Chia sẻ

Tre Làng

RFA lại “ăn gian, nói dối”

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nỗ lực và quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh, phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu lại đang cố gắng xuyên tạc tình hình, kết quả công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng ở nước ta để lèo lái chống phá.

Cách đây hơn 10 năm, tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã chỉ rõ: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực… gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo. Tham nhũng trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Nhận thức được sự nguy hiểm của vấn nạn tham nhũng, Đảng, Nhà nước ta đã xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, “lưỡi không xương trăm đường lắt léo - miệng không vành méo mó tứ phương”, dưới cách nhìn nhận, đánh giá của giới “dân chủ”, công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã trở nên méo mó, lệch lạc. Trong đó, Đài Á châu tự do - RFA là một trong những kênh truyền thông nước ngoài thường xuyên chia sẻ, cung cấp những thông tin phiến diện, lệch lạc về công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam nhằm gây nhiễu loạn dư luận, bôi nhọ chính quyền. Trong bài viết “Mặt trái chống tham nhũng của Đảng CSVN” và “Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế” mới được RFA đăng tải, nhiều luận điệu sai trái đã được đưa ra như: “Cuộc chiến chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc được phát động ở Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã khiến nhiều quan chức cấp cao vào tù hoặc đang bị điều tra. Điều này khiến các quan chức chính phủ khác lo ngại và không dám bật đèn xanh cho việc mua bán hàng hóa hay các khoản đầu tư vì sợ bị điều tra tham nhũng”, “khi các quan chức bị soi xét một cách quá chặt chẽ chuyện tham nhũng, họ dần mất đi động lực để thúc đẩy các dự án chạy”… Đồng thời, những “nhà dân chủ” cũng “hiến kế” cho rằng phải “bỏ bớt lực lượng công an, bỏ bớt các cơ quan của Đảng”, “thay đổi thể chế chính trị” để có thể phòng, chống tham nhũng (?!).

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước ta triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, chúng ta cũng đẩy mạnh đấu tranh, xử lý đối với những cá nhân, tổ chức có vi phạm. Những kết quả đạt được của công tác phòng, chống tham nhũng đã góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Những luận điệu cho rằng công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng làm ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế là một sự đánh giá thiển cận và hết sức phi lý. Vài năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống kinh tế toàn cầu nói chung và ở nước ta nói riêng có phần ảm đạm hơn so với thời gian trước. Đây là do nguyên nhân khách quan, không thể đổ lỗi cho công tác phòng, chống tham nhũng như lập luận “nhìn gà hóa cuốc” của các “nhà dân chủ”. Thực tế, chính việc đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong nước. Công tác phòng, chống tham nhũng được gắn chặt với việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật cũng như nâng cao đạo đức công vụ. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước cũng chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch. Trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 của Chính phủ, nước ta đã hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách về hải quan, tín dụng, xuất nhập khẩu và một số lĩnh vực khác, đảm bảo tính minh bạch, công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nghiên cứu hoàn thiện pháp luật về tài chính, ngân hàng, thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động… Đây là những điều kiện thuận lợi để nền kinh tế phát triển một cách “mạnh khỏe”.

Bất chấp việc những “nhà dân chủ” đang ngày đêm xuyên tạc tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thì nhiều tổ chức quốc tế lại có những nhận định hoàn toàn ngược lại. Đơn cử, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022; tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s hồi tháng 9 đã nâng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ Ba3 (triển vọng tích cực) lên Ba2 (triển vọng ổn định). Rõ ràng, công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong quần chúng. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã giúp chúng ta “gạn đục, khơi trong”, loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính, có tinh thần phục vụ. Đồng thời, cũng qua công tác phòng, chống tham nhũng đã làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt những thành tựu không thể phủ nhận. Như Đại hội XIII đánh giá: “Thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên; tính tự chủ được cải thiện; tích lũy và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế”. Đây là minh chứng tiêu biểu, rõ ràng khẳng định Việt Nam đang phát triển đúng hướng. Việt Nam luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp chân thành của tất cả mọi người để ngày càng phát triển. Vậy nhưng, với những kẻ cố tình “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, liên tục tiến hành các hoạt động chống phá thì Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: Trần Tú/BPO 

3 nhận xét:

  1. các tên phản động, đặc biệt là lũ ăn hại đất nước như Việt Tân, rồi những đài chống phá như RFA, BBC chúng chỉ lợi dụng những sơ hở, thiếu sót, những sai phạm trong quản lý đất nước để lên giọng để chống phá chống đối chính quyền. Những kẻ như vậy không chấp nhận được, những nỗ lực của Đảng và Nhà nước bị chúng phủ nhận hoàn toàn..đúng là lưỡi không xương trăm đường lắt léo

    Trả lờiXóa
  2. tất cả chỉ là những giọng điệu dơ bẩn của những tên phản quốc, chống đối chính quyền, chúng chỉ lợi dụng những lúc sai phạm, sơ hở của bộ máy chính quyền rồi dựa vào đó mà lên án, thoa túng tâm lí nhân dân, dao động tư tưởng trong nhân dân, không thể để chúng làm những hành động đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước

    Trả lờiXóa
  3. vẫn chỉ là những chiêu trò lợi dụng sơ hở, sai phạm của bộ máy chính quyền rồi lên án, bóp méo sự thật, rồi vẽ vào tâm lí nhân dân những thứ dơ bẩn, lời lẽ chống phá chế độ, đó vẫn chỉ là những con ruồi, con rận chứ không bao giờ có thể dao động được tư tưởng của nhân dân

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm mở rộng

Google TreLang

Tre Làng

Thông kê truy cập

Lưu trữ Blog