa cha mẹ và giáo viên trong nuôi dạy con trẻ.

    Trả lờiXóa
  10. Chúng ta phải có trách nhiệm với những hành động của những đứa trẻ. Nếu chúng ta không kiên quyết chỉ ra lỗi sai của con mà chỉ dùng cách a quy để dạy con thì sẽ biến chúng trở thành những đứa trẻ hư, những đứa trẻ kiêu ngạo.

    Trả lờiXóa
  11. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  12. đừng bảo vệ con cái mình một cách mù quáng mà hãy để con nhận ra được những lỗi lầm của chúng theo một cách giáo dục tích cực nhất. Không mắng, không quát không phải là vì thương con mà gián tiếp hình thành nên trong đứa con sự kiêu ngạo, dẫn đến những hành vi khó kiểm soát.

    Trả lờiXóa
  13. điều đáng nói xã hội Trung QUốc đang có nhiều sự thay đổi về mặt nhận thức của người dân trong thời đại đổi mới. Chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh lên nên những đứa trẻ được xem như vật quý báu và được bảo vệ bởi chiếc áo mà cha mẹ khoác lên cho chúng sự kiêu ngạo và không biết nhận lỗi. Đừng đổ lỗi cho khách quan mà hãy xem cách dạy con cái làm sao cho đúng.

    Trả lờiXóa
  14. Giáo dục con trẻ là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, nó không phải là nhiệm vụ riêng biệt được phụ huynh ủy thác cho nhà trường. Gia đình là nền tảng, là động lực để thúc đẩy sự phát triển của học sinh; Nhà trường là con thuyền đưa học sinh cập bến bờ tri thức. Ông cha ta có dạy "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi",, sự chiều chuộng, e ấp, sự cưng nựng làm ch con trẻ thui chột đi tính tự lập, thích ỷ lại, đổ lỗi, sống ích kỷ. Đây là cái tội lớn nhất khiến trẻ bị hư là vậy. Tôi không ủng hộ việc giáo viên lạm quyền trong mắng, chửi, xúc phạm học sinh; nhưng tôi cũng không coi trọng phụ huynh nào bênh vực con cái vô lối trước nhà trường. Chính sự nghiêm khắc, chính sự gắt gỏng, chính những hình phạt nặng như thế mới có được những lớp học sinh ưu tú, ngoan ngoãn. Thép có tôi luyện lâu mới bền chắc, vững; khổng tử phạt học trò quỳ vào vỏ mít phơi khô...Lỗ hổng trong cách quản lý nuôi dạy con trẻ là đây, không roi vọt, không mắng mỏ, khôn gleen "cót" ắt sẽ không thành người.

    Trả lờiXóa
  15. Mỗi đứa trẻ cần một phương pháp dạy dỗ khác nhau, không thể áp dụng một phương pháp cho tất cả trẻ em. Có những đứa trẻ cần sự nghiêm khắc, kỷ luật thép nhưng có những đứa trẻ lại phải giáo dục bằng lời nói.

    Trả lờiXóa
  16. Trong bài phát biểu của ông này thì tôi cũng có những điểm đồng tình lẫn không đồng tình vì rõ ràng mỗi đứa trẻ có một cách giáo dục khác nhau. Đúng là ở những thời điểm bọn chúng quá cứng đầu thì ta thậm chí có thể áp dụng những cái hình phạt nặng như đánh trẻ nhưng về lâu về dài thì chưa chắc đã để lại hậu quả tốt vì thực chất có rất nhiều người phạm tội cũng đã có một tuổi thơ bị đánh mắng nhiều thậm chí là bạo hành. Nói chung là cái gì quá cũng không tốt

    Trả lờiXóa
  17. Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ mỗi đứa trẻ và rõ ràng là mỗi đứa trẻ sinh ra phù hợp với những cách giáo dục khác nhau. Đòn roi cũng là một cách giải quyết tuy nhiên không phải là liều thuốc trong tất cả trường hợ. Điều này được minh chứng đó chính là trong một số trường hợp thì trẻ em vẫn có thể lớn lên và thành công mà không cần phải chịu những trận đòn roi, vậy nên việc cho rằng không đòn roi không có thiên tài tôi không đồng ý

    Trả lờiXóa
  18. Hiện nay đúng là có thực trạng các phụ huynh có xu hướng quá nâng niu và bảo vệ con mình. Quả thực với tình trạng "một con" như ở trung quốc thì khiến cho họ có xu hướng là bao bọc và bảo vệ con em mình, luôn cảm thấy thương xót nếu như con mình gặp chuyện gì; bên cạnh đó lại cũng xảy ra trường hợp có nhiều phụ huynh vì đặt quá nhiều kì vọng vào bọn trẻ mà khiến cho bọn chúng quá áp lực và dẫn đến tự tử. Vậy nên là tầm quan trọng của việc lựa chọn phương pháp để giáo dục là điều rất cần thiết

    Trả lờiXóa
  19. Với những ý kiến nào đưa ra thì đều cũng sẽ có những ý kiến trái chiều về nó! Vẫn là phụ thuộc vào việc phụ huynh có quan sát và quan tâm con mình hay không nữa. Roi vọt khi cần thiết thì cũng sẽ phát huy cái vai trò tốt tuy nhiên đòn roi nhiều cẩn thận sẽ phản lại tác dụng. Đúng là giáo dục nên một đứa trẻ tốt là sự cố gắng của cha mẹ, vì vậy người ta mới nói nuôi con là một nghệ thuật!

    Trả lờiXóa
  20. Giáo dục là điều cần làm cho mỗi đứa trẻ, tuy nhiên mỗi một người cần có phương pháp riêng, không phủ nhận một điều là kỉ luật sẽ giúp con trẻ phát triển hơn, nhưng phải ở một chừng mực nhất định để đảm bảo nó đủ hiểu vấn đề và nhận thức được đâu là lỗi lầm của mình

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog