Chia sẻ

Tre Làng

GS luật hình sự: Tây Ban Nha có thể yêu cầu bàn giao 2 nghệ sĩ Việt

Giáo sư luật hình sự Tây Ban Nha khẳng định nước này có thể yêu cầu phía Việt Nam bàn giao 2 nghệ sĩ nếu họ không tự nguyện trình diện trước tòa khi có yêu cầu.

“Trong trường hợp của 2 nghệ sĩ Việt, việc họ hiện diện trong phiên tòa công khai tại Mallorca là điều cần thiết. Nếu đúng như vậy, cả hai sẽ được yêu cầu quay trở lại Tây Ban Nha”, Francisco Javier Alvarez Garcia - giáo sư luật hình sự, Đại học Carlos III của Madrid - chia sẻ với Zing.

Ông trích dẫn Hiệp định dẫn độ (ký ngày 1/10/2014) giữa Tây Ban Nha và Việt Nam, trong đó hai nước cam kết hợp tác trong các vấn đề hình sự.

“Do đó, nếu cả hai nghệ sĩ liên quan không tự nguyện xuất hiện trước giới chức Tây Ban Nha, Tây Ban Nha có thể yêu cầu Việt Nam bàn giao cả hai người”, ông kết luận.

Giáo sư cũng nhận định tùy thuộc tội danh mà hai nghệ sĩ bị buộc tội, tòa án thụ lý có thể là tòa án cấp tỉnh Palma.

Trong khi đó, theo ông Antonio Pedro Rodriguez Bernal - luật sư bào chữa thành công nhiều vụ án hình sự, thời hạn kết thúc giai đoạn điều tra tối đa là một năm và có thể kéo dài thêm 6 tháng, nhưng thông thường là 6 tháng hoặc một năm.

“Có lẽ trong 1,5 năm sẽ có phiên xét xử tại tòa”, ông nói với Zing.

Trước đó, ngày 7/8, tờ Ultima Hora của Tây Ban Nha đưa tin tòa án Palma quyết định trả lại hộ chiếu cho hai nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam - được cho là diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh - vào ngày 3/8.

Theo Ultima Hora, hai công dân này bị tịch thu hộ chiếu và cấm rời khỏi Tây Ban Nha từ tháng 6 vì vướng cáo buộc hiếp dâm cô gái 17 tuổi trong khách sạn ở Andratx.

Khi đó, cả hai từ chối khai báo khi bị bắt trước tòa, sau đó được tại ngoại với điều kiện họ không được rời Mallorca. Ultima Hora cho biết gần một tháng rưỡi sau khi vụ việc xảy ra, họ đã có thể trở về nước.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, tòa án sở tại trả hộ chiếu cho hai công dân Việt Nam từ ngày 3/8 do có luật sư người địa phương đại diện liên lạc với tòa án.

“Quá trình điều tra vụ việc vẫn đang được tiếp tục”, thông cáo ngày 8/8 từ Bộ Ngoại giao cho biết. “Hiện hai công dân nói trên đã rời Tây Ban Nha”.

Thông cáo khẳng định Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục theo dõi, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý vụ việc theo nhiệm vụ và thẩm quyền.
Đừng bao giờ tuyên bố điều gì trước cảnh sát

Vị luật sư cho biết theo luật Tây Ban Nha, chỉ luật sư có chứng chỉ hành nghề ở nước này mới được phép bào chữa hoặc biện hộ trước tòa. Đây là điều bắt buộc.

Trong vụ việc của hai nghệ sĩ, người bị cáo buộc là người Việt Nam, còn người cáo buộc là người Anh, nhưng vụ việc xảy ra ở Tây Ban Nha. Do đó, Tây Ban Nha có thẩm quyền xét xử vụ án này.

Vì vậy, chỉ có luật sư có chứng chỉ hành nghề tại tòa án hình sự mới được phép bào chữa trước tòa. Kể cả khi người đó không muốn được bào chữa, tòa án có nghĩa vụ chỉ định luật sư.

Theo hệ thống luật pháp Tây Ban Nha, dựa theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, một vụ án chia làm 3 giai đoạn.

“Trong giai đoạn điều tra, điều tra viên sẽ hỏi tất cả người liên quan đến vụ án để thu thập bằng chứng. Khi tòa án xét thấy có đủ bằng chứng để tiếp tục truy tố thì sẽ chuyển sang giai đoạn 2. Giai đoạn 2 là lúc các bên có quyền đưa ra lời bào chữa hoặc lời buộc tội. Giai đoạn 3 diễn ra tại tòa án, là lúc việc xét xử bắt đầu”, ông Bernal cho hay.

Luật sư cho biết mọi quy trình bắt đầu khi một người bị tạm giam. Cảnh sát có nghĩa vụ thông báo cho người đó biết về quyền được phép có luật sư, hoặc nếu không, cảnh sát bắt buộc phải chỉ định luật sư cho người bị tạm giam.

Sau thời gian bị tạm giữ trong 72 giờ, tòa án sẽ quyết định trả tự do hoặc đưa nghi can vào trại tạm giam. Đây cũng là một phần trong giai đoạn điều tra, theo ông Bernal.

Luật sư Antonio Pedro Rodriguez Bernal từng bào chữa thành công nhiều vụ án hình sự, trong đó có cả tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng. Ảnh: Luật sư Rodriguez Bernal cung cấp.

Về lời khuyên cho người nước ngoài bị nhận cáo buộc ở Tây Ban Nha, luật sư Bernal cho rằng tốt hơn hết không nên nói bất cứ điều gì tại đồn cảnh sát, vì luật sư có mặt tại đồn cảnh sát không có quyền tiếp cận tài liệu.

“Khi một người bị bắt mà không có luật sư, cảnh sát sẽ yêu cầu chỉ định luật sư. Nhưng luật sư này đến đồn cảnh sát và không biết gì về vụ án”, ông lý giải. “Luật sư tại đồn cảnh sát không thể tư vấn cho (người bị cáo buộc) vì họ không biết thông tin về vụ án”.

Ngược lại, luật sư tại tòa có các bản sao hồ sơ và tất cả bằng chứng. Do đó, họ có thể tư vấn cho thân chủ những gì nên nói hoặc không nên nói, theo vị luật sư.

“Ngoài ra, người bị cáo buộc cũng không nên và không bao giờ tuyên bố điều gì khi còn ở đồn cảnh sát, mà nên nói trước tòa”, ông khẳng định.

Sự đồng thuận là yếu tố quan trọng nhất

Giáo sư Garcia nhấn mạnh tầm quan trọng của lời khai từ nạn nhân.

“Trước tiên, cần làm rõ tội hiếp dâm là hành vi phạm tội đặc trưng, được thực hiện khi không có ai khác có mặt, do đó không có nhiều bằng chứng ngoài những suy luận dựa trên lời kể của các bên liên quan: Nạn nhân và người thực hiện hành vi phạm tội”, ông nói.

“Vì vậy, trong quá trình điều tra, dưới những điều kiện nhất định, lời khai của nạn nhân được đưa ra có giá trị đặc biệt”, giáo sư khẳng định.

Về vấn đề này, luật sư Bernal cũng cho rằng “sự đồng thuận của cô gái là yếu tố quan trọng nhất”. Ông nói rằng lời cáo buộc của nạn nhân sẽ khởi xướng quy trình pháp lý ở Tây Ban Nha, nhưng lời cáo buộc này phải nhất quán, chắc chắn trong mọi giai đoạn và không có chi tiết mâu thuẫn.

“Rõ ràng bằng chứng cho thấy cô gái có sự đồng thuận rất quan trọng trong cuộc thẩm tra của tòa án. (Luật sư) cần cố gắng tìm hiểu xem người này có bày tỏ sự đồng thuận hay không, dù chỉ gián tiếp qua giọng điệu hay thái độ”, ông nói.

“Việc chứng minh một người không đồng thuận rất phức tạp và việc chứng minh điều ngược lại cũng vậy, trừ khi có nhân chứng đưa ra lời khai củng cố cho việc nạn nhân đã đồng thuận, dù chỉ bằng cách gián tiếp”, vị luật sư nói thêm.

Vị luật sư khẳng định để đưa ra quyết định, tòa án cần nhiều bằng chứng chứ không thể chỉ dựa vào một lời cáo buộc. Họ cần nhân chứng, camera ghi hình, hoặc ghi chép từ khách sạn.

“Với cáo buộc hiếp dâm, người đó phải nhắc lại cáo buộc nhiều lần, tại đồn cảnh sát, trong bệnh viện với chuyên gia, và 2-3 lần tại tòa án trước mặt công tố viên, bị cáo và luật sư bào chữa”, ông Bernal nói.

Trong khi đó, giáo sư Garcia lưu ý theo luật hình sự Tây Ban Nha, những người trên 16 tuổi được coi là có đủ năng lực chấp thuận quan hệ tình dục. Do đó, trong trường hợp này, cuộc thảo luận sẽ không tập trung nhiều vào việc hai nghệ sĩ có quan hệ tình dục với cô gái hay không, mà điều quan trọng là có sự đồng ý của nạn nhân hay không.

Về vấn đề này, luật sư Bernal cũng nhận định khoảng cách tuổi tác giữa bị cáo và nạn nhân khó ảnh hưởng đến phán quyết của tòa vì trong vụ án này, người được cho là nạn nhân đã 17 tuổi.

“Bộ luật Hình sự Tây Ban Nha năm 2018 không có quy định nào về chênh lệch tuổi tác, quy định duy nhất là về việc một người (lợi dụng) chênh lệch tuổi tác để phạm tội sẽ bị coi là tình tiết tăng nặng, nhưng Bộ luật Hình sự cũng không nêu độ tuổi cụ thể”, ông trích dẫn.

“Vì vậy, đây không phải một vấn đề lớn. Nếu nạn nhân dưới 16 tuổi, đây là tình tiết tăng nặng, nhưng trong trường hợp này thì không”, ông giải thích.

Về nước không ảnh hưởng tới việc điều tra

Theo giáo sư Garcia, hai nghệ sĩ được trả tự do dựa trên giả định vô tội quy định trong điều 24, một trong những điều quan trọng nhất của hiến pháp Tây Ban Nha.

Vì thế, những người bị điều tra hình sự thông thường sẽ được hưởng quyền tự do, trừ khi có những lý do chính đáng được quy định trong điều 502 và những điều khác của Luật Tố tụng Hình sự.

Ông Francisco Javier Alvarez Garcia - giáo sư luật hình sự, Đại học Carlos III của Madrid. Giáo sư Alvarez Garcia, 69 tuổi, từng là thành viên ban chuyên gia của Đài quan sát quốc gia về bạo lực với phụ nữ thuộc chính phủ Tây Ban Nha. Ông đã tham gia giảng dạy trong nhiều khóa đào tạo cho thẩm phán, công tố viên và cảnh sát ở Tây Ban Nha cùng hầu hết nước Mỹ Latinh. Ảnh: Corresponsales.

Ông Garcia nhận định động thái này không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, nhưng cho thấy bằng chứng chống lại hai nghệ sĩ “chưa chắc chắn”.

“Trong trường hợp này, cả nạn nhân và bị cáo đã về nước. Cảnh sát và cơ quan tư pháp cũng đã tiến hành thủ tục và xét nghiệm pháp y cần thiết. Kể từ thời điểm đó, cơ quan tư pháp phụ trách vụ án sẽ tiến hành các thủ tục bên lề, trong đó có thể không cần sự hiện diện của bị cáo hoặc nạn nhân. Vì vậy, việc (hai nghệ sĩ) về nước không ảnh hưởng đến quá trình tiến hành thủ tục”, ông nói.

“Việc hai công dân Việt Nam được trả hộ chiếu, trả tự do và được phép về nước cho thấy bằng chứng chống lại họ chưa chắc chắn”, ông cho biết thêm.

Khi được hỏi đánh giá của luật sư về vụ án 2 nghệ sĩ Việt, ông Bernal cho rằng bản thân khó nhận xét bởi không có thông tin chi tiết về vụ án.

“Tôi muốn nhấn mạnh những gì được nêu trên báo sẽ khác so với lời cáo buộc trước tòa, bởi tòa án sẽ tính đến nguyên tắc giả định vô tội”, luật sư cho hay.

Tuy nhiên, xét theo cáo buộc hiện tại, ông Bernal nói có thể coi đây là tội nghiêm trọng. Theo những vụ việc mà ông chứng kiến trước tòa, bị cáo bị phạt 6-12 năm tù bởi việc có 2 người cùng tham gia hành vi phạm tội có thể coi là tình tiết tăng nặng.

“Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh lại đây sẽ chỉ là hình phạt nếu như có đầy đủ bằng chứng. Nếu như không đủ bằng chứng, vụ việc sẽ được đóng lại và không ai bị truy tố”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông nói thêm nếu được đánh giá là mắc tội nghiêm trọng, ngay cả khi nạn nhân quyết định không tiếp tục tố tụng, công tố viên vẫn có quyền tiếp tục truy tố, nếu họ tìm thấy đủ bằng chứng.

Nếu đặt mình vào vị trí luật sư của hai nghệ sĩ Việt, ông Bernal nhấn mạnh ở giai đoạn này, họ cần cẩn trọng trong lời nói.

“Trong giai đoạn này, thông thường những người liên quan không phải làm gì cả, vì đây là giai đoạn mà tòa án và cảnh sát mới là bên cần thu thập (bằng chứng). Điều duy nhất họ nên làm lúc này là đừng nói gì cả và đợi đến lúc tòa án thu thập đầy đủ chứng cứ, sau đó nhờ sự giúp đỡ của luật sư”, ông nói.

“Tại thời điểm này, hai người bị cáo buộc vẫn được bảo vệ bởi nguyên tắc giả định vô tội, còn tòa án và công tố viên phải thu thập đủ chứng cứ. Điều hai người cần làm hiện nay là không nói bất cứ điều gì có thể gây bất lợi cho họ và ảnh hưởng đến khả năng bào chữa trong tương lai”, ông Bernal giải thích.

Tội nghiêm trọng không thể có hòa giải

Nhiều nghi vấn cũng được đặt ra về trường hợp hai nghệ sĩ Việt được xử trắng án. Theo luật sư Bernal, dù hai người được xử không có tội, khả năng cao cô gái sẽ không phải chịu trách nhiệm gì.

“Lời cáo buộc sai được coi là một tội danh. Tuy nhiên, khi tòa án quyết định không tiếp tục truy tố hoặc xử trắng án và xóa tội danh (cho bị cáo), điều đó không có nghĩa sự việc đã không xảy ra, mà chỉ có nghĩa là họ không tìm thấy đủ bằng chứng để đưa ra phán quyết bất lợi cho những người này”, ông lý giải.

Ông cho rằng có khả năng tòa án ra quyết định như trên vì họ chưa tìm thấy đủ bằng chứng. Điều đó không có nghĩa các sự kiện có thật sự xảy ra hay không.

“Một bên là sự thật trong thực tế và một bên là sự thật tại tòa án. Và sự thật tại tòa án phải được chứng minh đầy đủ bằng bằng chứng”, ông kết luận. “Vì vậy, trừ khi ta có thể chứng minh lời khai của người tố cáo là hoàn toàn sai sự thật, việc truy tố người tố cáo là rất khó khăn”.

Vị luật sư cho rằng nhiều người có thể khởi kiện dân sự người đưa ra cáo buộc vì uy tín và danh tiếng của họ đã bị tổn hại. Tuy nhiên, trong luật Tây Ban Nha, sẽ rất khó để truy tố thành công người cáo buộc, trừ khi tất cả bằng chứng đã được thu thập trong vụ việc cho thấy người này đã đưa ra lời khai hoàn toàn sai sự thật.

“Điều này rất phức tạp. Về mặt lý thuyết là có thể, nhưng trong thực tế thì rất khó”, ông nhận định.

Bên cạnh đó, trong hệ thống pháp luật hình sự Tây Ban Nha, tội nghiêm trọng không thể có hòa giải.

“Khả năng duy nhất là tiến hành thỏa thuận giữa công tố viên và luật sư bào chữa để giảm hình phạt trong phạm vi được quy định ​​trong Bộ luật Hình sự. Thông thường, luật sư của bị cáo có thể thỏa thuận với công tố viên để giảm án nhưng luôn trong phạm vi nhất định”, ông nói.

Vị luật sư dẫn ví dụ về tội hiếp dâm. “Tòa án có thể đưa ra hình phạt 6-12 năm tù. Bị cáo có thể thỏa thuận giảm xuống 6 năm nhưng không thể thấp hơn, tức chỉ trong phạm vi được quy định tại Bộ luật Hình sự”, ông Bernal cho hay.

Ông còn chú ý tới chi tiết sau khi bị kết án, bị cáo vẫn có thể kháng cáo thay đổi hình thức chấp hành án.

“Chẳng hạn, trong trường hợp này, Việt Nam và Tây Ban Nha có thỏa thuận quốc tế quy định việc (bị cáo) có thể chấp hành hình phạt tại nước mình. Nếu một người Việt bị kết án tại Tây Ban Nha, theo thỏa thuận trên, họ có thể chấp hành bản án ở Việt Nam”, ông nói.

Theo vị luật sư, nếu bị cáo chấp hành hình phạt ở Tây Ban Nha, họ có thể xin xét giảm trong một số trường hợp, chẳng hạn giảm 1/3 hình phạt trong giai đoạn chấp hành đầu tiên. Nếu có biểu hiện tốt và hoàn thành mọi việc được giao trong tù, họ có thể xin giảm án. Và sau vài năm, khi bước vào giai đoạn thứ ba trong quá trình chấp hành án, họ gần như có thể tự do.

“Song, điều quan trọng nhất đối với người Việt Nam bị kết án ở Tây Ban Nha là hai nước đã có thỏa thuận cho phép họ chấp hành hình phạt ở Việt Nam”, ông Bernal kết luận.

Nguồn: 
Phương Linh Hải Linh

1 nhận xét:

  1. Bài học cho nhiều anh tham của lạ khi đến các miền đất mới, cứ đàng hoàng mà chơi thì cũng không phải chịu cảnh này đâu, biết là phía bị hại có thể gài bẫy các ông nhưng lỗi do các ông mà ra cả, không có lửa làm sao có khói, giờ đối diện với pháp lý, mà về nhìn mặt gia đình cũng khó

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog